Wednesday, June 25, 2014

BERTRAND RUSSELL




 WISDOM OF THE WEST của Bertrand Russell là một trong các kỳ thư tôi đã đọc qua thời còn sinh viên, nay mang ra cực thị (close reading) vẫn thấy thú vị vì văn phong trong sáng của một nhà tư tưởng lớn nhưng không loè người đọc với xảo ngữ cầu kỳ như một số thần tượng lý thuyết kiểu Paris. Trong THE ART OF PHILOSOPHIZING đúc kết phương cách tiếp cận sự vật của triết gia, ông đã nói giản dị thế này :. If you wish to become a philosopher, you must try, as far as you can, to get rid of beliefs which depend solely upon the place and time of your education, and upon what your parents and schoolmasters told you. (Nếu có nguyện vọng trở thành triết gia, bạn phải hết sức cố gắng vứt bỏ các tín điều lệ thuộc vào nơi chốn cùng thời điểm đã giáo dục nên bạn, và những gì cha mẹ với thày cô đã dạy bảo bạn.) 

   Xin gửi đến bạn đọc vài trang đầu của cuốn biên khảo MINH TRIẾT PHƯƠNG TÂY, trong khi chờ đợi cái ngày một dịch giả VN có dư nghị lực và biệt tài ngữ văn trình làng cả tập.


                                                                         Chân  Phương  dịch và giới thiệu

Tuesday, June 24, 2014

Tin mới

Từ tháng 07 năm 2014 blog Lá xanh có tên mới là " VĂN NGHỆ lá xanh "

VĂN NGHỆ lá xanh sẽ không chỉ riêng của nhà thơ Chân Phương và nhà văn Nguyễn Đình Chính, mà có thêm sự góp mặt của một số gương mặt khác
Chúng tôi sẽ cố gắng tạo địa chỉ một cuộc chơi đùa văn chương nghệ thuật trên mạng gửi tới chia sẻ với các bạn xa gần.

Trước mắt , VĂN NGHỆ Lá xanh tháng 07- 2014 sẽ có thêm nhà văn Nhật Tuấn , nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh, nhà thơ Tuệ Nguyên ...

Ghi chú: Đêm qua, vừa post lên  cái tin nho nhỏ này, sáng nay đã có ba bạn hỏi VNLX có phải là một tờ báo MẠNG văn nghệ với ban biên tập mấy  người có tên.
Xin thưa . không phải
 Đấy là một blog - một sân chơi  cửa mở . Bạn  muốn tham gia thì vui quá, xin mời nhập cuộc luôn cho...xôm trò.

Bài  gửi về : email :  laxanh1946@gmail.com



Monday, June 23, 2014

Thơ CHÂN PHƯƠNG




ERO-TRIPTYQUE

I

tuyết phấp phới rắc confetti khắp trời

cửa hé rồi cửa khép



mở dần mấy nút áo

thong thả tháo dây

lột chậm từng manh lụa che lót trong ngoài



cuối cùng tôi hỏi :



giữa giá rét với thời gian

còn gì ngoài phương trình thân xác ?

NHÀ VĂN CẦN PHẢI NÓI LÊN SỰ THẬT – KỲ 2


LX : Vừa mới post kỳ1 của bài viết NHÀ VĂN CẦN PHẢI NÓI LÊN SỰ THẬT  ( kỳ 1 ) đã có nhiều bạn đọc thích thú đề nghị laxanh cho đọc tiếp các phần 2 phần  3 ... và N... phần. Chúng tôi liên hệ với nhà văn Nhật Tuấn và được ông ủng hộ đề nghi này.



NHÀ VĂN CẦN PHẢI NÓI LÊN SỰ THẬT – KỲ 2

(tiếp theo)

Hội nhà văn Việt Nam thường nhắc nhở các nhà văn cố gắng có tác phẩm xứng đáng với tầm vóc của cuộc chiến tranh “chống Mỹ cứu nước” thần thánh. Than ôi, cuộc chiến đã rơi vào lịch sử cả 40 năm nay, trung bình cứ tính đổ đồng mỗi năm Nhà nước chi cho các nhà văn khoảng 30 tỷ đồng, chưa kể nuôi một bộ máy “quản lý công tác văn học” tính cả nước vài trăm người thì phải nói “tiền đặt cọc” móc từ túi dân khá là lớn. Tốn kém vậy mà tới nay vẫn chưa thấy xuất hiện tác phẩm văn học nào “xứng đáng với tầm vóc” của sự nghiệp “chiến tranh cách mạng vĩ đại “, mỗi khi hội họp “bàn về sáng tác “ các nhà văn vẫn vò đầu bứt tai :” chúng ta còn nợ lịch sử…”. Món nợ này xem ra khó đòi làm Bộ tài chính phải đặt vấn đề :

ĐỖ QUYÊN



Chuyện tổ quốc moving bất thành (Bản mới)
Truyện ngắn của Đỗ Quyên

 “Văn học, lịch sử của tương lai.”

 +

Dịch ra tiếng ta, moving trong tiếng Kanada là dọn nhà, chuyển chỗ ở... Dân chúng Kanada cho từ này tung tăng trên làn môi ánh mắt, chứ không lưu trữ đáy dạ dày như ở châu Âu - quê hương tiên tổ của họ trước khi di dạt đến đây như những công dân văn minh Nam bán cầu đầu tiên. Cả một câu chuyện dài mà bí mật của nó đang chôn vùi trong các núi băng rừng tuyết… Thỏa chí tang bồng, họ thường chuyển đổi nơi ở hơn cả thay đồ lót. Đất rộng, người thưa, khí hậu giá lạnh, lười ngại sinh con, ham viết truyện cực ngắn. Thế nên moving được xem như một phong cách sống - phong cách Kanada.

Sunday, June 22, 2014

SÁCH MỚI


Những tác phẩm trong "Sống ở đời biết khi nào ta khôn" của Y Ban đều là truyện ngắn, cực ngắn, nhưng đặt ra những vấn đề nhức nhối của đời sống hôm nay.



Cuốn sách gồm 59 tác phẩm, là những truyện mini, đôi khi là một mẩu ngắn chưa đầy trang sách. Nhiều câu chuyện, tác giả chỉ khơi ra một hiện tượng trong cuộc sống, kể lại nó theo cách khôi hài. Điển hình là tác phẩm Nụ hôn Listerine, tác giả kể chuyện cặp bồ công sở, những đôi yêu nhau thường có nụ hôn thơm mùi bạc hà, cay cay, ngọt ngọt. Đơn giản bởi họ chỉ có thời gian nghỉ trưa, mà yêu nhau; để át vị hành, tỏi sau bữa trưa, họ phải viện tới vị cứu tinh nước súc miệng. Chuyện kết thúc như vậy, không có nhân vật, các tình tiết cũng không được sắp xếp theo trật tự tuyến tính, hoặc thể hiện thông điệp rõ ràng.

Bài ca Tây Tạng



Lý Thừa Nghiệp




Em có nghe bài ca Tây Tạng
Đất rưng rưng, bông tuyết rụng mù lòa
Khi chuông mõ đã trầm trầm ai oán
Đất thần linh rờn rợn bóng tinh ma.

Em có nghe bài ca Tây Tạng
Gió núi lùa quạnh quẽ những đền thiêng
Khi lệ chảy vào mênh mông quên lãng
Nghe điêu tàn bưng lấy vết thương riêng.

Núi buồn bã, núi mù sương oan nghiệt
Những con người lầm lủi lưu vong
Trời đất cũ bỗng dưng biền biệt
Con ngựa già tắt thở lúc qua sông.

Mời em nghe bài ca Tây Tạng
Lửa bùng lên chấn động tận tam thiên
Người đã về, đồi xưa trăng chưa sáng
Tâm linh hề! sừng sững đến vô biên.

Khi thế giới bỗng ngậm ngùi Tây Tạng
Em vẫn ngồi thắp nến với đêm sâu
Tăm tối vây quanh chập chùng mê sãng
Em vẫn ngồi và hát với trăng sao.

Lý Thừa Nghiệp
Nguồn: sáng tạo Tác giả gửi


NHẬT TUẤN




“ NHÀ VĂN CẦN PHẢI NÓI LÊN SỰ THẬT” 



KỲ 1



Còn nhớ mãi hồi năm 2003 , từ trên giường bệnh, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường phát biểu với báo giới một câu nghe rất “có lý” :

“Thời đại nào cũng cần sự thật. Nhà văn càng cần phải nói lên sự thật. “. 

Nhưng “trăm năm ông Phủ…Ngọc Tường ơi”, sự thật đó là sự thật nào ? Sự thật của đời sống trong dạng nguyên sơ hay sự thật ghi nhận qua đôi mắt “cán bộ” của nhà văn và được xào xáo qua “bút Trường Sơn viết mực Cửu Long” một thời vốn là văn phòng phẩm quốc doanh không thể thiếu cho bất kỳ ai muốn viết nên chữ nghĩa ?

Về chuyện này, kịch tác gia Shakespeare đã phải thốt lên qua miệng một nhân vật :

” Sự thực luôn luôn giống như một con chó bị đuổi ra khỏi nhà ?” .

ĐỌC CHO BIẾT


Từ Nguyễn Bắc Việt đến Nguyễn Khoa Điềm

Nhận bài thơ Đất nước những năm thật buồn dưới đây khá lâu. Đọc xong và tính viết một bài nhận xét nhưng bận quá quên đi. Mãi cho đến mới đây, nhờNguyễn Bắc Việt, Thường vụ Tỉnh ủy, Đại biểu Quốc hội đơn vị Bình Thuận với câu nói để đời về vụ giàn khoan HD981 “phải biết đau lòng với tình hình hiện nay của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế”, tôi mới sực nhớ đến bài thơ đó. 

Nhắc lại hôm đọc xong bài phát biểu của Nguyễn Bắc Việt trước Quốc hội CSVN, tôi phải google cho ra tấm hình để xem y dáng dấp ra sao. Tôi sẽ thông cảm nếu đương sự là cụ già còn sót lại từ thế hệ Tân Trào hay Pác bó. Không. Nguyễn Bắc Việt còn khá trẻ, sinh năm 1961, trình độ học vấn thạc sĩ nhưng khi phát biểu lại giống như sinh năm 1930, trình độ học vấn mù chữ.
Hôm nay trên quần đảo Hoàng Sa của tổ tiên để lại, Trung Cộng đã xây dựng sân bay, khách sạn, thư viện, đường phố, bưu điện và mới đây còn tiến hành xây trường học để phục vụ việc học hành cho gần hai ngàn dân cư trên đảo mà Nguyễn Bắc Việt không biết nhục, không biết lo lại lo “Hai nước xã hội chủ nghĩa lình xình với nhau như thế này, ai có lợi?”. 

Nếu không sống trong thời đại google, youtube, không chính tai nghe Nguyễn Bắc Việt nói thật khó mà tin. Với một não trạng bị cơ chế hóa trầm trọng như thế, không dễ làm cho anh ta thức tỉnh. Áp dụng kinh nghiệm Liên Xô như Yuri Alexandrovich Bezmenov phát biểu trước đây, dù có mang anh Nguyễn Bắc Việt này “tới tận Liên Xô và chỉ cho anh ta thấy trại tập trung, anh ta cũng không tin... cho đến lúc anh ta bị đá ngay vào đít, khi giày đinh đạp lên anh, rồi anh ta mới hiểu. Nhưng không phải trước đó. Đó là thảm kịch của trình trạng bị băng hoại về đạo đức trong con người.” 

Trở lại với bài thơ Đất nước những năm thật buồn. Bài thơ chuyên chở một nội dung rất bi quan về tương lai đất nước. Rất buồn. Từng câu, từng chữ đều nói lên tâm trạng gần như chán chường của tác giả trong một không gian cũng vô cùng quạnh hiu “yên vắng”. 

Đất nước những năm thật buồn
Nửa đêm ngồi dậy hút thuốc vặt
Lần mò trên trang mạng tìm một tin lành
Như kẻ khát nước qua sa mạc
Chung quanh yên ắng cả
Ngoài đường nhựa vắng tiếng xe lại qua
Người giàu, người nghèo đều ngủ
Cả bầy ve vừa lột xác
Sao mình thức?
Sao mình mải mê đeo đuổi một ngày mai tốt lành?
Bây giờ lá cờ trên Cột cờ Đại Nội
Có còn bay trong đêm
Sớm mai còn giữ được màu đỏ?
Bây giờ con cá hanh còn bơi trên sông vắng
Mong gặp một con cá hanh khác?
Bao giờ buổi sáng, buổi chiều nhìn ra đường
Thấy mọi người nhẹ nhàng, vui tươi
Ấm áp ly cà phê sớm
Các bà các cô khỏe mạnh yêu đời
Hớn hở tập thể dục
Bao giờ giọt nước mắt chảy xuống má
Không phải gạt vội vì xấu hổ
Ngước mắt, tin yêu mọi người
Ai sẽ nắm vận mệnh chúng ta
Trong không gian đầy sợ hãi?
Những cây thông trên núi Ngự Bình thấp thoáng ngọn nến xanh
Đời đời an ủi
Cho người đã khuất và người sống hôm nay…

Nửa đêm thức dậy thắp điếu thuốc, đọc tin tức mong sao có một tin vui. Nhưng không. Chung quanh tác giả chỉ là những tin buồn, tin xấu. Đất nước cũng như tác giả chẳng khác gì một “kẻ khát nước qua sa mạc”, đang lê bước giữa gió cát mênh mông, cô đơn, trống trải và hơn bao giờ hết đang quá cần một giọt nước để hồi sinh. Dường như không ai, dù kẻ nghèo hay người giàu, mang nặng lo âu và khát vọng sâu thẳm về đât nước như tác giả. Nhà thơ viết như thét lên với bóng đêm “Ai sẽ nắm vận mệnh chúng ta. Trong không gian đầy sợ hãi?". Chữ “Ai” trong bài thơ chứa đầy phẫn uất của những oan hồn vọng lại giữa đêm khuya. Và “sợ hãi”, một danh từ đồng nghĩa với bóng đen, xiềng xích, ngục tù, một loại vi khuẩn mà ai sống dưới chế độ CS cũng bị cấy trong người. 
Tác giả của bài thơ chứa đựng niềm u uất đó là ai?


Một trí sĩ ẩn cư như “cây thông trên núi Ngự Bình” âm thầm dùng ngòi bút để diễn tả tâm trạng mình trước vận nước ngả nghiêng? Một nhà cách mạng đang can đảm vượt qua nỗi sợ để đi về phía sự thật? Một nhà thơ có trái tim nhân bản đang đau cùng nỗi đau đất nước? 
Không phải. Tất cả đều sai. Tác giả bài thơ đó là Nguyễn Khoa Điềm. Không xa lạ gì. Không chỉ người dân Huế mà cả nước đều biết tên tuổi ông ta. Chỉ vài năm trước đó tác giả là ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Trung ương đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin, rồi Trưởng ban Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong suốt mười năm, tác giả kiểm soát mạch sống tinh thần của toàn xã hội Việt Nam.
Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng CSVN trong nội quy của đảng CS là “Cơ quan tham mưu của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, trực tiếp và thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, về chủ trương, quan điểm và chính sách của Đảng trong lĩnh vực tuyên truyền, báo chí, xuất bản, văn hoá, văn nghệ, khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo và một số lĩnh vực xã hội; đồng thời là cơ quan chuyên môn - nghiệp vụ về các lĩnh vực công tác này của Đảng.” 
Tuyên truyền cùng với khủng bố tạo thành xương sống của mọi chế độ độc tài. Nếu Hitler không có bộ máy tuyên truyền của Joseph Goebbels chế độ Đệ Tam Quốc Xã Đức không thể giết 6 triệu dân Do Thái và 50 triệu người châu Âu trong thế chiến thứ hai. Trước Goebbels, trong cách mạng CS Nga 1917, công việc đầu tiên Lenin phải làm ngay là thành lập cơ quan tuyên truyền và trong giai đoạn đầu còn do chính y đích thân lãnh đạo. Tại Trung Cộng cũng vậy, trong đại hội đảng CS Trung Quốc lần đầu vào năm 1921 chỉ bầu ra vỏn vẹn ba ủy viên trung ương nhưng một trong ba ủy viên đó chịu trách nhiệm tuyên truyền. 
Hệ thống tuyên truyền CS tại Việt Nam kế thừa hai hệ thống tuyên truyền Trung Cộng và Liên Xô tinh vi và độc hại. Chức vụ của Nguyễn Khoa Điềm tương đương với chức vụ Bộ trưởng Tuyên truyền của Joseph Goebbels trong thời Đức Quốc Xã, chức Giám đốc cơ quan Agitatsiya của R. Katanian do Lenin thành lập vào tháng Tám năm 1920 hay chức Trưởng ban Tuyên truyền thuộc trung ương đảng Cộng Sản Trung Quốc của Lý Đạt vào tháng Bảy năm 1921. Về tài năng Nguyễn Khoa Điềm, dĩ nhiên, không thể so sánh với “Thiên tài đen” Joseph Goebbels hay R. Katanian người tin cẩn của Lenin nhưng chức năng của Bộ Tuyên truyền Đức Quốc Xã và nhiệm vụ của Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng CSVN không khác gì nhau lắm. 
Làm thế nào một người trước đó không lâu lãnh đạo một ban ngành có chức năng đầu độc, tẩy não cả một thế hệ Việt Nam, ngăn chận mọi tự do sáng tạo, cố giữ đất nước trong tận cùng lạc hậu và cô lập từ thế giới văn minh bên ngoài lại nhanh chóng trở thành một người mang ước vọng vươn lên cao, vượt ra biển rộng như diễn tả trong bài thơ Đất nước những năm thật buồn?
Làm thế nào một người trước đó không lâu áp đặt một tư tưởng chính trị lạc hậu lên cả nước, một nền giáo dục ngu dân chỉ đào tạo ra những con vẹt như Nguyễn Bắc Việt lại nhanh chóng trở thành một kẻ có tâm hồn khắc khoải trước thời thế, khóc thương cho vận nước nổi trôi trong bài thơ Đất nước những năm thật buồn?
Có hai Nguyễn Khoa Điềm? Có hai nhân cách Nguyễn Khoa Điềm trong cùng một con người theo kiểu bịnh tâm lý đa nhân cách (Multi Personality Disorder)? Một Nguyễn Khoa Điềm nhưng đã lột xác, phản tỉnh? Một Nguyễn Khoa Điềm sống thật và một Nguyễn Khoa Điềm sống giả? 
Không. Chỉ một Nguyễn Khoa Điềm, không lột xác, không phản tỉnh, không đa nhân cách, không giả hay thật nhưng chỉ sống trong hai thời điểm khác nhau, khi còn trong bộ máy toàn trị và khi ở ngoài bộ máy cai trị. Đó chính là sự khác nhau giữa con người và cơ chế CS. 
Nguyễn Khoa Điềm thừa nhận điều này: “Bây giờ tôi chỉ còn chường cái mặt tôi ra trong thơ. Thơ thì phải nói thật lòng mình, không thể giấu mình, không thể nói dối... Việt Nam chúng ta lại quan niệm văn học là đạo lý, trách nhiệm... nên gò bó sự sáng tạo cũng như hạn chế sự thổ lộ. Trong khi văn chương phải thể hiện cái đẹp nội tâm của con người. Gần đây ý thức như vậy đã có, nhưng chưa đủ. Vì vậy tôi đã nghỉ hưu, nhưng nhiều người lãnh đạo mong tôi phải thế này thế kia, phải làm thơ ngợi ca, phải hô hào tiến lên... Vừa rồi khi tôi công bố một số bài thơ trên báo sau khi về Huế, có rất nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí có người chê trách tôi “đổi giọng”, nhưng tôi không quan tâm.”
Trong năm 2011, Nguyễn Khoa Điềm còn đi xa hơn khi phê bình Quốc Hội CSVN về chủ trương chống nhân dân biểu tình trong bài thơ Nhân Dân: 
“…Nhưng trên diễn đàn cao nhất nước
Có người nói nhân dân chưa đủ trí tuệ
Để hưởng luật biểu tình!
Tôi nghĩ mãi
Ai đã bầu ra ông nghị này nhỉ?
Sao lại sợ nhân dân biểu tình?
Không!
Sự sợ hãi không cứu được chúng ta
Mà chính là sự can đảm
Đi tới dân chủ…”
Thế nhưng, khi còn là Trưởng Ban Văn Hóa Tư tưởng Trung ương Đảng Nguyễn Khoa Điềm lại là người chủ trương trấn áp những tiếng nói biện hộ cho quyền tự do, dân chủ. Nhà thơ Đỗ Hoàng viết trong blog của ông, Nguyễn Khoa Điềm đã “trù úm Hoàng Minh Chính, bắt nhà văn Dương Thu Hương, bôi nhọ Trần Độ, loại bỏ nhiều nhà bất đồng chính kiến, đàn áp những người đòi tự do dân chủ, cấm mạng , cấm internet, đốt thành tro bụi nhưng tập sách như Học phí trả bằng máu của Nguyễn Khắc Phục, Chuyện kể năm 2000 của Bùi Ngọc Tấn, Chúa trời ngù gật của Nguyễn Dậu, Tâm sự người lính của Đỗ Hoàng...” 
Ngoài ra, nhà báo Trần Dũng Tiến trong bài “Chất Vấn Các Ông Nguyễn Khoa Điềm, Nguyễn Hồng Vinh” viết nhân dịp Kỷ niệm 77 năm Ngày Nhà Báo Việt Nam: “Thật là đáng nghi ngờ và đáng hổ thẹn cho những người cầm đầu Văn hóa Tư tưởng của Đảng ta ! Đảng ta luôn nói vì nước vì dân và tôn trọng tự do báo chí nhưng các ông Điềm, Vinh lại làm ngược lại. Từ ngày 2 ông lên chức cầm đầu Ban VHTT/TƯ các ông đã gây bao nhiêu cảnh rối loạn trong xã hội từ việc bắt giam cựu chiến binh Vũ Cao Quận đến việc quản chế nhà văn Bùi Minh Quốc chỉ vì nhà văn đi thực tế ở mấy tỉnh biên giới mà họ sợ anh sẽ viết về nỗi nhục nhượng đất đai tổ quốc của những người lãnh đạo vừa qua. Từ vụ quản chế Hà Sĩ Phu, Trần Khuê, bỏ tù các trí thức trẻ như Lê Chí Quang, Phạm Hồng Sơn, Nguyễn Khắc Toàn... đến việc cắt điện thoại vừa trái luật pháp vừa trái đạo lý đến nỗi cắt mà không dám công khai tuyên bố điên thoại của Hoàng Minh Chính, Phạm Quế Dương, Trần Dũng Tiến, Hoàng Tiến, Nguyễn Thanh Giang, Nguyễn Vũ Bình...”
Không chỉ nhận xét của nhà thơ Đỗ Hoàng và nhà báo Trần Dũng Tiến mà chính Nguyễn Khoa Điềm qua vô số bài phát biểu trong các hội nghị văn hóa tư tưởng, các buổi học tập v.v. đều không khác tham luận của Nguyễn Việt Bắc đọc trước Quốc Hội bao nhiêu. Một đoạn tường thuật từ Hội nghị công tác tư tưởng văn hoá toàn quốc 2005, trong đó Nguyễn Khoa Điềm phát biểu: “Xuất phát từ tình hình trên, công tác tư tưởng văn hoá năm 2005 có trách nhiệm rất quan trọng và nặng nề đòi hỏi sự thống nhất cao về nhận thức tư tưởng trong toàn Đảng, phát huy tính năng động, cổ vũ những điển hình tiên tiến, những nhân tố tích cực của toàn xã hội, phát huy sức mạnh đại đoàn kết trong Đảng, đại đoàn kết toàn dân tộc. Công tác tư tưởng văn hoá phải đáp ứng yêu cầu đấu tranh chống lại các biểu hiện tiêu cực, trong xã hội, đấu tranh chống lại âm mưu “diễn biến hoà bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch”. 
Một cô gái vì hoàn cảnh phải bán thân nuôi miệng nhưng không làm hại nhiều người. Nguyễn Khoa Điềm bán lương tâm, nhân cách, sĩ khí để nuôi miệng nhưng di hại đến nhiều thế hệ. Khác với hoàn cảnh của cô gái bán thân, hành vi của Nguyễn Khoa Điềm không chỉ có tính cách cá nhân mà còn mang trách nhiệm xã hội. 
Trách nhiệm xã hội là gì? 
Trách nhiệm xã hội là nguyên tắc mà một người hay một tổ chức phải hành xử lợi ích riêng tư trong sự tôn trọng phúc lợi, an nguy chung của cộng đồng xã hội. Nhà kinh tế Richard Whately phát biểu “Một kẻ bị xemhư là ích kỷ không phải vì y chỉ biết lo cho quyền lợi của cá nhân mình nhưng bởi vì y bỏ qua quyền lợi của những người chung quanh”. 
Nhân loại đang chạy đua phát minh khoa học kỹ thuật trong một thế giới mỗi ngày càng nhỏ hẹp dần. Nhiều tiến bộ kỹ thuật được xem là cách mạng hai, ba chục năm trước nay đã lỗi thời. Kỹ thuật hóa được phát triển song song với toàn cầu hóa. Bên cạnh đó, các đổi mới kinh tế chính trị cũng diễn ra nhanh không kém. Nhìn về hướng Đông Âu, các dân tộc đã hồi sinh sau 70 năm dài nô lệ trong ý thức hệ CS. 
Ba Lan là một bằng chứng hùng hồn về phát triển kinh tế. Cộng Hòa Ba Lan, quốc gia bị cắt từng mảnh nhỏ trong mật ước Molotov-Ribbentrop Pact giữa Đức và Liên Xô, quốc gia đầu tiên chịu đựng gót giày xâm lược của Đức Quốc Xã trong thế chiến thứ hai, tuy nhiên, Ba Lan cũng là một nước có nền kinh tế mạnh nhờ liên kết chặt chẽ với Đức hiện nay. Các lãnh đạo Ba Lan học quá khứ nhưng không ai sống trong quá khứ như các lãnh đạo CSVN. 
Trong lúc “bóng ma chủ nghĩa cộng sản” mà Karl Marx dùng để thách thức quyền lực của các nhà nước tư sản giữa thế kỷ 19 trong Tuyên Ngôn Đảng Cộng Sản, đã chìm vào quá khứ và đại đa số nhân loại đang hăng say tiến bước trên con đường dân chủ hóa, tại Việt Nam bịnh sùng bái cá nhân, tôn thờ lãnh tụ vẫn còn đang chế ngự trong hầu hết các lãnh vực của đời sống văn hóa và tinh thần đất nước. Không một giáo án, giáo trình, diễn văn, tham luận, tuyên ngôn, tuyên cáo nào mà không trích dẫn vài câu nói của các lãnh tụ CS. Sự nô lệ tri thức như là một loại vi trùng sinh sôi và lan rộng trong từng con người, qua nhiều thế hệ, xói mòn và tàn phá tính khai phóng, làm thui chột tính sáng tạo trong con người. 
Trong lúc ở một phần lớn thế giới, những tác phẩm của Marx, Engels chỉ còn trong thư viện nghiên cứu, hàng triệu học sinh, sinh viên Việt Nam vẫn phải học thuộc một cách từ chương mỗi ngày những khái niệm, những định nghĩa sai lầm và lỗi thời. Phương tiện internet đã giúp cho một số người Việt có điều kiện đọc các nguồn tin mới nhưng con số những người may mắn đó vẫn còn quá nhỏ so với 90 triệu dân Việt Nam. Đất nước tuy không còn những đại lộ kinh hoàng, những cánh đồng nhuộm máu nhưng đã mọc lên thêm rất nhiều nhà tù, nơi đó, hàng trăm, hàng ngàn người Việt Nam yêu nước vẫn còn bị giam cầm chỉ vì nói lên khát vọng tự do dân chủ, chỉ vì tranh đấu cho chủ quyền biển đảo Việt Nam.
Suốt 10 năm từ 1996 đến 2006, Nguyễn Khoa Điềm là người trực tiếp chịu trách nhiệm cho sự băng hoại tri thức của cả một thế hệ trẻ Việt Nam, biến nhiều trong số họ thành những kẻ bị tàn tật tâm thần, sống trong hoang tưởng, mê muội như trường hợp Nguyễn Bắc Việt. 
Trước một chủ nghĩa bành trướng Đại Hán quá mạnh, quá đông, quá giàu, quá hung bạo, quá lưu manh không những có khả năng đánh Việt Nam từ trên đầu, từ ngoài biển, từ trên không, lẽ ra Việt Nam phải mở tung mọi cánh cửa, chạy đua với thời gian để học hỏi, thu thập mọi cái hay cái đẹp của nhân loại làm vốn liếng cho mình. Nhưng không, suốt 10 năm, thời gian nguy kịch của đất nước, Nguyễn Khoa Điềm lại tìm cách che đậy, đóng kín mọi nguồn thông tin, giết chết những cố gắng vươn xa của thế hệ trẻ, nhồi nhét vào nhận thức của các em một thứ ý thức hệ CS mà phần lớn nhân loại đã ném vào sọt rác.
Trong lúc phần đông những người thuộc thế hệ “nhảy núi” ở Huế bị lãng quên và ngay cả có người bị bạc đãi như trường hợp Trần Vàng Sao, Nguyễn Khoa Điềm may mắn được thăng quan tiến chức. Nhiều nguồn tin cho rằng sau khi bị loại ra khỏi bộ máy quyền lực và danh lợi sớm hơn tuổi về hưu, ông ta phẩn uất làm thơ “dân chủ” như một cách khiêu khích, châm chọc vào điểm khó chịu của giới cầm quyền. Có lẽ ngoại trừ ông Trần Xuân Bách, hầu hết các lãnh đạo CS chỉ nói đến dân chủ tự do sau khi bị cho về vườn. 
Những lời tố cáo, mỉa mai, châm biếm ông có thể đúng hay sai. Tuy nhiên, nếu ông Nguyễn Khoa Điềm nếu bình tâm suy nghĩ, sẽ biết những bài thơ ông mới viết dù ca ngợi tự do dân chủ thật sự cũng chẳng làm cho giới lãnh đạo CS quan tâm, chẳng đánh tan được sự nghi ngờ, oán trách từ những người vốn là nạn nhân của ông, chẳng nối lại tình bạn từ những người ông tránh né họ trước đây và nhất là không thể xóa hết tội lỗi vì đã góp phần hủy diệt, tàn phá đời sống tinh thần bao nhiêu triệu thanh niên trong suốt 10 năm ông lãnh đạo ngành tẩy não. 
Đức Đạt Lai Lạt Ma giảng “Cầu nguyện không thay đổi được nghiệp mà chỉ hành động mới làm thay đổi nghiệp”. Dĩ nhiên hành động trong ý ngài không phải là bỏ tù, trấn áp, bịt miệng, khóa tay người khác nhưng là làm việc thiện, gieo mầm nhân lên một đất nước đã quá nhiều chịu đựng. Trong tinh thần đó, mong rằng, ít nhất một lần trong đời thay vì chỉ làm thơ , ông Nguyễn Khoa Điềm hãy chứng minh bằng hành động lời ông nói “Sự sợ hãi không cứu được chúng ta. Mà chính là sự can đảm. Đi tới dân chủ…”. Can đảm lên để đi tới dân chủ. Mong lắm thay. 

Friday, June 20, 2014

BIẾT CHO VUI


Bao giò Hà nội và Sái gòn có nhỉ

Mát xa là một phương pháp thư giãn nhằm giúp cơ thể con người cảm thấy thoải mái hơn. Nhưng có vô rất nhiều kiểu mát xa có hiểu quả nhưng lại… vô cùng ghê rợn.

1. Mát xa bằng rắn











Đặt những con rắn lên cơ thể








Cho cả rắn bò lên mặt để 'thư giãn'

Mát xa bằng rắn là một phương pháp chữa bệnh của nhà trị liệu Ada Barak người Israel thực hiện. Khi mát xa những con rắn không có độc sẽ bò trườn trên cơ thể người, khi chúng trườn dọc xương sống chúng ta sẽ cảm thấy vô cùng thoải mái.

Kiểu mát xa này rất tốt cho việc điều trị đau cơ và mỏi khớp xương. Chi phí cho một lần mát xa như này là 60 USD (tương đương 1.200.000 VND).

2. Mát xa bằng mãng xà








Giúp cho sự tuần hoàn máu và tốt cho gân cốt

Mát xa bằng mãng xà là dịch vụ tại công viên châu Á hoang dã. Tới đây, du khách sẽ có cơ hội được thư giãn khi các chú mãng xà trườn bò trên cơ thể, việc làm này giúp cho sự tuần hoàn máu và tốt cho gân cốt.

3. Mát xa bằng ốc sên








Thử sức với rất nhiều ốc sên trên mặt

Mát xa bằng ốc sên là phương pháp dựa trên sự bài tiết của loài ốc sên Chi Lê, điều này giúp làm mềm da bạn. Chi phí cho một lần mát xa như này là khoảng 70 USD (tương đương 1.400.000 VND).

4. Mát xa bằng cá








Cách mát xa này là vô cùng thú vị

Mát xa bằng cá là một phương pháp dùng cá để chữa bệnh được áp dụng ở nhiều nơi trên thế giới và hiện nay tại Việt Nam cũng có nhiều trung tâm spa áp dụng phương pháp này. Những con cá nhỏ sẽ "măm" hết da chết ở cơ thể bạn và khiến cơ thể bạn cảm thấy vô cùng sảng khoái.

5. Mát xa Trung Quốc








Gắn những chai lọ hơ nóng lên lưng





Đắp khăn đốt lửa

Tại một ngôi làng nhỏ ở tỉnh Triết Giang, Trung Quốc có một thầy lang chữa bệnh bằng phương pháp khá lạ, ông dùng những chai lọ nhựa, thủy tinh, ống tre... hơ lửa rồi úp lên lưng, sau đó ông còn đắp khăn lên lưng và dùng lửa đốt. Nhiều người cho rằng việc làm này giống như giác hơi tại Việt Nam.

HAMVAS BELA




SEMINAR: Giải mã các biểu tượng cổ xưa với “Câu chuyện vô hình & Đảo” của Hamvas Béla

Sunday, June 15, 2014

GIẤC MƠ

Trong thời kỳ đế chế La Mã, một vài giấc mơ được đệ trình lên Thượng nghị viện La Mã để phân tích và giải thích về chúng. Người La Mã thời đó cho rằng giấc mơ chính là thông điệp từ các vị thần gửi đến. Những nhà phiên dịch giấc mơ thậm chí còn đi cùng với các nhà lãnh đạo quân sự tới các trận chiến và các chiến dịch.
Bên cạnh đó, nhiều nghệ sĩ đã cảm nhận được những ý tưởng sáng tạo của họ từ những giấc mơ. Nhưng chúng ta biết những gì về những giấc mơ? Dưới đây là 15 sự thật thú vị về giấc mơ của bạn:
1. Bạn sẽ quên 90% giấc mơ sau khi tỉnh giấc
Trong vòng 5 phút sau khi thức dậy bạn sẽ quên đi một nửa ký ức về giấc mơ. Trong vòng 10 phút, 90% ký ức giấc mơ của bạn sẽ biến mất.
1393527372-giac-mo-thu-vi1

5 tôn giáo cổ đại bị lãng quên


Tôn giáo Lưỡng Hà (Mesopotamian)






Chữ nêm Sumerian (chứ viết trên bảng đất sét) được cho là dạng chữ viết xuất hiện sớm nhất và tôn giáo Mesopotamian là tôn giáo cổ nhất trong lịch sử. Tôn giáo này bao gồm hơn 2000 vị thần và vua chúa thời đó thường tổ chức các bữa tiệc để kết nối với thần thánh. Ở Babylon, một trong những nghi thức đáng chú ý lại là mại dâm.


Nhiều học giả cho rằng, ở Mesopotamia cổ đại, tình dục là phương thức thúc đẩy sự tiến bộ loài người. Giáo phái thờ thần Ishtar coi tình dục là hiện thân của sức mạnh thần thánh và thực hiện rất nhiều nghi lễ trong ngôi đền của bà.





Tôn giáo Ả-rập trước Hồi giáo






Trước khi Hồi giáo xuất hiện, có một tôn giáo đã từng tồn tại ở vùng Ả-rập. Nó bao gồm nhiều vị thần địa phương cùng một vị thần trung tâm cai quản tất cả có tên là Hubal. Trước khi Muhammad chiếm quyền kiểm soát, công trình Kaaba ở Mecca được biết đến với hình ảnh của hàng trăm vị thần. Theo đạo Hồi, công trình này được Abraham xây dựng nhưng sau đó những người cai quản đã đặt tượng thờ các vị thần khác vào bên trong. Sau khi chiếm giữ Kaaba, Muhammad đã chuyển hết tất cả các vị thần ra khỏi công trình này.


Bằng chứng lịch sử cho thấy tôn giáo bản địa Ả-rập rất đề cao giá trị của thơ văn. Các nhà thơ cũng rất được tôn trọng bởi tác phẩm của họ được cho là sự truyền tải từ phép thuật của các vị thần. Bên cạnh đó, tình yêu với ngôn ngữ cũng được thể hiện rõ nét trong hệ thống chữ viết Ả-rập, chúng được phát triển một cách cẩn thận và đặc biệt chú ý tới sự chính xác của phát âm trong ngôn ngữ nói.


Tôn giáo Celtic






Rất nhiều chi tiết về các tôn giáo Celtic đã biến mất theo thời gian và những gì còn sót lại hầu hết đều được lấy từ nguồn của Thiên chúa giáo hoặc La Mã. Có rất nhiều dị bản của các nghi lễ tôn giáo tại các bộ tộc Celtic và rất khó để thống nhất một bức tranh chung từ chúng. Chúng ta biết rằng các đầm lầy rất linh thiêng, và các đồ vật có giá trị đều được hiến tế tại đây. Thầy tu sẽ đứng đầu các lễ tế nhưng có rất ít thông tin về họ ngoài việc họ có ảnh hưởng rất lớn với người Celtic thời đồ đá. Tuy nhiên sự ảnh hưởng này lại là một hạn chế dẫn tới việc người La Mã tiêu diệt tôn giáo này khi chiếm được hòn đảo.


Thông qua những nguồn ghi chép còn sót lại, chúng ta biết về những vị thần được người Celts cổ tôn thờ. Vị thần tối cao là Dagda, một biểu tượng của văn hóa phồn thực thời đó.


Tôn giáo Orphism






Orphism được xây dựng dựa trên nền tảng các bài thơ sáng tác bởi Orpheus trong thần thoại Hi Lạp. Nó xoay quanh một phiên bản truyện khác về nguồn gốc của con người. Theo đó, thần Zeus có con với con gái mình là Persephone. Đứa trẻ được đặt tên là Zangreus và Zeus định cho cậu bé trở thành vị thần cai quản các vị thần khác. Nhưng các vị thần Titans trở nên ghen tức và ăn thịt Zangreus trước khi cậu kịp lên ngôi. Để trả thù Zeus đốt cháy các Titans bằng tia sét và con người xuất hiện từ tro tàn. Họ tiếp nhận linh hồn thần thánh của Zangreus và phải sống nhiều kiếp trước khi được siêu thoát.


Các tín đồ Orphism có rất nhiều hủ tục bắt nguồn từ niềm tin vào việc siêu thoát. Việc ăn thịt bị cấm vì đó được ví như việc ăn một linh hồn khác. Việc mang thai cũng không được khuyến khích vì nó được coi là giam giữ linh hồn khác trong cơ thể người mẹ. Các hủ tục này khiến rất ít người theo được và tôn giáo này dần biến mất khỏi lịch sử.


Tôn giáo Hittite






Tôn giáo này được gọi là "Tôn giáo của nghìn vị thần" do số lượng lớn các vị thần được tôn thờ, thậm chí trong số đó có những vị thần chỉ do một ngôi làng thờ cúng. Ngoài ra còn có hàng trăm vị thần địa phương mà tên tuổi của họ đã bị quên lãng. Người Hittite cổ sẵn sàng tiếp nhận các vị thần bên ngoài vào tôn giáo của mình. Dù có rất nhiều vị thần, chỉ có vài vị giữ vai trò đứng đầu. Người nắm quyền lực tuyệt đối là một vị thần sét, khá giống với thần Zeus. Điều đặc biệt trong tôn giáo của người Hittite là không phân biệt nam nữ. Một trong những truyền thuyết nổi tiếng của tôn giáo này là về sự biến mất của vị thần nông nghiệp. Theo đó, vị thần này rời Trái đất và gây ra một giai đoạn mất mùa, giống các câu truyện về Persephone, Demeter và Hades. Để đưa thế giới trở về trạng thái cũ, các vị thần khác cần phải tìm ra và tặng quà cho ông.


Phan Hạnh


Theo Listverse


X

LÊN ĐỒNG

(Dân trí) - Lên đồng là một nghi thức trong hoạt động tín ngưỡng dân gian của Việt Nam. Mới đây, hãng thông tấn AFP của Pháp đã viết bài về nghi lễ này của người Việt.




Lên đồng vốn được người xưa coi là nghi thức để giao tiếp với thần linh. Người xưa tin rằng các vị thần linh có thể nhập hồn vào ông đồng, bà đồng, đưa ra những lời phán truyền, giúp diệt trừ tà ma, bệnh tật, ban phúc lộc cho các con nhang, đệ tử. Khi thần linh nhập vào đồng, lúc đó, ông đồng, bà đồng không còn là mình nữa mà là hiện thân của vị thần nhập vào họ.

Người đứng giá hầu đồng gọi là thanh đồng. Thường có hai hoặc bốn phụ đồng (được gọi là nhị trụ hoặc tứ trụ hầu dâng) đi theo thanh đồng để chuẩn bị trang phục, lễ lạt...


Trong một buổi lên đồng, có rất nhiều “giá”. Mỗi lần thay giá, người ta lại phủ lên “cậu” hoặc “cô” một tấm khăn lụa đỏ, sau đó bỏ ra, lúc này, thanh đồng sẽ ở một giá mới và phải thay xống áo, khăn chầu, cờ quạt, đồ hầu dâng... theo giá mới này.


Điệu múa của thanh đồng cũng được thay đổi theo từng giá. Giá quan thường múa cờ, múa kiếm; giá ông hoàng múa khăn tấu, múa tay không; giá cô múa quạt, múa hoa, múa thêu thùa, múa khăn lụa, múa đàn; giá cậu múa hèo, múa lân...






Nghi lễ Thánh giáng phải theo thứ tự từ cao đến thấp, từ Thánh Mẫu rồi đến hàng quan, chầu, ông hoàng, rồi hàng cô và cậu. Số lượng giá trong một buổi lên đồng có khi lên tới 36 giá.


Trong lúc thanh đồng đang hoá thân thì phụ đồng ở dưới cũng nghiêng ngả, múa hưởng ứng theo nhịp câu hát. Những nắm tiền lẻ sau khi được thanh đồng tung ra, ban phát cho những người xung quanh sẽ được coi là tiền lộc và được những người đứng xem nhặt lấy may.


Nhạc hát sử dụng trong nghi thức lên đồng thường là điệu chầu văn hoặc bài hát nói có nội dung ca ngợi sự linh thiêng của thần thánh và vẻ đẹp tiên giới. Nhạc khí chủ đạo là đàn nguyệt, phách, sênh, trống chầu, chuông… Nhóm đàn hát này được gọi là cung văn.


Ngày nay, lên đồng vẫn còn là nhu cầu tâm linh, là hình thức sinh hoạt tín ngưỡng dân gian của một bộ phận người Việt. Các nghi lễ này thường được tổ chức nhiều lần trong một năm vào các dịp lễ, tiết.




Ngoài việc lên đồng để giao tiếp với thần linh, tín ngưỡng người Việt cổ còn tin rằng sau khi chết, linh hồn người chết vẫn còn. Do đó, bằng cách lên đồng, linh hồn người chết có thể nhập vào đồng cô, đồng cậu (người gọi đồng) để trò chuyện với người thân ở dương thế.


Khi cuộc sống xã hội ngày càng hiện đại, áp lực cuộc sống ngày càng tăng lên, thì nhu cầu tìm về với tín ngưỡng dân gian cổ xưa dường như cũng lớn hơn. Không ít người tìm thấy ở đó một sự an ủi, khuây khỏa, yên bình.


Tại Việt Nam hiện nay, đã có nhiều hội thảo, nghiên cứu khoa học về hoạt động tín ngưỡng dân gian đặc biệt này. Hát văn còn được xây dựng hồ sơ để đề nghị UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể.





Hát văn trong lên đồng đòi hỏi phải có không gian - đồ vật - lời nói và nghi lễ thiêng liêng. Đây là loại hình nghệ thuật đa ngành, ở đó hội tụ nhiều giá trị khác nhau như âm nhạc, mỹ thuật, sân khấu, văn học, vũ đạo, đạo cụ, trang phục, nghệ thuật trình diễn… Ở đó, mỗi giá đồng có thể coi là một trích đoạn sân khấu dân gian có sự giao tiếp giữa con người và thần thánh.

Bích Ngọc

Lược theo AFP

Ký TRẦN MỘNG TÚ


Chén Nước Mắm và Bao Vải Bột Mì


Sang Mỹ cả gần bốn mươi năm rồi, thế mà mỗi lần dọn cơm lên bàn cho chồng con tôi vẫn lúng túng với chén nước mắm. Hôm nay có cần không? Bao giờ nhìn bữa ăn dọn ra, cũng chần chừ giữa có và không một phút. Cuối cùng thế nào cũng phải rót một chút nước mắm vào cái chén nhỏ, đặt giữa bàn. Có khi suốt bữa ăn không ai chấm vào, nhưng không có nó, hình như bữa ăn chưa gọi được là hoàn tất. Dù sau này các con đã ra riêng, chỉ có hai vợ chồng, đã bỏ thói quen ăn mặn, thế mà chén nước mắm vẫn luôn luôn hiện diện trong bữa ăn.

Thập niên đầu, khi các con còn nhỏ chưa dùng nước mắm chấm trong bữa ăn thì tôi còn cha mẹ. Cha mẹ ăn cơm bao giờ cũng có chén nước mắm, chanh, ớt để bên cạnh như một thói quen, một điều ắt có như cái bát, đôi đũa vậy. Dù bất cứ hôm đó ăn món gì, có cần đến nước mắm chấm hay không?
Rót chút nước mắm ra cái chén nhỏ, mùi thơm mằn mặn bốc lên, như ngửi thấy cả quê nhà, sao mà nó gợi tình, gợi cảnh thế, nó Việt Nam quá đỗi. Không có chén nước mắm, bữa ăn không gọi là đầy đủ được và lại càng không phải bữa ăn của một gia đình Việt Nam. Đĩa thịt, đĩa cá, bát canh, đĩa xào, bầy đầy bàn. Nhìn đi, nhìn lại, vẫn như thiêu thiếu một cái gì? À, thì ra thiếu chén nước mắm. Thế là chưa ngồi xuống ghế được.
Ai đó cất tiếng:
- Chưa có nước mắm.
- Hôm nay, có món nào cần chấm đâu.
- Sao lại không, cứ mang nước mắm ra đây, thế nào cũng cần đến.
Thế là người đi tìm chén rót nước mắm, người đi kiếm chanh ớt đem ra. Chưa có chén nước mắm, bữa ăn chưa bắt đầu. Chén nước mắm sao mà quan trọng thế!
Trong những truyện viết về quê nhà nghèo khổ, bao giờ mâm cơm nhà nghèo, không có thịt cá gì, cũng được tả bằng chén nước mắm để cạnh đĩa rau cho cả nhà cùng chấm vào ăn với cơm hẩm. Chén nước mắm là phần bổ dưỡng nhất cho cả nhà vì nó có chất đạm từ cá. Nó giúp cho miếng rau trở nên đậm đà để miếng cơm hẩm dễ ăn hơn.
Chén nước mắm đó nhiều khi được chắt ra từ một cái tĩnh nước mắm đặt ở trong bếp, hay ngoài mái hiên nhà. Tĩnh nước mắm mẹ làm bằng những con cá cha đánh lưới đem về. Những con cá nhỏ sót lại sau khi đã lựa những con cá lớn mang ra chợ bán để mua gạo, mua vải may quần áo, mua thuốc đề phòng ốm đau.
Đôi khi chén nước mắm đó là chén cuối cùng làm ra từ những con cá cha đem về. Vì lần đi biển vừa qua cha đã không trở lại bờ nữa. Cả nhà chấm chung chén nước mắm đó thì làm sao mà quên được. Nếu một người nào đó trong gia đình, thoát được cảnh cơ hàn, có đời sống khá giả hơn, ăn những món ngon hơn, chắc đôi khi hồi tưởng lại, khó lòng mà quên được cái chén nước mắm ngày xa xưa đó. Những giọt nước mắm thơm và mặn như những giọt lệ.
Sống đời văn minh, phú quý nên sinh lễ nghĩa. Bây giờ trong gia đình ăn cơm chung với nhau, rất nhiều nhà không còn chấm chung một chén nước mắm nữa. Không biết từ bao giờ, người ta nhiễm thói quen, chén nước mắm của ai người đó chấm, chấm chung không lịch sự, không vệ sinh dù là giữa những người trong một gia đình.
Từ chỗ riêng tư này chén nước mắm thành ra lạc lõng, nó không được đặt ở giữa bữa ăn nữa, nó mất hẳn cái đia vị quan trọng cho bữa ăn của cả gia đình. Chấm chung một chén nước mắm mới thấy cái ấm cúng, cái tình chia sẻ trong bữa ăn.
Chỉ có mâm cơm của người Việt mới có chén nước mắm. Nói không ngoa, chén nước mắm nhất định góp phần làm nên văn hóa ẩm thực Việt Nam.
Từ chuyện ăn sang đến chuyện ngủ. Tôi nhớ ở quê nhà, anh, chị, em, trai gái, lên bốn, lên năm thường được ngủ chung với nhau, có khi đến bảy, tám tuổi vẫn ngủ chung giường. Gia đình khá giả một chút thì có phòng riêng cho con trai, con gái, nhưng vẫn không có chuyện mỗi người một giường.Với gia đình nghèo, khi còn bé, anh chị em đều nằm chung giường không phân biệt trai gái. Nghèo hơn nữa thì cả cha mẹ và con cái nằm chen chúc ngủ với nhau trên một cái giường trong gian nhà một phòng. Mùa hè quạt cho nhau, mùa đông ủ hơi ấm cho nhau. Chuyện ngủ như thế thì chuyện ăn, chấm chung môt chén nước mắm là lẽ đương nhiên.
Những cô cậu của thời chấm chung chén nước mắm, anh chị em nằm chung một giường này, khi đi xa họ có bao nhiêu điều để nhớ. Nhớ lúc ăn thì phải nhường từ miếng cơm, phải nhịn từ giọt nước chấm. Lúc ngủ chị co người lại nhường chỗ cho em nằm, anh chịu lạnh nhường chăn cho em đắp. Kỷ niệm mặn và ngọt ùa vào đời sống, theo họ mỗi ngày, nhắc họ bổn phận phải bù ngang, đắp dọc, sống sao cho đời sống có ý nghĩa hơn

Chuyển sang đời sống Âu Mỹ hiện tại, mỗi người phải có một phòng riêng. Nhất là trẻ em, trai và gái, chúng không phải chung phòng. Ngay cả những người xin hưởng trợ cấp nhà cửa, nhà nước cũng xếp cho một căn nhà có đủ phòng cho các em khác phái tính. Các em được học từ nhỏ: Cái này là của tôi, không phải chia với ai cả. Sự riêng tư phải được tôn trọng.

Căn buồng nhỏ của cậu bé hay cô bé là chỗ riêng tư, không ai có quyền được bước vào. Muốn vào, phải gõ cửa, phải xin phép mới được vào. Vào rồi, cũng không được nhìn với cặp mắt kiểm soát. Ngay cả bố mẹ chỉ làm việc này khi con không có mặt ở đó. Khi ăn thì miếng ăn nào đã chạm tay vào là phải cầm lên, không được đặt xuống, miếng nào đã bỏ vào đĩa mình không gắp sang đĩa người khác dù thân đến đâu.
Ăn riêng, ngủ riêng, mỗi con người trưởng thành có một ốc đảo cho riêng mình.
Có buồn không nhỉ? Có người cho rằng, như thế là dậy đứa trẻ đời sống văn minh, kỷ luật và tự lập. Nhưng đôi khi, sự ích kỷ cũng đi theo nó.
Chẳng biết ở những vùng thôn quê Âu Mỹ, người ta sống thế nào nhỉ. Có cái gì chung đụng mỗi ngày để làm hành trang nhét vào túi trên đường tha hương không? Khi trưởng thành nơi xa lạ, có gì để nhớ?
Có chứ, chồng tôi lớn lên ở nông trại Mỹ, thuộc vùng Dillon bang Montana (1949-1957) Anh kể cho tôi nghe về chuyện đi học.Từ lớp một đến lớp năm học trong một phòng học (One-room school) Mấy nông trại liền nhau chỉ có một cô giáo. Học trò nào may mắn ở trong nông trại có lớp đó tọa lạc thì không phải đi xa, còn những trò ở nông trại khác cũng phải dậy từ sáng tinh mơ để đến trường, học mấy tiếng và khi về thì trời cũng sắp sang chiều. Khi các con lớn lên, nhiều gia đình gửi con ra tỉnh học, hoặc bán trại đi như trường hợp gia đình chồng tôi, vì họ biết là họ sẽ có việc làm ở tỉnh (Mẹ chồng tôi là Trung Úy Y Tá thời Đệ Nhị Thế Chiến).
Những thầy hay cô dạy ở “Một phòng học cho cả trường” đó chắc chắn sẽ được học trò của mình nhớ đến khi họ đi xa, họ đã trưởng thành.
Có khác gì lắm đâu với những lớp học của Thầy Đồ ngày trước ở quê nhà Việt Nam

Thời Suy Thoái Kinh Tế Thế Giới (Great Depression 1929-1939) những bà mẹ Mỹ ở nông trại đã biết truyền tay nhau những công thức nấu ăn không có muối, làm bánh rất ít đường. Biết mỗi chủ nhật, mọi người mang thức ăn đến nhà thờ ăn chung với nhau để người có nhiều hơn chén đường, muỗng muối chia sẻ cho người không có chút muối, đường nào (Do đó có chữ pot luck).
Những bà mẹ Hoa Kỳ khôn ngoan còn biết dùng bao bột mì, bao thực phẩm gia súc may quần áo cho con mặc đi học. Họ nói người chồng nông phu của mình đòi hỏi nơi bán bột mì, bán thực phẩm cho gia súc phải in hoa vào bao thì họ mới mua. (Nên những xưởng bán thực phẩm đã cho in hoa vào những bao vải). Tiền bạc vào thời kỳ khủng hoảng đó rất khó khăn nên công thương, nông nghiệp phải nhượng bộ với nhau.
Trong cái trường chỉ có một phòng học đó có nhiều em thấy mình mặc quần áo giống bạn (dù không phải là đồng phục) nên các em hiểu thế nào là cùng chung sự thiếu thốn
Hóa ra ở đâu những nông gia, những người nghèo cũng có những nét đáng yêu trong đời sống khổ cực.
Đôi lúc làm vườn, nhớ đến quê nhà tôi hay nghêu nghao câu hát: Làng tôi không xa kinh kỳ sáng chói/Có những cánh đồng cát dài/Có luỹ tre còm tả tơi/Ruộng khô có những ông già rách vai/Cuốc đất bên đàn trẻ gầy/ Có người bừa thay trâu cày / Làng tôi luôn luôn vương vài đám khói/Những mái tranh buồn nhớ người/Xơ xác điêu tàn vì ai/Nửa đêm thanh vắng không một bóng trai/Có tiếng o nghèo thở dài/Vỗ về trẻ thơ bùi ngùi. (Quê nghèo- Phạm Duy)
Đôi lúc tôi nghe chồng tôi kể chuyện nông trại ở quê nhà, ngày còn trẻ, tôi cũng
nhớ đến câu hát của anh học trò nghèo: When I was just a youngster and hardly in my teens/ I went to school on many a day with my faded old blue jeans/ The patches they were many the seat was all thread bare/ But a poor girl didn’t notice and a poor boy didn’t care (Life of a poor boy- E.C McCarty)

Từ chén nước mắm trong mâm cơm Việt Nam đến những chiếc áo may bằng bao bột mì trong nông trại Mỹ là một chặng đường thật xa nhưng cho tôi nhìn thấy cái đẹp của sự chung đụng chia sẻ ở nơi nào cũng giống nhau. Nhất là cái chung trong hoàn cảnh túng nghèo. Cái đẹp đó đi vào văn chương và âm nhạc rung động mình suốt cả một đời
tmttháng
nguồn: ăn mày văn chương - amvc.fr

Friday, June 13, 2014

Gustave Courbet




Táo bạo, khuynh đảo tư tưởng phải đạo





Tác phẩm L’Origine du Monde (Cội Nguồn Nhân Gian - 1866) của danh họa Gustave Courbet (khổ 46 x 

Tuesday, June 10, 2014

Thơ CHÂN PHƯƠNG





THU BLUES





mưa dầm...

                     mưa tầm tả...



biển nôn tháo từng ngọn sóng bạc màu

                         

                        mảnh chiều bầm lênh đênh không chỗ đáp

Friday, June 6, 2014

D-DAY, 70 năm sau...





   Ngày 6-6-1944, nhiều binh chủng hải-lục-không quân Anh-Mỹ-Canada đổ bộ lên đất Pháp. Với sự hợp tác của lực lượng kháng chiến Pháp, họ đã đánh tan sự phòng thủ và chống cự của quân chiếm đóng Đức để giải phóng vùng Normandie sau 77 ngày, giúp cả nước Pháp giành lại tự do sau đó.

   70 năm sau, các lãnh tụ phương Tây lại tụ về bãi chiến trường xưa để long trọng tưởng niệm Ngày Lịch Sử D-DAY* cùng các tử sĩ đã hy sinh trong thời gian giải phóng nước Pháp rồi cả châu Âu khỏi ách phát xít. Tổng thống Pháp Hollande đã đọc diễn từ trước quan khách, trong đó ta thấy Obama, Merkel, nữ hoàng Anh, kể cả Putin...

Tuesday, June 3, 2014

Ký XUÂN SƯƠNG





CHÈ ĐẬU VÁN CÔ BỐN T.

Trong diễn từ nhận giải Văn hóa Phan Châu Trinh năm 2012, ông Nguyễn Sự có nói như sau về món chè đậu ván:

Một trong những món ăn được nhiều người ưa thích ở Hội An là món chè đậu ván của hai chị em nghèo, chỉ bán về đêm, khoảng từ chín, mười giờ, cho đến đúng khuya. Người chị gánh gánh chè nhẹ tênh từ trên đầu phố thong thả đi xuống, người em gánh cũng nhẹ tênh từ cuối phố thong thả đi lên, tới lúc gặp nhau thì chè vừa hết, và cánh cửa cuối cùng của những ngôi nhà cổ phố Hội cũng vừa khép lại.

Sunday, June 1, 2014

CHÂN PHƯƠNG




NẮNG XUÂN VÀ TIẾC NUỐI



Hai mươi rồi sáu mươi

Đường một chiều – ai ơi !

Tuổi già thay tuổi trẻ

Đổi cột mốc đời người –

RAFAEL ALBERTI

RAFAEL ALBERTI
(1902-1999)

Rafael Alberti sinh năm 1902 tại Puerto de Santa María, Andalusia-Tây-ban-nha   Tác phẩm  thơ Marinero en tierra (Thuỷ thủ trên cạn, 1925, đoạt giải Premio Nacional de Literatura), Cal y canto (Vôi và khúc hát, 1929), và Sobre los ángeles (Về những thiên thần,1929)  
Năm 1939, , Alberti sang Pháp sống một thời gian ngắn, rồi sang Argentina, xuất bản rất nhiều tập thơ và một số kịch bản. Năm 1964, ông dời sang Ý.Sau gần 40 năm lưu vong, Alberti trở về Tây-ban-nha năm 1977. Ông được trao tặng giải thưởng Premio Cervantes năm 1983 —  
Rafael Alberti qua đời năm 1999, để lại hơn 60 tập thơ.

-----------