tranh cua Nguyen Dinh Dang |
nguon: blog Nguyen Dinh Dang
06/10/2015
Lời nói đầu:
Trao đổi dưới đây vốn là một tập hợp một số comments sau post ”Một sinh viên hoạ viện Warsaw chép tranh tại bảo tàng quốc gia Warsaw”. Hôm qua, 4.10.2015, trao đổi này được posted tại
nhưng đến chiều hôm sau, 5.10.2015, link này đột nhiên không load được nữa, trang mở ra chỉ thấy trắng xóa.
Vì thế tôi post lại toàn bộ trao đổi này dưới đây, sau khi đã updated. Các bạn nào đã share note trên (bây giờ không mở được nữa) thì có thể share lại note này.
*
Alanh Đờ long:
Bài học đầu tiên của sinh viên khoa hoành tráng Đại học Mỹ thuật Công nghiệp (ĐHMTCN) là chép tranh cổ điển.
Nguyễn Đình Đăng:
Muốn chép tranh cổ điển phải học kỹ thuật sơn dầu nhiều lớp. Theo tôi được biết, ngoại trừ chuyên khảo “Sơ lược về kỹ thuật vẽ sơn dầu” và series các chuyên khảovề kỹ thuật vẽ sơn dầu tôi đã phổ biến trên internet, kỹ thuật vẽ sơn dầu nhiều lớp chưa bao giờ được dạy tại Việt Nam. Tôi nhắc lại: chưa bao giờ, kể từ năm 1925. Vậy thì khoa hoành tráng ĐHMTCN dạy học sinh chép tranh cổ điển như thế nào?
Nguyễn Ngọc Quân:
Ngành hoành tráng ĐHMTCN không hề dạy chép tranh cổ điển, chỉ là một bài tập chép tượng cổ bằng chì và bột màu. ĐHMTCN cũng bỏ dạy sơn dầu từ lâu và cách vẽ sơn dầu trước đây của ĐHMTCN cũng chỉ là alla prima mà thôi. Đúng như bác Đăng nói, kỹ thuật flemish chưa từng được dạy ở Việt nam. Hầu hết các họa sĩ Việt nam vẽ sơn dầu rất tùy tiện, chỉ một số rất ít hiểu biết & nắm vững về kỹ thuật sơn dầu.
Võ Văn Tuấn:
Sinh viên Việt Nam không thiếu những người có tư chất và lòng đam mê. Chỉ tiếc rằng hệ thống đào tạo của ta quá sơ sài, xem nhẹ vai trò hình họa, không nghiên cứu kỹ thuật của các bậc thầy nên sinh viên khi ra trường gặp nhiều khó khăn trong sáng tác, hầu như phải tự mầy mò tìm hiểu và thử nghiệm nên mất nhiều thoi gian.
Tiếp Lê Huy:
Tranh sơn dầu cổ điển ở ta đâu có mà chép. Hệ thống dạy hội họa có ai dạy kỹ thuật đâu. Một thời phương pháp vẽ màu đẹp được truyền trong giới đi học Yết Kiêu là lấy dầu hỏa rửa bút làm dầu pha để vẽ. Bảo thủ thì ghê gớm! Cho đến t.k. XXI vẫn nói “vẽ là phải phiêu chứ không cần kỹ thuật”. Bảo tàng mỹ thuật có bức “Bình Văn” với kỹ thuật cổ điển, hàn lâm thì nói trên tạp chí mỹ thuật của Hội Mỹ thuật là “kỹ thuật đất sét, của người không nghề”. Mình 40 năm trước cũng muốn với mọi ng nhưng bị chê “kỹ thuật làm mất cảm xúc” nên phát chán chẳng muốn nói. Thỉnh thoảng ai hỏi thì cũng nói một ít nghe thì nghe không thì thôi. Quay sang hướng dẫn kỹ thuật in vì printmaking không làm đúng thì hỏng ngay. Còn sơn dầu ai vẽ cũng được, dốt lại nghĩ tranh đẹp hơn, vì phiêu với rượu bia.
Nguyễn Đình Đăng:
Comment của HS Tiếp Lê Huy là khẳng định chính xác nhất cho điều tôi từng nói rằng việc dạy kỹ thuật sơn dầu ở các trường đại học mỹ thuật Việt Nam không những ở mức zero – tức con số không – mà thậm chí còn dưới mức zero, nếu dùng dầu tây hay white spirit để pha dầu vẽ.
HS Tiếp Lê Huy là một trong những người từng giảng dạy nhiều năm tại ĐHMTCN đồng thời là một trong số các hoạ sĩ Việt Nam thế hệ trước 1980, sống và hành nghề tại Việt Nam, mà lại được đào tạo bài bản tại đại học mỹ thuật ở Nga (trường Stroganov). Tuy Việt Nam cũng đã có không ít người được gửi đi học ở ngoại quốc, trong đó có các hoạ viện hàn lâm trứ danh như đại học Surikov và Stroganov ở Moskva hay hoạ viện Repin ờ St. Petersburg, nhưng HS Tiếp Lê Huy là một trong số rất ít hoạ sĩ Việt Nam thực sự hiểu tầm quan trọng của kỹ thuật hội hoạ.
Lý luận “kỹ thuật làm mất cảm xúc” là một biểu hiện rõ nhất của sự u mê. Không có kỹ thuật thì làm sao biến cảm xúc thành nghệ thuật được? Như tôi đã có lần viết, cảm xúc trong tiếng hú tiếng hét không phải là tiếng hát. Cảm xúc từ âm thanh phát ra do nện cùi tay lên phím đàn piano không phải là âm nhạc. Muốn cảm xúc hiện ra thành nghệ thuật trong tiếng đàn tiếng hát thì phải luyện thanh, phải học chơi piano không dưới 10 năm.
Hội hoạ cũng vậy. Không có kỹ thuật, kiến thức thì bức tranh vẽ ra cũng không khác “tranh” hải cẩu Tuần Châu “vẽ” là mấy. Dĩ nhiên sau cuộc “cách mạng vĩ đại” trong nghệ thuật t.k. XX, thì cả những thứ đó cũng rất có thể được gắn mác nghệ thuật. Đến mức như vậy thì đúng là không còn gì để nói nữa.
Nguyễn Tâm Nhâm:
Tuyệt quá, trước hết kỹ thuật, kỹ thuật điêu luyện cộng ý tưởng sẽ có tác phẩm tốt.
Nguyễn Đình Đăng:
“BTMT có bức ‘Bình Văn’ với kỹ thuật cổ điển, hàn lâm thì nói trên tạp chí mỹ thuật (TCMT) của Hội Mỹ thuật là ‘kỹ thuật đất sét, của người không nghề’.” (trích comment của HS Tiếp Lê Huy)
Bài nào nói vậy hả anh Tiếp Lê Huy?
TCMT của hội lâu lâu cũng đăng những bài rất buồn cười. Trước kia có một bài giảng giải về màu sơn dầu, đại khái là: À, màu sơn dầu cũng chẳng có gì ghê gớm, màu in nhiều sao là nhiều dầu, ít sao là ít dầu (!) Gần đây có bài của một tác giả Hà Nhì nào đó viết: “Không biết tác giả N.Đ.Đ lấy tư liệu ở đâu để khẳng định: hình tượng ‘Olympia’ trong tác phẩm của Manet là ‘một cô gái điếm’?!”
Hình như trường mỹ thuật ở Việt Nam không những không dạy kỹ thuật hội hoạ mà cả lịch sử hội hoạ cũng không dạy nốt? Vậy sinh viên mỹ thuật Việt Nam học cái gì đây? Học sáng tác chăng?
Botay chấm com
Tiếp Lê Huy:
Bài cũng của Hà Nhì – một người không học mỹ thuật, không vẽ, không học đại học nào và không ngoại ngữ luôn. Còn tác giả của bài sơn dầu trên mình đã góp ý, anh ta rất phục thiện nhận do nghe qua người khác nên sai.
Nguyễn Ngọc Quân:
Nói thì “kỹ thuật làm mất cảm xúc” nhưng sự thực là có được kỹ thuật nào lạ lạ là giấu biến không cho ai biết. Cháu thấy rằng cũng chỉ là mồm miệng đỡ chân tay thôi, khi thấy kỹ thuật của người khác giỏi hơn mình thì sẽ vùi dập để tự nâng tầm bản thân. Cũng chính vì vậy cháu cũng ủng hộ cách của thầy Tiếp là không tranh luận mà cứ âm thầm làm việc và chứng tỏ bằng công việc. Ngày nay, nhờ có internet và youtube mà họa sĩ Việt Nam trật tự đi rất nhiều rồi bác ạ.
Nguyễn Đình Đăng:
Cách dạy theo kiểu truyền nghề là cách làm trước t.k. XVII. Nếu tiền bối giấu nghề thì còn lâu học sinh mỹ thuật Việt Nam mới có được một nền tảng cơ bản về nghề nghiệp.
Tầm quan trọng của nền giáo dục đại học không phải ở chỗ nó dạy học trò một số kiến thức, hay cấp cho một mảnh bằng, mà là ở chỗ nó dạy cho người học một phương pháp tư duy có hệ thống. Nền giáo dục đại học nào chưa nắm được triết lý này thì chưa đáng được gọi là một nền giáo dục đại học.
Ngày nay, tuy nghệ thuật của các thiên tài như Van Eyck, Leonardo, Titian, Vermeer, Rembrandt, v.v. vẫn còn nhiều chi tiết bí ẩn, song phương pháp vẽ sơn dầu nhiều lớp, được xây dựng và phát triển trong 5 – 6 thế kỷ, đã được hệ thống hoá trong nhiều cuốn sách.
Tuy nhiên, kể cả trong thời đại internet, vẫn có hai trở ngại lớn đối với học sinh mỹ thuật Việt Nam khi tiếp cận các kiến thức đó. Thứ nhất đó là ngoại ngữ. Các tài liệu nói trên hầu hết đều bằng tiếng Anh, Pháp, hoặc thỉnh thoảng là tiếng Nga (các tàil iệu cũ). Thứ hai, các kiến thức trên phải được truyền lại bởi một người thực sự thực hành các phương pháp đó.
Thực tế, không ít tài liệu hội hoạ đã được dịch vô tội vạ ra tiếng Việt vì dịch giả không phải là người am hiểu và thực hành hội hoạ. Đọc những cuốn sách dịch như vậy đôi khi lợi bất cập hại.
Tôi đã và đang làm cái việc truyền bá kỹ thuật sơn dầu cho những người đọc tiếng Việt. Làm như thế, tôi không hề giấu một bí quyết nào của mình. Tôi cũng không sợ bị mất bí quyết vì, theo tôi, các phương pháp chung, sau khi thấm vào từng hoạ sĩ, trở thành phong cách riêng của từng người, như nét chữ, dáng đi, giọng nói, tính cách, thì làm sao ai khác bắt chước được?
Tôi làm như vậy không phải “để có danh gì với núi sông”, mà đơn giản là vì tôi thích, cũng như tôi thích vẽ. Bây giờ, ở tuổi U60, tôi thấy rằng chỉ làm cái gì mình thích là cách làm đúng đắn nhất. Trong đời tôi, rất ít khi tôi phải làm cái mình không thích. Và tôi nghiệm thấy khi tôi phải làm cái tôi không thích thì y như rằng kết quả chẳng ra gì.
Nguyễn Ngọc Quân:
Bác nói hoàn toàn đúng, chỉ tiếc là trong đào tạo mỹ thuật Việt Nam có quá ít những người như bác. Có người nói với cháu rằng: “Tại sao cậu lại tham khảo hội hoạ từ một ông vật lý?” và cháu đã trả lời: “Bởi vì ông ta là hoạ sĩ.”
Tiếp Lê Huy:
Nhân nói về kỹ thuật, kể tiếp để Nguyễn Đình Đăng khi nói chuyện về kỹ thuật sơn dầu ở đâu thêm tính lịch sử:
Khi về nước 1975, mình suy nghĩ không hiểu tại sao ở ta các họa sĩ ở Yết Kiêu ra phần lớn vẽ toàn màu trầm xỉn, mà thực ra từ tranh Đông Hồ đến ấn tượng của Mỹ thuật Đông Đương đâu có. Cách đây 20 năm, trong lần trò chuyện thân mật với một vị giáo sư của trường, ông mới khoe bí quyết ông truyền cho học trò và bạn bè cách vẽ màu dầu cho đẹp là chắt lấy dầu hỏa bẩn rửa bút để làm nước chấm vẽ, càng rửa nhiều càng tốt. Ồ, phát minh tuyệt vời! Ông không hiểu nguyên nhân nhưng tôi hiểu: Trước đây mọi người pha loãng màu bằng dầu hỏa hoặc dầu lanh (chưa tinh lọc dùng cho công nghiệp, mà bây giờ vẫn bán ở Hàng Hòm vì nó rẻ), màu khô rồi bạc như bột màu hoặc vàng tối lại và lâu khô, mốc. Do đó, khi rửa bút bột màu (pigment) đọng xuống đáy còn các phần tử của dầu (oil), keo nhựa (lacque) tan vào dầu hỏa, tạo ra một thứ bộ ba của chất pha màu mà ta gọi là medium, tuy tỉ lệ và với chất dầu hỏa này thì không thể là hay (dầu hỏa thắp đèn chứa tạp chất, không để vẽ sơn dầu, sau một thời gian bị đen, khác với petrol tinh lọc chuyên dùng, có thể dùng rửa bút hoặc pha thêm vào sơn). Chính thế nên khi vẽ sơn đỡ xác khô hơn, có ít nhiều độ bóng trên mặt sơn. Mặt khác, với một thứ dầu bẩn không thể gọi là màu gì, pha với mọi màu làm các màu xỉn đi trở nên ăn nhập với nhau, dù mặt tranh tối xì như nước cống và tất cả được tung hô là màu quí và màu đẹp. Cũng thông cảm 50 năm trước chiến tranh có gì đâu ngoài sơn dầu Trung Quốc 12 mầu. Phát minh đó được nhiều thế hệ sử dụng và cho tới hôm nay cũng còn.
Sau 1975 Hội Mỹ thuật Việt Nam được viện trợ từ Liên Xô và CHDC Đức sơn và dầu. Mọi người không mấy ai biết dùng nên mình gặp may mua được khá nhiều, từ damar lacque đến opium oil, medium , varnish… Mình giải thích, nhưng với tính bảo thủ của người Việt, không ai quan tâm, cứ mua về không cần biết cái gì, vẽ rồi bảo lúc thì khô nhanh quá, lúc thì không khô cho. Không dùng nữa. Học xong Yết Kiêu là oách. Mình không dám nói, vì học ĐHMTCN. Việc Viện Nghiên cứu Mỹ thuật mời Nguyễn Đình Đăng nói chuyện về kỹ thuật sơn dầu tại trường Yết Kiêu mấy năm trước là một sự cố đáng mừng đấy nhé.
Việt Nam ơi Việt Nam!
Nguyễn Ngọc Quân:
Cháu học MTCN nên cũng không biết Yết Kiêu đào tạo thế nào nên cũng không có ý kiến. Nhưng theo nhìn nhận thực tế hoạt động hội hoạ bên ngoài thì cháu có một số ý kiến như sau:
1. Những hoạ sĩ không du học, đào tạo hoàn toàn tại Yết Kiêu, theo cá nhân cháu đánh giá chỉ có: Phạm Bình Chương, Trần Việt Phú và Mai Duy Minh là có kỹ thuật sơn dầu tốt nhất.
2. Do điều kiện ở Việt nam còn khó khăn nên việc dạy alla prima cũng không sao nhưng vẫn phải am hiểu kỹ thuật sơn dầu. Trên thực là Việt nam cũng không có cả giáo trình cho alla prima.
3. Rất nhiều hoạ sĩ Việt nam coi thường căn bản hình hoạ và nguyên lý hoà sắc. Thậm chí rất nhiều người chưa làm tốt vòng màu cơ bản và không hiểu nguyên lý của vòng màu cơ bản. Trong khi đó vòng màu cơ bản giống như bát quái trong Kinh dịch vậy, là căn nguyên để phát triển mọi hoà sắc.
4. Hoạ sĩ hiện thực ở Việt Nam luôn bị qui chụp là truyền thần, chép ảnh và lẩn mẩn lấy công làm lãi.
5. Ngay bản thân việc học hình hoạ cơ bản thì bút chì và than cũng không dùng đúng cách, đúng loại và cũng không có giáo trình hướng dẫn kỹ thuât. Tuy rằng không phức tạp như sơn dầu, nhưng cháu thiết nghĩ hoạ phẩm nào thi cũng phải có kỹ thuật chuyên sâu của nó.
Tấn Lực:
Nói thẳng ra là kĩ thuật mất gốc, còn lịch sử hội họa thì mất nguồn, chú Đăng ơi.
Cái cháu đang băn khoăn là sơn dầu còn có tư liệu, có chuẩn mực để mà tìm lại được, chứ còn lụa, còn sơn mài thì sao đây??
Ngay đến sơn dầu dạy thâm niên nhất còn chưa có giáo trình bài bản, nói chi đến chất liệu Lụa và đặc biệt là sơn mài. Giảng viên hầu như dạy theo lối “truyền miệng” biết đến đâu, dạy đến ấy. Sách vở tư liệu tìm đỏ mắt chỉ được vài quyển in lậu hoặc có cũng đã nát mem ố vàng, hỏi ra thì “Mấy ai còn đọc, còn tìm sách thư viện trường nữa đâu em.”
Cả nước có 3 trường chính: Hà Nội, Sài Gòn và Huế. Chú cứ xét 2 trường trước, còn lại Huế thì luôn kém hơn 10 lần. Bao quát 1 vòng ta đã nắm bắt được tương đối tình hình chung của Hội họa Việt Nam hiện nay rồi.
Vu Quang Hung:
về trình độ dạy hội họa đến đâu thì tôi không dám lạm bàn nhưng là người đã từng học ở đại học mỹ thuật Việt Nam tôi chưa từng nghe ai hay giảng viên nào khuyên học sinh nào dùng dầu hỏa để làm dầu pha mầu thay vào đó họ khuyên nên hạn chế dùng dầu vẽ. Dầu hỏa chỉ được chọn làm dầu rửa bút vì nó rẻ nhất.
@ Tấn Lực: sơn mài, lụa đều có giáo trình và đc in thành sách có bán ở cổng trường và có thể mượn trong thư viện
Tấn Lực:
Ở đâu chứ ở Huế là hoàn toàn không, em có mót được vài quyển chỉ là bản photo truyền tay cũ mèm chứ không hề có được một quyển sách chính quy nào. Nội dung sách và nội dung dạy của giảng viên khác nhau và bản thân mỗi giảng viên cũng dạy nhiều cách khác nhau nữa, chưa nói đến việc họ bất đồng quan điểm của nhau. Thật sự rất rối.
Cái chính nữa là giảng viên không hề dạy kỹ thuật cơ bản nào cho trọn vẹn, chỉ theo kinh nghiệm cá nhân và dạy rất hời hợt. Việc hướng dẫn sinh viên khai thác tài liệu và làm việc khoa học lại càng không.
Le Le:
Vấn đề là chẳng mấy khi thấy Phạm Bình Chương, Trần Việt Phú, Mai Duy Minh phát ngôn về kỹ thuật hội họa này nọ.
Nguyễn Ngọc Quân:
Các hoạ sĩ Việt nam nhìn chung là ít chia sẻ, hầu như là thân thiết lắm họ mới chia sẻ. Chính vì vậy mà việc học hỏi rất khó khăn cho thế hệ sau.
Le Le:
Thực ra chỉ cần chăm chỉ, ngoại ngữ tốt và một chút năng khiếu trời cho thôi thầy. Họ làm sao bằng được các bậc thầy cổ điển tha hồ mà học qua internet.
Nguyễn Ngọc Quân:
Tất nhiên họ không so được với các bậc thầy, nhưng họ ở ngay bên cạnh ta, có thể xem được tranh gốc. Nếu chỉ cần internet thì các học viện tren thế giới giải tán từ lâu rồi. Chép một bức tranh qua ảnh chụp và bản gốc là 2 vấn đề hoàn toàn khác nhau. Vả lại không phải ai cũng có kinh tế để ra nước ngoài du học, cho nên tận dụng được kiến thức chia sẻ của những người có tâm như bác Đăng, những hoạ sĩ được đi du học, kết họp với xem tranh của những hoạ sĩ mình yeu thích trong nước đã là tuyệt vời lắm rồi.
Ngày xưa các trường mỹ thuật có hệ trung cấp để đào tạo nguồn, bây giờ hệ trung cấp chỉ còn ở một số trường địa phương, nhưng nhìn chung chất lượng đều không tốt. Phần lớn các sinh viên đều học vẽ tại các lò luyện thi theo kiểu ăn xổi theo gu của từng trường, mà ở Việt nam cũng không có các xưởng hình hoạ chuyên nghiệp để học căn bản. Ngay bản thân sinh viên khi vào trường học hình hoạ cũng theo phân công của trường chứ không được đăng kí chọn giảng viên, hên thì gặp phải thầy tốt. Ở Việt Nam có một quan niệm rất buồn cười là hình hoạ thì ai dạy mà chả được, quan trọng là sáng tác thế nào, thiết nghĩ đấy là một suy nghĩ rất lệch lạc.
Nguyễn Đình Đăng:
Việt Nam là đất nước rất sẵn gạch đá. Ai nói cái gì là ăn gạch đá luôn, nói hay cũng bị ném đá, nói dở cũng bị ném đá. Còn nói động chạm tới chính trị thì bị đe doạ, sách nhiễu, có khi đi tù. Thế thì hỏi còn ai dám mở miếng nói gì nữa? HS Tiếp Lê Huy cũng vì thế mà chán không thèm nói nữa, từ 40 năm trước. Biết bao người bị thiệt thòi? Trách ai? Hãy tự trách chính mình trước hết. Đại đa số chúng ta chưa biết phục thiện, để lòng đố kỵ ngùn ngụt bốc lên mờ cả lý trí. Cách đây vài năm Maiduy Minh ra mắt một bức tranh lớn, vẽ hai bàn tay cầm bát cơm. Thay vì trân trọng tài năng của anh thì đa số xúm vào chê bai, ném gạch đá, chủ yếu do ghen tị. Vậy thì làm sao mà đòi hỏi những người như Maiduy Minh, Pham Binh Chuong hay Trần Việt Phú chia sẻ điều gì cho đám đông? Họ đã tự tập hợp thành nhóm hoạ sĩ hiện thực và vẫn hăng say làm việc. Tôi quý trọng họ vì họ có thực tài và thực sự cầu thị.
Tiếp Lê Huy:
Nguyễn Đình Đăng nói đúng. Sợ nhất ở ta là sự đố kỵ, bảo thủ. Nơi đất chật người đông cộng sự giáo dục đấu tranh giai cấp trong và sau cải cách ruộng đất đã ăn vào thâm căn cố đế của số đông người dân. Anh là người có ăn học, lại may mắn hơn người ta, luôn bị săm soi, dễ chết như chơi, không thì cũng bị bôi xấu. Một bạn Facebook có nhắn cho tôi: “Anh được bình an như hôm nay là may lắm rồi.” Thỉnh thoảng mình vẫn bị ném đá, thậm chí từ những người mang danh là bạn bè. Mình thương, không trách vì phần lớn những trò ném đá là vô thức như trẻ con nghèo hai bên đường vẫn ném tàu xe do nghèo, dốt, bực gia cảnh hoặc không biết làm gì và không được đi tàu xe.
Mình chỉ dám nói chuyện với những người muốn học thực sự, còn không chẳng dám nói trước đám đông. Thậm chí có cuộc hội thảo phải bàn về phương pháp vẽ hình họa, bạn bè mời, nể quá phải nói cũng chỉ dám nói: “Tôi không biết đúng sai nhưng tôi được các thày dạy như thế nào tôi xin trình bày cho quí vị nghe”.
Vậy nên các bạn thông cảm, ai cần tư vấn gì về vẽ, in, hãy gọi, nhắn tin, tôi xin đáp ứng không giấu điều gì. Pham Binh Chuong, Maiduy Minh và Trần Việt Phú có thể chứng thực.
Nhiều khi có những niềm vui muốn chia sẻ với mọi người mà cũng sợ, giống ngày xưa làm thịt con gà cũng sợ hàng xóm nghe tiếng chặt thịt. Cụ Nguyễn Tuân – một kẻ sĩ ngang tàng – để lại một câu: “Sống phải biết sợ”. Hãy cứ làm việc, học, biết tin vào tri thức, không vội vàng, để cái đầu luôn đi cùng cái tay, các bạn trẻ tôi yêu.
6.11.2015
No comments:
Post a Comment