Friday, March 28, 2014

RENÉ MAGRITTE

   Nhà danh họa siêu thực Bỉ - René MAGRITTE - đang được trưng bày ở Houston, Texas. Trước đó, bảo tàng MoMA, New York, đã triển lãm các họa phẩm tuyển chọn của ông;http://www.moma.org/interactives/exhibitions/2013/magritte/#/featured/1.  Sau đó, ông sẽ ra mắt khán giả trong Viện Nghệ Thuật ở Chicago -Art Institute of Chicago. Đây là một loạt triển lãm hồi cố -rétrospective- về một trong số các tài năng tạo hình lớn của tk.20.

 Sinh năm 1898 ở Lessines-Bỉ và mất năm 1967, René-François MAGRITTE bắt đầu học vẽ lúc 12 tuổi và học mỹ thuật ở Viện Nghệ Thuật Hoàng Gia Bỉ tại thủ đô Bruxelles nơi ông trưng bày tranh lần đầu năm 1920. Chịu ảnh hưởng các họa phái Lập Thể, Vị Lai, Trừu Tượng vừa khám phá vũ trụ De Chirico..., bên cạnh sáng tác Magritte cũng suy nghĩ về mỹ học rồi tham gia hăng hái phong trào siêu thực ở Pháp và viết bài " Les Mots et les Images " trong  tạp chí LA RÉVOLUTION SURRÉALISTE (Cuộc Cách Mạng Siêu Thực) in năm 1929 do André BRETON chủ xướng. Tính khí bình lặng, ông ghét những gì liên quan đến bạo lực như chiến tranh, bom đạn... tuy vẫn tham gia kháng chiến khi Hitler chiếm đóng nước Bỉ. Ông từng gia nhập rồi rời bỏ đảng cộng sản năm 1945.


MAGRITTE- Les Mots et les Images (Suy tưởng mỹ học),1929.

 Il y a des objets qui se passent de nom - Có những vật thể không cần danh tính là một nhận định căn bản của thế giới quan Magritte. Như Derrida sau này phê phán logocentrisme - một loại duy danh tính chủ nghĩa đặc trưng của tư tưởng phương Tây khiến cho nhiều người, đặc biệt trong giới hàn lâm tháp ngà, đánh mất khả năng trực nhận sự vật, một số nghệ sĩ -trong đó phải kể Magritte - bằng sở trường của họ là thị giác và sự chiêm ngưỡng vô ngôn đã kết nối lại mối liên hệ thiêng liêng giữa con người và tạo vật. Với óc trào lộng, Magritte nhắc cho ta nhớ lại : giữa danh và vật là mạng lưới của qui ước và mã số văn hóa  mà kẻ sáng tạo cần xé toang để tự giải thoát. Bức tranh cái tẩu chỉ là ước lệ tạo hình, tự nó vốn là hình vẽ chứ chẳng phải cái tẩu thật !



MAGRITTE- Ceci n'est pas une pipe- Đây chẳng phải là cái tẩu, 1928.



  Tranh ông phơi lộ bí mật của sự vật bình dị - mỗi họa phẩm là một bài thơ siêu thực đánh thức ý thức tiền ngôn tự. Cũng như De CHIRICO và Max ERNST, thế giới Magritte là nỗi bàng hoàng nguyên thủy trước vạn vật - tương tự như các CÔNG ÁN Bất Lập Văn Tự !

MAGRITTE - La Géante-Nàng Khổng Lồ, 1935.


 Magritte quan niệm hội họa là nghệ thuật thuần túy thể hiện vật thể nhưng không minh họa hay giải nghĩa. Chẳng hạn ông chê Dali đã lạm dụng biểu tượng tôn giáo làm hỏng chất tinh khiết phi qui ước của tranh hiện đại và không thích tính uyên bác của Picasso - ngoài giai đoạn sáng tác lập thể của nhà danh họa này. Dù chẳng phải là tín đồ tin theo vô thức kiểu Freud, Magritte mượn cọ với màu để lột vỏ hữu thể khiến mặt trái hoặc độ sâu bất chợt lộ diện. Bằng họa pháp tạo sốc tiêu biểu của phái siêu thực, ông vẽ hàng loạt chân dung với hình hài bí hiểm và gây nên cảm giác "lạ hóa" trong khoảnh khắc tiếp cận của người xem tranh.


MAGRITTE- La Maison de Verre- Ngôi nhà thủy tinh,1939.


MAGRITTE- Les Amants - Cặp tình nhân, 1928.

   Magritte có lần tiết lộ với bạn : " Tôi chủ trương không dự đoán trước bất cứ cái gì. Điều tôi sẽ làm trong mọi tình huống lúc nào cũng bất ngờ như sự vụt hiện của một thi tượng thật .../ Ce que je ferai en toute situation est aussi imprévisible que l'émergence d'une vraie image poétique...(Thư gửi Mirabelle Dors và Maurice Rapin, 30-12-1955). Đây là gì nếu không phải là thi pháp và mỹ học siêu thực Magritte đã trực tiếp học lại từ Lautréamont qua thi phẩm Les Chants du Maldoror mà ông đã say mê đọc và vẽ minh họa từ thời trai trẻ.

MAGRITTE - Poids et Mesures - Cân Đong, 1950.

 
MAGRITTE - Megalomania - Chứng vĩ cuồng, 1949.

   Lúc sinh thời, Magritte chỉ có được một vị thế ngoại vi trong giới họa sĩ danh tiếng ở châu Âu, đặc biệt là Paris. Không ít nhà phê bình hội họa đã chê ông, cho rằng họa pháp tạo sốc đã kéo tranh Magritte xuống gần với tranh vẽ bưu thiếp, bích chương quảng cáo... Cho đến thập niên 60 với cao trào mỹ thuật POP ART đề cao vật thể và hình ảnh thông dụng đời thường, giới thưởng ngoạn hội họa mới quan tâm và khám phá lại cõi tạo hình độc đáo của tài năng siêu thực nước Bỉ. Càng ngày càng có nhiều người xem tranh cảm nhận được chất thơ huyền ảo, đôi khi gần như thần bí trong các họa phẩm Magritte. Nếu Rimbaud trước kia từng tôn vinh thi hào Baudelaire là Prince des Voyants, ngày nay ta có thể đặt Magritte trên chiếu của Bậc Vương Tôn trong Cõi Linh Giác bên cạnh Dalí, Miró, Tanguy, Max Ersnt hoặc Paul Klee...Bằng thị giác ngoại hạng và tranh tượng siêu thực, các tên tuổi này đã góp phần thanh tẩy những cặp tròng bị thói quen với biếng nhác ru ngủ, và đánh thức khả năng nhìn ngắm ở khán giả. Có một giai thoại cần nhắc đến trước khi kết bài giới thiệu này : chính Michel Foucault đã đọc thấy tư tưởng mỹ học thâm diệu qua tranh vẽ Ceci n'est pas une pipe và đã viết một tiểu luận triết học về René Magritte vào năm 1968.  Trong tiếng Pháp, bên cạnh từ artiste-philosophe  để ca tụng các vị như Marcel DUCHAMP còn có chữ peintre-philosophe để tôn vinh MAGRITTE cùng các họa gia có tài điểm nhản đánh thức con rồng nghệ thuật trong mỗi chúng ta.                                                                                                                                                                                                                                                          CHÂN PHƯƠNG  Lập Xuân 2014. 


  THAMKHẢO                                                                                                                                                                                                          1. Mary Ann Caws ed., Surrealist Painters and Poets, MIT Press, 2001.                                                                    
2. Siegfried Gohr, Magritte-Attempting the Impossible, D.A.P. Inc. New York, 2009.                                                   
                   3. Jennifer Mundi, SURREALISM -desire unbound, Tate Publishing, London, 2001.                                                                                          4. Harry Torczyner, MAGRITTE - Ideas and Images, Abrams Publishers, New York, 1977.                                      
                      MAGRITTE - L'Art de la Conversation IV- Nghệ Thuật Đàm Đạo IV, 1950.