(Dân trí) - Lên đồng là một nghi thức trong hoạt động tín ngưỡng dân gian của Việt Nam. Mới đây, hãng thông tấn AFP của Pháp đã viết bài về nghi lễ này của người Việt.
Lên đồng vốn được người xưa coi là nghi thức để giao tiếp với thần linh. Người xưa tin rằng các vị thần linh có thể nhập hồn vào ông đồng, bà đồng, đưa ra những lời phán truyền, giúp diệt trừ tà ma, bệnh tật, ban phúc lộc cho các con nhang, đệ tử. Khi thần linh nhập vào đồng, lúc đó, ông đồng, bà đồng không còn là mình nữa mà là hiện thân của vị thần nhập vào họ.
Người đứng giá hầu đồng gọi là thanh đồng. Thường có hai hoặc bốn phụ đồng (được gọi là nhị trụ hoặc tứ trụ hầu dâng) đi theo thanh đồng để chuẩn bị trang phục, lễ lạt...
Trong một buổi lên đồng, có rất nhiều “giá”. Mỗi lần thay giá, người ta lại phủ lên “cậu” hoặc “cô” một tấm khăn lụa đỏ, sau đó bỏ ra, lúc này, thanh đồng sẽ ở một giá mới và phải thay xống áo, khăn chầu, cờ quạt, đồ hầu dâng... theo giá mới này.
Điệu múa của thanh đồng cũng được thay đổi theo từng giá. Giá quan thường múa cờ, múa kiếm; giá ông hoàng múa khăn tấu, múa tay không; giá cô múa quạt, múa hoa, múa thêu thùa, múa khăn lụa, múa đàn; giá cậu múa hèo, múa lân...
Nghi lễ Thánh giáng phải theo thứ tự từ cao đến thấp, từ Thánh Mẫu rồi đến hàng quan, chầu, ông hoàng, rồi hàng cô và cậu. Số lượng giá trong một buổi lên đồng có khi lên tới 36 giá.
Trong lúc thanh đồng đang hoá thân thì phụ đồng ở dưới cũng nghiêng ngả, múa hưởng ứng theo nhịp câu hát. Những nắm tiền lẻ sau khi được thanh đồng tung ra, ban phát cho những người xung quanh sẽ được coi là tiền lộc và được những người đứng xem nhặt lấy may.
Nhạc hát sử dụng trong nghi thức lên đồng thường là điệu chầu văn hoặc bài hát nói có nội dung ca ngợi sự linh thiêng của thần thánh và vẻ đẹp tiên giới. Nhạc khí chủ đạo là đàn nguyệt, phách, sênh, trống chầu, chuông… Nhóm đàn hát này được gọi là cung văn.
Ngày nay, lên đồng vẫn còn là nhu cầu tâm linh, là hình thức sinh hoạt tín ngưỡng dân gian của một bộ phận người Việt. Các nghi lễ này thường được tổ chức nhiều lần trong một năm vào các dịp lễ, tiết.
Ngoài việc lên đồng để giao tiếp với thần linh, tín ngưỡng người Việt cổ còn tin rằng sau khi chết, linh hồn người chết vẫn còn. Do đó, bằng cách lên đồng, linh hồn người chết có thể nhập vào đồng cô, đồng cậu (người gọi đồng) để trò chuyện với người thân ở dương thế.
Khi cuộc sống xã hội ngày càng hiện đại, áp lực cuộc sống ngày càng tăng lên, thì nhu cầu tìm về với tín ngưỡng dân gian cổ xưa dường như cũng lớn hơn. Không ít người tìm thấy ở đó một sự an ủi, khuây khỏa, yên bình.
Tại Việt Nam hiện nay, đã có nhiều hội thảo, nghiên cứu khoa học về hoạt động tín ngưỡng dân gian đặc biệt này. Hát văn còn được xây dựng hồ sơ để đề nghị UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể.
Hát văn trong lên đồng đòi hỏi phải có không gian - đồ vật - lời nói và nghi lễ thiêng liêng. Đây là loại hình nghệ thuật đa ngành, ở đó hội tụ nhiều giá trị khác nhau như âm nhạc, mỹ thuật, sân khấu, văn học, vũ đạo, đạo cụ, trang phục, nghệ thuật trình diễn… Ở đó, mỗi giá đồng có thể coi là một trích đoạn sân khấu dân gian có sự giao tiếp giữa con người và thần thánh.
Bích Ngọc
Lược theo AFP