CUỐI TUẦN VỚI
MODIANO
CHÂN PHƯƠNG
CHÂN PHƯƠNG
Vivre, c'est s'obstiner
à achever un souvenir
Sống là cố gắng ngoan cố để hoàn tất một kỷ niệm RENÉCHAR
Sống là cố gắng ngoan cố để hoàn tất một kỷ niệm RENÉCHAR
Nhà sách Shoenhoff's ở Cambridge vào tuần loan báo giải Nobel Văn Học 2014 |
Nghe
tin mừng Patrick MODIANO vừa được
trao Nobel - đây cũng là vinh dự lớn cho nền văn học Pháp với 15 Nobel
Văn Học - tôi
lục tìm
trong mấy kệ sách nhà mớ tiểu thuyết của Modiano để đọc lại. Thấy
thiếu mấy cuốn - có lẽ cho mượn hay tặng bạn - tôi lái xe về
Cambridge ghé nhà sách ngoại văn Schoenhof’s hi vọng tìm được vài đầu sách.
Nhưng đã muộn, dân ghiền sách hoặc mê văn chương Pháp đã mua hết mọi
trước tác của nhà văn Tân-Nobel; chỉ còn duy nhất một quyển suy
nghiệm về lịch sử khô khan ... Bèn quay về nhà, ngồi cạnh lò sưởi
nhỏ với La Place de L'Etoile vừa
nhâm nhi rượu vang cho qua đêm dài lập thu.
Sinh năm 1945 ở ngoại ô Paris
ông bỏ đại học văn khoa sau năm dự bị và theo nghiệp văn bút từ đó.
Tiểu thuyết đầu tay LA PLACE DE L' ETOILE gây sự chú
ý với giải Roger Nimier 1968; tiếp
theo là LA RONDE DE NUIT và LES BOULEVARDS DE CEINTURE
- ba cuốn truyện ông viết một hơi trong 5 năm thành bộ tam thiên (trilogie) về giai đoạn nước Pháp bị
Hitler chiếm đóng. Đây sẽ là chủ đề xuyên suốt các trước tác về sau
của Patrick Modiano. Giải Goncourt năm 1978 với tiểu thuyết RUE
DES BOUTIQUES OBSCURES cùng giải Văn Chương Quốc Gia Grand Prix National des Lettres năm
1996 cho toàn bộ văn nghiệp là vài dấu mốc vinh quang trong cuộc đời
của một văn hào bị phân thân liên tục giữa ký ức, bản sắc và số
phận con người thăng trầm theo các biến động lịch sử.
Làm thơ
từ lúc 9, 10 tuổi Patrick Modiano cũng có viết vài ca khúc. Bài đầu tiên của ông đặt
lời là "Étonnez-moi Benoit"
được Françoise Hardy hát năm 1968.
Ảnh chụp Patrick Modiano năm ông 24 tuổi trên Magazine Littéraire tháng 11-1969 |
Nhưng máu văn
chương đã lôi ông vào thế giới tiểu thuyết từ thuở 15 tuổi với nhiều
phác thảo bỏ dở; cho đến mùa hè 1966 khi ông viết một mạch bản thảo
La Place de l’Etoile và dứt điểm
vào dịp Giáng Sinh. Đứa con đầu được nhà Gallimard xuất bản năm 1968 giúp
cho tác giả nó đủ tự tin để sáng tác ngay sau đó La Ronde de nuit – phát hành năm kế tiếp. Cuốn sau này là
một kiệt tác ngắn với cốt truyện và tình tiết tập trung quanh nhân
vật mang bí danh Lamballe, vừa làm mật vụ Gestapo Pháp vừa tham gia
kháng chiến nội thành Paris, một loại tính cách nhị trùng cộng bệnh
lý lịch sử-văn hóa mà Modiano sẽ dàn dựng và đào sâu trong chuỗi
tác phẩm hư cấu của mình. Lamballe là tiền thân cho nhân vật Lucien Lacombe, phim truyện sau này
Louis Malle sẽ đạo diễn thành công theo kịch bản của Modiano . La
Ronde de nuit đưa chàng nhà văn 23 tuổi lúc ấy vào danh sách các
ngòi bút sáng giá của tạp chí uy tín Le Magazine Littéraire khi tổng kết 40 văn học thế giới 1966-2006. Bài
nói chuyện giữa tác giả với tạp chí năm 1969 chung quanh hai cuốn
truyện đầu tay cũng được đăng lại trong số báo đặc biệt này:
Jean
Montalbetti: Có liên hệ gì giữa hai quyển sách?
Patrick Modiano : La Place de l'Étoile là
bài toán do thái và chỉ có vậy. La Ronde de nuit không chỉ là
nước Pháp thời Vichy. Khi viết, tôi lợi dụng không khí Paris dưới ách
chiếm đóng, nhưng tôi đồng thời không muốn truyên kể của tôi bị ràng
buộc vào một thời điểm. Trong cả hai cuốn, bao giờ cũng là sự tìm
kiếm bản sắc. Cuốn đầu là bản sắc do thái, còn cuốn sau là sự
trốn chạy bản năng khỏi mọi định hình bản sắc. Sự việc diễn ra
trong một khung cảnh đạo lý, nhưng nhân vật của nó là một kẻ hoàn
toàn thiếu tính chất đạo lý.
JM : Tại sao ông quyến luyến với
một thời kỳ khi mà ông chưa có mặt trên đời ?
PM : Đó là một thế giới trong đó tôi
tìm thấy tất cả những gì ám ảnh mình - dù tôi không được biết nó.
Sau ngày chiến tranh kết thúc, ta đã thấy hình thành một xã hội
nhập nhằng đầy bọn trục lợi và đám thất thế. Trong thế giới ấy tôi
tìm lại thứ cảm giác tôi thường xuyên có trong người là sự chông
chênh không tìm ra điểm tựa. Lại còn một bầu khí công an của sự băng
hoại luân thường. Khi tôi nghĩ đến giai đoạn Đức chiếm đóng, điều tôi
lưu tâm không phải tính cách anh hùng ở vài người mà là sự thối nát
và đớn hèn của đại đa số.
( ... )
JM : La
Ronde de nuit được ghi chú là tiểu
thuyết. Nhưng nơi trang 148 ông thú nhận rằng các nhân vật của mình
từng hiện hữu và được nêu đúng tính danh...Có phải đó chỉ là một
xão thuật?
PM : Tôi đã vận dụng một lối vọng
tưởng huyền thoại (mythomanie) để có thể trộn lẫn sự thực với hư
cấu. Cùng lúc tôi có cảm tưởng cách pha nhiễu này gây nên một thứ
tâm trạng bất ổn đáng lẽ không xảy ra nếu độc giả biết được chắc
chắn họ đang ở trong cõi tưởng tượng thuần túy hoặc là trong thực
tế lịch sử. Xin nói thêm, nhiều nhân vật lịch sử được nhắc đến đối
với tôi hầu như họ là huyền thoại...Tôi nhìn ngắm họ như những kẻ đi
dây rất quyến rũ. Tôi có cảm nghĩ mình sinh vào thời kỳ ấy, và khi
nhắc gợi các xung đột của họ tôi cũng được quay về nguồn cội của
mình.
(...)
Tôi có vài kỷ niệm khó quên
với PM; ông là một trong số các
nhà văn tôi khám phá sau tháng 4-75 trong những năm dài ngột ngạt về
thông tin và tư tưởng ở VN. Cũng may khả năng ngoại ngữ đã cho phép
tôi ung dung ngao du trong thế giới chữ nghĩa phương Tây trong khi ngoài
đời các sách dịch văn học của Sài Gòn trước đó bị tịch thu, kết
án, hay lén lút chuyền tay...Trong không khí bất an như thế, những
trang văn trong La Place de l’Étoile
hay La Ronde de nuit lại quyến rủ hơn vì tính chất nhá nhem
lịch sử, nhập nhằng nhân tính thời nước Pháp bị Đức chiếm đóng –
ít nhiều tương ứng với cả miền Nam lúc bấy giờ vẫn bị quân quản
giới nghiêm khi mà bọn thua trận mang trên người đủ loại hóa trang để
sống chung với phe thắng cuộc.
***
Rời khỏi VN sau
này, tôi tiếp tục tìm đọc sáng tác mới của Modiano cũng như các biên
khảo hoặc phê bình về nghệ thuật tiểu thuyết của ông, đặc biệt vào
những dịp sang Pháp thăm mẹ vào mùa hè. Cho đến hôm nay ông đã cống hiến
cho nền văn học - không riêng gì nước Pháp - 28 tác phẩm trong đó có
cả hai tự truyện LIVRET DE FAMILLE và PEDIGREE để dựng lại
chân dung nghệ thuật cho cha mẹ ông và chính quá trình hình thành nhà
văn Patrick Modiano có người cha là một doanh nhân Ý-Do thái quảng giao
với giới quí tộc thượng lưu Pháp và bà mẹ diễn viên kịch nghệ gốc
Bỉ. Có thể nói toàn bộ sáng tác ấy xoay quanh nỗ lực phục chế quá
khứ bằng cách hư cấu những nhân vật quay về chốn cũ tìm kiếm hình
bóng một người thân thuộc như cha mẹ, người tình, hoặc chính bản thân
trong dĩ vãng như kẻ mất trí điều tra tông tích mình qua các trang
tiểu thuyết Rue des Boutiques obscures/Con Đường của những Cửa Tiệm
âm u được giải Goncourt 1978... Mối ám ảnh đó nằm cô đọng trong câu
văn René Char mà Modiano đã mượn để mở đầu quyển tự truyện LIVRET
DE FAMILLE :Vivre, c'est s'obstiner à achever un souvenir/ Sống là
cố gắng ngoan cố để hoàn tất một kỷ niệm.
Như Victor trở lại Thụy Sĩ, ký ức còn
vương mùi hương của Yvonne (Villa
Triste) hay bóng hình Carmen ám ảnh Jean hai mươi năm sau lúc quay về
mấy con phố Paris cũ (Quartier Perdu),
kẻ kể truyện luôn luôn đi tìm một phụ nữ của kỷ niệm - Louki (Dans
le café de la jeunesse perdue), Jacqueline (Du plus loin que l'Oubli),
… Vì nội dung các tác phẩm Modiano quay đi quay lại là sự truy
tìm quá khứ và những con người đã biệt tăm, các độc giả của ông
phần nào sẽ tán thành khi Peter Englund, thư ký văn phòng Nobel,
xưng tụng Modiano là “Proust của chúng ta hôm nay” qua những trang tả tình quyến luyến da
diết không kém quan hệ Swann-Odette hay Marcel-Albertine thuở nào. Với
giới sành văn chương diễm tình Pháp, sự mê đắm gần như hoang đường
với mấy bóng hồng quá vãng đó còn nhắc thêm mối ám ảnh tâm thần
của Gérard de Nerval với các kiều nữ Aurélia, Sylvie, Adrienne… trong Les
Filles du Feu.
Nhưng với kẻ chịu khó so sánh bút
pháp với văn phong thì hai nhà văn là hai đối cực. Proust thì gặm
nhấm ký ức trong từng câu dài lê thê quá kích thước ngữ pháp thông
thường, Modiano lại ngắn gọn kiệm lời khi trao cho bối cảnh địa lý -
thay vì ngữ cảnh- chức năng dàn dựng mọi niềm ám ảnh. Theo tôi, phong
cách ngắn, khô, tránh phân tích tâm lý hay độc thoại nội tâm của Modiano
gần hơn với ngòi bút Marguerite Duras hay Georges Simenon :
Ils sont devant
l'hôtel, ils font les cent pas. Elle attend l'auto qui doit venir la prendre
pour la mener place de la Paix. Il y a peu de monde. Mais les autos passent
sans arrêt. C'est un boulevard. HIROSHIMA,MON AMOUR-Marguerite Duras.
Quand il revient du métro, le boulevard ...était désert, et ses pas résonnaient...il pensait à l'homme qui, à cette heure, était peut-être encore à courir les rues, anxieux, évitant les coins sombres, cherchant un peu de sécurité dans les bars et les cafés.MAIGRET ET SON MORT.-Georges Simenon.
Quand il revient du métro, le boulevard ...était désert, et ses pas résonnaient...il pensait à l'homme qui, à cette heure, était peut-être encore à courir les rues, anxieux, évitant les coins sombres, cherchant un peu de sécurité dans les bars et les cafés.MAIGRET ET SON MORT.-Georges Simenon.
Kỹ thuật
dựng truyện phỏng theo thể loại hình sự của Modiano không chỉ giống
Simenon về cách hành văn mà còn tương đồng về mẹo dàn dựng khung
cảnh đặc thù tại Paris, London, vùng biển Normandie hay miền đồi núi
Savoie-Thụy sĩ...Nhưng sự vật dù cụ thể đến đâu vẫn bị vây bọc bởi
một màn sương hoài niệm gần như vô định của một Từ Thức thời đại
như Jean Claude Raspiengas đã nhận định về Modiano, "éternel
égaré dans le Paris des réminiscences/ kẻ thất lạc đời đời giữa
Paris của các hồi tưởng". ( La Croix, 3-10-2014). Nhưng kẻ
thất lạc này là một phù thủy rành pháp thuật văn chương, biết huơ
bút chụp bắt năm tháng đã qua và khiến cho các hồn ma hiện lại. Bí
quyết ấy có khi đơn giản như một màn ảo thuật -
Les dimanches, surtout en fin d'après-midi, et si vous
êtes seul, ouvrent une brèche dans le temps. Il suffit de s'y glisser. L'HERBE
DES NUITS.
Nếu ta đơn độc,
những ngày chúa nhật - nhất là lúc xế chiều - mở ra một khe hở
thời gian. Ta chỉ cần lách mình vào.
TÁI BÚT
.
|
Kết
thúc diễn từ Nobel ngày 7-12-2014 ở Stockholm, PATRICK MODIANO nói về Proust,
về ký ức và lãng quên , về thiên chức của nhà văn tiểu thuyết - kẻ phải
chống lại chứng mất trí nhớ của đám người thất lạc giữa các đại đô thị
ngày nay:
ll me semble, malheureusement, que la recherche du temps perdu ne peut plus se faire avec la force et la franchise de Marcel Proust. La société qu’il décrivait était encore stable, une société du XIXe siècle. La mémoire de Proust fait ressurgir le passé dans ses moindres détails, comme un tableau vivant. J’ai l’impression qu’aujourd’hui la mémoire est beaucoup moins sûre d’elle-même et qu’elle doit lutter sans cesse contre l’amnésie et contre l’oubli. Tiếc thay, tôi thấy là không thể truy tìm thời gian đã mất với thế mạnh và sự thẳng thắn của Marcel Proust. Xã hội được ông miêu tả vẫn còn ổn định, đó là xã hội của tk 19. Ký ức của Proust khiến quá khứ trồi hiện không thiếu một chi tiết nào như một bức tranh sinh động. Tôi có cảm tưởng là ký ức ngày nay đã mất tự tin rất nhiều và phải không ngừng chống trả chứng mất trí nhớ và sự quên lãng. À cause de cette couche, de cette masse d’oubli qui recouvre tout, on ne parvient à capter que des fragments du passé, des traces interrompues, des destinées humaines fuyantes et presque insaisissables. Vì cái lớp, cái khối nặng lãng quên trùm phủ mọi thứ ấy, ta chỉ thu bắt được những mảnh vụn từ quá khứ, mớ dấu tích đứt đoạn, các số phận con người trôi tuột và gần như không nắm chụp được . Mais c’est sans doute la vocation du romancier, devant cette grande page blanche de l’oubli, de faire resurgir quelques mots à moitié effacés, comme ces icebergs perdus qui dérivent à la surface de l’océan. Nhưng có lẽ thiên chức của nhà tiểu thuyết trước trang giấy trắng rộng lớn của lãng quên là làm hiện lên vài chữ bị xóa hết nửa, tựa những tảng băng lạc loài trôi nổi trên mặt đại dương. |
|
CHÂN PHƯƠNG
Hingham Bay, October-December 2014