Sunday, July 5, 2015

Thơ LÊ VĨNH TÀI



Bài trường ca Tây Tạng


bạn nghĩ rằng ánh sáng sẽ đóng cửa

khi một người nào đó

nhớ?

mặc dù bạn biết

người ta không thể nhớ

cũng như lửa

không thể tự thiêu

sao nhiều người

vẫn cháy?

thế giới

có còn cơ hội

cho những người ly hương

và tỵ nạn

nhớ?

đêm qua

ngôi mộ của những người đàn ông

cùng đi trốn với nhau

mãi mãi nằm bên nhau

bỏ lại những đứa con và

người đàn bà

họ từng yêu dấu

ai sẽ đến

nhớ?

phổi của bạn đầy bụi

bạn chờ đợi nghẹt thở

ở ngọn lửa

vàng xanh và nhớ?

đêm tối lạnh

bạn đứng xem

những mặt người

xơ xác

những xác người

xác xơ

như bóng trăng bị rỗng

nhớ?

bóng tối nuốt chửng

vì sự đồng ý của những viên đạn

bạn quên

nhớ?

những người thân yêu bị bắn

bạn thấy lồng ngực bị vỡ

như những viên đá lạnh, trong cái cốc

trên bậu cửa sổ

khóc và

nhớ?



Trên đây là lời tựa bằng thơ mở đầu cho bài thơ mang tên “Bài trường ca Tây Tạng” của nhà thơ Lê Vĩnh Tài, hiện đang sống và làm việc tại Việt Nam.

Ngay ở dạng lời tựa Lê Vĩnh Tài đã đưa ra một hình thức khác, vừa giới thiệu vừa trực tiếp mở đầu và cũng vừa đặt câu hỏi, những câu hỏi làm người đọc bâng khuâng và trong chính những lời tựa có vẻ tách xa bài thơ ấy lại chính là một bài thơ khác xâu những cảm xúc lại với nhau trong hình ảnh của con người và đất nước Tây Tạng, nơi quá xa lạ với Việt Nam trong lĩnh vực địa lý nhưng lại rất gần gũi vì cùng chia sẻ những mối u hoài có mẫu số chung là sắc dân bị trị.
Đánh thức người đọc bằng ánh sáng lay động trực giác



Nhà thơ Lê Vĩnh Tài. Courtesy photo.



Lê Vĩnh Tài đánh thức người đọc thơ hôm nay bằng ánh sáng lay động trực giác qua những câu thơ có sức chứa mênh mông và không gian trầm mặc của những thiền viện màu saffron bí ẩn. Bí ẩn bởi sức chịu đựng vô hạn. Bí ẩn bởi những ánh lửa thiêu rụi thân thể của những chân tu vượt khỏi trần ai để tranh đấu cho những kiếp sống lầm than, bất hạnh.

Số phận của cả dân tộc Tây Tạng đang đặt dưới ánh lửa, dưới rực cháy bởi lòng yêu dân tộc, đạo pháp vô biên của những con người hiền lành đức độ. Tây Tạng dũng mãnh và cao ngạo trước sức mạnh của loài quỷ dữ. Lê Vĩnh Tài bắt đầu bước vào Tây Tạng bởi những ngọn lửa ấy, lửa của từ bi và lửa của sức phản kháng.

1.

khúc bi ca

bị xoá nhoà trong những vụ tự thiêu

không ai dám

khóc

quả cầu lửa cô độc

từng loé lên bóng tối

đám tro xương người

không có gì

không có gì còn lại

cũng không ai

còn

thấy nóng

những người không bị đốt cháy

sống mãi

……………

Tây Tạng

vẫn nghĩ mình là sư tử

gầm vang cho sự khóc ròng

trống rỗng

trong 1,4 tỷ giọt nước mắt

như mây

tội ác

đã dày

như cao

hơn dãy

Himalaya



“Tây Tạng/vẫn nghĩ mình là sư tử/gầm vang cho sự khóc ròng/trống rỗng” không phải là khúc dạo đầu, cũng không bao giờ là điều kết thúc.

Tây Tạng dưới cảm nhận của Lê Vĩnh Tài không còn là một mảnh đất, cũng không còn là số phận của một dân tộc, nó chính là hình ảnh của vị khổ thần đang vẫy vùng trong vòng vây lửa của đám ác thần. Sự hung mãnh lẫn khổ đau của Tây Tạng trên chót vót mái nhà thế giới khiến con người có cảm giác chỉ có thần linh biết và chứng kiến câu chuyện chiến đấu không cân sức giữa một khổ thần mang áo cà sa và bọn ác thần với đầy đủ bùa chú cung tên mang tên Cộng sản.

2.

Tây Tạng

khi người chạy trốn khỏi đám mây

tưởng không ai dám trói tay

đức Phật

sống

tưởng sấm sét không dám bắt người làm con tin

cho lửa

người duy nhất còn lại

chưa bị đốt cháy

đang chịu nguyền rủa

tại sao chưa chịu giác ngộ?

Tây Tạng

tít trên đỉnh núi

hai cánh tay người xương xẩu

ôm một hài nhi chưa sinh ra

vì những bé sinh ra đã bị đốt

hay thiêu

cháy

những người chết trên đường luân hồi

những người mất tích

những người tìm kiếm

để lại những dấu chân những ngọn đồi

những bụi cây, trong áng mây

trong hình dạng của một con người

trong hình dạng của một đất nước

chỉ còn ngước

lên trời

lặng im hít

thở

tự do

Tây Tạng, những giòng người im lặng nối nhau dưới tuyết, im lặng với những thanh lửa nhỏ yếu trên tay tiến về Lhasa cùng âm thầm niệm khúc lưu vong và hướng ánh mắt lên đỉnh Hymalaia để chờ phép lạ….



bao giờ, Tây Tạng?

những người chín kiếp tu hành nhưng giờ đành

lúc lắc hai nắm đấm

lạt-ma thành bóng ma

để chứng minh sự tồn tại

dù tồn tại là để từ chối

sự toàn năng của đám loăng quăng

và muỗi

ngày thay đổi từ màu đỏ sang đen

từ màu đen sang màu tóc

khi tụng niệm người biết Phật cũng khóc

ròng, và biến mất

nhưng Tây Tạng

người vẫn hiên ngang

ở lại trong trại, tranh luận với các bức tường

và chấp nhận bị nuốt bởi quỷ vương



Tây Tạng có thể là một dân tộc bất hạnh trong lịch sử đương đại nhưng Tây Tạng không cô đơn. Không có những người anh hùng lập quốc như Do Thái, nhưng hình ảnh của vị Phật sống Đạt Lai Lạt Ma đã làm cho Tây Tạng không bao giờ chết. Những mảnh áo cà sa màu Saffron tiếp tục đẫm máu dưới hai giòng nước mắt của Đạt Lai Lạt Ma và bài thơ Tây Tạng vẫn luân lưu trong giòng đời, nhất là trong các cộng đồng bất hạnh tương tự như đất nước khổ đau này.



Tây Tạng

thảo nguyên của người tung bọt trắng như lời nguyền

được viết lên các tầng trời

mưa như nước mắt

khi người vô cớ bị bắt

giam, đám mây cũng tắt

nắng trên đôi mắt trống rỗng

của các nhà sư

từ từ

khuỵu xuống

Tây Tạng

người có lạnh khi bài thơ rơi

từ đỉnh núi

trời mưa, khi người chạm vào nó

gió chạm vào mưa

mưa chạm vào nước mắt

những người bị bắt

chạm vào nhau

nỗi đau

chạm vào phẫn uất

nước mắt

một phần nước và chín mươi chín phần phẫn uất

cơn đau vỡ mật

ngay cả những con bướm

tiếng cánh vẫy cũng im lặng

nghe như tiếng sấm



mọi thứ bây giờ không còn thuộc về người

người ta đã giành lấy

cả những viên đá thiêng liêng

từ tu viện

nhưng ẩn đằng sau khuôn mặt của bóng đêm

đất nước của người như mặt trăng

đã từng đánh dấu trên bản đồ

đã từng có vua

hoàng cung từng lộng lẫy hơn bài thơ

những hành khất đeo mặt nạ với bát ăn bằng bạc

suốt ngày ca hát

dù phải rời khỏi đất nước

Tây Tạng, gương mặt người vẫn như đám mây

tuổi người như đá xám

như khoảng trống

như mênh mông

như cỏ

số phận của người

mãi mãi còn ở đó

chiến trường của người không tồn tại

trong giấc mơ lưu vong

nhưng chẳng lẽ lưu vong là không tồn tại?

nhưng chẳng lẽ?

Bài trường ca Tây Tạng của Lê Vĩnh Tài như một nhắc nhở cho chúng ta, những người ở quá xa với số phận của đất nước màu hổ phách này nhớ rằng bên cạnh đất nước có cùng hoàn cảnh lưu vong, Tây Tạng đang là tấm gương phản chiếu tương lai của Việt Nam một cách trung thực nhất. Lhasa hôm nay có thể là Sài Gòn hay Hà Nội ngày mai. Những tu sĩ âm thầm dắt nhau dưới mưa tuyết trong các tu viện âm u sẽ khắc họa lại một cách sống động tại Việt Nam qua những đám đông màu đỏ đổ xuống từ phương Bắc.



Tây Tạng

người còn quá trẻ hay đã quá già?

người vẫn hít vào và thở ra

như khói, nơi nào người ta đổ gạt tàn thuốc lá

như hàng ngàn đống tro xương người

sau khi tự thiêu

người ta muốn người đi bộ từ núi xuống đồng

còn cách Biển Đông

bao nhiêu hải lý?

chúng ta đã cùng nhau khóc:

cuộc hành quân vạn dặm

Trung Hoa ôi Trung Hoa

bao nhiêu người đã rơi

từ núi cao

mất

mạng?

Tây Tạng

ngọn gió giận dữ ở biên giới

mấy mươi năm trước người quấn lá cờ trong gió

trong một trò chơi rên xiết với mấy ông vua



3.

Tây Tạng

người chết oan khi người không phải chết

chỉ kịp đi qua vệt máu trên mắt

với bụng đói

vẽ từng gương mặt người

như con cừu

ngây ngô hoa dại

cũng phải

chịu chôn vùi

sau bài hát của người lạ chăn cừu

tinh quái

lũ lụt từ những người lạ

bọn họ đến từ đâu?

những kẻ không biết cách tha thứ

cho sự tinh tế của bài hát

cho những bộ quần áo rách nát

trên cơ thể của người

còn gầy và xanh hơn cả bình minh

người có kịp nghe tiếng súng nổ

yên tĩnh mỗi sớm mai tinh khiết

của mấy mươi năm trước

những người mang theo cái chết

bọn họ đến

như những con chuồn chuồn

thích tập bơi

trên rốn

như những vô lý

đầy trên quê hương người

nhưng cỏ vẫn xanh trên con đường đá xanh

máu đỏ vẫn pha trộn vào đất

những tu viện ngập tràn người lạ

hai bàn tay người một đống ký tự

một đống từ ngữ

đồng nghĩa cho bài thơ một sự sống còn

trái nghĩa nhẹ nhàng cho cái lạnh

của ảo ảnh đức tin

bị đốt

như tro cốt

của người

ơi người

quần áo của bài thơ chỉ làm bằng giấy

trời ơi...

không còn ai tha thứ cho nỗi buồn

trong bài hát của người

không còn ai tha thứ cho bộ quần áo

trên cơ thể của người

đã nói rồi

gầy và xanh hơn cả bình minh





Tác phẩm Thơ hỏi thơ của Nhà thơ Lê Vĩnh Tài. Courtesy photo.



Tây Tạng trong trường ca của Lê Vĩnh Tài lắm lúc có những khoảnh khắc ngơ ngác như người mộng du nhìn sự vật qua đôi mắt nhắm nghiền mê ngủ. Sân khấu bên tu viện, đèn lồng và người chết, lính tráng và những con chim trắng hiền hòa…tất cả như một khúc hát lạc điệu cất lên giữa sắc sám u ám lạnh lẽo đến lạnh người.

Lê Vĩnh Tài nhắm mắt diện kiến Tây Tạng trong sự thiền định tuyệt đối. Nhà thơ viết về Tây Tạng bằng im lặng của một tảng băng phấp phới bên trên là gió rít cùng mặt trời Hymalaia. Nhà thơ vuốt ve từng di tích Tây Tạng trên những vết nhăn đau đớn mà lịch sử hằn sâu trên vùng đất và con người sớm thành cổ tích này. Nhà thơ mang tới cho chúng ta, những người đồng cảm, sự rung động bởi thanh âm của lửa cháy rực trên thân xác tu hành để tìm cho ra chân lý tuyệt đối số phận con người đối với quỷ dữ, ác thần.

Vị Khổ thần trên đỉnh nhà thế giới vẫn quỳ gối trước gió và lửa. Vẫn âm thầm chịu đau đớn, âm thầm rít lên lời nguyền lập lại vương quốc con người cho Tây Tạng.

Tây Tạng đang được thế giới lần giở từng trang tin sẽ trở thành lịch đấu tranh bắt đầu từ những hạt máu khô vì lửa. Tây Tạng làm lương tâm thế giới rạn vỡ nhưng bất lực và chỉ biết xoe mắt đứng nhìn bọn ác thần múa may những thanh đao trên bầu trời kỳ vĩ và buồn thảm.



một sân khấu mới được dựng lên

bên tu viện

những người lạ đang nhảy múa

cùng ông vua và ngọn cờ hồng

búa-xua ngọn đèn lồng

treo cao

ngơ ngác

người biết

cái lồng đèn cũng chỉ thắp cúng cho những người chết

còn riêng người phải sống

cuối cùng

hoa dại trong đêm cũng bỏ trốn

trong lúm đồng tiền của người

nó hoá trang để thoát

khỏi tầm nhìn người lạ

những kẻ khai hoả chứ không khai hoá

đang nghểnh cổ để xem

những sân bay mọc lên trên đỉnh núi

những trại lính mọc lên trên quả đồi

hàng ngàn người lạ tràn vào tu viện

hàng ngàn người lạ xuất hiện

sau ô cửa máy bay

không phải áng mây

không phải ngọn cỏ

họ bay như những cánh dù màu lính

mà mỗi đêm

ngày xưa người vẫn bay cùng những con chim trắng

người vẫn hát trong chiều sâu im lặng

không phải

không phải

nên người

bỏ chạy

trời ơi

người

nhìn những diễn viên mang vương miện ông vua

người

thơm mùi hoa táo trong mưa

quần áo mỏng ướt đẫm

bỏ chạy

ống tay áo của người dưới trăng lạnh

nhìn Tây Tạng lắc lư

như rèm cửa sau ánh nắng

mặt trời sau bóng tối

nụ cười sau giả dối

tội lỗi sau tội lỗi

bỏ chạy

người biết

mọi thứ sẽ được đốt cháy cùng với ngọn đèn lồng

khi người dám thoát khỏi sân khấu

người rón rén lấy một chiếc gương nhỏ

soi mặt những người đàn ông xa lạ

và dâm đãng

đang thay những bộ quần áo màu đỏ

và màu xanh lá cây

thành màu vàng

nhưng sự hoá trang khốn nạn

vẫn còn

thứ phấn son đánh lừa

như ma quỷ

người chờ đợi

mang lại những tảng đá và lửa

cùng nhau xây dựng lại một sân khấu khác trên biển mây

khi chiếc máy bay

cất cánh

mang những màu áo lính

ra khỏi thế giới của người

chỉ còn người

vẫn nằm trên đường băng

trên thân thể trần truồng của mình

lột bỏ những bộ quần áo hoá trang

nguyên vẹn

nỗi buồn

mơ cất cánh...









Sau Lê Vĩnh Tài chắc chắn sẽ còn những bài thơ Tây Tạng khác, những hình ảnh cùng trăn trở Tây Tạng khác, tuy nhiên “Bài trường ca Tây Tạng” vẫn sẽ ở lại với chúng ta như một lời rống thống thiết đánh thức sự hờ hững về số phận của chính mình.

No comments: