Tuesday, September 3, 2013

Đến với người để tìm ra mình



Chị Tố Nga ( bên phải ) và chị Thùy Như -con gái nhà văn Nguyễn Đình Thi
Đó là chia sẻ của bà Trần Tố Nga, một nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin, người mang hai quốc tịch Việt – Pháp, khi nói về vụ kiện các công ty hóa chất của Mỹ mà bà đã và đang cùng các luật sư Pháp chuẩn bị hồ sơ đưa ra trước tòa án lương tâm quốc tế. 


“Vụ kiện này sẽ là cống hiến cuối cùng của đời tôi”

Người phụ nữ đã ngoài 70 ngồi tiếp chuyện tôi sáng đó có gương mặt đẹp và phúc hậu. Thật khó hình dung khi ở cái tuổi cổ lai hy, bà vẫn được trời cho làn da thật nhẵn, sáng và khỏe mạnh, hàm răng đều đặn, rạng rỡ và ánh mắt thì vẫn rất tinh anh. Khó hình dung hơn nữa nếu người ta biết bà đã từng bị đế quốc Mỹ bỏ tù năm 1974 lúc đang mang thai, sau đó lại phải sinh và nuôi con ngay trong nhà giam đế quốc. Lạ lùng hơn khi tôi biết, chỉ cách đây vài năm, trong kết quả xét nghiệm máu của phòng khám bên Đức gửi về, hàm lượng đi-ô-xin trong máu của bà vẫn đang ở cao hơn mức cho phép trung bình của người Việt.
Căn nhà của bà Tố Nga giờ đã là xưởng thiết kế của nhà tạo mẫu Mai Kiều Liên, người con gái thứ ba. Trời cho người phụ nữ hồng nhan này đặc ân về sắc đẹp thì cũng lại đẩy cho bà biết bao nhiêu điều có thể gắn vào hai chữ “bạc mệnh”. Người chồng vốn là bạn đồng môn sau hơn mười năm chung sống, có với nhau tới ba mặt con, giờ đã là chồng của người khác. Cô con gái đầu lòng qua đời lúc mới hơn một tuổi vì bệnh tim bẩm sinh mà mãi sau này bà mới biết do di hại của chất độc da cam/đi-ô-xin. Cô con gái thứ hai sinh ra đã gặp nhiều trục trặc về sức khỏe, hiện giờ đang mắc phải tất cả những chứng bệnh của bà cũng vì di hại đi-ô-xin. Chỉ có Mai Kiều Liên là người may mắn thoát khỏi tấm lưới thảm kịch bủa vây của loại chất độc đế quốc Mỹ rải xuống miền Nam Việt Nam những năm 70 của thế kỷ trước.
Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua tính từ thời điểm đế quốc Mỹ lần đầu tiên rải các chất hóa học kinh hoàng da cam/đi-ô-xin xuống miền Nam Việt Nam (10/8/1961 – 10/8/2013), nỗi đau do nó gây ra vẫn không thôi nhức buốt. Chúng ta đã 3 lần khởi kiện các công ty hóa chất của Mỹ song bất thành. Với gần 5 triệu người bị nhiễm và phơi nhiễm loại hóa chất độc hại này vẫn đang khổ sở đối mặt với cuộc sống và bệnh tật, có thể nói, gánh nặng của quá khứ sau nửa thế kỷ vẫn còn rất bộn bề. Nhưng gần 5 triệu người đó chỉ là con số rất ước lượng, rất hành chính. Bi kịch hơn, còn rất rất nhiều người khác không hề biết mình đã và đang chịu ảnh hưởng của loại chất độc có khả năng “hủy diệt cả gia tộc” như cụm từ bà Tố Nga dùng để nói về chất độc da cam/đi-ô-xin. Chính bà Nga cũng đã từng như thế. Mọi chuyện chỉ thực sự dấy lên những hồ nghi trong bà vào những năm sau giải phóng, trong quá trình làm công tác xã hội, bà có dịp đi thăm nom, tặng quà các nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin tại Thái Bình.
Bà Nga còn nhớ, lần đó về Thái Bình, một địa phương từng có rất nhiều nam nữ thanh niên xung phong vào chiến trường những năm chống Mỹ, bà đã gặp một cảnh ngộ rất đỗi thương tâm. Người con gái năm xưa đẹp nhất làng sau chiến tranh trở về, lấy một anh cũng rất đẹp trai, khỏe mạnh. Ấy thế mà khi những đứa con ra đời, tất thảy mọi người đều kinh hoàng trước sự phát tác của chất độc da cam. Đứa thứ nhất là một cục thịt, đứa thứ hai là một cục thịt, đứa thứ ba cũng lại là một cục thịt. Dù vậy thì họ vẫn phải tiếp tục sinh con để tìm cơ may nối dõi. Sau ba đứa con không được làm người, họ còn sinh thêm hai đứa nữa. Và đứa thứ tư, rồi thứ năm, may mắn hơn 3 đứa em trước, có đủ hình hài làm người, nhưng bất hạnh thay, chúng lại không có óc và bị điên. Sau nửa tháng trở về nhà từ chuyến đi đó, bà Nga không thể ngủ được. Trong bà luôn hiện lên hình ảnh hai đứa trẻ vật vờ trong gia đình người phụ nữ từng là hoa khôi của làng. Một đứa cứ lấy đầu đập vào tường, đứa kia bò lổm ngổm tìm kiếm những vật linh tinh, bẩn thỉu trên mặt đất. Còn người mẹ bất hạnh, dù ít hơn bà cả chục tuổi, nhưng nhìn bên ngoài, bà Nga biết trông chị già hơn bà rất nhiều vì sự suy sụp và đau khổ. Bà Nga còn nhớ, người mẹ ấy đã nói, không dưới ba lần, chị đã tìm đến cái chết. Nhưng rồi đứng trước dòng sông, nghĩ tới người chồng đang nằm liệt ở nhà, nghĩ tới hai con tàn tật không nơi nương tựa, chị lại lau nước mắt cắn răng trở lại. Nỗi đau da cam vô cùng thê thảm đã khiến bà Nga vô cùng xúc động, thương camr. Bà lại nghĩ về mình, về những năm tháng đã qua, về cái chết bất thường của đứa con đầu lòng, về căn bệnh hồng cầu khuyết giống hệt của bà và cô con gái thứ hai. Rồi bà tự hỏi, ừ, biết đâu, mình cũng là một nạn nhân như thế?
Và cũng kể từ những ngày rời Thái Bình trở về, bà đã bà dành mọi hoạt động quyên góp, vận động tài trợ cho những nạn nhân chất độc da cam. Dường như bà đã thấy ở họ có những đồng điệu về thân phận mà ngay tại thời điểm đó, bà chưa có đủ căn cứ khoa học để xác định.
Chỉ mãi sau này, khi đã có kết quả xét nghiệm máu, bà mới thực sự khẳng định nỗi hồ nghi ám ảnh ngày đó của mình. Bà nhớ lại hai sự kiện đã dẫn tới việc mình nhiễm chất độc da cam. Lần đầu tiên là khoảng năm 1966, sau khi trở lại miền Nam chiến đấu, bà ở chiến trường Củ Chi. Trong một lần đang ở dưới hầm, nghe tiếng máy bay rì rì trên mặt đất, phần nhiều do tò mò, bà chui ra khỏi hầm xem xét thì bị một đám bột dính nước nhơn nhớt phủ đầy lên người. Mặc dù khi đó làm phóng viên cho Thông tấn xã, bà thường xuyên phải đưa những bản tin về việc rải chất độc da cam/đi-ô-xin của Mỹ ở nhiều khu vực chiến đấu, nhưng vào lúc đó, bà không hề nghĩ mình cũng đang bị ngấm vào người loại chất độc này. Mọi chuyện cứ thế trôi qua, bà xuống hầm tắm rửa cho sạch lớp bột bẩn dính lên người rồi cũng quên luôn về nó. Hai năm sau, trong chuyến đi dự Đại học anh hùng lực lượng vũ trang lần thứ 2 tại Bù Đốp, hành trình đoàn công tác phải đi qua những cánh rừng đã từng bị rải chất độc da cam/đi-ô-xin, có những đoạn không có đường ô tô, mọi người phải xuống lội bộ, chân ngập sâu trong những thảm lá mục và bùn lầy do nước mưa lâu này lắng đọng. Lần thứ hai này bà cũng không hay mình đã “tích” thêm vào người loại hóa chất diệt chủng kinh hoàng có tên da cam/đi-ô-xin.

Trở thành công dân Pháp...

Là người miền Nam nhưng bà Trần Tố Nga có một khoảng thời gian khá dài, chừng 10 năm gắn bó trên đất Bắc. Từ năm 13 tuổi, bà được học ở trường học sinh miền Nam, bà đã lớn lên cùng với một thế hệ những thanh niên đầy nhiệt huyết lý tưởng trong thời tuổi trẻ thật đẹp như Lê Anh Xuân, Chu Cẩm Phong. Ngày nhận được tấm bằng tốt nghiệp khoa Hóa trường Đại học Tổng hợp (nay là Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) do hiệu trưởng Ngụy Như Kon Tum trao cho, cũng là ngày bà khoác ba lô cùng những đồng đội, bạn bè khác vượt Trường Sơn trở lại miền Nam chiến đấu. Những năm tháng làm phóng viên chiến trường cho Thông tấn xã, rồi trở về hoạt động trong nội thành Sài Gòn, bị bắt khi đang mang thai, rồi vào tù, sinh con trong điều kiện giam cầm khắc nghiệt đã rèn thêm ý chí và lý tưởng cách mạng ở người phụ nữ Nam Bộ dịu dàng song cũng vô cùng mạnh mẽ này. Trở lại cuộc sống sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, bà lại say sưa với công tác giáo dục, một nghề mà cũng là cái nghiệp cả đời bà gắn bó.
Cũng giống như rất nhiều người con miền Nam được sinh ra hoặc lớn lên trên đất Bắc, trong tim mình, bà Nga luôn dành một tình cảm thật sâu nặng với đồng bào nơi đây. Cái ân tình đó không dễ báo đáp cho hết, nhưng trong khi hoạt động công tác xã hội, bà Nga luôn có ý thức chăm chú, vun đắp. Chẳng thế mà ngay trong lần đầu tiên tham gia công tác xã hội, bà đã xin được bảo trợ cho một trường trẻ em mồ côi ở miền Bắc. Sau này, nhờ có vốn liếng ngoại ngữ cùng các mối quan hệ cá nhân rất tốt, bà đã vận động được nhiều nguồn tài trợ của Pháp đưa về xây tặng trường học cho các tỉnh còn nhiều khó khăn ở miền Bắc, đặc biệt là những nơi đã từng bị thực dân Pháp tàn phá trong chiến tranh như Điện Biên, Cao Bằng, Nam Định, Tuyên Quang, Phú Thọ, v.v...
Cũng vì những đóng góp tích cực, say sưa trong công tác xã hội và góp phần tăng cường mối quan hệ hữu nghị giữa hai dân tộc Việt – Pháp mà năm 2005, bà đã được chính phủ Pháp trao tặng huân chương Bắc đẩu bội tinh. Nhờ có huân chương này, bà được tạo điều kiện để trở thành công dân mang quốc tịch Pháp. Thời điểm đó, có lẽ bà Nga cũng chưa thể ngờ, sự ghi nhận đóng góp của chính phủ Pháp sẽ còn mở ra cho bà một cơ hội lớn hơn nữa để giúp đỡ hàng triệu người Việt chịu ảnh hưởng chất độc da cam/đi-ô-xin trong chiến tranh chống Mỹ.

... và hành trình đòi công lý cho nạn nhân da cam

Vị luật sư nổi tiếng thế giới người Pháp La William Bourdon có lần gặp gỡ thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nói, nếu ông tìm được một công dân Pháp bị ảnh hưởng chất độc da cam/đi-ô-xin do Mỹ rải xuống Việt Nam trong chiến tranh, ông sẽ giúp giải quyết đến cùng vụ kiện đòi công lý cho hàng triệu nạn nhân đang phải gánh chịu nỗi đau này. Và ông La William Bourdon đã giữ đúng lời hứa khi gặp được bà Trần Tố Nga.
Trên thực tế, các điều luật của Pháp quy định, luật sư Pháp chỉ có thể đứng ra giải quyết vụ kiện một công ty ở nước khác khi nguyên đơn là người có quốc tịch Pháp. Vì lẽ ấy, muốn giúp Việt Nam đấu tranh đòi công lý trong vụ kiện các công ty hóa chất của Mỹ đã sản xuất chất độc da cam/đi-ô-xin, các luật sư nhất thiết phải tìm được một công dân Pháp bị ảnh hưởng bởi loại chất độc này. Nguyên lý đó thật đơn giản nhưng để giải quyết lại không hề dễ dàng. Và theo như lời các luật sư quốc tế, bà Trần Tố Nga là cơ hội hiếm hoi để một lần nữa, Việt Nam có được sự hỗ trợ hợp pháp và căn cứ pháp lý để đứng ra khởi kiện các công ty hóa chất của Mỹ, nhưng không phải trên đất Mỹ, khác với cách mà 3 lần khởi kiện trước ta đã làm và thất bại.
Để tham gia vụ kiện lần này, bà Nga đã phải gửi 100ml máu sang phòng xét nghiệm ở Đức và khắc khoải chờ đợi trong 2 tuần. Có lẽ chẳng bao giờ lại có chuyện “tréo ngoe” như việc bà đã mừng đến rơi nước mắt khi nhận được kết quả cho biết nồng độ đi-ô-xin trong máu mình đang cao hơn mức cho phép khá nhiều. Bà thực sự mừng vì bà biết, bệnh tình mình đã mang trong người bao lâu nay rồi, giờ biết thêm cũng đâu có gì khác. Nhưng điều vô cùng quan trọng, với kết quả xét nghiệm, bà đã có được bằng chứng khoa học để làm căn cứ khởi kiện các công ty hóa chất Mỹ. Đằng sau bà là cả triệu nạn nhân đang chờ sự thành công của vụ kiện. Bà sẽ là tiền lệ cho những cuộc khởi kiện sau này theo cách đó.
Những phân tích kỹ lưỡng hơn của các nhà nghiên cứu càng củng cố thêm cho các chứng cứ khởi kiện của bà. Sự thực, khi bà sinh đứa con đầu lòng, nó đã gánh cho bà tới 70% chất độc nhiễm trong người, và rồi qua đời khi mới hơn một năm tuổi. Còn đứa thứ hai, tuy không nhiễm chất độc nhiều như đứa thứ nhất, nhưng lượng da cam/đi-ô-xin trong nó cũng là lượng được rút bớt ra từ cơ thể người mẹ. Vậy là qua hai lần sinh nở và thời gian nhiễm độc đã mấy chục năm rồi mà hàm lượng đi-ô-xin trong máu vẫn còn ở mức cao hơn bình thường. Như thế,  thử hỏi trong giai đoạn đầu mới nhiễm, nồng độ đó còn ở mức cao tới thế nào nữa!
Đã hơn 70 tuổi, bà Nga hiểu rằng, quỹ thời gian của bà còn lại với cuộc đời không nhiều nữa. Bà cũng không mong, vụ kiện lần này sẽ đem lại cho bà thêm khoản tiền nào, dù nhỏ hay lớn. Nhưng bà tâm niệm, trong cuộc đời làm một người chiến sỹ cách mạng, đây sẽ là cuộc chiến đấu cuối cùng bà muốn cống hiến cho tổ quốc, nhân dân. Với bà, trong cuộc đời này, mỗi người chỉ là một hạt bụi vô cùng nhỏ bé, Trần Tố Nga không là gì cả, ai cũng biết vậy, bà càng biết vậy, nhưng đứng sau bà là cả triệu nạn nhân cần phải được bù đắp những đau đớn, thiệt thòi của chiến tranh, cần được đòi quyền lợi cả về lương tâm và công lý. Dấn thân vào vụ kiện, bà chỉ có một mục đích duy nhất, có một bản án tòa khẳng định tính đúng đắn và hợp pháp của việc khởi kiện, và bản án đó trở thành tiền lệ để các nạn nhân khác có cơ sở làm tiếp các vụ kiện đúng đắn khác.
Lẽ dĩ nhiên, ngay cả khi đã có đủ trong tay những chứng cứ khoa học và pháp lý để khởi kiện, cuộc đấu tranh đòi công lý của bà Tố Nga sẽ còn là một hành trình dài và nhọc nhằn trước mắt. Thực may, trên hành trình ấy, bà nhận được sự ủng hộ vô tư và nhiệt tình của không ít bạn bè quốc tế, nhất là những người bạn Pháp. Đó là anh Andre Bouny, một công dân bình thường của Pháp, bị liệt hai chân, phải đi lại bằng nạng, nhưng đã viết những cuốn sách rất sâu sắc về chất độc da cam/đi-ô-xin. Và bây giờ, rất nhiều người sử dụng sách anh viết vì nó đã phân tích rất khoa học và đầy đủ về loại chất độc Mỹ rải xuống Việt Nam trong chiến tranh. Chính Andre Bouny cũng đang ra sức giúp đỡ bà Tố Nga trong vụ kiện lần này. Còn nữa là chị Hồ Thủy Tiên, một người Pháp gốc Việt đã bị gãy cả hai chân vẫn đi, về Việt Nam trên đôi nạng để quay phim tài liệu, mà một bộ phim sắp tới đây sẽ có tên là “Da cam – một quả bom nổ chậm”. Lại càng không thể không nhắc tới vị luật sư nổi tiếng thế giới người Pháp La William Bourdon, người đã từng tới gặp thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chúng tôi nhắc đến ở trên. Hiện nay, không chỉ có ông La William Bourdon, trong văn phòng luật của ông, còn có thêm hai nữ luật sư nữa cùng tham gia cho hồ sơ của Trần Tố Nga.

Trăn trở với nỗi đau da cam

Gần nửa thế kỷ mang trong mình chất độc da cam/đi-ô-xin, gần ba chục năm sau cái chết của đứa con đầu lòng, bà Nga vẫn không nguôi nỗi day dứt và tự trách mình về cái chết đó. Bà không thể quên cảm giác của người mẹ trẻ lần đầu được bồng bế trên tay giọt máu dứt ruột đẻ ra mà không dám một lần ấp con vào ngực hà hít, nựng nịu như bao bà mẹ khác. Chỉ vì con bị bệnh tim bẩm sinh rất nặng, không thể hít thở bình thường, làm vậy có thể khiến bé ngạt thở. Cũng vì thế, bà càng hiểu hơn nỗi đau của những gia đình đã và đang hàng ngày, hàng giờ phải đối mặt với những dằn vặt, đau khổ còn lớn hơn nhiều lần nỗi đau của bà. Nghĩ về hoàn cảnh riêng, bà Nga luôn tự nhủ, mình còn may mắn hơn rất nhiều nạn nhân khác, vì ngoài những tổn thương, tật bệnh bên trong, bà và con gái không bị khuyết tật hay dị dạng cơ thể.
Nhiều năm làm công tác xã hội, đặc biệt các công tác chăm lo, giúp đỡ các nạn nhân chịu ảnh hưởng chất độc da cam/đi-ô-xin, điều khiến bà Nga day dứt khôn nguôi chính là sự bơ vơ của những đứa trẻ sinh ra không được làm một con người hoàn chỉnh. Còn bao đứa trẻ sẽ sống ra sao khi thế hệ nạn nhân da cam thứ nhất mất đi? Đứng trước những người chung cảnh ngộ nhưng bất hạnh hơn mình, bà luôn thấy mình cảm phục sự dũng cảm vươn lên của họ. Đã không ít lần bà chứng kiến các em nhỏ bị dị dạng do ảnh hưởng chất độc da cam, với bàn tay, bàn chân không được lành lặn, các em vẫn nỗ lực vượt lên số phận, cố gắng hết sức để lao động, để sống được phần nào nhờ vào thành quả công việc của chính mình. Có rất nhiều nạn nhân da cam đang âm thầm gánh chịu nỗi đau và cứng cỏi vươn lên, vượt qua số phận. Họ không hề kêu rên hay cầu xin lòng thương hại của xã hội hay các tổ chức từ thiện, nhưng họ vẫn cần lắm những tấm lòng cảm thông, chia sẻ và sự giúp đỡ tận tình.
Là một nhà giáo, bà Nga càng hiểu sâu sắc tầm quan trọng của việc giúp các nạn nhân da cam, nhất là các em nhỏ, có một vốn tri thức nhất định, một nghề nghiệp cụ thể để các em có thể sống tự lập một cách đàng hoàng. Bà vẫn ấp ủ dự định, sau khi làng Cam ở huyện Hóc Môn đi vào hoạt động, nếu có một dự án dành cho hoạt động giáo dục dạy nghề, bà sẽ tự nguyện “xách túi đi ăn xin” (cách nói của bà) các nguồn tài trợ để tổ chức việc dạy dỗ và đào tạo nghề cho các em. Sở dĩ trong suốt những năm bà làm công tác xã hội, thự hiện các dự án xây dựng trường học tặng cho một số tỉnh miền Bắc, người ta trao gửi cho bà rất nhiều tiền là vì họ biết, một xu họ gửi cho bà cũng đến được tay người cần giúp đỡ. Và lần này cũng thế, bà tin, nếu có một dự án đàng hoàng cho hoạt động dạy học và dạy nghề cho các nạn nhân chịu ảnh hưởng chất độc da cam/đi-ô-xin, bà cũng sẽ tự nguyện tiếp tục công việc đó với tinh thần say sưa, nhiệt tình nhất. “Các em cần phải đứng được trên đôi chân mình, và cần phải truyền cho các em ngọn lửa nhiệt tình, truyền cho các em lý tưởng, mình phải sống sao cho đàng hoàng với tư cách là những người Việt Nam kiên cường, dũng cảm”, đó là những chia sẻ tâm huyết của một bà giáo đã ngoài bảy mươi về một kế hoạch đầy ắp tính nhân văn đang ấp ủ trong lòng.
Dương Kim Thoa

No comments: