Friday, August 30, 2013

HỘI HỌA VÀ PHÁI NỮ (3)

NẶC  DANH  trình diễn  - Vũ Điệu USA  (năm ?)

   Nếu ta nhớ Pop là cách viết tắt của Popular ( bình dân, quần chúng)  thì có thể giải thích sức truyền bá của phong trào mỹ thuật này ở Mỹ. Dễ hiểu  như hoạt họa và bích chương quảng cáo, Pop Art không gây dị ứng thẩm mỹ cho khán giả như các họa phẩm kiêu kỳ khó hiểu của chủ nghĩa hiện đại. Vì thế nó trở thành mặt hàng mỹ thuật được nền công nghệ văn hóa (cultural industry) sản xuất đại trà, hạ thấp tranh vẽ với tranh in xuống dạng thương phẩm tràn lan xã hội tiêu thụ.
   Tô màu lá cờ USA lên một thân hình tuyệt mỹ rồi trình diễn múa hát trước công chúng, người đàn bà hóa thân thành một biểu tượng quốc gia. Kẻ thông minh có kiến văn sẽ thú vị vỗ tay khen: "Đây là Op Art (optical = thị giác) nhân đôi với nghệ thuật ý niệm dưới những đường cong gợi cảm và mời gọi bản năng. Wow! America is so sexy!" Nhà lý luận uyên bác trầm ngâm mấy phút rồi thốt lên với người bạn bên cạnh: " Màn trình diễn này minh họa lời tuyên bố của Oldenburg năm 1961,  'I am for an art that is political-erotical-mystical...' , đúng là nghệ thuật có khả năng vừa mang thông điệp chính trị, vừa dâm một cách huyền bí!".  Nhà phê bình vuốt râu gật gù: " Pop là pomo, là hậu hiện đại, là nữ quyền luận tự trình diễn, là Cindy Sherman, là barocco-romantico, et tutti quanti!"



                                            DELACROIX - Tự do dẫn đường nhân dân (1830)

   Bây giờ ta chơi trò đổi kênh lịch sử - văn hóa, hình dung Delacroix hiện hồn đứng giữa hai vị lý luận và phê bình gia, đoạn lắng nghe  ý kiến của nhà danh họa: " Hay lắm, hay lắm! Ăn nói không thua các nhà hùng biện thời xưa, nhưng thú thật tôi không hiểu hết các thuật ngữ tân kỳ trong diễn ngôn của hai bác. Khi ngắm người đẹp bôi phết màu cờ Hoa Kỳ trên thân hình mỹ nữ, tôi liên tưởng đến bức tranh Nàng Tự Do phất cờ khởi nghĩa của tôi. Cũng là chủ nghĩa lãng mạn dân tộc, cộng thêm sự tự tôn đế quốc. Chất men dân túy mà tôi có hơi lạm dụng để động viên tình cảm  và ngợi ca dân Pháp nay lại thấy thiên hạ khai thác vô tội vạ trong các dịp lễ Quốc Khánh hay Độc Lập. Chuyện quảng cáo với buôn bán cờ xí  này đâu có gì mới mà các bác thậm xưng là hậu hiện đại với nữ quyền luận! Gần đây lên xuống Âm Cung, tôi làm quen với hai nhà chính trị kiêm đạo diễn và lý luận nghệ thuật . Tôi chưa có thời giờ tra cứu lý lịch nhưng nghe đâu giới chuyên gia về văn hóa-chính trị rất tâm phục hai nhân vật này. Nhân thể cũng thông báo luôn cho hai bác điều nghiên: họ có tên là Stalin và Mao Trạch Đông." Nói xong, Delacroix tan biến. Hai vị còn lại - kẻ rút smartphone, người bật palmtop  - lập tức bấm gõ bàn phím, rồi đồng loạt kêu lên: " Xem đây! ngắm mấy bức tranh này! Giống Pop Art  quá!"

Poster #31 
   Trong lúc các ngón ảo thuật của quảng cáo Âu-Mỹ đã biến nhan sắc và thân hình phái đẹp thành vật thể của show business không ngừng khuyến khích lối sống tiêu thụ, bên kia các bức tường sắt hay rào tre Liên Xô, Trung Quốc cùng chư hầu cũng mượn bóng dáng phụ nữ trong xão thuật tuyên truyền của họ. Dưới chiêu bài xóa bỏ giai cấp, đề cao bình đẳng nam nữ là một trò bịp khó gạt được hàng triệu dân đen thiếu thốn, lam lũ, mắt miệng bị che bị bịt, còng lưng gánh bộ máy
quan lại đói khát quyền lực.



 
    

 
  Nếu Guy Debord đã gọi xã hội tư bản ngày nay là "société du spectacle" dùng các hình ảnh ca ngợi chủ nghĩa vật chất để kiếm thêm lợi nhuận ; ta có thể chơi chữ và gọi chế độ lao công chuồng trại là "spectacle sans société" - với bích chương và ống loa ngày đêm tuyên truyền "Thiên đường Cộng sản" ở đó con dân là những nguyên tử rời rạc không còn niềm tin vào xã hội vì phải nghi ngờ đối phó từ người trong nhà cho đến từng gương mặt lạ ngoài đời.

                                  ROSENQUIST - Marylin Monroe (1962)
                                                      
     So sánh tranh tuyên truyền xô-viết  với Pop Art Hoa Kỳ , ta nhận ra một mẫu số chung: Dù là superstar  của show business như Marylin Monroe hay gương mẫu lao động tiên tiến của xã hội chủ nghĩa , đằng sau những hình ảnh trên đây là sự giả dối của hai ý thức hệ khai thác với ít nhiều tinh vi  phái nữ và biến họ thành biểu tượng của thành công, của hạnh phúc, của năng lực sinh động tràn trề phẩm chất tự nhiên. Susan Sontag cũng như Milan Kundera, với kinh nghiệm ở hai cực của Chiến Tranh Lạnh, đã gọi là KITSCH các sản phẩm mỹ thuật hoa hòe bịp bợm này. Lợi dụng sự cả tin nhẹ dạ của tai và mắt, chúng tìm cách thao túng cái đầu và sai khiến quả tim của đám đông.Với độ lùi lịch sử, hôm nay ta có thể đánh giá khách quan hơn tác động của các thứ phẩm mỹ thuật của tuyên truyền xô- viết hay mao-ít; có lẽ chúng lừa được thế giới bên ngoài nhiều hơn là mị dân trong nước. Cũng như Pop Art và điện ảnh với TV Hollywood là các kênh thính thị để truyền bá giấc mộng American Dream ra ngoài nước Mỹ, tiếp tay cho đế quốc văn hóa từng bước chinh phục địa cầu bằng soft power.

CHÂN  PHƯƠNG

(còn tiếp)  



















                                                            

  






 

No comments: