Saturday, April 5, 2014

Nguyễn Đình Thi - thật như anh.



LX :  Xin  giới thiệu hồi ký  " Nguyễn Đình Thi - thật  như anh " của nhà văn , nhà báo Bùi  Hữu Chí ( Lưu Hương )( 1926- 2008) . Ông Lưu Hương là em vợ của nhà văn nguyễn Đình Thi . Nhà văn Nguyễn Đình Chính đã trích trich in tập hồi ký này trong tập " NĐT- bí mật một cuộc đời " . Nhưng tập sách đã bị thu hồi ngay khi chưa kịp phát hành..

Hết chuyện buồn lại đến chuyện vui

Tôi nhớ lại cảnh Hồ Chủ Tịch đọc Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945. Ngày đó, cả Hà Nội không bói đâu ra được cái xe máy. Chỉ có hai chiếc xe máy nhãn hiệu Te-rô và Pơ-dô bầy trong tủ kính hiệu cơ khí Tràng Tiền, trước cửa nhà hát lớn, bầy bán cả năm chẳng có ai mua mà thôi.

Hàng vạn dân phố Hà Nội khản đặc cả tiếng sau một tuần hò hét ủng hộ Việt Minh, ủng hộ cách mạng tháng Tám. Anh Học Phi vừa dẫn đội danh dự Việt Minh đi tiếp quản thành phố Nam Định, mà địch đã đầu hàng. Tư Mạnh (tức Dư Chắt) trong đội danh dự Việt Minh tới gọi tôi đi gặp đồng chí Lâm, đội trưởng. Anh giao cho chúng tôi nhiệm vụ phải kiếm đâu ra bằng được một cái xe ôtô sang trọng kiểu Ford hoặc Pơ-dô đời mới cho ngày Quốc khánh mồng 2/9. Kiếm đâu ra bây giờ? Đi mựơn xe nhà giàu hoặc xe của bọn quan hai thì không ổn rồi, Tư Mạnh bảo chỉ có đi cướp xe của Nhật nộp đầu hàng Đồng Minh? Cũng không ổn rồi. Đừng có chọc vào tổ ong vò vẽ lúc này mà chết vì phải tránh khiêu khích bọn Nhật, nhưng tôi lại thấy làm được. Tôi có ông bác họ Bùi Hữu Thái bằng vai vế bố tôi, tuy làm cho Nhật, nhưng ông hết lòng ủng hộ Việt Minh. Hãng vận tải thương thuyền đường sông của Nhật gọi tắt là Caten có chiếc xe Ford. Tôi sẽ lấy danh nghĩa quân Tầu Tưởng Lư Hán đến điều đình mượn khéo ông chiếc xe đó. Theo kế hoạch tác chiến, tôi và Tư Mạnh dẫn theo tay lái xe cự phách đã từng lái xe ô tô thi 50 vòng quanh Hồ Gươm, tiến vào ngõ ở đầu ngã sáu, trước bệnh viện Lương Hà-nét-xăng (nay là Viện 108) vào gặp Bùi Hữu Thái. Nhưng tiếc thay anh đi vắng. Trở ra, chúng tôi thấy có hai chiếc xe Ford đen đậu ngay ngoài cổng, tài xế chiếc xe đầu đang chui xuống gầm chữa máy cho xe sau. Tôi bèn ra hiệu cho anh Thi ngồi vào tay lái xe trước, nổ máy, từ từ lăn bánh. Tôi và Tư Mạnh chạy theo mở hai bên cửa sau, cùng nhảy vào xe. Đã chạy thoát ra gần đến ngoài đường thì tên tài xế chạy theo, bám lấy thành xe kêu ôi ối. Tôi ló đầu ra cửa xe, chĩa súng vào mặt hắn, hắn lại kêu ôi ối, rụng rời chân tay và bỏ chạy.

Thế là xe chúng tôi, vượt qua đường Tăng Bạt Hổ, chạy vòng ra hồ Ha-Le rồi rẽ vào Sở Liêm phóng (công an). Bàn giao xe cho bên Sở Liêm phóng, chúng tôi xoa tay, xong nhiệm vụ. Cũng chẳng hề có ai nghĩ báo cáo “thành tích” với cấp trên bao giờ.

Sau ngày rút quân khỏi thành phố Hà Nội, kháng chiến năm 1946, tôi và anh Thi chia tay nhau, sống và chiến đấu xa gia đình. Anh Thi làm những việc lớn trong Chính phủ kháng chiến. Còn tôi mất liên lạc với đơn vị cũ, tôi sẵn sàng nhận làm giao thông đưa báo Cứu quốc đi khắp các công sở Trung ương, Thành uỷ và các nơi khác ở Hà Nội. Vì làm việc này, tôi không bị bó cẳng, được đi khắp nơi để tham gia kháng chiến theo “kiểu thích” của tôi.

Sau khi nhận cái thẻ có chữ ZT (giao thông) của Xứ uỷ, tôi chở xe đạp đưa báo Cứu quốc về Cống Thần, Đồng Quan, chợ Đại. Đến gần nơi ở của Thành uỷ Hà Nội, tôi gặp một đơn vị du kích Thủ đô, do anh Hà Huy Giáp chỉ huy, đang đứng trước sa bàn, tập đánh đồn bốt điện Khâm Thiên - Hà Nội, lúc đó có cả phóng viên báo Nhân Dân, và phóng viên mấy tờ báo khác cùng tham dự. Kết thúc buổi diễn tập trận đánh trên sa bàn, anh Hà Huy Giáp hỏi có nhà báo nào đi với chúng tôi trận này không? Im lặng, không ai lên tiếng trả lời. Lúc ấy tôi mới hỏi Hà Huy Giáp:

- Cho tôi đi với được không? Tôi ở báo Cứu quốc.

- Hoan nghênh nhà báo Cứu quốc – Hà Huy Giáp tươi cười tiến lại bắt tay tôi.

Quả thật lúc ấy tôi đỏ mặt vì lúng túng, nhưng tôi trấn tĩnh định thần, để xác định tư thế của mình. 

Hà Huy Giáp ngộ nhận tôi là một phóng viên nhà báo can trường. Anh còn ngạc nhiên thấy khẩu “côn bát” tôi đeo bên người. Đó là khẩu súng mà các cấp chỉ huy lúc đó còn mơ ước. Anh hỏi tôi:

- Nhà báo phóng viên chiến tranh nghe phương án đánh đồn bốt như thế có được không?

Dù không định mà nghiễm nhiên được phong là nhà báo, tôi cũng không ngán chút nào câu hỏi của Hà Huy Giáp, vì sau ngày khởi nghĩa, tôi đã được cử đi học ba tháng quân chính nam tiến tại Việt Nam học xá Hà Nội, tôi có thể cầm quân một trung đội là cái chắc. Qua vài lời trao đổi, Hà Huy Giáp đã thân mật với tôi như là đồng cấp chỉ huy với anh. Ngay chiều hôm đó, bộ đội nghỉ ba tiếng trước giờ xuất kích. Qua vách liếp căn nhà tranh tre, tôi nghe tiếng sụt sịt khóc của vợ Hà Huy Giáp lo cho anh ra trận lần này.

Chiều tà rồi bóng đêm ập tới. Toàn đơn vị xuất kích hướng về phía bầu trời Hà Nội bừng sáng. Đơn vị chúng tôi đi theo các triền ruộng, lúc đi lên đường cái, lúc lại lội ruộng qua bên ngoài nhiều làng mạc có tiếng chó sủa vọng ra. Trong đầu tôi lúc ấy, có nhiều suy nghĩ cùng đến một lúc. Tôi đã từng đối đầu với kẻ thù nhiều lần. Hầu hết các trận đã qua, tôi đều chế ngự được tình thế và bao giờ cũng ra đòn trước khi chúng kịp đối phó. Nhưng đi vào trận đánh lần này, tôi nghĩ mung lung bất định, vì mình bị động đi theo một đơn vị chiến đấu một cách ngẫu hứng, thắng hay bại, sống hay chết, mình không chủ động làm chủ được tình thế. Lần đầu tôi thấy chiến tranh thực sự là như thế nào. Một cuộc chiến tranh không phải một sớm một chiều có thể có lời giải đáp. Thắng hay bại, trường kỳ kháng chiến nghĩa là phải chịu thử thách lâu dài giữa cái sống và cái chết qua những trận đánh ác liệt, liên tục kéo dài ngày này qua tháng khác, năm này qua năm khác. Làm cách nào để mình thoát khỏi những viên đạn luôn tìm nhắm bắn trúng mục tiêu của hai bên đối địch. Lần đầu tiên trong đời, lúc này tôi cảm nhận chiến tranh thật nghiêm túc. Một vấn đề sống còn của biết bao sinh mạng đời người, có thể biết bao hoài bão, tình yêu mơ mộng sẽ bay vào hư vô trong khoảnh khắc. Ôi, chiến tranh sao mà ác liệt thế! Nhưng rồi cũng phải tìm ra cho mình một lối thoát trong cuộc chiến tranh này. Thế rồi đoàn quân cứ cuốn hút tôi theo mãi vào sát Hà Nội. Bao nhiêu kỷ niệm êm đềm ngày nào trong cái gia đình nhỏ bé của tôi lại hiện ra trong đầu. Chuyển quân chạy lên đường, vượt qua bên ngoài quận Hoàng Long sang Gò Đống Đa, đoàn quân du kích cứ men theo các vườn rau bên sau dãy phố Thái Hà ấp mà tiến tới bốt điện cuối phố Khâm Thiên. Cả trung đội đã bao vây bốt điện thành hình cánh cung. Năm khẩu Ba-do-ca chĩa thẳng vào bốt điện. Tôi nằm bên đội dự bị của Hà Huy Giáp. Anh hô “Ba-do-ca bắn” vang vọng nhiều lần. Nhưng vẫn chỉ có tiếng súng trường và trung liên tập trung dập tắt các bóng đèn sáng. Bỗng Hà Huy Giáp nói với tôi: “Chủ công trận đánh bằng Ba-dô-ca lại xịt hết cả rồi! Đành phải rút lui!” Anh hô xung phong, xung phong vang vang. Xung phong có nghĩa là hiệu lệnh rút lui! Dân quân dẫn đường thế nào lại đưa đoàn quân du kích chúng tôi lạc hướng ra phía Khâm Thiên. Lúc quay lại thì gặp đạn lửa súng trung liên từ trên gác đồn cảnh sát bắn như vãi đạn xuống chặn hướng rút lui qua bức tường ra sau phố ấp Thái Hà. Lúc đó tôi chạy lên trước, nhảy bám lên vách tường, kéo tay kiểu chơi xà đơn, co cả người lên đỉnh tường cao, rồi cứ thế kéo tay cho cả đội rút qua bên kia tường sau phố, tránh được làn đạn bắn chặn đường rút lui. Đầu gối Hà Huy Giáp trúng đạn, máu chảy ròng ròng. Tôi xé áo băng vết thương ở chân rồi cõng anh theo quân trở lại sau Chùa Bộc, ở đây đã có một đội dân quân đón, cáng Hà Huy Giáp ra ngoài hậu phương. Nằm trên võng cáng, anh chìa tay ra bắt tay tôi và nói: “Cậu ở lại với số anh em bị thương được cáng ra sau nhà thờ Liễu Giai về lán căn cứ chạy chữa rồi ra sau, cậu lên chỉ huy thay mình nhé”.

Lần đầu ra trận đóng giả phóng viên, được chỉ định lên thay chỉ huy, tôi vào cuộc ngay. Ba thương binh nằm trên võng cùng y tá theo tôi về làng Thành Công. Sau khi được băng bó xong, thương binh đều xuống hầm bí mật, đợi đêm đến lại lên mặt đất thay bông băng, mọi dấu vết đều xoá sạch, ngày địch càn vào làng lùng sục không bắt bớ được ai. 

Ba ngày sau, tôi cho cáng ba thương binh cùng đồng chí y tá ra trao lại cho đơn vị Hà Huy Giáp. Tôi được anh Phương trong Thành uỷ gửi giấy khen về báo Cứu quốc. Điều đáng nói hơn là trong ba ngày đó, tôi đã tranh thủ được đồng chí Tâm , Thường vụ Quận uỷ cấp giấy tờ giả và cho người dẫn đi vào thăm thành phố bị chiếm đóng. Chẳng ngờ đi lớ ngớ thế nào, đến đầu ngã 5 đường Bà Triệu, tôi đụng đầu ngay với thằng em con ông chú ruột từ trên ôtô bước xuống. Tôi biết nó đã làm cho địch. Nó tên là Bùi Cẩm Thạch. Nó nói với tôi bằng tiếng Pháp giọng thân mật:

- òu vas tu mon frère? (anh đi đâu đấy).

Tôi cũng biết chú Bùi Cẩm Chương ở lại thành phố, đã làm chủ bút tờ báo lá cải “Hồ Gươm” được quân Pháp chiếm đóng cho phép. Còn Thạch tôi chưa rõ hắn làm gì cho địch. Khác hẳn với điều tôi nghĩ chú Chương và em Thạch tiếp đón tôi vẫn nồng hậu như tình con cháu trong nhà, ôm lấy tôi nói âu yếu “Con tôi”. Còn Thạch trước khi đi làm nói rất thẳng thắn, cũng vẫn một giọng tiếng Pháp sành điệu: “Đến giờ em đến nhiệm sở, còn anh có việc của anh. Ai biết việc của người ấy, hãy thoả thuận như thế nhé, được không anh?”. Thạch còn nói tiếp: “Anh cứ ở đây với bố em là an toàn nhất, không sao cả”. Tôi đã ở chơi với chú Chương và gia đình Thạch hai ngày, chuyện trò thật cởi mở và ấm cúng như ở nhà mình.

Điều này làm tôi suy nghĩ mãi về cái thuyết đấu tranh giai cấp phải rạch ròi giữa bạn, thù, ta trong các lớp chỉnh huấn. Nếu thực tế diễn ra đúng như cái lý thuyết ấy thì khi gặp Thạch ở ngoài vùng tự do, tôi phải tóm cổ nó vào tù và cũng không có chuyện cả nhà ông chú tiếp đón tôi trong vùng địch như vậy.

Cuộc dạo chơi phiêu lưu của tôi trong vùng địch ngày ấy, tôi phải dấu kín qua các cuộc chỉnh huấn, chỉnh đốn tổ chức Đảng. Nếu nói thật ra thì sinh mệnh chính trị đời tôi đi tong ngay. Ngày ấy, tôi cảm thấy lờ mờ có một mối dây rợ huyết thống nào đó ở các dòng họ người Việt Nam ta là dù thế nào cũng đùm bọc nhau và không làm hại nhau bao giờ. Thực tế thời gian 50 năm sau, qua câu chuyện này tôi càng thấy rõ cái thuyết đấu tranh giai cấp đúng là nhảm nhí. Thực tế 50 năm sau một sự thật chứng minh Nhà nước ta đã cử thượng tướng Phùng Thế Tài (ông anh rể lấy chị Yến, con ông bác tôi) và đồng chí Vũ Kỳ, thư ký riêng của Bác Hồ, đứng ra tổ chức đón tiếp Bùi Cẩm Thạch (nguyên Thiếu tướng CIA hai mang) sau nhiều năm lập công với cách mạng anh ta đã rời bỏ quốc tịch Mỹ, để đem của cải trở về đóng góp cho đất nước.

Chỉ tiếc cho Bùi Cẩm Thạch xuất đầu lộ diện lòng yêu nước quá sớm, chưa đến lúc thời cơ thuận lợi thì đã bị CIA đầu độc trong một bữa tiệc chia tay với CIA. Thạch lái xe về gần tới nhà tại Ca-li-phooc-ni-a, thì ngấm thuốc độc, chết gục trên tay lái.

Ngày anh trở về nước lần đầu cũng đã quá muộn. Khi người cha yêu quý của anh sau 20 năm ở tù, trở về cám cảnh gia đình bần bách, đã tự thắt cổ chết trong căn nhà để xe ở ngõ Nam Ngư, Cửa Nam.

Sau hết, qua câu chuyện này, tôi tự hỏi: “Phải chăng cái thuyết đấu tranh giai cấp đấu tranh rạch ròi: Ta, bạn, thù một cách máy móc ngày ấy thì chỉ có người ở vùng tự do theo Đảng mới có quyền yêu nước?

Trong vòng vây của tư tưởng rạch ròi, tôi nhớ có lần anh Thi nói với tôi: “Em hãy cứ tích cực đi vào cuộc sống thực tế rồi sau này hãy tính tới chuyện học làm văn, làm báo”.

Nhưng bỏ qua ngoài tai lời khuyên của anh, tôi cứ thử vận may.Tôi viết một câu chuyện nhỏ về cuộc chiến đấu ở Thái Nguyên: “Một cuộc rút lui thần kỳ” được đăng trên Tạp chí Văn nghệ số 1 ở Việt Bắc, không ngờ lại nổi lên cái tên mới là “Lưu Hương”, một tác giả mới xuất hiện lần đầu tiên trong làng văn. Khi Tạp chí Văn Nghệ số 1 vào tới Nông Cống, Thanh Hoá-thủ đô thứ hai của anh chị em văn nghệ sĩ kháng chiến, bài “một cuộc rút lui thần kỳ” cũng được tiếng khen ở trong ấy. 

Một hôm, giữa chiến dịch giải phóng biên giới Cao – Bắc – Lạng, tôi nhận được từ tay nhà văn Nguyễn Tuân từ Thanh Hoá ra một lá thư trong đó có bài thơ tình đầy thơ mộng của nàng tiên thời học sinh chúng tôi. Tôi cảm động không để đâu cho hết và nhân dịp kết thúc chiến dịch Biên giới thắng lợi, tôi từ Tuyên Quang xuôi thuyền xuống Việt Trì, lên bộ vượt đèo qua đồn Vàng đèo heo hút gió, cứ theo dòng người buôn xuôi mà vào tới tận Nông Cống, Thanh Hoá để được gặp lại nàng tiên thơ mộng. Nào ngờ sau một buổi đi cào cỏ lúa và xem hát chèo cùng nàng, tôi đã được về nhà nàng và thân mẫu nàng cho biết thẳng thừng: “Phi bác sĩ, kỹ sư bất thành phu phụ”.

Thật phũ phàng cho mối tình mơ mộng của tôi. Ngay sáng hôm đó, tôi vui vẻ xách khẩu tiểu liên lên phố Rừng Thông, dạo chơi một lúc rồi lại theo đường dây lái buôn muối, vượt qua đồn vùng địch hậu và tôi đã nhận được bài thơ tình mờ ảo, lãng mạn. 

Ôi! Tình yêu không gì đổi được là thế đấy. Sau đó tôi được tin nàng đã ngã vào cánh tay chàng bác sĩ của địch đóng quân bên nhà cô và cả bà dì trẻ trung xinh đẹp cũng đến với lão vong quốc đầy quyền uy lúc đó ở vùng tự do Thanh Hoá. 

( Còn tiếp )