Wednesday, June 25, 2014

BERTRAND RUSSELL




 WISDOM OF THE WEST của Bertrand Russell là một trong các kỳ thư tôi đã đọc qua thời còn sinh viên, nay mang ra cực thị (close reading) vẫn thấy thú vị vì văn phong trong sáng của một nhà tư tưởng lớn nhưng không loè người đọc với xảo ngữ cầu kỳ như một số thần tượng lý thuyết kiểu Paris. Trong THE ART OF PHILOSOPHIZING đúc kết phương cách tiếp cận sự vật của triết gia, ông đã nói giản dị thế này :. If you wish to become a philosopher, you must try, as far as you can, to get rid of beliefs which depend solely upon the place and time of your education, and upon what your parents and schoolmasters told you. (Nếu có nguyện vọng trở thành triết gia, bạn phải hết sức cố gắng vứt bỏ các tín điều lệ thuộc vào nơi chốn cùng thời điểm đã giáo dục nên bạn, và những gì cha mẹ với thày cô đã dạy bảo bạn.) 

   Xin gửi đến bạn đọc vài trang đầu của cuốn biên khảo MINH TRIẾT PHƯƠNG TÂY, trong khi chờ đợi cái ngày một dịch giả VN có dư nghị lực và biệt tài ngữ văn trình làng cả tập.


                                                                         Chân  Phương  dịch và giới thiệu




                                                                   KHAI  TỪ


   Triết gia làm gì khi họ vùi đầu vào việc ?  Đây đúng là một câu hỏi lạ đời, và ta có thể thử trả lời nó bằng cách trình bày trước tiên những gì không thuộc nghiệp vụ của họ. Có nhiều điều coi như dễ hiểu nơi thế giới quanh chúng ta. Lấy ví dụ cách vận hành của máy hơi nước. Cái này thuộc lĩnh vực cơ khí học và nhiệt động học. Thêm một ví dụ, ta biết khá nhiều về cách cấu tạo và chức năng của cơ thể con người. Các thứ này được giải phẫu học và sinh lý học nghiên cứu. Hoặc, sau rốt, thử xét về sự chuyển động của tinh tú, điều mà chúng ta có thừa kiến thức. Đây là đề tài của thiên văn học. Mọi bộ phận tri thức được minh định như thế đều thuộc về một trong các môn khoa học.

   Nhưng tất cả các vùng tri thức ấy giáp quanh bờ cõi của cái không biết. Khi ta đi đến những biên địa đó hoặc xa hơn, từ khoa học ta bước qua địa hạt của tư biện. Hoạt động tư biện này là một loại thám hiểm, và đây chính là triết học bên cạnh những tìm tòi khác. Như ta sẽ thấy ở phần sau, các lĩnh vực đa dạng của khoa học đều bắt đầu như là thám hiểm triết học, hiểu theo nghĩa trên. Khi nào một môn khoa học có được nền móng vững chắc, từ đó ít nhiều nó sẽ diễn tiến một cách độc lập, ngoại trừ những vấn đề ở giới tuyến và các câu hỏi về phương pháp. Nhưng quá trình thám hiểm coi như không đạt được bước tiến nào, nó chỉ tiếp tục tìm những điều mới để khảo sát.

   Đồng thời chúng ta phải phân biệt triết học với các loại tư biện khác. Triết học tự nó không nhằm giải quyết các phiền lụy hoặc cứu rỗi linh hồn của chúng ta. Nói như người Hi Lạp, đó là một thứ phiêu lưu ngoạn cảnh chẳng có mục đích nào khác ngoài chính nó. Do đó, nguyên tắc mà nói không có vấn đề tín điều, nghi thức hoặc thần linh các thứ ở đây, cho dù trong giới triết gia người này kẻ nọ đương nhiên có thể biến thành giáo điều cứng nhắc. Đối với cái không biết ta hiển nhiên có thể chọn một trong hai thái độ. Một là chấp nhận các phán quyết của những người cho rằng họ kiến ngộ nhờ vào các kinh thư, các điều huyền nhiệm hay các nguồn thần hứng khác. Còn cách kia là tự mình đi ra mà nhìn ngắm, và đây là con đường của khoa học và triết học.

   Cuối cùng còn một đặc điểm của triết học ta nên lưu ý. Nếu có ai đặt câu hỏi toán học là gì, ta có thể trao người ấy một định nghĩa theo từ điển. Để bàn cho ra lẽ, cứ cho đó là khoa học về con số. Xét cho cùng đây là một nhận định không cần phải tranh cãi, hơn nữa nó là điều người nêu câu hỏi có thể hiểu được dễ dàng cho dù ông ta có thể dốt về toán. Cũng như vậy ta có thể đưa ra các định nghĩa cho bất cứ môn ngành nào đã có được một khối kiến thức xác định. Nhưng không thể định nghĩa triết học như thế. Định nghĩa nào cũng gây tranh luận và đã hàm chứa sẵn một thái độ triết. Cách duy nhất để khám phá xem triết học là gì là làm triết học. Trình bày cho thấy trong quá khứ người ta đã làm triết học như thế nào là mục đích chính của cuốn sách này.

   Có nhiều câu hỏi khi này lúc khác những người chịu suy nghĩ tự đặt ra mà khoa học không thể giải đáp. Và những ai cố gắng suy nghĩ cho chính mình khó mà bằng lòng tin  vào những câu trả lời có sẵn do các sấm ký phán truyền. Công việc của triết học là khảo sát, và đôi khi loại bỏ những câu hỏi ấy. 

   Như khi không cưỡng được chúng ta đặt cho mình những câu hỏi chẳng hạn về ý nghĩa cuộc đời, nếu quả thật nó không hoàn toàn vô nghĩa. Thế giới này có mục đích chăng, sự phô diễn của lịch sử hướng về đâu, hay là các câu hỏi này vô nghĩa?         

   Lại còn các vấn đề, tỉ dụ thiên nhiên có tuân theo qui luật hay không, hay chẳng qua ta suy ra như thế bởi ta muốn thấy sự vật tuân theo một trật tự nào đó. Còn thêm sự chất vấn chung chung: thế giới có chia thành hai phần rời - tinh thần và vật chất - hay không; và nếu chia rời như thế thì chúng làm thế nào gắn kết vào nhau ?

   Và nói về con người thì sao? Y là một hạt bụi yếu ớt bò lê trên một hành tinh tầm thường bé nhỏ, như cách nhìn của giới thiên văn học? Hay y là một đống hóa chất gắn vào nhau một cách kỳ quặc, nói theo các nhà hóa học? Hoặc rốt cuộc, theo cách nhìn của Hamlet, con người vừa cao cả về lý trí vừa có khả năng vô tận? Có lẽ con người cùng một lúc là tất cả các thứ đó?

   Cùng với điều này còn các câu hỏi về thiện ác. Có chăng một cách sống tốt lành và một cách sống tồi tệ? Hoặc chúng ta sống như thế nào mặc kệ, không có chuyện đúng sai hơn kém? Một cách sống tốt lành nếu có thì nó ra làm sao? Và bằng cách nào ta học được cách sống như thế? Có cái gì đó ta có thể gọi là minh triết chăng, hay cái có vẻ như là minh triết chẳng qua là sự điên khùng rỗng tuếch?

   Tất cả các câu hỏi này làm đau đầu nhức óc. Ta không thể lý giải chúng bằng những khảo nghiệm trong phòng thí nghiệm, và những ai có đầu óc độc lập sẽ không chịu qui phục các lời phán truyền của những kẻ rao giảng mấy loại thuốc trị bá bệnh. Đối với các câu hỏi như thế lịch sử triết học cung ứng những giải đáp tùy khả năng cho phép. Khi khảo cứu chủ đề khó khăn này ta học được cái cách mà những kẻ khác ở những thời đại khác đã suy tư về những điều này. Và như thế ta hiểu được họ khá hơn, bởi cách họ xử lý triết học là một khía cạnh quan trọng trong cách sống của họ. Sau cùng điều này có thể chỉ dạy chúng ta phải sống như thế nào cho dù cái ta biết chẳng là bao. 


 (Prologue, Wisdom of the West, London, 1959) 

nguồn : ăn mày văn chương amvc.fr