Sách "Đỉnh cao đế quốc" của Eric Jennings cung cấp nhiều thông tin về sự hình thành Đà Lạt mà có thể độc giả không tìm được ở các tài liệu trong nước.
Bìa cuốn "Đỉnh cao đế quốc". Sách do Phạm Viêm Phương và Bùi Thanh Châu dịch, Trần Đức Tài hiệu đính.
Cuốn Đỉnh cao đế quốc (tên tiếng Anh Imperial Heights) của Tiến sĩ người Canada Eric Jennings thể hiện sự hình thành Đà Lạt thời Pháp thuộc ở các góc độ: chính trị, kinh tế, quân sự, quy hoạch, giáo dục, tôn giáo và du lịch. Cuốn sách là tác phẩm thứ tư của Tiến sĩ Eric Jennings, được Nhà xuất bản Payot, Paris xuất bản ở Pháp tháng 10/2013.
Tiến sĩ Eric Jennings.
Một trong những điểm nổi bật của cuốn sách là chi tiết. Từ nguồn tài liệu đồ sộ, tưởng chừng khô khan, tác giả khéo léo rút tỉa dữ liệu, sự kiện và chi tiết lôi cuốn để đưa vào sách.
Qua ấn phẩm của Jennings, độc giả nhận thấy, khi bác sĩ Alexandre Yersin - người được vinh danh là "cha đẻ" của Đà Lạt - cho rằng khí hậu Đà Lạt tốt cho sức khỏe, thì ông có phần nào đã lầm. Cũng vì sai lầm này mà người Pháp ban đầu đã xây dựng Đà Lạt như một trung tâm an dưỡng cho quân Pháp đang điên đảo vì những căn bệnh nhiệt đới. Trong lúc quân đội Pháp ở miền Nam Việt Nam khổ sở vì bệnh sốt rét thì Đà Lạt thời 1924-1925 cũng có sốt rét. Quanh khách sạn Palace, "muỗi bay cả đàn quấy nhiễu du khách". Ủy ban vệ sinh của thành phố buộc phải cho khai thông những vùng nước tù hãm, cách ly dân bản xứ và tìm cách... ém nhẹm thông tin. Chi tiết này được tác giả căn cứ theo những thông tư của chính quyền và những biên bản cuộc họp hội đồng thành phố thời đó.
Eric Jennings không đếm xuể được số lần ông tìm đến các trung tâm lưu trữ của Việt Nam ở Hà Nội, TP HCM và Đà Lạt, rồi cả Pháp, Thụy Sĩ, Canada và Mỹ nữa. "Tôi cứ lần theo những manh mối mà các tài liệu hé mở và việc truy tìm đã đưa tôi theo nhiều hướng bất ngờ", ông nói.
Để hoàn thành cuốn sử về Đà Lạt, Jennings phải mất mười năm. Mọi thông tin trong sách đều được ông dẫn nguồn với sự cẩn trọng. Và ông tốn rất nhiều công sức để tiếp cận các nguồn tài liệu nằm rải rác ở năm quốc gia.
Ông bắt tay vào thực hiện cuốn sách với các nguồn tư liệu tìm thấy ở Pháp. Các hồ sơ thuộc địa đều nằm ở trung tâm Aix-en-Provence, gần Marseille. Đây là một chi nhánh của Trung tâm lưu trữ quốc gia Pháp. "Các tập danh mục ở chi nhánh này rất xuất sắc và tôi nhanh chóng quen thuộc với mọi bộ tư liệu khác nhau tại đây", ông kể. Tuy nhiên, trung tâm này lại không có nhiều văn bản từ miền Trung Việt Nam. Muốn tìm hiểu, tác giả phải đến Hà Nội rồi đến TP HCM.
Jennings có ba lần đến Việt Nam. Vấn đề hệ thống tư liệu về Việt Nam thời Pháp thuộc là một thách thức lớn. Ở Việt Nam, các tư liệu có liên quan nhiều khi không nằm tập trung ở một trung tâm mà rải khắp ba bốn nơi. Nhiều tài liệu lại nằm ở Pháp. Có khi cùng một loạt hồ sơ nhưng lại phân tán ở Phnom Penh (Campuchia), TP HCM, Hà Nội và Aix-en-Provence. Biết hồ sơ nào nằm ở đâu cũng rất gian nan mặc dù hiện nay máy tính đã hỗ trợ người nghiên cứu rất nhiều. Có những ngày ông truy cập vào một danh mục ở Aix-en-Provence, máy tính chỉ hiện ra kết quả: "Rất tiếc, các tài liệu này nằm ở Hà Nội".
Tại Thụy Sĩ, Jennings tiếp cận các tài liệu lưu trữ ở Zurich, được ông lấy từ hồ sơ của Congrès International d'Architecture Moderne (Đại hội Kiến trúc sư Hiện đại Quốc tế). Đồ án quy hoạch Đà Lạt đã được trình bày ở tổ chức uy tín này như một thành phố kiểu mẫu - thành phố "xanh".
Còn ở ngoại ô Paris, trong các tàng thư quân đội Pháp tại Vincennes, ông tìm được những hồ sơ quan trọng về bạo lực thực dân, nguồn tài liệu đó trở thành tiêu điểm của chương hai trong cuốn sử Đà Lạt. Ngay tại Paris, ông may mắn đọc được các hồ sơ của Fernand Bernard, người đã phản đối kế hoạch xây dựng Đà Lạt vào cuối thế kỷ 19. Ông ta cho rằng xây dựng Đà Lạt chỉ phí tiền và khu vực này không có lợi cho sức khoẻ như nhiều người tưởng. Ở một trung tâm khác của Paris, ông tìm ra các hồ sơ của trường nữ sinh Couvent des Oiseaux. Các tàng thư ở Canada là tài liệu của những nhà truyền giáo đã đến Đà Lạt thời kỳ đầu. Còn Đại học Cornell ở Mỹ, Eric Jennings tham khảo được nhiều tạp chí và nhật báo xuất bản ở Đà Lạt những năm 1930.
Eric Jennings hiện là giáo sư sử học ở Đại học Toronto, Canada. Ông sinh năm 1970. Ông là người Canada có mẹ là người Pháp và sinh ra ông ở Mỹ. Ông thông thạo cả tiếng Anh lẫn tiếng Pháp và có nhiều năm học ở Paris. Jennings yêu thích môn lịch sử từ nhỏ. Cha ông cũng là một sử gia. Ngày đi học, ông toàn bị điểm kém với các môn Toán và Lý, nhưng điểm môn Sử luôn xuất sắc.
Thời trung học, các thầy dạy sử luôn khích lệ Jennings đeo đuổi niềm yêu thích của mình, đặc biệt là thầy Taylor, cũng như các giáo sư luôn gợi cảm hứng cho tôi ở Đại học Toronto và Đại học Berkeley ở California, Mỹ. Ở đại học, ông chọn con đường chuyên về lịch sử thực dân Pháp là do mê đọc... tiểu thuyết. Nhiều cuốn tiểu thuyết lấy bối cảnh một số thuộc địa Pháp ở vùng biển Carribe đã khiến Eric Jennings hứng thú. Ông quyết định làm luận án tiến sĩ ở Berkeley với đề tài Thế chiến thứ hai ở ba thuộc địa Pháp là Guadeloupe, Madagascar và Đông Dương.
Từ luận án tiến sĩ này, Jennings viết lại thành một cuốn sách mang tựa đềVichy in the Tropics (Tạm dịch: Chính phủ Vichy ở vùng nhiệt đới) và được xuất bản năm 2001. Đến nay, Jennings đã viết năm cuốn sách về nhiều khía cạnh của lịch sử thực dân Pháp, tất cả đều được giới sử học quốc tế đánh giá cao và được dịch sang tiếng Pháp.
Eric Jennings bắt đầu chú ý đến Đà Lạt ngay từ khi ông nghiên cứu để làm luận án tiến sĩ. Lúc đó, ông thấy nhiều bức điện tín từ Pháp gửi cho Toàn quyền Đông Dương nhưng lại gửi tới Đà Lạt. Ông nghĩ: "Lạ quá. Tại sao toàn quyền này không ở Hà Nội chứ?". Dần dần, ông bắt đầu hiểu ra tầm quan trọng của Đà Lạt đối với Đông Dương. Những nghiên cứu khác của ông về những thành phố nghĩ dưỡng thuộc địa Pháp ở khắp nơi càng cho ông thấy rằng vai trò an dưỡng lẫn tham vọng quyền lực Pháp có liên quan mật thiết với sự hình thành Đà Lạt.
Theo Trần Đức Tài - Vnexpress
No comments:
Post a Comment