QUÊ NHÀ
Tháng Bảy nào ở quê nhà
chẳng”mướt mát” như vậy, vừa bước
ra khỏi sân bay, áo lập tức dính chặt vào lưng
với một cảm giác ướt át như thể
bị rảy nước, như thể để
đầu trần đi dưới trời mưa lâm thâm.
Cái nóng đẫm hơi nước quê nhà chưa từng
gặp ở đâu, mang đến cảm giác „xứ
sở”không thể nhầm lẫn khi gặp lại.
Và: đành (âm thầm) chịu đựng cái
trạng thái lúc nào cũng như đang ngồi trong szauna
(phòng tắm hơi). Nhưng đừng quên: chỉ ở
miền Bắc thôi, vì vừa bước ra khỏi phi
trường Tân Sơn Nhất, gió sẽ dạt dào
lồng lộng, mang hơi nắng khô giòn lùa vào niềm vui
khô ráo trào ra từ huyết quản! (hahahahaha….)
Vừa về hôm trước, hôm sau hai mẹ
con”đi tua” ra Hạ Long ngay. Rất nhiều năm
rồi tôi mới quay lại cuộc hành trình này. Chả có
gì thay đổi: cũng lại bắt đầu bằng
„giờ cao su”, nghĩa là nhà tổ chức sợ bà con”cao
su hóa” nên dặn đến điểm hẹn từ 7h30
sáng, rồi 9h qua đi vẫn chỉ thấy một
đám người ngơ ngác, tự trình bày, tự
giải thích, tự bực bội với nhau.
Cứ bảo tại sao dân ta có tính hay nghi
ngờ, hoảng hốt, phân vân, nôn nóng và…lắm mồm?
Cứ bảo tại sao dân ta sau rốt vẫn kiên trinh,
bất khuất và…chín bỏ làm mười, khi (tất
nhiên) xe vẫn phải (lò dò) đến và ai nấy hoan
hỉ trèo lên, quên tuốt, im tất - rút cục vẫn
phải xảy ra cái gì đó vào hồi 10h! (Sống ở
VN đừng nôn nóng! thiền! thiền đi!)
Hạ long chả có gì khác xưa, từ
chuyện cả bọn lại trèo lên một con tàu nhỏ,
vừa ăn trưa vừa (giương mắt) nhìn qua
cửa sổ những ngọn núi bất động
dưới nắng chang chang, đến một cái
vịnh, cả bọn buông bát đũa rời tàu, nhễ
nhại leo lên những con thuyền nhỏ khác (sau khi
trả một khoản tiền riêng) để
người dân ở đó đưa đi ngắm hang
động xung quanh.
Hạ long chả có gì khác, lúc nào cũng
như lần đầu, khi câm lặng (như đám du
khách không biết tiếng Việt) thả mình trôi trên con
thuyền lững lờ ngắm biển trời ngăn
ngắt xanh. Xa xa vẫn những con thuyền chứa
cả một gia đình nhiều thế hệ trên đó,
ai nấy bận bịu làm chuyện riêng của mình,
người lớn loay hoay, trẻ con khóc mếu hoặc
chạy đi chạy lại, một con chó lúc đầu
ve vẩy đuôi khi thuyền tôi đi qua, nhưng chắc
tôi ( chòng chọc) nhìn nó lâu quá, nó bắt đầu gầm
gừ rồi sủa toáng lên. Hừ! chó để làm gì nhỉ?
nhất là trên mặt nước? hahahaha…
Tôi bắt gặp mình như một (tên) du
lịch ba lô vô cảm, không gì làm tôi đặc biệt chú
ý, tò mò và gợi cảm xúc, tôi chỉ thầm reo lên khi nhìn
thấy hàng phượng vĩ ven đường,
tươi tắn đỏ rực rỡ trên nền
trời xanh biếc. Con trai tôi trái lại, xúc động
thật sự, nó thì thầm nhắc đi nhắc lại
bên tai tôi: À, đây là Hạ Long Bay đây.
Chỉ trên đường về Hà nội,
ngắm chăm chú những ruộng lúa nước hai bên
đường, những chú trâu đen đủng
đỉnh gặm cỏ, những mái đầu
đội nón cúi rạp xuống cấy mạ, xa xa làn khói
đốt đồng bảng lảng trong bóng chiều
hoàng hôn…chỉ lúc ấy, tôi biết tôi vẫn chưa
hề, chưa bao giờ đi đâu xa khỏi cái
đất nước thân yêu quen thuộc này…
Hôm sau, hai mẹ con”đi tua” đến Hoa
Lư, lâu lắm rồi tôi mới lại tới đây, có
dễ ngót chục năm rồi. Cảnh tượng
xưa trong đầu bị thay thế bằng
những”công trình” xây dựng hoàn toàn khác, thật lạ,
không làm tôi ngỡ ngàng, mà (một lần nữa) tôi lại
biến thành một (tên) du lịch ba lô vô cảm.
Xe vừa dừng bánh, một đám đông
phụ nữ, trong đó rất nhiều bà già xúm lại,
túm lấy đám khách vừa xuống xe bằng những
lời mời mọc co kéo như thể đi bắt
đền người khác. Ôi Hoa Lư, kinh đô xưa,
một ngày biến thành biểu tượng của
những cảnh ăn vạ đám đông kinh hãi,
những người đàn bà già ấn vào tay mi một cái
gì đấy bắt mua, một người lom khom, một
người khập khễnh, một người tập
tễnh, lao xao ồn ào lải nhải như một
bầy ong, và những người thợ ảnh (cứ)
chụp tanh tách đám du khách, kiên nhẫn đi (thăm
quan) cùng họ, để sau cùng ép họ trả tiền
những bức ảnh (không yêu cầu).
Nắng trải chang chang trên cảnh vật
núi non biếc xanh hùng vĩ, vậy mà không thể
được yên để (chí ít) nghe lòng mình xúc
động (chăng?).
Rồi đến cảnh thăm quan cuối
cùng: đi thuyền thăm những hang động,
một buổi chiều”phơi nắng toàn tập” cùng
những người chèo thuyền chủ yếu là phụ
nữ. Ở đây, đột nhiên sự vô cảm
của tôi…run rẩy.
Tôi và con trai lên một chiếc thuyền
nhỏ, người chèo thuyền là một phụ nữ
trung niên, không nói không rằng, dáng gầy gò như nhiều
người phụ nữ chèo thuyền khác. Chỉ đôi
khi, từ một con thuyền trên đường
ngược trở ra, người ta hỏi một con
số, và người phụ nữ chèo thuyền này
cất tiếng trả lời bằng một con số.
Sau đó, chị ta lại yên lặng, mải miết
điều khiển mái chèo…bằng chân.
Đến lần thứ ba câu hỏi con
số vang lên từ những thuyền ngược xuôi,
không nén được sự tò mò của mình nữa, tôi
hỏi: „Những con số đó là cái gì vậy, hả
chị?”. Không nghe tiếng trả lời, tôi quay lại và
hốt hoảng, người phụ nữ chèo thuyền
mặt trắng bệch, gần như bất động
toàn thân, chỉ đôi chân vẫn không ngừng điều
khiển nhịp nhàng mái chèo. Tôi chợt nhận ra,
người phụ nữ này đang quá mệt, đang
lả đi vì một nguyên nhân nào đấy. Tôi nhìn quanh,
thật may sắp đến chỗ nghỉ để
khách dừng chân.
Đấy là cuối đoạn sông,
những con thuyền chở bánh kẹo, nước
ngọt, hoa quả và đồ lưu niệm buông sẵn
ở đó áp sát lại những con thuyền vừa
tới, trước khi quay đầu trở ra. Tôi
mời chị chèo thuyền một gói bánh và một chai
nước ngọt, chị cảm ơn và lặng lẽ
ăn.
Chỉ trên đường ra, quay lại
bến, chúng tôi mới trò chuyện nhiều hơn. Chị
cho tôi biết, ở điểm du lịch này luôn luôn có
khoảng hai nghìn”hộ” đợi số thuyền của
mình được xướng lên, nghĩa là đến
lượt chủ nhân của thuyền có cơ hội
chở khách, mỗi lượt đi được
một trăm nghìn đồng (khoảng 5 USD). Tôi
tưởng thường xuyên đến lượt
chị, nhưng chị bảo, không đâu, khoảng
nửa tháng một lần, vì số người
đợi đông lắm. Rồi chị kể cho tôi nghe
cảnh gia đình nghèo khó không lấy gì làm may mắn
của chị.
Tôi nhớ ấn tượng về Hoa Lư
trong cái nắng gắt chói chang, trong dáng vẻ mệt
mỏi chịu đựng câm lặng của người
phụ nữ chèo thuyền, trong cả tiếng reo vui
của con trai tôi khi ngước nhìn lên núi thấy một
con dê trắng thấp thoáng, hay nhìn xuống mặt
nước thấy những hạt đỏ kỳ
lạ lốm đốm trên các rễ cây dạt, mà chị
chèo thuyền bảo đấy là trứng ếch sẽ
nở ra đòng đòng, rồi lũ vịt cỏ
trắng muốt bé xíu, gọn nghẽ như một
nắm cơm vừa khỏa nước vừa ngoác
miệng kêu rõ to…
Những ngày sau đó, rời miền Bắc,
hai mẹ con vội vã „bay” vào Nam. Điểm đến
đầu tiên là Đà nẵng, một thành phố
đẹp, hiện đại, rộng rãi thưa
người (quá bất ngờ), nếu người ta
chỉ quen với Hà nội, Sài gòn đông đến
nghẹt thở. Kẻ đi chơi, đi du lịch
truyền nhau câu nói: đây là thành phố đáng sống
nhất ở Việt nam. Nhưng một ông tacxi Đà
Nẵng bảo tôi: ở Đà Nẵng không có việc làm, khó
kiếm tiền lắm.
Có lẽ điều nổi bật nhất
ở Đà nẵng là những cây cầu hiện
đại mới xây, và bức tượng Phật cao
nhất VN ở chùa Linh Ứng. Nhưng tôi cảm thấy
dễ chịu hơn khi đi ca nô ra Cù Lao Chàm và đến
Hội An. Nghe nhiều, đọc nhiều, xem nhiều
về Hội An, nhưng tận mắt ngắm Hội An
vào buổi tối, khi các phương tiện giao thông
đều bị cấm, chỉ được dùng đôi
chân dạo phố, mới thấy vẻ đẹp
của Hội An. Vẻ đẹp ấy là gì? Tôi đã
thốt lên ngay từ phút đầu tiên chiêm ngưỡng:
giống hệt Hà nội ngày xưa!
Đúng vậy, Hà nội tuổi thơ
của tôi êm đềm, nhỏ nhắn, đa màu sắc,
thanh bình và dịu dàng như Hội An buổi tối. Quái
gở thật, chỉ cần tái hiện cái bình yên cổ xưa
đã đủ tìm ra nỗi lòng thanh thản cũ. Mới
thấy con người và cuộc sống hiện tại
lộn ngược đến mức nào.
Sau đó chúng tôi „bay” vào Sài gòn, trên máy bay có
thể mua vé xe buýt đi Vũng Tàu, nên vừa rời máy bay
chúng tôi lên xe buýt đi Vũng tàu ngay. Kỷ niệm về
Vũng tàu thật khó tả, vừa ướt đẫm
nước mưa, vừa kỳ lạ vì những cuộc
gặp gỡ. Trước hết là tìm ra họ hàng (xa
lắc xa lơ), tuy điều này chả có gì khó khăn:
Vũng Tàu giờ đây là của người Bắc,
ngập tràn giọng Bắc, món ăn Bắc, các khu dân
cư toàn người các tỉnh phía Bắc.
Với con trai tôi, Vũng Tàu là một thứ
quả kỳ diệu, quả sa kê (thoạt nghe
tưởng tên một loại rượu Nhật). Khi cô
chị họ mang lên một đĩa sa kê cắt lát rán
vàng (và không nói gì), nó tưởng đấy là khoai tây chiên
nóng giòn, nó ăn hết sạch và vẫn tiếp tục
tưởng thế cho đến tận hôm về, cô
chị họ mới dẫn ra chỉ cây và quả cho nó
biết. A! nó kêu lên vô cùng thích thú, lôi ngay máy ảnh ra và…tách!
Còn tôi nhớ đến
Vũng Tàu trong kỷ niệm của màn mưa và bóng dáng
của một nhân vật khá kỳ lạ bất ngờ
tôi quen. Đúng hơn, một người quen dẫn chúng
tôi đến nhà anh. Đấy là một trí thức
Việt đã từng sống rất lâu ở Pháp, toàn
bộ con người anh toát lên một cái gì đấy quen
thuộc từ nền văn hóa Pháp, khiến tôi không
thể không (chạnh lòng) liên tưởng. Bố tôi từng
là một „biểu tượng” của nền văn hóa này
trong tôi.
Lúc đầu chúng tôi chỉ định
ở Vũng Tàu một ngày, nhưng có lẽ vì trời
mưa và vì dấu ấn của một nền văn hóa
khác (vừa lạ vừa quen) chăng, chúng tôi ở
lại Vũng Tàu thêm một ngày nữa. Người trí
thức (Việt-Pháp) mới quen này kỳ dị vì
những việc làm của anh. Để lại toàn bộ
gia đình (một vợ hai con hai cháu) ở Paris, anh về
Vietnam một mình, chọn Vũng Tàu để sống, làm
những gì anh thích. Một trong những việc anh thích
ấy là bắt tay vào cải tạo cái môi trường
sống quanh mình. Ngày nào anh cũng đi nhặt rác trên con
đường từ nhà anh ra đến bãi tắm (đi
bộ chừng 15 phút), làm những thùng xốp đặt
hai bên đường để đựng rác, vần
những phiến đá xếp thành ghế ngồi và
trồng rất nhiều loại hoa chạy dọc con
đường ra biển. Lúc đầu dân ở đây
đứng xa xa nhìn, thấy lạ, giờ, họ niềm
nở chào anh, bọn thanh niên bắt đầu giúp anh
cũng nhặt rác và phát quang cây, cỏ. Thậm chí, chính
quyền thành phố quyết định tặng anh
một bằng khen!
Tôi hỏi gia đình anh nghĩ gì khi anh
trở về VN sống? anh bảo ai cũng phản đối
dữ dội, vợ anh ly hôn, nhưng năm ngoái nghe tin
vợ bệnh nặng, anh về Paris một năm chăm
sóc vợ, vợ bình phục, anh lại quay về VN.
Tại sao anh quay về? Anh ngẫm nghĩ và bảo: không
thì tôi thấy tôi phí lắm, tôi có thể làm nhiều
điều khác ngoài cả đời làm một ông bác
sĩ ở Paris.
Tôi không chú ý lắm đến căn nhà
nửa Á nửa Âu của anh, tôi bị chìm vào suy ngẫm, khi
đôi lúc nhận ra một cái gì đấy bất ngờ
trong cách ứng xử, trong quan điểm, trong nội dung
những câu chuyện của anh. Và nhất là khi chạy
trong màn mưa ra bãi tắm, nhảy sóng trên biển mưa
ngút ngàn, quay về chạy vượt qua những khóm hoa
đủ màu đẫm nước, những phiến
đá xếp vụng về, những thùng xốp ghi
chữ Thùng Rác to tướng.
Con người đúng là một thế
giới riêng duy nhất mênh mông.
Rời Vũng Tàu, hai mẹ con tôi về Sài
gòn, đi chơi khắp nơi trong thành phố, tôi hỏi
con trai thích Hà nội hơn hay Sài gòn hơn? nó bảo: thích
cả hai, vì cả hai đều đẹp như nhau.
Con trai tôi cũng là một thế giới
riêng kỳ lạ: đến nơi nào nó cũng hý hoáy lôi
mấy con ngựa Poni yêu quý của nó ra chụp ảnh cùng
nơi ấy. Ai cũng lấy làm lạ, cũng như tôi
không màng tới lời chia xẻ của nó: con chụp
để gửi cho tất cả mọi người.
Rồi khi nó hãnh diện chỉ trên màn hình nhỏ, lúc này tôi
mới hiểu nó chụp ảnh để làm gì, đúng là
nó đã chia xẻ niềm vui của nó với mọi
người-bằng cách riêng mà nó muốn.
Đấy: quê nhà trong tháng
Bảy-Julius 2014 của tôi.
nguồn : ĂN MÀY VĂN CHƯƠNG amvc.fr
Nguyễn Hồng
Nhung
( Budapest.2014.07.23)