Friday, April 11, 2014

Trịnh Bình An



Đọc “Nhảy Múa Để Chết” của Nguyễn Viện

( lược  trích )

Nhận xét đầu tiên của tôi về Nhảy Múa Để Chết là hay.
Đúng hơn: lâu lắm mới đọc được một cuốn sách hay như thế.
Khi nói tới cuốn này hay, cuốn kia không hay, ắt ta phải có tiêu chuẩn nào đó để dựa vào mà so sánh. Một cách vô thức, óc so sánh cuốn sách đang đọc với những cuốn sách đã đọc, óc – cái computer tuyệt diệu không đợi ta ra lệnh, cứ tự động lục ra trong kho lưu trữ những cuốn sách tương tự, rồi so đoạn này, đọ đoạn khác, cuối cùng cho điểm: hay, khá, được, tạm, dở.

Thế nhưng cái sự tự động cho điểm của óc không đáng cho ta hoàn toàn tin tưởng, bởi vì - nói theo ngôn ngữ máy tính, óc ta chỉ mới scan qua quyển sách, những data đưa vào chưa đủ để đánh giá. Cảm nhận của ta, do đó, chưa đủ đúng để đánh giá cuốn sách là hay hoặc dở.

Lý sự như vậy đã đủ, bây giờ xin mời các bạn cùng đến với Nhảy Múa Để Chết.
Nhảy Múa Để Chết có bốn nhân vật chính: một người đàn ông và ba người đàn bà. Người đàn ông (Tôi) có quan hệ tình dục với cả ba người đàn bà (cô Hai, cô Ba và cô Tư). Những lời đối thoại ngắn giữa họ với nhau được xen kẽ bằng những lời độc thoại của nhân vật “tôi”, ngoài ra, còn có lời đối thoại với một số người khác, công an chẳng hạn ; tất cả tạo nên một câu truyện ban đầu tưởng như rời rạc nhưng thật ra có sự nối kết liền lạc chặt chẽ với nhau.
Cái hấp dẫn đầu tiên của Nhảy Múa Để Chết là tình dục.
Cái hấp dẫn một rưỡi: tình dục bất chính.
Một người đàn ông quan hệ tình dục với ba người đàn bà cùng một lúc cho dù ở thời đại này vẫn còn là điều không được xã hội công nhận. Dù không ai chính thức là vợ chồng với ai và cả tất cả đều tự nguyện đến với nhau thì đó vẫn là một quan hệ không bình thường, thậm chí còn bị cho lài bại hoại, đáng khinh.
Nhưng đó chính là cái hay của truyện.
Bởi, ngay bên cạnh cái bại hoại đáng khinh của mối quan hệ mèo mả gà đồng kia còn có một thứ bại hoại đáng khinh khác, đó là quan hệ giữa cái-gọi-là nhà nước và người dân. Cái bại hoại đáng khinh của một chế độ ngu xuẩn tàn ác khiến cho cái bại hoại đáng khinh của một bọn ăn chung ở lộn trở thành chẳng đáng gì; đúng hơn, còn có vẻ đáng yêu hơn vì ít ra cái nứng tình xét cho cùng vẫn hồn nhiên và ít tác hại hơn.

“Duy ý chí” vốn là một trong những danh từ chính trị rổn rảng thường được nhà nước Cộng Sản dùng khi phê phán nay được Nguyễn Viện dùng trong hành động tình dục, đó là sự chế nhạo hay khinh bỉ? Nói gì thì nói, viết như thế đáng gọi là gây sốc. 
Nếu nói như thế thì cứ tha hồ thảy các thứ taboo vào là văn sẽ trở nên hấp dẫn?
Chắn chắn không! Vài cú gây sốc chẳng qua chỉ làm người đọc nổi gai ốc lên một tí mà thôi, sau đó phải có những đoạn gọi là “đáng”: đáng đọc, đáng nghĩ, đáng nhớ . Nhảy Múa Để Chết có nhiều đoạn như thế.

Nếu không ai biết lá diêu bông là gì thì làm sao nhận ra nó, Cũng thế, nếu không ai biết mặt mũi của nền văn hóa xã hội chủ nghĩa là gì thì làm sao xây dựng nó. Có thể còn một ý khác nữa, đó là vẫn có những người dân tâm huyết với đất nước (là “Em”) ra sức tìm kiếm các phương cách cải thiện nền văn hóa, nhưng đến khi họ trình bày các sáng kiến lên Đảng, thì chỉ thấy “Chị” chau mày, bảo “không phải” rồi bỏ mặc cho văn hóa đất nước ngày càng suy đồi. Nói một cách khác, “văn hóa diêu bông” không khác với cái mà người dân trong nước đã từng đặt tên là “văn hóa thời đồ đểu”.

Tôi cần mở ngoặc ở đây để nhắc lại cái ý đã nói ở trên là bộ óc có cái cách so sánh tự động mà ta không thể ngăn cản được. Giả dụ như bạn đã từng biết tới câu “To be or Not To be” hay đã từng đọc Tội Ác và Trừng Phạt thì phần nào cái băn khoăn về một cuộc sống sao cho xứng đáng đã được gieo vào đầu bạn. Từ đó, khi đọc những tác phẩm khác đề cập tới cùng một vấn đề, bạn không thể không liên tưởng tới những tác phẩm đã đọc, và đồng thời, bạn so sánh xem ý tưởng của cuốn sách đang đọc có cùng độ sâu không, văn phong có cùng sức hút không. Và cũng chính từ đó, bạn đánh giá nó là hay hoặc không hay.
Tuy nói như thế nhưng tôi không hề có ý định so sánh Nguyễn Viện với William Shakespeare hay Fyodor Dostoyevsky. Tôi cho rằng mỗi người là một thế giới kỳ ảo riêng, và sự so sánh chỉ là tương đối. Thế giới của Nguyễn Viện là nước Việt Nam-Cộng Sản, chỉ chừng đó thôi cũng đủ tạo nên cái riêng, cái đặc biệt của văn Nguyễn Viện một khi nhà văn thể hiện chân thực cái thế giới ông đang sống.

Tóm lại.
Nhảy Múa Để Chết về cả nội dung lẫn hình thức đáng gọi là một cuốn sách hay dù không dễ đọc. Rất nhiều đoạn trong sách khiến ta phải vận dụng khả năng liên tưởng và suy nghĩ , nhưng sau đó là những khám phá thú vị.

Lời cuối:
Có những đoạn trong Nhảy Múa Để Chết tôi suy nghĩ mãi vẫn không sao hiểu nổi rốt ráo mọi ý tưởng ẩn chứa trong một tác phẩm, nhất là một tác phẩm “của Nguyễn Viện”.
Về điều này, tôi đồng ý với cách nhìn của nhà văn:
“Mặc dù cô Hai không làm thơ, viết văn hay bất cứ thứ gì liên quan tới chữ nghĩa, nhưng những gì cô Hai nói đều bao hàm một ẩn ngôn lộng lẫy và mê hoặc. Có thể vì cô Hai quen tiếp xúc với đất trời cây cỏ và đàn dê nghễnh ngãng mà cô đã nói được thứ tiếng nói khác.” [NMĐC, trang 96]
Qua chữ nghĩa, chúng ta hiểu đời hơn, hiểu nhau hơn chứ không để bắt bẻ chữ hay chữ dở. Và nếu Nguyễn Viện có nhảy múa trong các con chữ để tự bắt mình phải đối diện với cái chết thì đó cũng chỉ là cái chết của mùa Đông sắp qua, mở đầu cho một mùa Xuân sẽ tới.