Sau khi đọc “Để hiểu rõ hơn thực chất của một luận văn” của Phan Trọng Thưởng trên báo Văn nghệ - Hội Nhà văn Việt Nam, số 16-2014, tôi viết bài này như là cách phản hồi. Thứ nhất, nói lại với Nhã Thuyên về khẳng định chủ quan “bài viết duy nhất được xuất bản chính thống cho đến nay”; thứ hai, như một cách trao đổi mang tính chính thống với Phan Trọng Thưởng. Hi vọng, hai bên mở cuộc đối thoại, “và có thể nghe ra nhau”.
Tiếc, bài viết không nhận được phản hồi từ BBT báo Văn nghệ, cho nên xin đăng ở đây để rộng đường dư luận.
I. Đính chính: Mở Miệng bị kì thị tới đâu?
Trong bài “Cuộc nổi dậy của rác thải”, Damau.org (Vanviet.info đăng lại ngày 28-3-2014), Nhã Thuyên viết:
“Ở trong nước, Inrasara, một nhà thơ, nhà phê bình trong Hội nhà văn có tham vọng nhận diện thơ Việt đương đại ở tất cả các khu vực, không kể chính thống/phi chính thống đã từng cố gắng lập lại biên bản(1) về không gian sôi động của thơ ca giai đoạn đó với bài viết Khủng hoảng thơ trẻ Sài Gòn, xuất bản trên Tiền Vệ (2005) và được đưa vào cuốn Song thoại với cái mới (2008), “không bị biên tập một chữ” theo lời tác giả – dường như là bài viết duy nhất được xuất bản chính thống cho đến nay (Inrasara nhấn mạnh).
Phan Trọng Thưởng làm rõ hơn: “Theo tác giả “cho đến thời điểm này (cuối 2010) các báo chí trong nước vẫn từ chối các bài viết về, hay thậm chí việc điểm danh đến Mở miệng cũng không được chấp nhận” (“Để hiểu rõ hơn thực chất của một luận văn”, Vanvn.net, 19-4-2014).
Sự thật, có phải vậy không?(2)
1. Liên quan đến Nhóm Mở Miệng, bài đầu tiên được đăng trên báo chính thức của Hội Nhà văn Việt Nam, báo Thơ số 4, tháng 10-2003, do thành viên chủ chốt của Nhóm Mở Miệng (Lý Đợi) viết, là: “Điểm tâm tính danh – hay thơ Việt những năm đầu thế kỉ XXI”.
2. Tiếp đó, Inrasara giới thiệu tập thơ Xáo chộn chong ngày, NXB Giấy Vụn, 2003. Lời giới thiệu in trong tập thơ, có đoạn:
“Tập thơ Xáo Chộn Chong Ngày – phạm thánh, phạm thượng, phạm chữ, phạm nghĩa, phạm cả các khái niệm lâu nay thế giới văn minh tôn sùng như điều không thể phạm. Nhưng hãy dẹp mấy thứ đó cho nhà luân lí, nhà ngôn ngữ, nhà hoạt động xã hội... phán. May: Bùi Chát đã không phạm con người!”
Bài “Sáo chộn với Bùi Trát (giới thiệu tập thơ 'Xáo Chộn Chong Ngày' của Bùi Chát)” đăng trênTienve.org, ngày 21-12-2003, được tạp chí Thơ (Hoa Kỳ) số mùa Đông 2003 đăng lại. Có lẽ đây là bài viết về [tập thơ của một thành viên] Nhóm Mở Miệng đầu tiên được đưa ra công chúng. Bài viết ngắn, và dù không xuất hiện trên báo chính thống, nhưng đã gây nên một cuộc trao đổi thú vị trên mạng internet.
3. Báo Evan (Hà Nội, 2004) viết về thơ trẻ, nhận định về Mở Miệng như sau:
“Có một nhóm sáng tác trẻ tự xuất bản những tác phẩm của họ dưới dạng photocopy, và coi đó như văn bản chính thức. Họ rảo bước qua những đường phố Sài Gòn, những quán cà phê, quán thịt chó, ngày và đêm, ánh đèn, xe cộ, bụi và tiếng ồn... Họ làm thơ. Rồi cả truyện, tiểu thuyết, tiểu luận, trình diễn, sắp đặt, nghệ thuật ý niệm (conceptual art), nghệ thuật thị giác (visual art)... và, họ tuyên ngôn. Tự xếp mình, đúng hơn là tự xem mình nằm trong các trào lưu tiền phong, chẳng hạn như hậu hiện đại, họ đẩy thơ vào “ngõ cụt”, chiếu bí người đọc bằng ý thức đổi mới ngôn ngữ. Họ sẵn sàng thách thức những người làm thơ khác về tính chuyên nghiệp, tính học thuật trong thơ; nhất là, như họ nói thẳng thắn, với lớp nhà thơ bảo thủ, không chịu rời bỏ những sở trường của mình. Và tất nhiên, họ chấp nhận bị thách thức”.
Bài báo sau đó bị xoá cùng với nhiều sáng tác cách tân khác.
4. “Khủng hoảng thơ trẻ Sài Gòn” hay “Biên bản về nhánh thơ ngoại vi TP Hồ Chí Minh”, đăng trênTienve.org, ngày 17-3-2005, là tham luận của Inrasara tại Đại hội Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh, tháng 3-2005 (in lại trong Song thoại với cái mới, NXB Hội Nhà văn, 2008). Tôi viết ở đề dẫn:
“Một hiện tượng xã hội hay văn chương bất kì, không thể bị dập tắt bởi khước bác hời hợt hay phủ nhận thô bạo; nó chỉ bị vượt qua, khi các cạnh khía vi tế nhất của nó được phơi mở”.
Đoạn đáng chú ý:
“Họ từ các nơi đổ bừa về Sài Gòn. Có mặt ở Sài Gòn, họ từ chối lối mòn quen thuộc: tụ tập quanh tòa soạn báo chí, nhà xuất bản hay các cơ quan Nhà nước có liên quan đến chữ nghĩa – ổn định và an ninh.
Họ là ai? Là Phan Bá Thọ. Là Lý Đợi, Bùi Chát, Khúc Duy, Nguyễn Quán. Các sinh viên tốt nghiệp, ra trường vô công rỗi nghề trong giai đoạn thơ Việt đang kì ảm đạm, “có mặt bằng nhưng chưa có đỉnh cao”, như chúng ta từng dễ dãi nhận định. Họ tự cho mình [vô] trách nhiệm với nền thơ nước nhà, cấp kì lập ra Nhóm Mở Miệng, trưng bảng nhà xuất bản Giấy Vụn và, tuyên xưng! Thế là hàng loạt tập thơ in photocopy xếp hàng mở m[iệng]ắt chào đời”.
Và đoạn kết:
“Đeo vào bộ mặt cực đoan đến quá khích, Nhóm Mở Miệng cùng với sản phẩm thơ của họ như “làn gió thối thổi vào không khí thơ” phẳng lặng hôm nay. Bản thân nó là khủng hoảng. Nó đột ngột xuất hiện và gây sốc, cố tình lôi kéo sự chú ý của chúng ta về khủng hoảng chung của thơ Việt, một khủng hoảng cần được nhìn nhận như tín hiệu tốt lành”.
5. Trần Ngọc Hiếu qua “Cuộc nổi loạn của ngôn từ trong thơ đương đại, ghi nhận qua một số hiện tượng”, tham luận trong hội thảo Văn học sau 1975, những vấn đề nghiên cứu và giảng dạy tại khoa Ngữ văn - Đại học Sư phạm Hà Nội, đăng trên Talawas.org, 12-5-2005, cũng đã dành một phần bàn đến Mở Miệng.
“Nhưng chúng tôi muốn lưu ý một điểm: sự suồng sã hóa thơ ca, xem thơ ca chỉ như một hình thức trò chơi giải trí, đấy chính là cách các tác giả trong nhóm Mở Miệng tự biến sáng tác của mình thành một đối trọng với thứ thơ “nghiêm túc”vốn được coi là “chính thống,” nhưng đã trở nên già cỗi, thiếu sức sống, nằm chết trong hàng loạt các tập thơ được in ra hay trên các mặt báo mà chẳng mấy ai tìm đọc. Chẳng phải hình thức thơ đang gây được nhiều khoái thú hơn cả trong dời sống hiện nay- thơ Bút Tre – cũng là một hình thức suồng sã, chưa được coi là thơ, theo quan điểm chính thống đó sao? Đi tìm mối liên hệ giữa dòng folklore hiện đại (chuyện tiếu lâm, các kiểu nhại thơ, nhại bài hát, thơ Bút Tre) với những thể nghiệm của nhóm Mở Miệng, là một đề tài có thể khơi lên nhiều điều đáng suy nghĩ mà phạm vi của tiểu luận này chưa cho phép đào sâu.”
6. “Sẽ không có cuộc cách mạng thơ trong tương lai gần”, đăng trên Tienve.org, ngày 13-7-2006, là tham luận khác của Inrasara tại Hội thảo thơ TP Hồ Chí Minh, 25-8-2006; đăng lại trên báo Người Đại biểu Nhân dân, số 184 & 185, 7-2006 và tạp chí Nhà văn, số 3-2008 đăng nguyên văn (in trong Song thoại với cái mới, 2008). Về Nhóm Mở Miệng, tôi viết:
“Có thể nhận định rằng, sau Sáng Tạo những năm 60 của thế kỉ trước, Mở Miệng là nhóm thơ đầu tiên ghi dấu ấn đậm trong dòng chảy của thơ Việt. Chúng ta hi vọng năm khuôn mặt này làm nên cuộc cách tân lớn. Nhưng rồi họ cũng không thể. Tại sao?
Mở Miệng là một nhóm thơ gồm các thi sĩ trẻ sinh hoạt [vỉa hè] chung, cùng quan điểm sáng tác, biết lập ngôn để nói lên quan điểm sáng tác lạ biệt của nhóm mình. Nhưng cái thiếu của họ là: diễn đàn công khai. Dù các sáng tác của Mở Miệng thường xuyên xuất hiện trên báo điện tử cả trong lẫn ngoài nước, nhưng chính diễn đàn công khai mới mang yếu tố quyết định để tạo nên cuộc thay đổi lớn trong văn chương. Mở Miệng không được may mắn như các cuộc cách mạng thơ ở Việt Nam trước đó”.
7. “Thơ hậu đổi mới, và... đang khủng hoảng”, tham luận của Inrasara tại Hội nghị Lí luận - Phê bình lần thứ hai của Hội Nhà văn Việt Nam tại Đồ Sơn, tháng 9-2006. Tham luận được viết lại thành “Nhập lưu hậu hiện đại không quá độ hiện đại hậu kì”, và đọc ở hội thảo Thơ Việt Nam đương đại, tại Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, TP Hồ Chí Minh, 19-2-2008; sau đó đăng ở Talawas.org, 21-2-2008.
8. Tiểu luận “Văn chương trẻ Sài Gòn ở đâu?” của Inrasara đăng trên báo Văn nghệ trẻ, số 45, 11-11-2007; Tienve.org đăng lại ngày 27-11-2007 (in trong Song thoại với cái mới, 2008). Tiểu luận nhấn về trào lưu văn chương vỉa hè Sài Gòn, dĩ nhiên không thể không đề cập đến Mở Miệng:
“Không đâu hạ sinh hiện tượng thơ văn lí luận vỉa hè như nhóm Mở Miệng cùng sự kiện Nhà xuất bản Giấy vụn cho ra đời hàng chục tác phẩm photocopy, đã và đang gây ấn tượng sâu đậm đến cuộc sống văn chương như thế... Tuyệt không đâu cả, ngoại trừ đất Sài Gòn. Bao quát cả từ góc độ này, chúng ta mới nhìn ra toàn cảnh thơ văn trẻ TP Hồ Chí Minh. Và chỉ nhìn từ góc độ này thôi, thơ văn trẻ Sài Gòn mới hiện thể đúng thực như nó là thế: luôn chuyển động, sẵn sàng mang mầm mống đổi mới, cách mạng”.
9. Hai bài nghiên cứu dài hơi: “Hậu hiện đại và Thơ hậu hiện đại Việt” đăng trên Vanchuongviet, 21-12-2007, sau đó in lại trong Song thoại với cái mới, và “Thơ Việt, từ hiện đại đến hậu hiện đại”, đăng trên Tienve.org,ngày 19-2-2009; đăng lại trên website Khoa Viết văn – Báo chí thuộc Đại học Văn hóa, Hà Nội Vietvan.vn,tháng 3-2009, in lại trong Thơ Việt, hành trình chuyển hướng say, NXB Thanh niên, 2014. Ở đây tôi phân tích cái “hay” của thơ hậu hiện đại Việt, trong đó nhắc nhiều đến tác phẩm của Nhóm Mở Miệng.
10. Cuối cùng, luận án Tiến sĩ “Lý thuyết trò chơi và một số hiện tượng thơ Việt Nam đương đại” được Trần Ngọc Hiếu bảo vệ thành công tại Đại học Sư phạm Hà Nội, ngày 9-10-2012, trong đó anh bàn và trích dẫn nhiều thơ của Nhóm Mở Miệng.
Đó là chưa kể các bài báo lẻ, mươi cuộc trả lời phỏng vấn đề cập đến Nhóm Mở Miệng và NXB Giấy Vụn của Inrasara, như: “Phê bình văn học đứng ngoài ’văn hóa đọc’”, Thanh Xuân thực hiện, Vietvn, 23-7-2007; “Inrasara: Cần phải gọi tên đúng sự thể”, Phong Điệp thực hiện, báo Văn nghệ, 24-5-2008; “Điểm mặt thơ Việt hôm nay”, Hiền Hòa thực hiện, báo Giáo dục và Thời đại, số Xuân 2009; “Con đường đi vào văn chương hậu hiện đại Việt Nam”, Trần Thiện Khanh thực hiện, báo Điện tử Tổ quốc, 25-4-2009. Ở bài cuối này, vài đoạn đề cập trực tiếp đến Nhóm Mở Miệng:
“... nhà văn hậu hiện đại giải trung tâm không phải để chính mình trở thành trung tâm. Họ phải giữ thái độ phi tâm hóa thường trực. Thật vô ích và phi lí, nếu tất cả nhà văn Việt Nam đều viết thơ theo kiểu Mở Miệng... Hậu hiện đại làm cuộc phi tâm hóa chỉ với mục đích tạo cơ hội cho mọi trào lưu văn học cùng đề huề tồn tại và phát triển để làm phong phú nền văn học Việt Nam. Ở đó mỗi cá nhân, mỗi bộ phận ngoại vi đều có tiếng nói, có mảnh đất để thể hiện trọn vẹn mọi khả năng của mình.
... Sáng tạo hậu hiện đại Việt Nam [nhất là thơ ca] bị phân biệt đối xử bởi nhà văn nhà thơ thuộc hệ mĩ học cũ, bị kì thị bởi các cơ quan báo chí trong nước, còn các Đại học thì làm ngơ, từ đó các Nhà xuất bản không mặn mà với bản thảo của nó”.
Cuối cùng, ngay trong tác phẩm mới nhất: Inrasara, Thơ Việt, hành trình chuyển hướng say (NXB Thanh Niên, 2014) cũng đề cập nhiều đến Nhóm Mở Miệng. Đậm nhất là: “Thơ Việt, từ hiện đại đến hậu hiện đại”, “Nhận diện các trào lưu thơ Việt đương đại”. Riêng tiểu luận “Thơ Việt, thế hệ hậu hiện đại mới”, có đoạn:
“Thà làm thơ mới dở còn hơn làm thơ cũ hay” là tuyên ngôn lặp đi lặp lại nhiều lần trong tạp chí Thơ ở Hoa Kì. Ở ngoài nước, Nguyễn Hoàng Nam đòi “quyền làm thơ dở”, thì sáu năm sau trong nước, Nhóm Mở Miệng tuyên bố “chúng tôi không làm thơ”. Lý Đợi ném bỏ quan niệm thơ hay/ dở cũ kĩ ở sau lưng, mà nhấn vào thơ thực/ giả. Thơ rác cũng được, miễn là thực; thơ “dở” cũng xong, miễn là mới. Thế là bao nhiêu thơ “rác”, thơ nghĩa địa, thơ hàng tiêu dùng, thơ “dở” được các nhà thơ hậu hiện đại và Mở Miệng xả vào nền thơ Việt Nam. Năm năm, họ đã để lại cả đống hoang tàn đổ nát - hủy phá, sáng tạo và tái tạo, vàng và thau, rác rưởi trộn lẫn với mỏ quặng... - sau lưng”.
Nghĩa là, dù chịu không ít kì thị, cấm cản, bên cạnh “Khủng hoảng thơ trẻ Sài Gòn” xuất bản trên Tiền Vệ (2005) và được đưa vào cuốn Song thoại với cái mới (2008)... dường như là bài viết duy nhất được xuất bản chính thống cho đến nay” (theo Nhã Thuyên), còn có những tiểu luận, bài trả lời phỏng vấn, bài báo của vài tác giả liên quan đến Mở Miệng đăng ở báo [và được in thành sách] chính thống xuất hiện khá đậm và kéo dài (3).
II. Quan điểm về luận văn Đỗ Thị Thoan và thực hiện thơ của Nhóm Mở Miệng.
Ở bài “Để hiểu rõ hơn thực chất của một luận văn”, Vanvn.net, 19-4-2014, ở phần kết luận, Phan Trọng Thưởng viết:
“[Luận văn]... không có giá trị khoa học và thực tiễn; sai lầm trong việc chọn đối tượng nghiên cứu; tài liệu không chính thống, không có độ tin cậy; cổ súy và biện hộ cho những hiện tượng văn chương tục tĩu, thấp kém; miệt thị văn học và văn hóa chính thống của dân tộc; tạo hậu thuẫn về mặt lý luận và tiếp tay cho những phần tử chống đối, nổi loạn ở trong và ngoài nước...”
Để tránh bị coi là “tạo hậu thuẫn về mặt lý luận và tiếp tay cho những phần tử chống đối, nổi loạn ở trong và ngoài nước”, tôi xin miễn đề cập đến khía cạnh liên quan đến [cái gọi là] chính trị [thô thiển], mà chỉ nhấn vào ba điểm học thuật: sai lầm trong chọn đối tượng nghiên cứu, tài liệu không chính thống, và cổ súy cho văn chương tục tĩu, thấp kém.
1. “sai lầm trong việc chọn đối tượng nghiên cứu”.
Việc chọn đề tài nghiên cứu nào đó thì không có gì gọi là sai lầm cả. Tôi từng cho Nhóm Mở Miệng bị “các Đại học thì làm ngơ”. Nay lần đầu tiên, Đại học đã “quan tâm đúng mức”, là tin mừng, sao lại gọi là sai lầm? Đỗ Thị Thoan viết:
“chỉnh thể văn học và văn hóa trong bất kỳ không gian và thời gian nào cũng luôn luôn bao gồm dòng chính và dòng ngầm, trong đó dòng chính được coi là Trung tâm; dòng ngầm được coi là ngoại vi, là bên lề”.
Và chị là người đầu tiên dũng cảm chọn một luồng trong “dòng ngầm” ấy làm đối tượng nghiên cứu khoa học.
Cũng như Trần Ngọc Hiếu qua “Cuộc nổi loạn của ngôn từ trong thơ đương đại, ghi nhận qua một số hiện tượng” (bài đã dẫn), khi dẫn thơ của Nhóm Mở Miệng ra phân tích, không phải anh hoàn toàn đồng tình với nó, qua đó [gọi là] cổ súy cho nó, mà là mổ xẻ và đặt ra nhiều câu hỏi buộc các thành viên kia nhìn lại mình.
Thao tác này tương tự như công việc trước đó tôi từng định danh là “phê bình lập biên bản”, và đã triển khai từ năm 2005. Ngoài “Biên bản Bàn tròn Văn chương” và “Biên bản lập chậm”, tôi đã “lập biên bản” hàng trăm tác phẩm [và tác giả] thơ Việt đương đại thuộc “dòng truyền thống”, “dòng tiếp hiện”, và dĩ nhiên không chừa – “dòng khai phá”. Cả thơ dân tộc thiểu số/dân tộc đa số, nữ hay nam, trong nước/hải ngoại, địa phương/trung tâm văn hóa lớn... cũng được lập biên bản, không chút phân biệt đối xử. Riêng về “dòng khai phá”, tôi viết:
“Lập biên bản nghĩa là phơi mở sự việc như nó là thế mà không áp đặt một lối nhìn nào bất kì. Dù đó là lối nhìn nhân danh truyền thống hay một chân lí đinh đóng hoặc cái đẹp vĩnh cửu. Cũng không từ lập trường văn học trung tâm, từ chủ thuyết văn chương thời thượng nào. Tôi đã cố giữ nguyên hiện trường như thế với Nhóm Mở Miệng, với tân hình thức Việt và các tác giả ý hướng cách tân đơn lẻ khác. Diễn đạt bằng ngôn từ giản đơn có thể các quan điểm sáng tác, đối chứng với chính sáng tác phẩm của họ đặt trong tiến trình phát triển thơ Việt trong thời đại toàn cầu hóa. Chưa hẳn đồng tình với các quan điểm ấy, nhưng tôi cố gắng nhìn nhận nó như là thế”(4).
2. “tài liệu không chính thống, không có độ tin cậy”.
Khía cạnh này, phần (I) đã thể hiện rõ rồi. Tôi chỉ xin nhấn rằng, trong thời đại toàn cầu hóa, nhà phê bình văn học còn có thể giữ tâm thế phân biệt trung tâm với ngoại vi, nguồn tài liệu giấy với tài liệu mạng không? Hoặc giả nhà phê bình còn có thể xem các sáng tác, phê bình, nghiên cứu đăng trên báo Văn nghệ, tạp chí Nhà văn hay mạng Hội Nhà văn Việt Nam Vanvn.net, vân vân... thì giá trị và đáng tin hơn Việt, Tienve.org, Hợp Lưu, Damau.org, hay Vanchuongviet.org... không? Hơn nữa, nghiên cứu một hiện tượng văn chương phi chính thống mà không sử dụng tài liệu phi chính thống thì dùng tài liệu gì? Bởi có thể nói, chỉ có các tài liệu phi chính thống như Đỗ Thị Thoan đã dẫn phục vụ cho luận văn mới có độ tin cậy cao, chứ không phải ngược lại.
Tự do xuất bản bị hạn chế, người nghệ sĩ/ nhà phê bình ngoại vi tìm không gian khác để thể hiện mình. Ở đó, mạng internet là phương tiện lí tưởng. Nhóm Mở Miệng, bị kì thị, đã mở nhà xuất bản của mình: Giấy Vụn. Và, cho dẫu không kì thị, nhiều nghệ sĩ sáng tạo cũng đã chọn lựa sự tự do. Vũ Thành Sơn với 40km/h(NXB Giấy Vụn, 2007); Đoàn Minh Châu với m-n & z (Minh Châu xuất bản, 2008); Nguyễn Thị Thúy Quỳnh qua Thựcthểmònruỗngtôi (NXB Tùy Tiện, 2009); rồi Trúc-Ty cùng Trước khi thành giấy vụn (NXB Giấy Vụn, 2010) hay Tuệ Nguyên với Mi & Ngôn lời (NXB Tùy Tiện, 2011)... đều là tên tuổi đáng đọc. Sáng tác của họ độc đáo, đầy khai phá và nhất là “lành mạnh”, có thể chui lọt qua cửa nhà xuất bản chính thống nào bất kì mà không phiền đến dao kéo kiểm duyệt. Thế nhưng, họ đã chọn vỉa hè. Là thái độ văn chương của họ.
3. “cổ súy và biện hộ cho những hiện tượng văn chương tục tĩu, thấp kém”.
Thực hiện thơ [sáng tác, mở nhà xuất bản để in tác phẩm của mình và bạn văn đồng chí hướng, “tuyên ngôn”, trình diễn và sinh hoạt...] của Nhóm Mở Miệng không thuần là “hiện tượng văn chương tục tĩu, thấp kém”, mà ở đó – chỉ tính riêng sáng tác – chúng chứa đựng không ít giá trị, dù đứng ở bất kì góc độ nào: thẩm mĩ văn chương hay tác động xã hội. Vả lại, trong rất nhiều trường hợp, “tục tĩu” không phải luôn luôn đi kèm với “thấp kém”, nếu người viết muốn ghép hai khái niệm này với nhau. Sáng tác của Mở Miệng, văn chương vỉa hè hay phi chính thống có khi rất tục [tĩu] nhưng chúng không hề thấp kém, trong khi đó có nhiều trường hợp (đa số) văn chương chính thống tuy không tục [tĩu] nhưng lại vô cùng thấp kém.
Tôi đã từng đề cập đến những “Khóc Văn Cao”, “Xáo chộn chong ngày” (của Bùi Chát), “Một nhà thơ bị đánh chết”, “Những môn thể thao thế mạnh của Việt Nam” (Lý Đợi), “Liên tưởng”, “Biển kể về nhiều chuyện khác” (Lê Vĩnh Tài), “Tôi là cột điện”, “Cắt” (Lê Anh Hoài), hay “hemingway & bướm – nguyễn & xe tăng” (Phan Bá Thọ)... như là những tác phẩm mang tính đánh động và gây phản tỉnh đầy sáng tạo. Các tìm tòi và thử nghiệm [có vẻ thấp kém] ấy không giá trị hơn bạt ngàn sản phẩm [ra vẻ cao cả, sang trọng] chẳng có gì đáng nói ngoài lặp lại và nhai lại xuất hiện nhan nhản trên sách báo chính thống sao?
Phê bình lập biên bản [hay nghiên cứu, ghi nhận một hiện tượng văn chương nào đó] là “đi vào trong” hệ mĩ học của sáng tác đó, để nhận diện nó như là thế. Chỉ có thế thôi, ta mới có thể giữ được thái độ công bằng với mọi hệ mĩ học, mọi trào lưu sáng tác, và với mọi tác giả, tác phẩm, qua đó thúc đẩy văn học phát triển lành mạnh.
No comments:
Post a Comment