PHẠM THỊ HOÀI
MARCH 08, 2016 12:25 CT
Viết cho Ngày Phụ nữ
Nếu không có ngoại tình, kho tàng văn chương thế giới phải vơi đi quá nửa. Chuyện tình, nếu không có gì xen vào giữa, tất nhiên rất đỡ cho các đương sự, song Romeo gặp Juliet ở Starbucks, đưa nhau đi Sapa du lịch, làm đám cưới ở Đà Lạt, sinh một trai một gái, hàng ngày lên Facebook chia sẻ trạng thái: với Shakespeare, đó là kết tinh của ác mộng. Giữa Giả Bảo Ngọc và Lâm Đại Ngọc phải có một nàng Bảo Thoa. Scarlett O’Hara phải chen vào mọi chốn tình ái trong lành như một luồng gió độc. Jane Eyre phải băng đêm bỏ chạy khi vừa mặc áo cưới. Meggie Cleary phải phản bội tình yêu duy nhất của đời mình để trung thành với tình yêu duy nhất của đời mình: giữa nàng và cha xứ Ralph de Bricassart là Thiên Chúa. Bác sĩ Zhivago và cô y tá Lara phải say đắm nhau trên đầu mọi giông bão của thời đại và sau lưng những người chồng và người vợ hợp pháp của cả hai bên. Bà Bovary phải dối trá kinh niên, giữa cuộc đời đơn điệu ở tỉnh lẻ và những ảo tưởng từ các tiểu thuyết ngôn tình lãng mạn. Và Anna Karenina, người đàn bà ngoại tình bất hủ, phải lao đầu vào tàu hỏa. Kim Bình Mai, Người tình của phu nhân Chatterley, Effi Briest, Gatsby vĩ đại, Anh em nhà Karamazov, Đỏ và đen, Eugene Onegin, Đồi gió hú, Trăm năm cô đơn, Tess, Lolita, Emma, Jules và Jim, Hội chợ phù hoa, Ba chị em, Kiêu hãnh và định kiến, Đời nhẹ khôn kham, Phía nam biên giới phía tây mặt trời và Phía đông vườn địa đàng..., những áng văn ấy đều miệt mài kể về những đam mê và lừa dối, mù quáng và ngang trái, tổn thương và lầm lỗi, ngọt ngào và cay đắng, ngu xuẩn và điên rồ, bỏ rơi và níu kéo của trái tim. Những trái tim khóa trong lồng ngực, đội trên đầu, vứt dưới chân, gắn ở đầu môi và kẹp giữa háng.
Tác phẩm mở mang nhất của Goethe với tôi không phải là Faust hay Nỗi đau của chàng Werther mà là Những kết hợp tùy chọn (Die Wahlverwandtschaften), một kiệt tác phi thời gian, đứng cạnh Những cặp vợ chồng (Couples) của John Updike ra đời sau 177 năm vẫn mới toanh và đến hôm nay chưa hề bạc mầu. Goethe kể về hai cặp vợ chồng, Updike về sáu cặp. Họ ngoại tình, lẫn nhau, tay ba, tay tư, rối tung, nổ tung, tan nát. Tất cả, chỉ trừ hạnh phúc phẳng phiu. Ái tình trong mỗi chúng ta là một chiếc radar phát sóng siêu tần, song cái gì sẽ xuất hiện để lọt vào tầm sóng của nó thì chỉ có số phận biết được và số phận chẳng bao giờ thông báo trước. Trên màn hình định vị, những người thứ ba như vật thể lạ có thể hiện ra bất kỳ lúc nào, trừ khi chúng ta chỉ xòe radar cho một lần duy nhất rồi cất nó vào kho kín, tức trừ khi chúng ta dùng ái tình của mình như một phương tiện thực dụng, cho một mục đích, xong là thải.
Márai Sándor -Az igazi - NGUỒN RUKKOLA.HU
Tanizaki - the Key - NGUỒN ASYMPTOTEJOURNAL.TUMBLR.COM
Tôi cũng đầy lòng biết ơn với hai cuốn tiểu thuyết tình tay ba, một của Sándor Márai (Az Igazi) kể về một người đàn ông với hai người đàn bà, và một của Jun'ichirō Tanizaki (Chìa khóa) kể về một người đàn bà với hai người đàn ông. Cả hai đều mượn nhật ký của các nhân vật làm công cụ để khai thác những mỏ quặng ái tình ẩn sâu trong lòng người. Tôi đã dịch Chìa khóa sang tiếng Việt và đó là nguồn cảm hứng cho truyện ngắn Ám thị nhiều năm sau. Sự phóng chiếu của quyền lực vào dục vọng trong tình yêu là thứ các bà mẹ không dặn con gái khi bước vào đời. Người thứ ba chỉ là chất xúc tác cho kịch tính của trò chơi quyền lực, trong đó quyền chiếm đoạt, sở hữu và kiểm soát thân xác, tâm hồn và toàn bộ cuộc đời của đối tượng yêu đóng vai trò trung tâm. Mọi tình yêu đều là sự ích kỷ thả rông, không một gam oán thán Sándor Márai để các nhân vật của mình tự hỏi. Tự hỏi, liệu có thể chịu đựng chế độ cai trị kinh hoàng của tình yêu mà vẫn còn lành lặn. Liệu cái khao khát tìm ra một người duy nhất như một nhạc cụ duy nhất cất lên mọi âm thanh của cuộc sống có phải là một ảo tưởng chết người.
o O o
Nếu không có ngoại tình, kho tàng văn học Việt Nam không có tổn thất nào đáng kể. Chủ đề đó đơn giản không tồn tại, ngay cả trong các sáng tác của văn học tiền chiến với những bứt phá khỏi vòng cương tỏa của văn hóa và xã hội cổ truyền. Tôi không biết đủ về văn học miền Nam trước 1975, song việc truyện ngắn Nhà có cửa khóa trái của Trần Thị NgH. nổ như một trái bom nhỏ năm 1972 cho thấy đó là một ngoại lệ để xác nhận thông lệ. Trong nhận thức của chúng ta chỉ có hai loại tình yêu: một để ca ngợi và cảm thông, một để lên án và phỉ nhổ. Chúng ta không chấp nhận dù chỉ một điểm mù. Một bên là những mối tình đầy trong sáng vượt lên mọi hoen ố (Thúy Kiều và Kim Trọng, đổi từ cầm sắt sang cầm cờ sau chính xác 3,109 câu lục bát), đầy lãng mạn dù nhiều trắc trở (Lan và Điệp), đầy duyên phận mầu nhiệm (Tiên Dung và Chử Đồng Tử) hay định mệnh bi thương (Trương Chi, Tô Thị), đầy chung tình dù hủy diệt cả một quốc gia (Mỵ Châu và Trọng Thủy), đầy chính chuyên tiết hạnh (Thiếu phụ Nam Xương), đầy vị tha cao thượng (Quan âm Thị Kính), đầy trung tín nghĩa khí (Lục Vân Tiên và Kiều Nguyệt Nga), đầy vùng lên tranh đấu cho nhân quyền (Loan và Dũng) hoặc nếu cần thì đầy giác ngộ cách mạng (Vợ chồng A Phủ). Bên kia là thế giới của đám Sở Khanh, Nghị Hách và Nghị Quế, những thằng đàn ông bội bạc, dâm ô, tráo trở, và của những bà Phó Đoan, Huyền Làm đĩ, Xúy Vân và Thị Mầu, những con đàn bà đàng điếm, lẳng lơ, trơ tráo. Thách thức lớn nhất với độc giả Việt Nam đến từ một trong những nhà văn tài năng nhất, Nam Cao. Không biết phải làm gì với mối tình lò gạch của Chí Phèo và Thị Nở, phần lớn người Việt lấy đó làm trò cười. Với thời gian, chúng ta bớt khắc nghiệt đi một chút khi phán xét về những điều thực ra bất khả phán xét và hoài nghi hơn một chút khi tuyên dương những điều thực ra xa lạ với tuyên dương. Song về đại thể, quan niệm về luyến ái và hôn nhân của người Việt cho đến hôm nay vẫn đi tiếp con đường một chiều, mũi tên xanh chỉ về hướng chính diện, vòng cấm đỏ báo hiệu vùng phản diện.
Hình phạt tội ngoại tình ngày xưa - TRANH MỘC BẢN CỔ
Cho nên không có gì đáng kinh ngạc trước một điều luật mới, sắp có hiệu lực ở Việt Nam: Luật Hình Sự, điều 182, cho phép bỏ tù những kẻ ngoại tình, nếu ngoại tình kéo theo ly hôn hoặc khiến một người trong cuộc tự sát. Làm thế nào một tòa án hiện đại chứ không phải một thứ pháp đình Trung cổ có thể chứng minh rằng chính là con gà ngoại tình đẻ ra quả trứng thất bại của hôn nhân mà không ngược lại? Người ta vẫn giày vò, giam hãm, tra tấn và giết nhau bằng tình yêu, song làm thế nào một nhà nước hiện đại chứ không phải một hội đồng tù trưởng thời tiền sử có thể gô cổ một ai đó nếu trái tim của ai đó tan nát? Song điều luật hình sự hóa ngoại tình hoàn toàn lỗi thời ấy đáp ứng đúng nhu cầu của một xã hội với diễn ngôn chính diện phản diện chủ đạo trong luyến ái.
Tôi quả thật rất kinh hãi cuộc lên đồng tập thể của hàng triệu người Việt, chủ yếu là phụ nữ, trong vụ tổng tiến công và nổi dậy chống cô ca sĩ Hồ Ngọc Hà. Chỉ thiếu điều họ đem cô ấy ra bỏ rọ trôi sông như ở thuở bị cho là man rợ, song ở thời đại của iPhone và Facebook, phụ nữ Việt Nam vẫn bị chính phụ nữ Việt Nam tụt quần đánh ghen hội đồng, cạo đầu bôi vôi, rạch mặt, trét phân và xát ớt vào vùng kín, xăm hình rết lên mặt, tống lên xe tải đưa đi bêu riếu, đổ xăng đốt, tạt axít và xin tí huyết. Trong Tuyết trên đỉnh Kilimanjaro, Hemingway cho một nhân vật nam ngẫm ra rằng tình yêu là một đống phân mà thằng đàn ông làm con gà trống nhảy lên đó gáy. Còn đàn bà? Chẳng lẽ mãi túm tóc giúi đầu nhau vào đống phân ấy chỉ vì giành nhau tiếng gáy? Hay vì, như Tấm, nhân vật chính diện, hiện thân của cái Thiện, đã xử với Cám, nhân vật phản diện, hiện thân của cái Ác: Ngay cả khi đã sum vầy hạnh phúc bên vua, Tấm vẫn điềm nhiên xé xác Cám ra làm mắm gửi biếu dì ghẻ.
Và trước đó, Tấm đã cảnh cáo: “Cót ca cót két. Lấy tranh chồng chị, chị khoét mắt ra.”
P.T.H. 8/3/2016
No comments:
Post a Comment