Thursday, July 2, 2015

Nhân cách của một nhà sưu tập

nguồn blog Nguyễn Đình Đăng trích dịch từ tiếng Nga (*)



Ilya Repin
Chân dung Pavel Tretyakov (1883)

Lời người dịch

Pavel Mikhailovich Tretyakov (1832 – 1898) (Phát âm: T’ rê-chia-kôv) là doanh nhân ngành dệt, nhà bảo trợ nghệ thuật, nhà sưu tập tranh tượng Nga. Sinh thời, ông là một trong những nhà sáng lập ra ngân hàng thương mại Moskva, công ty thương mại và công nghệ Moskva. Tài sản của ông trị giá khoảng 4 triệu roubles khi ông qua đời.

Tretyakov được giáo dục tại gia đình. Năm 18 tuổi, ông thừa kế việc kinh doanh của cha mình, mở các xưởng dệt thuê tới vài ngàn công nhân. Khoảng năm 24 tuổi ông bắt đầu sưu tập tác phẩm nghệ thuật.

Cùng em trai mình là Sergei Tretyakov, ông đã sáng lập ra bảo tàng Tretyakov, nơi trưng bày tác phẩm của các hoạ sĩ và điêu khắc gia chủ yếu thuộc trường phái Nga. Bảo tàng được Pavel Tretyakov xây dựng năm 1874 tại Moskva, bắt đầu mở cửa miễn phí cho công chúng vào xem năm 1881. Năm 1892, Sergei Tretyakov qua đời. Trước khi chết, Sergei đã viết di chúc để lại toàn bộ sưu tập của riêng mình cho anh trai Pavel. Tháng 8 năm đó, Pavel Tretyakov đã hiến tặng tòa nhà bảo tàng cùng toàn bộ sưu tập (gồm 1805 tranh của các hoạ sĩ Nga, 83 tranh của các hoạ sĩ châu Âu, 15 tác phẩm điêu khắc và sưu tập tranh thánh icons) cho hội đồng thành phố Moskva. Một năm sau bảo tàng chính thức khai trương với tên “Bảo tàng mỹ thuật thành phố của Pavel và Sergei Tretyakov”. Pavel Tretyakov được mời làm giám đốc suốt đời của bảo tàng và được tặng danh hiệu “Công dân danh dự thành phố Moskva”. Được tin Pavel Tretyakov hiến tặng bảo tàng cho thành phố, Sa hoàng Alexandr đệ Tam cũng muốn phong tặng tước quý tộc cho ông, nhưng Pavel Tretyakov đã từ chối. Ngay cả sau khi đã chuyển giao bảo tàng cho Moskva, hàng năm Pavel Tretyakov vẫn tiếp tục mua để bổ sung cho sưu tập của bảo tàng hàng chục bức tranh.

Ngoài việc dành phần lớn tài sản của mình cho sưu tập nghệ thuật và mở rộng bảo tàng, Pavel Tretyakov còn tích cực hoạt động từ thiện, lập quỹ tài trợ cho các hoạ sĩ, các cựu chiến binh cuộc chiến Nga – Thổ và chiến tranh Crimea, xây trường cho học sinh câm – điếc, dành một nửa bất động sản của mình cho các góa phụ, con cái của các hoạ sĩ đã quá cố.

Năm 1898, dù lâm bệnh nặng, Tretyakov vẫn lặn lội từ Moskva đến Saint Petersburg xem triển lãm và mua tại đây bức tranh cuối cùng, phác thảo của Levitan cho bức tranh “Trên yên tĩnh vĩnh hằng”. Pavel Tretykov qua đời ngày 4.12.1898 tại Moskva, thọ 66 tuổi. Lời cuối cùng ông nhắn nhủ người thân trước khi nhắm mắt là: “Hãy gìn giữ tòa bảo tàng và sức khoẻ.”

Vài đoạn dưới đây, được trích dịch từ hồi ký của Nikolai Andreevich Mudrogel (1868 – 1942), nhân viên trưởng phục vụ tại bảo tàng Tretyakov từ 1882 tới 1942, cho thấy một phần tính cách của một trong những nhà bảo trợ và sưu tập hội hoạ nổi tiếng nhất nước Nga, Pavel Tretyakov.

N.Đ.Đ.



Pavel Mikhailovich giáo dục tất cả nhân viên bảo tàng rằng “bức tranh là vật thiêng liêng nhất, còn hoạ sĩ là những con người xứng đáng nhất.”

– Hãy gìn giữ các tác phẩm của hoạ sĩ như gìn giữ con mắt mình. Luôn luôn lắng tai nghe hoạ sĩ nói về tranh, – ông dạy chúng tôi – Lắng nghe, ghi nhớ, và thông báo lại cho tôi biết. Và nói chung, hãy lắng nghe xem mọi người nói gì. Tôi cần biết quan điểm của tất cả mọi người …

Bản thân Pavel Mikhailovich không bao giờ tới bảo tàng vào giờ có công chúng vào xem, ngay cả khi ở đó có các bạn của ông hoặc những nhân vật nổi tiếng nào đó. Trong suốt thời gian tôi làm việc tại bảo tàng không bao giờ xảy ra việc này. Ông cũng không xuất hiện thậm chí cả khi các nhân vật của gia đình Sa hoàng tới thăm bảo tàng.

Đặc biệt điều này thường xảy ra vào những năm khi Sergei Alexandrovich Romanov, em trai của Sa hoàng Alexandr đệ Tam, làm thống đốc Moskva. Ông này rất tự hào rằng Moskva có một danh thắng là bảo tàng tranh, và thường kéo khách khứa ngoại quốc và họ hàng tới xem tranh. Và lần nào đến cũng hỏi: “Tretyakov đâu?”

Còn Pavel Mikhailovich đã ra lệnh nghiêm ngặt một lần dứt khoát cho tất cả nhân viên chúng tôi: “Nếu họ báo trước sẽ có các nhân vật quan trọng tới thì nói với họ rằng Pavel Mikhailovich hiện không có mặt trong thành phố. Nếu họ đến không báo trước mà hỏi tôi thì trả lời rằng tôi vừa ra phố đi đâu đó không rõ.”

Pavel Mikhailovich ngồi ngay trước cửa sổ trong văn phòng. Ông nhìn thấy tất cả mọi người: ai đến, xem tranh bao lâu. Có khi khách đến hỏi bảo tàng mở cửa từ mấy giờ đến mấy giờ rồi bỏ đi. Ngay lập tức Pavel Mikhailovich phái thằng nhỏ triệu tôi đến căn vặn:

– Tại sao khách vừa nãy bỏ đi nhanh thế? Ông ta không thích à?

Rồi ông mô tả người khách, mặc áo gì, đội mũ gì, có râu hay không râu. Ông rất nôn nóng theo dõi việc này.

Thời đó chủ yếu người tới xem bảo tàng là giới trí thức, sinh viên, học sinh trung học. Dân lao động, thợ thuyền rất ít khi vào xem và Pavel Mikhilovich rất sung sướng khi thấy có thợ thuyền tới. Đến tối ông tra vấn tôi rất kỹ xem những người lao động đó hành xử thế nào, nói gì, xem những tranh nào lâu nhất, bỏ qua những bức nào.

– Tôi sưu tập những bức tranh này cho nhân dân xem. Tôi cần biết quan điểm của nhân dân – ông thường nói với chúng tôi như vậy.


Mặt tiền bảo tàng Tretyakov

(…)

Pavel Mikhailovich ghét thói huênh hoang. Ví dụ trường hợp hoạ sĩ P.F. Yakovlev. Tretyakov mua của ông này hai bức tranh “Mưa đá” và “Đám cháy”. Hai bức tranh không dở. Sau đó Yakovlev vẽ bức “Quyền của kẻ mạnh” và trình làng nó trong một phòng riêng. Tại triển lãm của mình ông này dựng một tấm quảng cáo lớn trên đó có ghi “Hai bức tranh của hoạ sĩ này được bày tại bảo tàng Tretyakov”. Như thời đó thường làm, đầu tiên ông mời Tretyakov tới xem bức tranh. Tretyakov tới, nhìn thấy tấm quảng cáo, cau mặt lại và nổi giận. Yakovlev chờ đợi Tretyakov mua bức tranh, nhưng Tretyakov chẳng những không đả động tới việc mua bán, mà sau khi quay về nhà, còn ra lệnh tháo bức “Mưa đá” của Yakovlev xuống, đóng vào thùng gửi cho trường mỹ thuật Vilna nơi hoạ sĩ Trutnev, bạn ông, làm hiệu trưởng. Chúng tôi tháo bức tranh xuống, đóng vào thùng và gửi đi. Ông cũng muốn xử lý bức “Đám cháy” như vậy, nhưng sau vài ngày, ông giữ bức đó lại, tuy trong một thời gian dài sau đó chúng tôi rất lo cho số phận của nó. Sau vụ này, Tretyakov thậm chí không muốn nghe nhắc tới tên Yakovlev nữa.


P.F. Yakovlev
Tại nơi có đám cháy (1875)


P.F. Yakovlev
Sau trận mưa đá (1884)

Tất cả các hoạ sĩ đều hiểu rằng, bán tranh cho Tretyakov là bán cho bảo tàng của nhân dân, vì thế một số hoạ sĩ đã giảm giá rất mạnh. Ví dụ người Mỹ đã trả giá cho Vereshyaghin để mua tranh của ông cao hơn nhiều so với giá Tretyakov trả, nhưng cuối cùng ông vẫn bán tranh cho Tretyakov. Và Viktor Vaznetsov cũng chịu bán tranh cho Tretyakov với giá rẻ hơn so với giá các nhà bảo trợ nghệ thuật khác trả.

Tất nhiên ở đây quan hệ cá nhân giữa Pavel Tretyakov và các hoạ sĩ có một ý nghĩa lớn.

Tretyakov kết bạn với hầu hết các hoạ sĩ. Và nếu ông không chơi với hoạ sĩ nào đó thì phải có các nguyên cớ nghiêm trọng. Ví dụ ông không thừa nhận Semiradzky. Trong khi hoạ sĩ này rất thành đạt tại Nga, Tretyakov lại không muốn mua bất cứ bức tranh nào của ông.

– Vì sao trong sưu tập của ngài không thấy tranh của Semiradzky? – Người ta thường hỏi Tretyakov.

Và ông trả lời:

– Semiradzky đã tặng bức tranh đẹp nhất của mình cho thành phố Krakow. Có nghĩa là ông coi mình là người ngoại quốc tại Nga. Làm sao tôi có thể giữ ông ta trong bảo tàng Nga được? [1]


Henryk Semiradzky
Những cây đuốc của Nero (1876)

Ông cũng không chơi với hoạ sĩ K.E. Makovsky, mặc dù khi mới thành lập bảo tàng, ông có mua của hoạ sĩ này 3 bức tranh cỡ vừa. Lý do vì sao không chơi? Khi Repin vẽ xong bức “Ivan bạo chúa và con trai”, K. Makovsky cũng vẽ xong bức “Ivan bạo chúa”. Một lần đến bảo tàng, ông gạ Tretyakov mua bức “Bạo chúa” của mình, và nói rằng bức “Bạo chúa” của ông không thua bức của Repin. Đúng lúc này tôi đang có mặt ở đó. Makovsky dai dẳng đề nghị Tretyakov mua bức tranh. Tretyakov từ chối thẳng thừng. Tự ái, Makovsky bỏ về và họ chia tay vĩnh viễn từ đó.


Ilya Repin
Ivan Bạo chúa và con trai Ivan (1885)

Đôi khi ông cũng bất hòa với K.A. Savitsky. Hoạ sĩ này có một cái gì đó trong tính cách khiến Tretyakov không ưa. Năm 1898 ông mua của Shishkin bức tranh lớn “Gia đình gấu trong rừng”. Trong bức tranh này các con gấu là do Savitsky vẽ, vì thế Shishkin đề nghị Savitsky ký tên chung. Savitsky ký nhưng chỉ sau khi bức tranh đã được Tretyakov mua. Khi bức tranh được chở đến bảo tàng, Tretyakov ngạc nhiên nhìn thấy chữ ký của Savitsky cạnh chữ ký của Shishkin:

– Tôi mua bức tranh của Shishkin. Tại sao lại có cả Savitsky? Đưa lọ dầu thông đây!

Tôi mang dầu thông Pháp tới, và Tretyakov xóa sạch chữ ký của Savitsky. Vài ngày sau, Savitsky tới bảo tàng, xem tranh, không thấy chữ ký của mình đâu. Ông hỏi tôi: “Chữ ký đâu?” Tôi rất bối rối và thuật lại cho ông toàn bộ câu chuyện.


Ivan Shishkin và Konstantin Savitsky
Buổi sáng trong rừng thông (1886)

Tôi cho rằng tất cả ác cảm của Tretyakov đối với Savitzky đã phát sinh từ một bức tranh khác của hoạ sĩ này, bức “Đón tranh thánh”. Bức tranh được vẽ vào năm 1878, và ít lâu sau trên các đám mây trắng của bức tranh đã xuất hiện các vết rạn nứt. Tretyakov ra lệnh cho chúng tôi theo dõi tình trạng bức tranh. Năm này qua năm khác các vết nứt ngày càng to. Tretyakov nói cho Savitzky về chuyện này. Ông này hứa đến bảo tàng để chữa. Và thế là một lần, trong lúc Tretyakov vắng mặt tại bảo tàng, ông này đã đến và dùng màu sửa lại bức tranh. Các đám mây trở nên quá hồng, trong khi tông màu chung của bức tranh là xám lạnh. Vừa trông thấy chỗ sửa như vậy, Tretyakov đòi mang dầu thông tới và lau sạch lớp màu mới, để lại đám mây trắng với các vết nứt. Bức tranh được giữ nguyên hiện trạng như thế cho đến ngày nay [2].


Konstantin Savitsky
Đón tranh thánh (1878)



(*) Мудрогель, Н.А., Пятьдесят восемь лет в Третьяковской галерее. Воспоминания Издательство Художник РСФСР, 1966 г.


Ilya Repin
N.A. Mudrogel tạo dáng Pavel Tretyakov trong phòng tranh của bảo tàng Tretyakov (1904)
sơn dầu trên gỗ, 12 x 31 cm

______________________

Chú giải của người dịch:

[1] Câu này thể hiện tinh thần dân tộc chủ nghĩa trong hội hoạ và nghệ thuật rất trầm trọng tại Nga.

Hoạ sĩ Henryk Semiradzky (1843 – 1902) sinh tại ngoại ô Kharkov (Ukraina) trong một gia đình quý tộc Ba Lan. Thời đó Ba Lan bị mất chủ quyền và bị đặt trong Khối thịnh vượng chung Ba Lan – Lithuania do Đế quốc Nga, vương quốc Phổ, và triều đình Habsburg Áo chia lãnh thổ này ra cai trị.

Semiradzky học vẽ từ trung học. Ông vào học toán-lý tại Đại học Kharkov. Sau khi nhận bằng tiến sĩ toán-lý tại đại học Kharkov, ông bỏ khoa học để học vẽ tại viện Hàn lâm Mỹ thuật Saint Petersburg (1864 – 1870) và tốt nghiệp với huy chương vàng. Ba năm sau ông được bầu làm viện sĩ viện Hàn lâm Nghệ thuật Hoàng gia của Nga. Năm 1878 ông được tặng Bắc Đẩu Bội Tinh của Pháp. Tuy vậy, Semiradzky vẫn mang tâm tư của một người Ba Lan bị mất nước vào tay Đế quốc Nga. Tinh thần ái quốc này được thể hiện rõ vào năm 1879, khi Bảo tàng Quốc gia Ba Lan được thành lập tại Krakow. Semiradzky đã tặng bảo tàng này một trong những bức tranh đẹp nhất của mình, bức “Những cây đuốc của Nero” (1876, sơn dầu, 305 x 704 cm), hiện đứng số 1 trong sưu tập của bảo tàng. Bức tranh mô tả sự kiện xảy ra sau vụ thành Rome bị hỏa hoạn năm 64. Dân chúng đồn đoán rằng chính bạo chúa Nero đã ra lệnh phóng hỏa để giải tỏa mặt bằng lấy cảnh quan cho thiết kế tòa villa Domus Aurea của y. Để dập tắt tin đồn, Nero đã vu cho các tín đồ Công giáo là thủ phạm của vụ này, kết tội họ chống lại xã hội và ra lệnh bắt nhiều giáo dân. Họ bị lột hết quần áo, bọc da thú, cột vào cọc để đốt làm đuốc sống. Một số khác bị chó dữ cắn xé đến chết hoặc bị đóng đinh câu rút.

Semiradzky đã mượn đề tài lịch sử để ám chỉ sự đau khổ của dân tộc Ba Lan dưới ách thống trị của Đế quốc Nga. Pavel Tretyakov không thể không nhận thấy điều đó.

Một bản (94 x 174.5 cm) được giám định là do chính Semiradzky sao lại bức tranh này đã được bán với giá 292,650 bảng Anh (khoảng 451 ngàn USD) tại phiên đấu giá ngày 23.3.2004 của nhà đấu giá Bonhams (Anh).

[2] Có thể thấy các vết nứt trên đám mây trắng phía trên đàn chim và bên phải trong bản chụp với độ phân giải cao tại đây. Những vết nứt này phát sinh do Savitsky đã vi phạm nguyên tắc sơ đẳng trong kỹ thuật vẽ sơn dầu: Ông đã vẽ chồng một lớp màu trắng lên trên lớp màu bên dưới chưa khô hẳn. Lớp màu trắng của ông có thể quá dày hoặc chứa ít dầu tạo màng hơn lớp dưới nên đã khô cứng trước, trong khi lớp dưới vẫn tiếp tục khô, kéo lớp trên nứt.

Trước khi được Tretyakov mua, bức “Đón tranh thánh” đã được Savitzky trưng bày tại “Triển lãm các hoạ sĩ lưu động” năm 1878. Trong bài bình luận cuộc triển lãm này, Vladimir Vladimirovich Stasov (1824 – 1906), nhà bình luận uy tín nhất của Nga thời đó, đã coi bức tranh này là bức đáng giá nhất của triển lãm. Tuy nhiên, ông cũng phê phán hòa sắc của Savitsky nói riêng và của các hoạ sĩ Nga nói chung.

Stasov viết:

“Như một sáng tác, tôi thấy dường như bức ‘Đón tranh thánh’ của ngài Savitsky là bức đáng giá nhất tại triển lãm. Đồng thời đây là bức tranh tốt nhất của hoạ sĩ này. Ở đây ông đã làm một bước tiến đơn giản là không thể ngờ tới, xét theo các tác phẩm trước đó của ông. Hồi đầu ngài Savitsky đã vẽ những bức tranh nhỏ rất kiều diễm, khá đặc trưng, và thậm chí cả hòa sắc cũng rất-rất không dở, ấm áp và rực rỡ ánh mặt trời. Thế rồi bỗng dưng màu của ông biến đâu mất, ông bắt đầu vẽ càng ngày càng xám hơn, trắng hơn, thiếu màu hơn, đồng thời tranh ông càng nhiều thì càng giống những bức ảnh chụp khô cứng từ thiên nhiên, ví dụ bức ‘Sửa đường xe lửa’ của ông. Tưởng chừng không còn gì để chờ đợi từ ngài Savitsky nữa, thì bỗng nhiên có sự biến hóa bất ngờ này! Có điều không phải theo hướng dở, như khốn thay thường xảy ra ở nước ta, mà theo hướng tốt hơn. Thật bất ngờ và không cho người ta đoán trước, ngài Savitsky đã đem tới triển lãm lưu động bức tranh, cho dù vẫn lại to, nhưng vượt trội, mặc dù được vẽ bẩn và xám, nhưng đầy ắp nội dung, tính cách, sự thật, khiến nó trở thành một trong những sáng tạo giá trị và quan trọng nhất trường phái hội hoạ Nga mới.

(…)

Nhiều người, ngay cả những người mê tác phẩm Nga độc đáo này và chiêm ngưỡng nó với toàn bộ tấm lòng, tuy vậy chắc vẫn phải than phiền cay đắng vể hòa sắc đục của nó. Cũng vậy, có lẽ cùng với nửa số khán giả còn lại, tôi cũng than vãn không kém những người kia về hòa sắc của ngài Savitsky, và sẽ sung sướng không thua bất kỳ ai, nếu như bức ‘Đón tranh thánh’ được vẽ bằng màu chất lượng tuyệt hảo của Turner hay của Ostade. Nhưng làm sao bây giờ, không có cái đó, đành bằng lòng với cái gì ta có vậy. Thêm vào đó, tôi thấy dường như ngài Savitsky bị cản trở một chút, bởi, thứ nhất, sự việc trong tranh ông diễn ra trong mùa thu Nga xám đục, u ám, không lâu trước khi rét mướt tràn tới, và thứ hai, bởi vì, nói chung, trường phái hội hoạ Nga không thành công trong hòa sắc. Ngoại lệ quá ư là hiếm hoi, và nếu chỉ có thêm tí bớt tí màu sắc thì sự khác nhau cũng chẳng có gì là ghê gớm.”

No comments: