Monday, June 23, 2014

NHÀ VĂN CẦN PHẢI NÓI LÊN SỰ THẬT – KỲ 2


LX : Vừa mới post kỳ1 của bài viết NHÀ VĂN CẦN PHẢI NÓI LÊN SỰ THẬT  ( kỳ 1 ) đã có nhiều bạn đọc thích thú đề nghị laxanh cho đọc tiếp các phần 2 phần  3 ... và N... phần. Chúng tôi liên hệ với nhà văn Nhật Tuấn và được ông ủng hộ đề nghi này.



NHÀ VĂN CẦN PHẢI NÓI LÊN SỰ THẬT – KỲ 2

(tiếp theo)

Hội nhà văn Việt Nam thường nhắc nhở các nhà văn cố gắng có tác phẩm xứng đáng với tầm vóc của cuộc chiến tranh “chống Mỹ cứu nước” thần thánh. Than ôi, cuộc chiến đã rơi vào lịch sử cả 40 năm nay, trung bình cứ tính đổ đồng mỗi năm Nhà nước chi cho các nhà văn khoảng 30 tỷ đồng, chưa kể nuôi một bộ máy “quản lý công tác văn học” tính cả nước vài trăm người thì phải nói “tiền đặt cọc” móc từ túi dân khá là lớn. Tốn kém vậy mà tới nay vẫn chưa thấy xuất hiện tác phẩm văn học nào “xứng đáng với tầm vóc” của sự nghiệp “chiến tranh cách mạng vĩ đại “, mỗi khi hội họp “bàn về sáng tác “ các nhà văn vẫn vò đầu bứt tai :” chúng ta còn nợ lịch sử…”. Món nợ này xem ra khó đòi làm Bộ tài chính phải đặt vấn đề :

” Tại sao các nhà văn được Đảng và Nhà nước đầu tư bạc tỷ , khuyến khích ưu ái hết mức mà cả mấy chục năm nay vẫn cứ“mang thai” chưa thấy ông nhà văn nào “ sinh hạ “ được “quí tử” ?”

Nói cho ngay, cả một đội ngũ đông đảo các nhà văn viết về đề tài “chiến tranh chống Mỹ” cũng chịu khó “rặn đẻ” lắm chớ , mỗi tội con đàn con đống mà chẳng đứa nào vượt khỏi những “Dấu chân người lính “ của Nguyễn Minh Châu, “ “Hòn đất” của Anh Đức, “Người mẹ cầm súng” của Nguyễn Thi…dẫu rằng những tác phẩm này cũng chỉ là “những giá trị ảo”, nhất thời được dùng đến và đã phôi pha theo thời gian. 

Gần 40 năm nhìn lại, “ tắc đẻ” đang trở thành vấn nạn của các nhà văn chuyên viết về đề tài chiến tranh. Vì sao vậy ? Phải chăng sự bề bộn của nền kinh tế thị trường đã làm phân tâm các nhà văn ? Nào lo “chạy ghế, chạy nhà, chạy đất”, “chạy tiền đầu tư sáng tác, chạy đi nước ngoài “” chạy tiền cho con du học…” …Nào lo “giao lưu” với các quý vị “ngày xưa là kẻ thù , ngày nay là chiến hữu” trong William Joiner Center để may được một xuất đi Mỹ, dịch sách…? Phải chăng “vốn sống ở chiến trường” để quá lâu trong ký ức lâu ngày cũng phai mờ ?

Thế nhưng trong các cuộc toạ đàm “viết về đề tài chiến tranh”, các nhà văn lại thường đòi hỏi “ cần có độ lùi” (recul) để ngắm nghía “bức tranh của cuộc chiến” cho toàn diện. Than ôi, cái “recul” này không biết còn kéo dài cả mấy kilômét “thập kỷ” nữa đây ? 

Thực ra nguyên nhân “tắc đẻ” chẳng ở đâu xa mà ngay trong đầu mấy ông nhà văn. Ngay từ thủa ban đầu cầm bút, các đồng chí đó ( 80% là đảng viên cộng sản) đã “quán triệt” câu hỏi của bác Hồ :"Viết để làm gì? Viết cho ai? Viết thế nào?" . Tất nhiên câu trả lời bây giờ sẽ là :” Viết để được ‘trên khen”, báo chí “tung hô”. Viết cho mấy ông đọc duyệt.Viết cho khỏi …”mất điểm” thi đua…”. Khổ nỗi 40 năm qua, rất nhiều “sự thật ở chiến trường” đã được phơi bày trước mắt các nhà văn qua tiếp xúc với chính đồng bào miền Nam, qua sách báo trước 1975. Hoá ra “người đằng nguỵ” chẳng phải ai cũng “ác thiệt ác” như thiếu tá Sành của ông Anh Đức, “ người đằng mình” không phải ai cũng “anh hùng thiệt anh hùng” như “Bà mẹ cầm súng “ của Nguyễn Thi. Hoá ra“sự thật ở chiến trường” phức tạp, phong phú, đa đoan hơn các nhà văn vẫn tưởng nhiều lắm. Lại thêm cái “cảm hứng chủ đạo” “đánh Mỹ là niềm vui bất tận “ đã không còn nữa, nó đã được thay thế bởi nỗi buồn thời thế , “cái đẹp, cái cao cả của lý tưởng đã bị dìm chết trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN” . 

Các nhà văn muốn viết về đề tài chiến tranh sẽ xoay xở sao đây khi phải phân đôi con người “nghĩ một đằng, viết một nẻo” ? Cái công việc đầy trái khoáy đó làm sao tránh khỏi gây “tắc đẻ” ? Tất nhiên cũng có người dám viết tới cả một “trung đoàn trưởng chiêu hồi” như Nguyễn Trọng Oánh trong “Đất trắng”, hoặc những cảnh “bộ đội cũng giết chóc tàn ác” như một vài đoạn trong “Nỗi buồn chiến tranh “ của Bảo Ninh, “ Đi tìm nhân vật” của Tạ Duy Anh, nhưng vẫn chỉ là những chấm phá chứ chưa hẳn là “những sự thật cốt lõi” của cuộc chiến. Ngoài sự trật đường rầy hiếm hoi đó ra, hàng núi truyện ngắn, tiểu thuyết viết về “đề tài chiến tranh” vẫn chỉ là nối dài con đường mòn “ mùa xuân này ta hát khắp Trường Sơn” của các bậc đàn anh đi trước. 

Tất nhiên các nhà văn rường cột của Nhà nước không bao giờ thừa nhận có chuyện “tắc đẻ”. Nhiều năm trước, nhà thơ Trần Đăng Khoa đã trấn an báo chí rằng :” Văn học ta không hề bế tắc .Chúng ta chẳng việc gì phải bi quan. Chng ta từng được mùa với tiểu thuyết của Nguyễn Khắc Trường, Bảo Ninh và truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp. Hiện nay, chúng ta vẫn có những cuốn sách hay, như truyện ngắn Ma Văn Kháng, tiểu thuyết lịch sử Nguyễn Xuân Khánh, gần đây nhất là cuốn Giàn thiêu của Võ Thị Hảo…. Đó là những dấu hiệu tốt lành để chúng ta hy vọng. Văn học ta không hề bế tắc như một số người lầm tưởng. “. 

Trong những dẫn chứng của nhà thơ, chỉ thấy có “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh, dăm bảy truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp phần nào gói ghém được sự thực còn tươi của đời sống, nhưng đó là chuyện của cả chục năm trước, còn bây giờ cả hai quý vị ấy xem ra cũng khó rặn được đứa con nào khôi ngô tuấn tú như đứa đầu lòng. 

Các nhà văn viết về đề tài chiến tranh đã vậy , thế còn các ông “dân sự” trong gần 700 hội viên Hội nhà văn trong mấy thập kỷ qua đã “nói lên sự thật “ như thế nào ? 

Trong vài năm ngắn ngủi Đảng “xả xú páp”, cởi trói cho văn nghệ, các ông bà nhà văn đẻ toé loe không khác gì các quý bà, quý cô mấy năm trước tranh nhau sinh quí tử tuổi Quý Mùi, tuy nhiên “ còn lại với thời gian” cũng chỉ đếm được trên đầu các ngón tay : Một số truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, “ Đi về nơi hoang dã” của Nhật Tuấn, “ Hồn Trương Ba da hàng thịt” (kịch) của Lưu Quang Vũ, “Thiên sứ” của Phạm Thị Hoài ( Hội viên chưa… kết nạp), “Thiên đường mù” của Dương Thu Hương ( Hội viên đã … khai trừ) và sang thời “ hậu cởi trói “ có thể kể thêm “ Nỗi buồn chiến tranh của “Bảo Ninh,” Chuyện kể năm 2000” của Bùi Ngọc Tấn, “Mảnh đất lắm người nhiều ma” của Nguyễn Khắc Trường, “ Những mảnh đời đen trắng” của Nguyễn Quang Lập, “ Bến không chồng” của Dương Hướng, “Thời xa vắng “ của Lê Lựu. Những tác phẩm này phần nào đáp ứng được một cách văn chương yêu cầu của ông nhà văn Phủ Ngọc Tường :” Nhà văn cần phải nói lên sự thật…”.

Thế còn hằng hà sa số các tác phẩm khác từng được báo chí làm rùm beng, từng được các thứ giải thưởng văn học của Nhà nước thì sao ? Nào “ Gặp gỡ cuối năm”,” Cõi nhân gian bé tí”, “ Thượng đế thì cười”của Nguyễn Khải ( thật ra “độc giả thì cười” thì đúng hơn, vì cuốn này bầy tỏ lòng trung thành của tác giả với cách mạng, phân bua với văn hữu, nhưng chẳng may lại véo vào chỗ nhạy cảm nhất là “quốc hội” nên mới ăn đòn), nào “Cơ hội của chúa” của Nguyễn Việt Hà, nào “Những đứa trẻ không chịu chết già” của Nguyễn Bình Phương, nào “Đêm thánh nhân” của Nguyễn Đình Chính, “ Ngược dòng lũ” của Ma văn Kháng, tiểu thuyết lịch sử của Nguyễn Xuân Khánh, Hoàng Quốc Hải vân vân và vân vân ? Xin hãy “wait and see”, xin hãy chờ ISO 9000 của lịch sử kiểm định và cấp chứng chỉ.

Tuy nhiên chẳng phải ông nhà văn nào cũng muốn “bảng vàng bia đá”, “ ISO của lịch sử”, vẫn có nhiều người cho rằng “ chuối chín cây là ngon nhất”, sách ra cứ bán ào ào là được. Đại biểu xứng đáng nhất cho thứ “ văn học cóc cần hậu thế” này là nhà văn nổi tiếng một thời với cuốn sách gây chấn động “ Cù lao tràm” và vẫn đang rất nổi tiếng với hàng loạt các kịch bản phim truyền hình nhiều tập .



(còn nữa)