Friday, October 30, 2015

Tìm kiếm Tự do.


- Trốn thoát khỏi Triều Tiên 

Mỗi lời nói của em là một viên đạn găm thẳng vào nền độc tài toàn trị mà sẽ chết đi trong sự khinh bỉ và nguyền rủa tột cùng của toàn thể nhân loại tiến bộ.

*

"Tôi phải làm điều này bởi vì... đây không chỉ là bản thân tôi nói, mà người dân [Triều Tiên] muốn kể cho thế giới điều mà họ muốn nói.

Triều Tiên là một quốc gia không thể tưởng tượng nổi, ở đó chỉ có duy nhất một kênh truyền hình, không có Internet. Chúng tôi không được tự do nói, hát, ăn mặc hay được nghĩ về những điều mình muốn. Triều Tiên là nước duy nhất trên thế giới xử tử người dân nếu gọi điện thoại quốc tế mà chưa có sự cho phép. Ngày nay, người dân Triều Tiên đang bị khủng bố.

Khi tôi lớn lên ở Triều Tiên, tôi chưa từng nhìn thấy thứ gì nói về tình yêu giữa nam và nữ. Không sách, không bài hát, không bài báo, không một bộ phim nào nói về tình yêu. Không có Romeo và Juliet, mỗi câu chuyện đều là lời tuyên truyền về hình ảnh những kẻ độc tài họ Kim.

Tôi sinh năm 1993 và bị bắt cóc ngay sau khi chào đời, thậm chí trước khi tôi biết đến những từ như “tự do” hay “nhân quyền”.

Ngay lúc này, người dân Triều Tiên đang khao khát tự do một cách tuyệt vọng. Khi lên 9 tuổi... tôi chứng kiến mẹ của bạn tôi bị tử hình công khai, tội của bà là đã xem một bộ phim của Hollywood.

Thể hiện sự hoài nghi về sự vĩ đại của chế độ Triều Tiên có thể khiến ba thế hệ trong một gia đình bị bỏ tù hoặc tử hình.

Và khi lên 4 tuổi, mẹ tôi dặn tôi thậm chí không được thì thầm, bởi vì chim và chuột có thể nghe thấy những gì tôi nói.

Tôi thú nhận, tôi từng nghĩ rằng nhà độc tài Triều Tiên có thể đọc được suy nghĩ của mình.

Cha tôi mất tại Trung Quốc sau khi chúng tôi trốn khỏi Triều Tiên, và tôi phải bí mật chôn cất ông vào lúc 3 giờ sáng. Khi ấy tôi 14 tuổi. Tôi thậm chí không thể khóc. Tôi rất sợ bị đưa trở lại Triều Tiên.

Ngày trốn khỏi Triều Tiên, tôi chứng kiến cảnh mẹ tôi bị hãm hiếp. Kẻ hãm hiếp là một tên môi giới người Trung Quốc. Ông ta đã nhằm vào tôi. Lúc đó tôi 13 tuổi. Có một câu nói ở Triều Tiên: “Phụ nữ tuy yếu đuối nhưng những người mẹ lại mạnh mẽ”. Để bảo vệ tôi, mẹ tôi đã đành để cho kẻ đó hãm hiếp.

Khoảng 300.000 người tị nạn Triều Tiên có số phận rất mong manh tại Trung Quốc. 70% phụ nữ và em gái vị thành niên Triều Tiên đang là nạn nhân, có khi họ bị bán với một cái giá rẻ mạt là 200 đô-la.

Chúng tôi đã đi bộ qua sa mạc Gôbi, nhờ một chiếc la bàn. Khi la bàn hỏng, chúng tôi lần theo hướng những vì sao để đi tìm tự do. Tôi có cảm giác như chỉ có những vì sao là ở bên cạnh chúng tôi. Mông Cổ là điểm đến tự do cho mọi người. Chết để giữ gìn nhân phẩm. Chúng tôi thủ sẵn dao để sẵn sàng tự vẫn nếu bị bắt đưa về Triều Tiên. Chúng tôi muốn sống như những con người.

Nhiều người hỏi tôi: Làm thế nào để giúp đỡ người dân Triều Tiên? Có rất nhiều cách, nhưng bây giờ tôi muốn đưa ra ba cách.

Một, hãy tự tìm hiểu để nâng cao nhận thức về tình trạng khủng hoảng nhân quyền tại Triều Tiên.

Hai, hãy giúp đỡ và hỗ trợ những người tị nạn Triều Tiên đang cố trốn thoát vì tự do.

Ba, thỉnh nguyện Trung Quốc ngừng trục xuất những người tị nạn Triều Tiên. Chúng ta phải đưa ánh sáng tới nơi tăm tối nhất trên thế giới. Đó không chỉ là quyền của người dân Triều Tiên, mà còn là quyền của chúng ta đối với những kẻ độc tài Triều Tiên đã chà đạp [dân tộc Triều Tiên] suốt 7 thập kỷ qua. Chúng tôi cần chính phủ toàn thế giới gây áp lực với Trung Quốc để chấm dứt việc trục xuất người tị nạn. Đặc biệt, những đại biểu Trung Quốc tại diễn đàn One Young World có thể góp phần lên tiếng.

Triều Tiên là nơi không thể nào diễn tả bằng lời. Không ai [đáng bị] đàn áp chỉ vì nơi họ sinh ra. Chúng ta cần chú ý ít hơn tới chế độ và nhiều hơn tới những người dân đang bị lãng quên. Qua diễn đàn One Young World, chúng ta sẽ khiến cho họ được biết đến. Các vị đại biểu, hãy tham gia cùng chúng tôi để biến diễn đàn này thành phong trào toàn cầu giải phóng người dân Triều Tiên.

Khi băng qua sa mạc Gôbi, sợ hãi trước cái chết, tôi đã nghĩ rằng chẳng ai trên thế giới quan tâm. Dường như chỉ có những vì sao là ở bên cạnh chúng tôi. Nhưng các bạn đã lắng nghe câu chuyện của tôi. Các bạn đã quan tâm, xin cảm ơn rất nhiều!"

*

Yeonmi là diễn giả tài Diễn đàn One Young World năm 2014 tại Dublin, Ireland. Diễn đàn là nơi hội tụ của 1.300 nhà lãnh đạo trẻ tại 194 quốc gia để tranh luận và tìm ra các giải pháp cho một số vấn đề cấp bách nhất của thế giới.

No comments: