Tuesday, April 1, 2014

MARC SANTAILLER





KHI NHỮNG KẺ THÙ HỢP TÁC - NGUYỄN GIA KIỂNG 


Đặng Văn Lộc là một phó thủ tướng của chế độ cộng sản Việt Nam sang thăm viếng Úc. Ông ta và phái đoàn thuê một khu phòng trong một building ở Sydney. Một nhân viên phái đoàn gọi điện thoại đặt mua vài pizza, món ăn thích thú của Đặng Văn Lộc.
Vài phút sau cũng người đó gọi lại báo cho tiệm pizza biết là họ không cần đưa pizza tới nhà vì sẽ có người tới lấy. Đúng giờ một thanh niên tới nhận và đưa tới cho phái đoàn. Anh này dĩ nhiên được vào cao ốc và lên khu phòng của Đặng văn Lộc. Nhưng anh ta không phải là người của Đặng Văn Lộc như nhà hàng tin và cũng không phải là người của tiệm pizza như phái đoàn Đặng Văn Lộc tưởng mà là một thích khách được một tổ chức chống cộng cực đoan của người Việt tại Úc gửi tới để ám sát Đặng Văn Lộc. Mục đích của nhóm cực đoan này chỉ là gây tiếng vang. Giết được Lộc đối với họ là một chiến thắng lớn, còn thành tích này có làm thay đổi gì tình hình Việt Nam không là chuyện khác.


Sự thực phức tạp hơn nữa vì chàng thanh niên tuy là thành viên của nhóm cực hữu nhưng lại là người của tình báo Úc trong một kế hoạch phá vỡ âm mưu bạo hành và triệt hạ nhóm quá khích này. Tất cả được sắp đặt trước một cách tỉ mỉ để cảnh sát Úc tóm cổ anh ta vào đúng lúc anh ta ra tay. Tuy vậy diễn biến lại rất khác. Ngay khi anh ta sắp vào phòng của Đặng Văn Lộc thì hai vệ sĩ của Lộc xông tới, không phải để bảo vệ Lộc mà để giết cả Đặng Văn Lộc lẫn anh ta và đổ cho anh ta tội giết Đặng Văn Lộc. Anh thanh niên thoát chết không phải nhờ cảnh sát Úc can thiệp như dự liệu mà nhờ một thám tử tư, người tình của Hảo, dì ruột và mẹ nuôi của anh ta. Ám sát Đặng Văn Lộc, một cấp lãnh đạo cộng sản cởi mở thực sự muốn dân chủ hóa và sáp lại với phương Tây, là âm mưu của phe thủ cựu trong đảng CSVN, và họ đã mượn tay một nhóm chống cộng cực đoan. Lãnh tụ của nhóm này là một điệp viên cộng sản trá hình.


Câu chuyện không phải chỉ có thế, mỗi trang là một bất ngờ mới, người đọc đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. The Son (đứa con) là một tiểu thuyết trinh thám. Trên nhiều mặt, kể cả cách hành văn, nó khiến tôi nghĩ đến cuốn The Long Good Bye của Raymond Chandler. Nhân vật chính tự xưng "tôi", Paul Quinn, cũng rất giống tay thám tử tư Philip Marlowe của Chandler. Đây là cuốn tiểu thuyết trinh thám duy nhất mà tôi đọc từ ba mươi năm qua, không phải vì không thích tiểu thuyết trinh thám mà vì không có thời giờ.


Tôi cũng sẽ không nghĩ tới việc đọc một tiểu thuyết trinh thám nếu không phải là của Marc Santailler gửi tặng. Ông là một quan chức rất cao cấp của chính quyền Úc và theo tôi là một trong những người hiểu biết nhất về Việt Nam trong số tất cả những chuyên viên phương Tây. Đó chính là nhân vật Claude Renaud mà tôi đề cập tới trong cuốn Tổ Quốc Ăn năn. Claude Renaud sống nhiều năm ở Việt Nam trước ngày 30/4/1975 và yêu nước Việt Nam như yêu vợ. Điều mà các độc giả phương Tây và những người chỉ đọc The Son như một cuốn tiểu thuyết trinh thám không thể thấy là một cái nhìn thấu đáo và chính xác về quá khứ và hiện tại của Việt Nam, về cuộc vận động dân chủ và về cộng đồng người Việt ở nước ngoài, đặc biệt là tại Úc. Câu chuyện của cặp vợ chồng Khiêm và Hảo chẳng hạn nói lên một thảm kịch của nhiều gia đình thuyền nhân, họ tìm được tự do trên quê hương mới nhưng một phần của hạnh phúc đã vĩnh viễn mất đi. Khó có thể tóm lược hết những con người và những hoàn cảnh trong cuốn tiểu thuyết trinh thám ly kỳ và đầy thông điệp này. Tác giả có vẻ vẫn còn chờ đợi những nhân vật như Đặng Văn Lộc, những lãnh tụ cộng sản cao cấp cố gắng chuyển hóa chế độ cộng sản về dân chủ đa nguyên, trong tinh thần hòa giải dân tộc. Có lẽ vì ông không thể tưởng tượng được là tình thế này lại không sản xuất ra những nhân vật như thế.


Một lý do khác khiến tôi thích The Son là văn phong, loại văn nói Australian English, có vẻ như rất careless nhưng thực ra rất công phu và có duyên.





Nguyễn Gia Kiểng





nguồn : THÔNG LUẬN 






Các bạn muốn đọc The Son, nên lắm, có thể vào: