Saturday, September 26, 2015

Những nhà văn trẻ đâu rồi



Tôi sống ở nước ngoài đã được vài năm. Ngày trước, khi còn ở Việt Nam, tôi bàng quan hơn về mọi chuyện xảy ra xung quanh, phần lớn vì mỗi khi mở vội một tờ báo nào đó, lại chỉ thấy xung quanh mình toàn chuyện cướp giật, nông dân mất mùa, đường sá ngập lụt… Lật qua trang thì toàn thấy tin hot, tinh giật gân, đánh ghen, lộ hàng… Rồi tôi lại chuyển qua đọc văn chương, đọc truyện, đọc thơ của các tác giả trong nước. Vì tôi nghĩ, dù sao văn chương vẫn sáng tạo hơn, vì nhà văn có cái khoảng không gian sáng tác rộng hơn, tự do hơn là nhà báo. Nhưng sau khi đọc xong các tác phẩm của một nhà văn chuyên viết về chuyện nhà quê Nam bộ Việt Nam, và các tác giả trẻ viết về những chuyến đi phượt, tôi lại không tài nào tìm được những quyển sách thú vị hơn ngoài các tiểu thuyết tình cảm uỷ mị được tưởng tượng trong một bối cảnh phi thực tế và mơ hồ, khác xa với một Việt Nam mà tôi biết, nếu không muốn nói là sao chép trào lưu văn học diễm tình của Trung Quốc.

Năng lực tư tưởng của văn chương

Tôi tin rằng, cây viết và con chữ là công cụ tư tưởng đắc lực của mọi nền văn hoá, văn minh, đặt biệt là của sự công bằng và cấp tiến. Các tác phẩm văn chương, theo tôi, là một công cụ để đánh giá một xã hội có văn minh phát triển hay không. Văn chương không chỉ đơn giản là để phản ánh hay cải tạo văn hoá, nó còn có tác dụng giáo dục, tạo ra những ý thức về thực trạng của xã hội, thông tin đến người đọc những cuộc đời, cũng như những tâm tư, tình cảm của con người trong xã hội với nhau. Đỉnh cao của văn chương là tập hợp ý chí tinh thần của con người lại với nhau, tạo ra vốn xã hội để góp phần cải thiện thực tế, bằng việc kiến tạo những mơ ước về những điều tốt đẹp thông qua các tác phẩm sáng tác.

Trong một thế giới đầy bất công, với những tiếng kêu lầm than của người nghèo, kẻ yếu trong xã hội, thì vai trò của văn chương là gì, nếu không phải là bênh vực những kẻ yếu, lên án những bất công, nói lên tiếng nói của một người trẻ giữa thời đại đầy biến động như hiện nay? Đó là lý do vì sao người ta thường nói văn chương là cách mạng, và ngòi bút là thứ vũ khí đắc lực của người dân.

Giới trẻ và nghề viết ở Việt Nam

Tôi muốn nói đến thế hệ nhà văn trẻ 8x, 9x của Việt Nam hiện nay, vì tôi luôn tâm niệm rằng, thế hệ chúng ta có những cơ hội mà cha anh chúng ta không có: được học, được tiếp cận với thông tin mở từ nhiều nguồn, được giao lưu với nhiều nền văn minh, văn hoá khác, và quan trọng hơn, là được nhiều tự do hơn trong việc lựa chọn cho mình hoài bão, nghề nghiệp, con đường sống. Những điều mà, vì chiến tranh hay những nổi lo toan về cơm ăn áo mặc, các thế hệ trẻ ngày trước không thể có được.

Tôi thích đọc. Tôi thường tìm đọc các tác phẩm văn chương trong và ngoài nước. Ở nước ngoài, tôi đọc nhiều tác phẩm văn học hiện đại, được viết bởi những nhà văn trẻ của các nước. Có những nhà văn chỉ vừa tròn đôi mươi, nhưng ngòi bút của họ đã rất táo bạo, quyết liệt, tiêm vào xã hội những tư tưởng mới mẻ, cấp tiến, góp phần tạo nên một nền văn hoá trẻ hừng hực lý tưởng sống và những trăn trở quyết liệt về những biến đổi không ngừng của thời đại ta đang sống.

Nhìn lại nền văn học Việt Nam, đặc biệt là văn học trẻ hiện đại, tôi trăn trở nhiều. Lướt qua những quầy văn học trẻ Việt Nam, tôi thấy chiếm gần hết các kệ là những quyển sách với những tựa đề đại loại như anh, em, yêu, thôi, dừng, ngày mai, mãi mãi, trọn đời, vân vân, đi kèm là hình ảnh những cô gái, chàng trai ăn mặc bảnh bao, mắt nhìn xa xăm đượm buồn. Đọc lướt qua, tôi chỉ thấy những cốt truyện về một cô gái (hay chàng trai) thất tình, đang nhớ về một cuộc tình chóng vánh vừa tan vỡ vì một lý do vẩn vơ, rồi tự hứa rằng trọn đời này sẽ không bao giờ quên anh. Các “nhà văn” này lớn lên từ một tạp chí tuổi teen nào đó, và giọng văn cũng như thể loại sáng tác của họ cũng gói gọn trong ngần đấy chuyện hẹn hò, chuyện làm đẹp, hay những mối tình đổ vỡ đẫm lệ.

Những thể loại văn học diễm tình này ở đâu cũng có. Cái đáng chú ý ở đây không phải là những tác phẩm đang “có”, mà là những tác phẩm “không thấy đâu” trên thị trường. Ý tôi là vắng bóng những tác phẩm mang tính lạc quan, hoài bão của tuổi trẻ, lý tưởng của một con người hiện đại muốn thể hiện mình và nói lên tiếng nói của một thế hệ. Những nhà “kiến trúc văn hoá” như thế đang vắng bóng trong nền văn học hiện đại của Việt Nam. Điều đó phản ánh hai điểm. Một là những người trẻ đang thờ ơ với xã hội, với chính ước mơ và hoài bão của bản thân mình, để đánh đổi sự an nhàn của những điều dễ dãi. Hai là nhà nước Việt Nam không thực sự khuyến khích sự phát triển của văn chương. Vì nó đòi hỏi chính quyền một quốc gia phải tạo ra một khoảng không gian văn học đủ rộng, đủ tự do để những người trẻ sáng tạo, thử nghiệm, và vấp ngã. Điều này có lẽ không nằm trong ưu tiên về chính trị xã hội hiện nay.

Lời Kết

Có lẽ chúng ta, những người cầm bút, đang quá dễ dãi đối với những tác phẩm của chính mình, hay ta đang đặt bút viết một cách không suy nghĩ mà cho rằng đó chỉ là một công việc mưu sinh. Ta xoay lưng lại với trách nhiệm của một nhà văn, nhà báo, là kiến tạo một xã hội tốt đẹp hơn bằng tư tưởng, bằng ước mơ ta muốn thổi vào mỗi câu chuyện ta viết. Hay ta đang giấu đi lương tâm, tri thức của bản thân mà thoả hiệp với bất công, với những giá trị xói mòn của xã hội để đối lấy công việc ổn định, một nguồn thu nhập đều đặn. Tôi tin rằng một ngày nào đó, chính bản thân mỗi nhà văn, mỗi người cầm bút sẽ phải trả lời chất vấn của các thế hệ về sau, rằng chúng ta đã và đang làm gì để cho văn chương Việt Nam đi vào lối mòn như hiện nay.

Cao Huy Huân

No comments: