Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ:
Văn chương là người tình tri kỷ
PHAN THỊ THANH NHÀN
NVTPHCM- Tôi thân với nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tú từ những năm 70-80 của thế kỷ trước. Dĩ nhiên tôi chứng kiến tình yêu và nỗi lo lắng của Ngọc Tú với đứa con gái cá tính và xinh đẹp Nguyễn Thị Thu Huệ.
Vậy mà gần nửa thế kỷ đã trôi qua, hôm vừa rồi, gặp tôi, mắt Thu Huệ rơm rớm: “Bây giờ cháu mới biết mẹ xót cháu, lo lắng cho cháu thế nào. Chứ dạo ấy, thấy mẹ cứ đe nẹt, xét nét, săm soi, cháu cũng bực lắm cô ạ. Giờ biết yêu qúy xót thương thì bố mẹ đều đã không còn”. Thu Huệ nói vậy, nhưng tôi biết, Huệ đã rất chăm thương, lo cho mẹ chu đáo vô cùng. Bận công việc nên con gái đã thuê cho mẹ hai người giúp việc. Một người lo bấm bóp chân tay, tắm gội, đưa mẹ đi dạo mỗi ngày và thỉnh thoảng cùng mẹ đi thăm bạn bè, một người lo đi chợ nấu cơm, lau nhà, giặt giũ... Có lần Huệ còn kể với tôi:”Mẹ cháu dạo này lẫn rồi, cứ chiều chiều, trong túi có bao nhiêu tiền là bỏ ra, gọi trẻ con hàng xóm với các cô giúp việc đến, phân phát hết thì thôi”. Tôi đùa: “Mấy giờ hả Huệ, để cô đến xin mẹ chút lộc nha”. Con gái cười: “Bây giờ cháu biết thế, nên nhét vào túi bà toàn tiền hai trăm với năm trăm thôi nhé!”...
Thu Huệ lúc nào cũng bận rộn. Hai mươi tuổi đã lấy chồng, hai hai thì sinh con đầu lòng, rồi sáu năm sau thêm cậu con trai nữa. Bố mất sớm, mẹ lại không được khỏe, một mình loay hoay vừa làm việc hết mình để nuôi con, chăm mẹ, lại vừa say mê sáng tác.
Truyện ngắn của Nguyễn Thị Thu Huệ, lúc ban đầu, theo tôi, là có cái gì đó sắc sảo mà lạnh lùng. Đầy ắp những chi tiết sống động mà... hơi ghê ghê, ví dụ: trong ngõ, bên này thì mùi nhang cúng người vừa nằm xuống, bên kia là mùi khói thơm một nhà đang quạt chả... Đại loại vậy.
Lấy chồng, sinh con khi còn đang là sinh viên, miệt mài phấn đấu, Huệ đã phải vừa là người phụ nữ của gia đình, vừa là một người đàn ông biết lo toan, gánh vác mọi việc. Bây giờ, chị đã là nhà văn nữ xinh đẹp và nổi tiếng với “Của để dành” được mọi người dùng để gọi các con (sau khi xem phim này của chị), rồi phim truyền hình “Nước mắt đàn ông” giành huy chương Vàng của Hội điện ảnh. Các tác phẩm Thu Huệ viết gần đây như: “Rượu cúc” - “Nào ta cùng lãng quên” - “Rồi cũng tới nơi thôi”... đã có gì khác sự lạnh lùng ngày xưa. Nó ấm áp hơn, trong trẻo hơn, có tình hơn. Và bản thân Thu Huệ cũng đã thật sự trưởng thành. Trước đây, Thu Huệ từng tuyên bố, đối với chị, văn chương và tình yêu đều là niềm đam mê và thiêng liêng. Sau nữa, chị thấy mình đang hạnh phúc với tình yêu mang hương vị thơm mát, yên bình, như mặt đất sau cơn mưa, thoáng đãng mà tươi tắn. Nhưng gần đây nhất, chị đã tuyên bố như một người thật sự từng trải và điềm tĩnh: “Văn chương là người tình tri kỷ của tôi”.
Từng chơi thân với mẹ của Thu Huệ khi nàng còn bé, nay tôi đã nhiều tuổi, và trải qua bao sóng gió của đời, tôi thật mừng biết là Thu Huệ cũng đã trải qua mọi điều, đã chín chắn và biết sống tự tin, vui vẻ trong mọi hoàn cảnh. Mừng nhất là chị vẫn viết đều, được bạn đọc đón nhận và yêu quý. So với những sáng tác ban đầu, bây giờ tác phẩm của chị đã mang cái nhìn sâu sắc mà xuyên thấu, đầy sự thông cảm và sẻ chia với những nỗi bất hạnh của thân phận con người, nhất là phụ nữ. Tác phẩm “Thành phố đi vắng” gần đây là tấm lòng chị sẻ chia, đồng cảm cùng bao số phận con người của đời sống hiện nay.
“Thành phố đi vắng” là tập truyện ngắn gồm 16 tác phẩm Thu Huệ mới viết. Ở đây, người đọc bị hấp dẫn bởi phong cách lạ với những chi tiết sống động, có phần ma mị, hơi nhiều cái chết bất ngờ, bi thảm, có phần kinh dị. Nhưng truyện cũng hấp dẫn người đọc bởi những chi tiết sinh động, tươi rói đầy ma lực. Trong “X.MEN có mùi trường đua”, Huệ viết về một cô gái điếm có số đo ba vòng “chuẩn không cần chỉnh” 100-62-105 như sau: “Nàng thường đặt biệt hiệu cho khách, Alanh Đờlông, Napôlêông, BretPit... Tình một đêm, một giờ, khách không cần phải nhớ nàng, nhưng nàng nhớ khách, vì những cái tên riêng. Lần này, khách của nàng có tên là X-Men”. Và Thu Huệ viết về đàn ông đi tìm của lạ: “Gái vùng biển nhiều, các anh dân cán bộ, làm ăn, lâu lâu đi đổi gió, đừng gặp gái quen, nó làm lười mình thêm. Đi chơi gái, nó có cái hồi hộp háo hức rất riêng, không như đi nhậu hay mát xa, loanh quanh toàn món quen. Riêng món này, phải lạ mới bõ cái hao tâm khổ tứ nói dối, tạo dựng hiện trường, tốn tiền bạc... Hồi đầu, khách quen nhớ nàng, tìm nàng bằng được, nhưng nàng từ chối. Suýt ăn tát mấy lần. Lâu dần, tiếng về nàng không ăn lại khách lần hai vang khắp vùng biển dài. Nàng thành đắt sô, cứ như đấy là chiêu quảng cáo hữu hiệu lắm! Ông nào đi đổi gió cũng cố gặp nàng một lần cho biết”... Cuối cùng, nàng về sống cùng X.Men, một chàng đẹp trai, vào loại đầu gấu, “khoe” hoặc nói để dọa nàng, là chàng ta đã từng giết mấy người...(!).
Tôi nói, Thu Huệ hấp dẫn người đọc một cách ma mị, trước hết vì sâu thẳm trong tâm hồn, chị đã nhìn thấu những con người xung quanh. Họ tẻ nhạt và rất khác nhau nhưng lại là ông bà, cha mẹ, con cái trong một gia đình (“Sống gửi thác về”), là cô Mai với những giấc mơ làm cô đau đầu không dứt, nhưng sau khi ra nước ngoài chữa khỏi, cô lại thấy giấc mơ là phần đời không thể thiếu. Giấc mơ cho cô gặp lại tuổi thơ, gặp lại bà ngoại ngồi bên cửa sổ, chải tóc, hình như sắp đi chùa, dặn cô trông nhà. Gặp lại người ban trai thuở còn đi học đã lai cô bằng xe đạp leo dốc lên Tam Đảo. Mùa đông, trời tối, cô buồn ngủ. Anh lấy cái khăn buộc lưng cô vào lưng anh, gò người đạp xe leo dốc. Và cô mơ thấy cha, báo gần nhà có cô bé 13 tuổi đến ở. Tỉnh dậy, cô ra thăm mộ ông, thấy bên cạnh có mộ một cô bé mười ba tuổi vừa chôn... Trong giấc mơ, Mai còn thường gặp chồng, mối tình đầu của cô, anh mất đã mười năm, vì bị ung thư, đã giấu cô, muốn cô ghét và căm thù anh nên đã cố tình rượu chè bê tha, hôn gái đứng đường cho cô nhìn thấy mà khinh... (“Một đời sống khác”). Giấc mơ đã là phần đời không thể thiếu của Mai.
Tôi chỉ nêu mấy nét về các truyện ngắn gần đây của Nguyễn Thị Thu Huệ, hy vọng bạn đọc cũng sẽ cầm tập truyện lên là khó buông ra, vì bị nhà văn dẫn dắt bằng những nhân vật rất đời thường, những chi tiết tươi rói, sinh động và những câu chuyện đầy sức hấp dẫn ma mị.
Trong truyện ngắn “Thang dây” mới viết, chưa gửi đăng, có thể đây là những dòng Thu Huệ bộc lộ bản thân: “Ở Mai có cái gì đấy mà Thăng luôn muốn bóc ra như bóc củ hành hay quả quít. Hành bóc mãi cũng tới lõi, quýt lột hết lần vỏ là ra múi còn khuôn mặt Mai khiến Thăng thấy nó được tạo bởi hàng ngàn lớp vỏ mỏng và chắc, quyện chặt vào nhau, bóc mãi không ra được nhân”.
Ai cũng thế thôi, cũng là cái gì đó bí ẩn trước con mắt si mê của người khác giới. Nhưng để có thể phân tích, bóc tách, giãi bày... tâm trạng của mình và của mọi người, thì chỉ có thể là nhà văn. Thu Huệ đang và sẽ làm điều ấy.
Thu Huệ từng trải và vui tính đến mức, khi Hội Nhà văn Hà Nội đi Vân Đồn, buổi tối, mọi người cùng dạo chơi trên bờ biển, chuyện trò tá lả, nhưng dần dần đã có những ý kiến khác nhau, chị bèn cười: “Thôi, giải tán. Kẻo đi thêm một lát nữa là tan nát hết các mối tình đẹp bi chừ!”... Chúng tôi phá ra cười và nhất trí, ai về phòng nấy!
Tôi hy vọng nhiều vào lớp nhà văn trẻ hơn mình, trong đó nổi bật là Thu Huệ, một người trẻ tuổi, đã nếm trải mọi sung sướng và buồn đau của cuộc đời mà vẫn khiêm tốn, vẫn yêu cuộc sống này, vẫn hết lòng với gia đình và say mê sáng tác. Chắc là chị sẽ còn đi xa hơn nữa một cách vững vàng.
Mẹ nhà văn lo cho con nhà văn
Khoảng năm 1983-1984, con gái nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tú, bé Thu Huệ chừng 17-18 tuổi, chị thường kéo tôi đi… tìm con. Chị vô cùng lo lắng thấy con gái mình xinh đẹp quá, nhưng còn nhỏ tuổi, sợ “nó yêu phải thằng nào không xứng đáng”! Lúc đó Thu Huệ đã là sinh viên khoa văn của Đại học Tổng hợp. Chúng tôi đi một vòng hồ Gươm, vào Thủy Tạ rồi ra vườn hoa Con Cóc, cũng chẳng thấy Huệ đâu. Tú bàn: “Mình lên đường Thanh Niên nhé. Nó chỉ có lên đấy thôi! Ai lại sáng ra đã đi, bảo là sinh nhật bạn gái, mà đi mãi không về. Tao lo quá”. Tôi trấn an: “Trời ơi, nó lớn rồi, lại đang học đại học nữa. Chúng nó bây giờ có khi còn khôn hơn bọn mình dạo bằng tuổi ấy chứ”. Nhưng hai bà già cứ hai xe đạp, lóc cóc lên bánh tôm Hồ Tây, rồi qua nhà nổi cạnh chùa Trấn Quốc. Đang đạp xe thong thả, Ngọc Tú hoảng hốt dừng phắt lại: “Mày trông xe cho tao, để tao vào lôi nó về. Mày không biết đâu, có một thằng họa sỹ, tao không ưng chút nào đang bám nó lắm, mà nó lại mê vẽ mới khổ chứ!”. Nói rồi, Tú vứt xe cho tôi, chạy bổ vào chỗ nhà hàng Nhà nổi Hồ Tây, vẫn quay đầu lại, giải thích: “Tao nhìn thấy xe của nó dựng ở chỗ gửi xe rồi!”...
Hôm đó là chủ nhật. Tôi thở dài, nghĩ kiểu này chắc hai mẹ con nàng… xung khắc lắm đây! Lát sau, Tú chạy ra, thở phào: “May quá, nó ngồi với đám bạn gái. Sinh nhật một đứa thật mày ạ”! Tôi cười: “Chả lẽ mày định lúc nào cũng theo dõi con thế này sao? Nó lớn rồi, cho nó tự do chút đi mà”...
No comments:
Post a Comment