Monday, April 7, 2014

Nguyễn Đình Thi - thật như anh

( tiếp theo )


LƯU HƯƠNG 

Thời gian qua đi, 25 năm sau, nghe đâu nàng không có con, chồng chết bất hạnh. Tôi nghe tiếng gọi rất to của nàng, gọi tên bút danh của tôi, cái tên còn giữ lại hương hoa ban đầu của một mối tình mơ mộng không tưởng. Nhưng tiếng gọi lần này là một tiếng gọi mang theo giọng nói thiết tha ngân dài.

Còn gì nữa đâu. Tôi tảng lờ đạp xe đi thẳng qua mặt nàng, như không hề nghe thấy gì hết. 

Anh Thi lại cười bảo tôi:

- Chả bù với anh, cậu thì cứ suốt đời sống với những tình yêu mơ mộng không tưởng.

Chẳng những thế, tôi lại còn mơ mộng văn chương nghệ thuật. Trong khi ở báo Cứu Quốc, bắt đầu tập vào nghề viết báo, tôi được anh Xuân Thuỷ ưu ái cho đi theo anh, làm thư ký riêng, kiêm bảo vệ cho anh, vì tài bắn súng của tôi. Nhiều hôm đi đường lên họp Trung ương, anh Xuân Thuỷ bảo tôi dạy học tiếng Pháp cho anh. Leo dốc mãi lên tới đỉnh Đèo Khế, tôi trút cái mũ phớt “đại công tử thủ đô” cắm lên một gốc cây bên mình. Anh Xuân Thuỷ hỏi tôi:

- Thế nào, cậu đi với tôi được chứ?

Tôi suy nghĩ rồi thong thả trả lời anh:

- Đi với anh, trước hết là đi tới đâu cũng được bà con cơ sở mổ gà cho ăn sướng thật. Ở Việt Bắc này thì chỉ có “bí đỏ” với rau xanh mà thôi! Thú thật tôi thấy buồn quá! Tôi cứ như là cái bóng của anh. Anh đi, anh nghĩ, tôi cũng phải đi theo, nghĩ theo anh. Tôi biết có nhiều cậu muốn vào thế chân tôi, theo anh sẽ chóng được đề bạt, cất nhắc. Vậy tôi muốn xin phép anh được nghỉ việc này để chuyển sang hội Văn Nghệ học nghề viết văn. Ước vọng của tôi chỉ có thế. Mong được anh cho phép.

Anh Xuân Thuỷ tỏ ra phật ý. Đứng lên đi xuống dốc Đèo Khế. Tôi cũng phải đứng lên theo anh, bỏ quên cái mũ dạ “Fờ-lết-xê” công tử Hà Nội.

Tôi được chuyển sang công tác hội Văn Nghệ vào lúc anh Tố Hữu ở miền Trung ra thành lập tiểu ban Văn Nghệ trung ương Đảng mà anh là Trưởng Ban. Từ nay anh trực tiếp nhận chỉ thị của Trung ương, không thông qua đồng chí Lê Đạt, phái viên của anh Trường Chinh nữa.

Ai ngờ tiểu ban Văn Nghệ Trung ương chỉ là một “cái rọ” do anh Tố Hữu đề xướng để chụp tất cả các ngành, các nghệ sĩ văn thơ, ca múa nhạc kịch, văn công, hội hoạ... vào cuộc sống tập trung có tổ chức, kỷ luật của Đảng.

Anh Lành cho mở liên tiếp các cuộc vận động học tập chỉnh huấn, chỉnh đốn tổ chức trong văn nghệ sĩ các ngành trong văn nghệ. 

Tôi để ý thấy rõ ràng là đội ngũ Văn nghệ sĩ sống tản mạn đã được tổ chức tập trung có nơi ăn chốn ở trong các trang trại hẳn hoi. Sự thay đổi trước hết là nhà văn Nguyễn Tuân được thôi giữ chức vụ Tổng thư ký hội nhà văn, để anh Nguyễn Đình Thi lên thay. Phạm Duy nghe cuộc sống ở chiến khu như vậy không thích hợp đã vội cao chạy xa bay vào tận trong Nam. Mạc Chi, trưởng tiểu ban công nhân chỉ vì mê cô Thôn xinh đẹp vào nhà thờ cầu chúa cùng cô, nên bị chuyển đi biệt xứ lên tận Lai Châu. Hoạ sĩ Văn Giáo thì nửa tỉnh nửa mê, đi khắp nơi chửi vung tứ mẹt. Vào một hôm, Văn Cao bạo phổi phê phán anh Lành: “Nhốt văn nghệ sĩ như úp cả trong nơm rọ”...Tôi chỉ thấy anh Lành cười, nhưng mắt anh không cười, mặt lạnh như tiền và có lẽ cũng vì thế Văn Cao bị vô hiệu hoá từ đó. Những “Suối Mơ” “ Thiên Thai” nhạc tiền chiến bị cấm. Khắp nơi chỉ thấy vang lên tiếng trống hát chèo, quan họ, múa sạp Tây Bắc.

Anh Thi cũng không còn thấy được thoải mái sáng tác. Tất cả phải đi vào sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa. Không có cái chuyện sáng tác ngẫu hứng, thơ không vần của Nguyễn Đình Thi bị bài bác. Chỉ thấy cả đài phát thanh chạy rậm rịch đi tìm ca sĩ và người đệm đàn mỗi khi có một bài thơ mới của anh Tố Hữu gửi tới.

Rồi tới lúc ảnh hưởng của Trung Quốc tràn vào. Trong văn nghệ sĩ cũng chia phần. Ai được ăn theo tiêu chuẩn nào: Tiểu táo, trung táo hay đại táo, đại táo nghĩa là chỉ có khoai với sắn.

Đến lúc văn nghệ sĩ được tổ chức đi vào phục vụ công, nông binh, Nam Cao đi vào vùng hậu địch Hà Nam bị địch phục kích bắn chết. Nguyên Hồng về ấp sân Nhã Nam đi cấy để sáng tác, sống dở chết dở. Còn tôi được anh Lành ký giấy cho đi vào công xưởng thì cũng mất liên lạc từ đấy.

Anh Nguyễn Đình Thi thì chỉ tâm sự riêng với tôi điều này: “Anh bị kẹt vì chót “ xưng tội” trong chỉnh huẩn, là có tài, học giỏi, được Tây tìm cách dụ dỗ, mua chuộc và có đầu óc lãnh tụ ngay từ ngày còn đi học, nên không bao giờ được Tố Hữu tiến cử vào Trung ương Đảng”. 

Tôi cười bảo anh ngây thơ thật! Có đời nào Tố Hữu đưa cho một vài anh em văn nghệ sĩ xem bức ảnh chân dung Lê Đức Thọ, Uỷ viên bộ chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng, đằng sau có lời đề tặng đầy ưu ái mà Lê Đức Thọ đã giành cho Tố Hữu .

Lịch sử văn học Việt Nam sẽ còn trở lại với vụ án Nhân văn Giai phẩm còn nhiều tranh cãi mà mọi người đã biết nó như thế nào rồi !

Đời sống văn học nghệ thuật suốt hơn nửa thế kỷ qua, dưới triều đại tiểu ban văn nghệ Trung ương Đảng do Tố Hữu đứng đầu đã diễn ra như thế thì làm sao có thể sản sinh ra được nhân tài văn nghệ sĩ cùng với những tác phẩm có tầm cỡ xứng đáng với thời đại lịch sử huy hoàng cuả dân tộc.

Cần lật lại hồ sơ vụ án “Nhân văn-Giai phẩm” .

Trước hết, trong thời gian xẩy ra vụ án này, tôi không có mặt ở Hà Nội, và cũng không có quan hệ gì với bất cứ một ai có liên quan đến vụ án này. Ngày trở lại Hà Nội, tôi đến gặp ông là bạn giáo sư đại học tổng hợp. Theo cách nhìn nhận của giáo sư thì đáng lẽ ra, ngay từ đầu, từ mấy số báo Giai phẩm có đăng bài phê bình và bình luận về thơ Tố Hữu, thì lãnh đạo văn nghệ cần phải bình tĩnh, tỉnh táo để có chủ trương khoanh vấn đề trong phạm vi tranh luận, phê bình văn học trên diễn đàn báo chí mà thôi.

Nhưng có lẽ vì mấy cậu văn nghệ sĩ trẻ trong đó có cả học trò của giáo sư, chơi ngông dám thách đố quyền uy tối thượng của ông Tố Hữu, viết bài phê bình thơ Tố Hữu là tiểu tư sản, tức là thơ cũ rích, ca ngợi Bác Hồ vĩ đại lại làm cho Bác Hồ nhỏ bé đi. Tờ báo còn kêu gọi:” Hạ thần tượng thơ Tố Hữu”.

Đáng lẽ ra, là nhà lãnh đạo lớn, ông Tố Hữu có thể gọi mấy cậu văn nghệ sĩ trẻ chơi ngông ấy đến nói chuyện một cách thân tình, cởi mở và bình đẳng với tư cách bạn thơ thì mọi sự đã khác. Nhưng đằng này, có lẽ vì quá tự tin vào uy tín và quyền lực của mình, ông Tố Hữu đã làm to chuyện, rồi ra tay biến cuộc phê bình, bình luận thơ văn trên báo chí thành một cuộc đấu tranh giai cấp thực sự. Từ bé xé ra to, bới bèo ra bọ, để phân biệt rạch ròi địch, ta ở đây, rồi đi đến kết luận bằng một vụ án chính trị. Qua đó, ông Tố Hữu nhìn nhận một số văn nghệ sĩ tham gia “Nhân văn-giai phẩm” hôm qua còn là đồng chí của ông, nhưng qua cuộc đấu tranh giai cấp trên lĩnh vực văn thơ này, đã trở thành những kẻ chống đối chế độ xã hội chủ nghĩa, một kẻ thù phản động.

Theo quan điểm đấu tranh giai cấp đó, cả loạt Nguyễn Hữu Đang, Trần Dần, Phan Khôi, Tử Phác, Phùng Quán, Lê Đạt đều bị gom vào trại cải tạo. Người bị đưa lên “đoạn đầu đài” trước tiên là Trần Dần (tác giả tiểu thuyết Người người lớp lớp). Vì quá uất ức, anh tự tử nhưng không thành. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh biết chuyện, kịp thời can thiệp. Sau đó Trần Dần chị bị án quản thúc, đi chăn bò ở nông trường, có công an giám sát suốt mấy năm trời. Còn những anh em khác đều bị “kìm lại” ở địa phương, cắt hết lương bổng, cấm sáng tác, khiến họ sống dở chết dở. Phùng Quán gọi ông Tố Hữu bằng cậu mà vẫn không tránh khỏi “vận hạn” này.



Có rất nhiều bạn trẻ từ kháng chiến chống Pháp đến sau ngày giải phóng Thủ Đô năm 1954, hâm mộ văn thơ và những bài hát Nguyễn Đình Thi. Huống hồ là tôi, anh em và bạn chiến đấu cùng ở một nhà với anh từ ngày tiền khởi nghĩa Cách mạng Tháng tám .

Tôi nhớ anh Thi nói trong một hoàn cảnh đặc biệt, khi anh vừa ở tù ra:

“Mỗi người phải tìm ra lẽ sống cho mình. Khó đấy nhưng phải làm thôi!:”

Lẽ sống chiến đấu ban đầu của tôi lâu dần cũng phai nhạt, nhàm chán qua những cuộc đọ súng lặp đi lặp lại với quân thù. Chiến đấu và tình yêu rôì vẫn chỉ có thế. Trong tôi có một đòi hỏi khát khao mới là được sống chiến đấu hết mình rồi tái tạo lại cuộc sống muôn vẻ ấy bằng sáng tác văn học.

Đam mê ước vọng ấy, tôi tìm về hội văn nghệ để mong được học hỏi các bậc nhà văn đàn anh, rồi đi theo các anh hết chiến dịch này đến chiến dịch khác trên các nẻo đường kháng chiến, để tìm nguồn đề tài sáng tác, học viết văn.

Nhưng sao càng đi, càng sống,càng đọc nhiều sách, tôi thấy viết văn khó quá anh Thi ơi!

Văn chương thật là con đường khổ ải cho những ai mơ mộng nó. Nói ngay nhà văn có tên tuổi như Hữu Mai mới đây tôi viết mấy lời thương tiếc anh trên tạp chí văn nghệ, cũng loay hoay gần như hết cả đời người mới viết được 1500 trang sách hồi ký mà phần lớn là những tài liệu biên niên sử chiến tranh hơn là có tính sáng tạo nghệ thuật.

Đã có biết bao số phận bạn trẻ hâm mộ nhà văn Nguyễn Đình Thi, nghe theo lời kêu gọi của anh đi về cơ sở cuộc sống để sáng tác .

Bạn Nguyễn Khắc Lương trong nhóm điện ảnh trẻ, sau bao năm về khu mỏ tôi gặp lại anh đang đứng trông giữ xe ở nơi công cộng, rồi cùng cô vợ văn công ngày xưa chuyển về Ba La Bông Đỏ - Hà Đông, mở cửa hàng nước và cho thuê sách.

Anh Nguyễn T, ông anh vợ tôi từ một nhà quay phim trẻ chuyển sang làm quản lý tổ chức, lách tìm đường thông gia được với gia đình anh em Lê Đức Thọ từ đó leo thang tổ chức lên đỉnh cao ngành điện ảnh, chẳng làm nên trò trống gì, ngoài cái việc chuyên đi Tây, họp Quốc tế điện ảnh, cuối đời mạt vận, bị anh em điện ảnh “đánh” cho tơi bời. Nhắm mắt xuôi tay thảm hại một cuộc đời nghệ thuật để có được quyền cao chức trọng. Tất nhiên, bên cái rủi ro thất bại đã có rất nhiều bạn thành đạt, trở thành nghệ sĩ chân chính nổi tiếng như nhà đạo diễn và quay phim Khánh Dư và Nguyễn Quỳnh ở xưởng phim tài liệu.

Có điều bất ngờ là Nguyễn Đình Chính cậu bé một tuổi ngày xưa bà ngoại gánh trong cái thúng đi từ Hà Đông lên Việt Bắc, lớn lên, vào đời làm thợ tiện, lăn lộn trong đám công nhân lọ lem, được gọi đi lính, trở thành kỹ sư cầu cống và sau hết xuất hiện là một nhà văn đĩnh đạc với hàng chục cuốn tiểu thuyết và truyện ngắn. Phải kể đến tiểu thuyết “Đêm thánh nhân” đã trở thành một hiện tượng trong văn học việt nam hiện đại.

Ông anh cả Nguyễn Đình Lễ, tay súng cao xạ bắn máy bay nổi tiếng trên đồi Kiến An, trở thành kiến trúc sư, cũng mới cho ra mắt bạn đọc tập truyện “Người ám quỷ” gồm 12 truyện ngắn, nội dung đa dạng chuyện đời, chuyện người, văn phong chững chạc.

Còn tôi vẫn lẽo đẽo ôm mộng văn chương dẫu ở xa anh Nguyễn Đình Thi.Tuy có những ngày sống bao cấp đói khổ, phải vác hòm thợ mộc đi kiếm sống ngoài giờ, làm thuê viết báo, tôi vẫn nuôi được lẽ sống trong đời thường bình dị, với những nhân vật bình dân dễ gần gũi.

Một hôm tôi đang ngồi viết tiếp cuốn tiểu thuyết “50 năm sau”, có một anh bộ đội ở đâu đến gõ cửa xin vào gặp tôi. Anh bộ đội trẻ măng, một tân binh, trên ve cổ áo chỉ có hai ô vải đỏ trơn. Anh vui vẻ chào tôi và nói với giọng thân mật như đã quen biết từ bao giờ không biết nữa!

- Cháu chào bác. Bao lần ra Bắc tìm bác lần này khổ công cháu mới tìm thâý nhà bác. Mẹ cháu bảo đem mấy cân tôm bể này ra biếu bác. 

Anh đặt bọc tôm nặng chịch xuống bàn, rồi nói tiếp:

- Bác không biết cháu là ai.

Anh vừa nói vừa mở túi sách lấy ra một tờ báo Tiền phong đã ngả màu giấy vàng. 

-Bác còn nhớ bài báo này Bác viết cách đây hơn 20 năm? Bài “ Theo dấu một bức thư, đi tìm tung tích một người chồng tệ bạc”.

- Đúng rồi! Đây là bài báo của bác, sao cháu còn giữ được đến bây giờ?

- Mẹ cháu cất giữ cẩn thận lắm bài báo này của bác, bọc trong nilông từ ngày ấy. Mẹ cháu kể chuyện, nhắc đi nhắc lại không biết bao nhiêu lần những chuyện quanh bài báo của bác, rồi cùng đọc lại mãi đến nay mẹ cháu đã thuộc lòng. Nào chuyện trong hầm địa đạo bác thuyết phục cậu cháu từ bỏ ý định bỏ vợ con ở ngoài Bắc vào tận Vĩnh Linh để vượt tuyến vào Nam. Mẹ cháu ngày ấy còn vô tư lắm, ngồi sau ông bà cháu, nghe bác nói chuyện hay quá, mẹ cháu cứ kể đi kể lại những chuyện bác nói, cháu thuộc lòng tất cả. Rằng bác đã thuyết phục cậu cháu ngày ấy giỏi quá! Cậu cháu phải khóc nức nở, bỏ ý định trốn chạy vào Nam, để bác dẫn độ trở về miền Bắc với vợ con. Song cũng từ ngày ấy, bặt vô âm tin tức của cậu mợ cháu. Bao nhiêu thư từ gửi ra Bắc cho cậu cháu đều không có hồi âm. Chả nhẽ cậu cháu lại chạy đi đâu mất rồi?

Cháu bộ đội mà tôi chưa kịp hỏi tên, nói một mạch như tuôn ra hết một lúc mọi điều đã chứa chất từ lâu trong lòng. Tôi lặng người đi, biết trả lời với cháu thế nào đây?

- Hôm nay cháu phải ở lại đây ăn cơm với bác rồi ở chơi Hà Nội vài ngày cái đã.

- Cháu xin thưa với bác. Ngày kia cháu đã phải trả phép mất rồi! 

Tôi hỏi:

- Thế bố cháu đâu?

- Bố cháu đã hy sinh trước ngày giải phóng miền Nam rồi.

Sau hết tôi đành phải nói thật với cháu:

- Cả gia đình cậu cháu đã bị bom B52 rải thảm chết hết cùng với xóm ngõ chợ Khâm Thiên rồi.

Trước mặt tôi, cháu bộ đội ngồi khóc dàn dụa nước mắt. Cháu khóc cho cả gia đình cậu mợ mà cháu chưa từng biết mặt một ai.

Một lúc sau, cháu nín khóc rồi nói:

- Mẹ cháu dặn đi dặn lại cháu là lần này ra Bắc mà tìm được Bác thì phải mời bằng được bác về Vĩnh Linh chơi nhà cháu. Nhà cháu bây giờ có bát ăn bát để, có ruộng nuôi tôm, ao cá và lại cả dừa xiêm nữa. Mẹ cháu còn nhắc, ngày ấy về nhà cháu, bác thích uống nước dừa xiêm lắm phải không bác?

Tôi cười, trong lòng thật cảm động về một mối tình nào đó ẩn chứa ngọt ngào trong nước dừa xiêm này.

- Nhớ là phải mời bác về nhà ta chơi nghe con! Mời được bác về đây ngồi viết văn, viết báo thì mẹ con ta vui biết mấy - Cháu nói.

Thế rồi câu chuyện này lại dắt dây sang câu chuyện khác, còn duyên nợ hơn nhiều.

Chả là hôm ấy, ngày mừng thọ ông bạn tôi lên lão 70 tuổi, có đủ mặt bạn bè chí cốt đã từng đi học với nhau từ nhỏ: Tướng, tá, giáo sư, bác sĩ, đốc học, cùng bạn phó thường dân, đủ cả. Đặc biệt, khác thường là ông bạn tôi có cô cháu ca sĩ, đẹp như người mẫu, áo dài thướt tha đứng lên trình diễn một bài thơ tình của Xuân Diệu rồi lại hát dân ca, làm mờ ảo cả buổi liên hoan. Tôi vốn là một học sinh “quậy” ngày xưa, lúc này bị chỉ định phải lên hát ví hoặc hò hát gì đấy cho vui. Đâu dám múa may qua mắt nữ danh ca, tôi từ tốn đợi tất cả yên lặng, mới bắt đầu kể chuyện bằng lời lẽ hình tượng sống động : Theo dấu một bức thư, đi tìm tung tích một ngừơi chồng tệ bạc”.

Ai ngờ sau đó cả hai câu chuyện chưa có hồi kết ấy lại dẫn đến một chung cục bất ngờ.

Tình cờ, tôi gặp lại cô ca sĩ ở một khu nhà tập thể. Cô vui vẻ mời tôi vào thăm phòng ở của cô ở ngay gần đó. Trong nhà chỉ có hai mẹ con cô. Cô cho tôi biết con trai đang học lớp 7 và cô đã ly dị chồng từ khi cháu mới lọt lòng.

Tôi hỏi cô vì sao? Cô không dấu diếm nói thẳng:

- Cháu không ngờ trên đời này, qua mối tình đầu, cháu gặp phải một người đàn ông thô lỗ đến thế? Ngay sau đêm tân hôn, cháu bỏ liền, ở vậy nuôi con lớn đến tận bây giờ.

Tôi cười và hỏi lại cô:

- Còn bây giờ thì sao? Sau từng ấy năm, cháu còn căm ghét người đàn ông ấy không?

Cô cười vui vẻ, bóc bánh cốm và rót nước mời tôi, rồi mới nói thẳng thắn:

- Bây giờ thì thôi, chuyện cũ quên đi! Sau buổi chúc thọ các bác hôm ấy, nghe chuyện bác kể, cháu lại thấy trên đời này vẫn còn đàn ông thật đáng yêu.

Tôi ngạc nhiên hỏi lại cô:

- Người đàn ông thật đáng yêu ấy là ai vậy?

Cô lại vui vẻ cười, rồi bỗng hạ giọng thân mật, nói khẽ khàng, giọng dìu dịu sao mà dễ thương:

- Là anh! Anh đang ngồi trước mặt em đây, chứ còn ai nữa.

Tôi bất giác kêu lên:

- Chết; chết! sao cô nói vậy. Có sự nhầm lẫn ở đây rồi! Tôi gần gấp đôi tuổi cô, lại có vợ con rồi!

Cô lại cười, vẫn giọng cười âu yếm, dễ thương.

- Yêu anh, chứ có lấy anh đâu mà ngại. Ai có thể bắt vạ được em? Vả lại, tình yêu có tuổi đâu anh?

Hai chúng tôi ngồi lặng đi, không nói. Rồi cũng đã đến lúc tôi phải đứng lên nói lời từ biệt.

- Xin khất nhé! Hay là để đến kiếp sau ta lại gặp nhau.

Anh Thi ơi! Tôi gọi anh Nguyễn Đình Thi từ cõi vĩnh hằng trở về để hỏi lại anh: “Trong trường hợp này thì phải sống thế nào, anh? Có thể lẫn lộn cuộc đời với văn học nghệ thuật được sao?”.

Có lẽ tôi đã đi đúng hướng anh Thi nói: “Sống đã, sống hết mình với cuộc sống yêu dấu này rồi hãy học viết văn, làm văn nghệ sĩ”.

Anh Nguyễn Đình Thi ơi! Lại xin thưa chuyện với anh đây. Sao anh vội đi thế! Còn biết bao việc phải làm, anh bỏ lại từ ngày anh còn làm “Phó soái” của ông Lành.



Thế hệ anh em ta, thế hệ thanh niên Cách mạng tháng Tám đã xả thân hy sinh chiến đấu, mới làm được việc đánh đuổi hết quân giặc ngoại xâm. Những tên lính Nhật, Pháp, Mỹ cùng bè lũ mật thám tay sai mũi lõ đã bị quét sạch ra khỏi bờ cõi đất nước. Nhưng còn lũ “ giặc nội xâm” lúc ẩn, lúc hiện đầy rẫy quanh ta, ở khắp nơi khắp chốn bây giờ ta tính sao? Tham nhũng, đục khoét tiền của nhà nước, hà hiếp, nhũng nhiễu dân lành; dối trá, đánh cắp, lừa đảo cả trong văn học nghệ thuật. Rồi lại thị trường mở cửa, rác rưởi đủ loại mặt trái của xã hội tư bản ùa vào theo. Có lúc xã hội kim tiền lấn át cả nhân phẩm con người. Tiêu cực đầy rẫy nằm cả trong bộ máy chính quyền, trong cả cán bộ chức năng của nhà nước. Tệ nạn xách nhiễu, tống tiền, đút lót diễn ra hầu như công khai, như một lối sống thực sự. Hễ đâu có việc cần tới chính quyền là phải có đút lót.