Nhà văn Nguyễn Việt Hà: “
“Hà Nội không của riêng ai; nhưng mỗi người ở đây đều có ấn tượng, tình cảm và cách nhìn riêng của mình về mảnh đất này.” Nhà văn Nguyễn Việt Hà đã mở đầu như vậy trong buổi giao lưu với độc giả tại Hà Nội vào tối (7/1- 2015).
Nhà văn Nguyễn Việt Hà (Ảnh: BTC)
“Hà Nội - nghe rộng quá!”
Câu nói ấy cũng là lời diễn giải cho chủ đề của buổi trò chuyện - “Hà Nội của Hà,” gợi mở và đưa người đọc vào một thế giới văn chương của riêng anh.
Nguyễn Việt Hà đến bây giờ vẫn ít sử dụng máy tính. Anh vẫn viết tay những bản thảo văn chương của mình. Từ những trang viết “gồ ghề” ấy, nhà văn dựng nên chân dung Hà Nội theo cách nhìn và cảm của riêng mình.
Phủ tràn các tiểu thuyết “Cơ hội của Chúa,” “Khải huyền muộn” và “Ba ngôi của người” hay những tập tạp văn khá “ăn khách” gần đây của Nguyễn Việt Hà (như “Con giai phố cổ,” “Đàn bà uống rượu”…) là những câu chuyện về Hà Nội.
“Nói là Hà Nội nghe rộng quá! Thực chất, không gian trở đi trở lại trong những sáng tác của tôi chỉ là khu phố cổ gắn với Hồ Gươm, hay mở rộng hơn một chút là quận Hoàn Kiếm,” Nguyễn Việt Hà chia sẻ.
Anh bảo, đó là nơi anh gắn bó, yêu thương và trân trọng. Viết về Hà Nội, anh viết bằng ký ức và nỗi nhớ.
“Khi nhớ, lẽ thường, người ta vẫn hay nhớ về những gì đẹp đẽ. Để rồi, con người đâu dễ tránh được cảm thức xót xa khi những điều tốt đẹp đó không còn trong hiện tại. Cũng bởi vậy, diễn ngôn của tôi đôi khi có chút cay đắng, câu chữ có phần chua ngoa.” Đó vừa như lời nhà văn tự bộc bạch, vừa là lời giải đáp cho thắc mắc của một độc giả - “Tại sao Nguyễn Việt Hà viết về Hà Nội buồn và góc cạnh thế?”
“Cuốn tiểu thuyết của ông ta khác hẳn, chỉ kể đi kể lại về những kỷ niệm của một mối tình đầu cũ kỹ tuyệt vời bất hạnh. Nó cay đắng khô khan nước mắt rất Hà Nội. Nó bất cần phải lấy lòng của bất cứ đứa nào…” - trích “Ba ngôi của người.”
Một số tác phẩm của nhà văn Nguyễn Việt Hà (Ảnh: Ybook)
Hà Nội của Nguyễn Việt Hà mang hơi thở náo nhiệt đương đại nhưng cũng giữ những nét xưa cũ. “Hà Nội muôn đời vẫn vậy! Một thành phố nghìn năm tuổi thì đương nhiên tích tụ trong lòng nó những giá trị đặc biệt mà không phải bất cứ ai muốn phá, muốn làm hỏng là có thể dễ dàng thực hiện được. Ở đó có những thị dân mang trong mình một phẩm tính đặc biệt - độ tinh tế,” nhà văn bày tỏ.
“Thong thả ăn, tinh tế mặc, chầm chậm sống”
Nguyễn Việt Hà chia sẻ, dù được “gắn mác” là “giai Hà Nội” nhưng vài năm trở lại đây, anh mới thường hay đi tới mạn Cầu Giấy hay những khu vực khác ngoài quận Hoàn Kiếm.
“Hà Nội mà tôi biết chỉ loanh quanh khu vực Hồ Gươm. Cũng bởi lẽ ấy, những người tôi hay gặp thường là dân buôn bán ở khu vực phố cổ. Ở họ thường hiển lộ những cách thức riêng về cách nuôi dạy con cái hay những quan niệm riêng về văn hóa, truyền thống…” Nguyễn Việt Hà kể.
Đó là những chất liệu để anh viết nên những câu chuyện thú vị, đầy ám ảnh về đất và người Hà Nội từ góc nhìn của riêng anh: “Bọn con giai phố cổ (…) thong thả ăn, tinh tế mặc, chầm chậm sống. Có bọn họ, Hà Nội hôm nay mới có nổi dăm bảy hàng phở ngon, vài ba quán càphê thị dân sâu lắng. Bọn họ chẳng chịu là gì, sống bạc nhược nghệ sỹ nửa mùa, rồi trả ơn Hà Nội bằng cách quyết liệt tự nuôi cho mình những thói quen của bao đời Hà Nội…” - trích tạp văn “Con giai phố cổ.”
Nhà văn trải lòng, cũng đã vài lần, anh thử bứt mình khỏi những điều quen thuộc để mở rộng không gian Hà Nội trong những sáng tác của mình tới những khu vực khác. Thế nhưng, tất cả đều… thất bại! “Sân bóng” của anh không đâu khác ngoài những phố xá, nhà cửa, không gian công cộng xung quanh khu vực phố Nhà Chung - nơi anh sống.
Nhà văn Nguyễn Việt Hà ký tặng sách cho độc giả tối 7/1 (Ảnh: PV/Vietnam+)
Nguyễn Việt Hà tỏ ra “sành sỏi” những không gian đậm đặc chất Hà thành nhưng anh lại không chọn cho mình một quán càphê hay góc phố nào đó làm nơi trú chân quen thuộc để viết những câu chuyện về mảnh đất này.
“Tôi thường viết ở Thư viện Quốc gia. Lý do cũng đơn giản thôi: thứ nhất bởi nó gần nhà tôi, thứ hai là do nơi đó cấm hút thuốc lá - thứ mà tôi khá ‘nghiện’,” nhà văn vui vẻ kể.
Nói rồi, Nguyễn Việt Hà trầm ngâm: “Hà Nội luôn là đề tài miên viễn, thời thượng của văn chương; nhưng viết làm sao để ra được chất Hà Nội thì lại không hề dễ”