Friday, September 25, 2015

Tâm sự về nghề văn


HUY PHƯƠNG

Thế giới của văn học không phải là Thánh Đường mà cũng chẳng phải là nơi chợ búa.
Ảnh minh họa: internet

Siêu phàm hay dung tục đều là nơi cùng đường của văn học. Bởi vì văn học chính là một hóa thân của cuộc sống. Mà cuộc sống thì vẫn thế đấy, trong hành trình chông chênh và vô hạn của nó theo hướng tự hoàn thiện.

Cái bất hạnh của văn học là người ta đã chồng chất lên vai nó quá nhiều trách nhiệm. Người ta tưởng như thế là làm cho nó thêm hiệu lực và cao quí hơn. Thực ra thì chỉ làm cho nó kiệt sức đi và trở nên tầm thường.

Chẳng ai lại chở hàng lên lưng một con thi mã, và muốn đi xa đi nhanh lại chọn một chú lừa.


Chân lý là mục đích của các nhà hiền triết và đạo sĩ. Người nghệ sĩ, khiêm tốn hơn nhiều, chỉ là kẻ dọn đường cho con người đi tìm gặp chính mình.

Một tác phẩm chói lọi chân lý là chưa từng có. Hoặc giã nó là Thánh kinh hay là một thứ gì đó không phải là nghệ thuật.

Bởi vậy một tác phẩm văn học lớn là tác phẩm làm cho người đọc thấy băn khoăn, trăn trở nhiều hơn là yên tâm và thỏa mãn.


Ghét cái Ác quá mức thì sẽ xa rời cái Thiện. Yêu cái Thiện quá cuồng nhiệt thì coi chừng có thể đến gần cái Ác.

Nhà văn không nên coi mình là đấng phán xét mà chỉ là người giúp sức vào việc cảm hóa con người. Nói cái tốt cần tha thiết mà vẫn tỉnh táo. Nói cái xấu, cao tay nhất là làm cho chính cái xấu phải rơi nước mắt.


Con chim ở trong lồng quá lâu ngày sẽ quên mất đôi cánh của nó. Khi được mở cửa lồng nó sẽ hoảng hốt tự hỏi: bay đi đâu, ăn gì, tối nay ngủ ở đâu?

Nhà văn cần tự do như con chim cần đôi cánh - Nhưng một nhà văn Pháp lại nói một điều nghe như nghịch lý: "Nghệ thuật sống nhờ ở sự câu thúc và chết bởi tự do"(1).

Tự do tự điều khiển mình trong sáng tạo: đó vừa là lẽ sống mà cũng vừa là một thử thách đầy hiểm nguy đối với mỗi nghệ sĩ. Còn sự câu thúc, dĩ nhiên cần phải hiểu đó là một thứ kỷ luật tinh thần mà nhà văn tự chọn cho mình. Chứ không phải là do từ bên ngoài áp đặt.


Khen cái hay, đó là tăng thêm sức mạnh cho văn học. Phê phán cái dở là cần thiết, nhưng chẳng nên say sưa như khi khen ngợi. Những tác phẩm tồi sẽ tự chết như con thiêu thân. Còn những tác phẩm là sản phẩm của tài năng thì cũng giống như tình yêu. Sự vùi dập và phê phán chỉ làm cho nó bùng cháy thêm và tăng thêm khả năng thuyết phục.

Sự khắt khe của xã hội có thể làm tan nát cuộc đời một nghệ sĩ, nhưng chưa bao giờ giết nổi một tác phẩm lớn khi nó đã đến tay người đọc.


Các nhà văn có thể có những tính cách, phong cách và quan niệm khác nhau. Nhưng đã thực là nhà văn thì họ đều giống phau ở một điểm: đó là những mâu thuẫn, những băn khoăn không dứt trong đáy lòng của họ, thiếu những cái đó, họ chỉ còn là những người làm nghề viết lách, chứ không còn là những người sáng tạo.


Cũng vì thế, không nên tin quá nhiều vào những lời họ nói trên các diễn đàn. Mà nên tìm hiểu họ, trước hết là qua tác phẩm, nếu họ đã có được những cái có thể gọi là tác phẩm.

Khi một nhà văn nói lý quá nhiều, là khi họ không còn tin ở cái lực nơi ngòi bút của họ. Những người đàn bà đã qua thời nhan sắc vẫn thường bình luận nhiều về tình yêu, ghen tuông nhiều hơn và chẳng chịu thừa nhận sắc đẹp của ai.


Nghệ sĩ là người không có quyền lực nào khác, ngoài cái sức mạnh mà tài năng nghệ thuật tạo nên cho họ.

Trao quyền lực hành chính cho nhà văn nghệ sĩ thì chẳng khác nào trao cái đục của người thợ chạm cho anh thợ thêu. Anh ta sẽ phá nát tấm lụa của chính mình rồi rạch sang cả cái áo của người khác.


Dẫu sao trong một xã hội có tổ chức cũng có khi phải trao một ít quyền lực cho một nghệ sĩ nào đó. Nhưng thời gian cần phải đủ ngắn để anh ta chưa đến nỗi tự quên và bỏ quên các đồng nghiệp của mình.

Hoặc ít ra, mọi người phải luôn tỉnh táo để phân biệt được lúc nào anh ta nói và làm với tư cách một nhà văn, một nghệ sĩ. Và lúc nào là lúc anh ta nói và làm với tư cách của một công chức mà thôi.

(Rút "Sổ tay văn học")
H.P 
(SH37/05&06-89)

No comments: