Thursday, January 15, 2015

Truyện ngắn TRẦN THỊ KIM LAN


E D N A

              Edna là truyện ngắn đầu tay của Trần Thị Kim Lan. Khi gửi sáng tác cho tòa soạn báo Văn Học (California) chị có viết mấy lời sau:”Chuyện của tôi là những va chạm hằng ngày trong cuộc sống lẫn lộn trắng, đen, vàng, những người khác màu da do hoàn cảnh đẩy đưa đã thực sự gần gũi với chúng ta, đã chia sẻ với chúng ta từng chút vui buồn. Tôi muốn, và có tham vọng mong mọi người cùng muốn, vượt ra khỏi một chút cái tình dân tộc để vươn tới tình nhân loại. Bởi vì nghĩ cho cùng, mọi con người đều cùng chung một ước mơ có được hạnh phúc và tránh đi những đau khổ dù ở hình thức nào. Cái ý hướng của tôi chắc chắn không có gì mới lạ, nhưng tôi muốn đóng góp thêm một chút tiếng nói của một con người.” Các truyện ngắn của Trần Thị Kim Lan được in lại trong tập  Gió Đêm (nxb Văn Nghệ, 1993). C.P. giới thiệu



-       Xe này ra phố Boston, chạy thẳng không ngừng.
-       Tôi biết. Cám ơn chị.
-       Lên xe nhanh đi. Trời xấu quá!
-       Dạ, trời thật xấu.
-       Ô…ô… Xin lỗi. Từ nãy giờ cứ ngáp hoài. Tôi mệt.
-       Không sao. Tôi sẽ ngáp với chị. Tôi cũng đang mệt. Thiếu ngủ.
-       Tôi mong cho chóng đến ngày nghỉ phép. Lần này tôi đi Hawaii. Chị có bao giờ đi Hawaii chưa? Một nơi thiên đàng. Tôi sẽ nằm dài trên bãi cát với người yêu. Chẳng làm gì cả. Hoàn toàn không làm một chút gì cả. Chỉ ăn, đi chơi và phơi nắng. Mặt trời. Cây xanh. Tuyệt lắm. Nhất là đi với người yêu.
-       Tôi mừng cho chị.
-       Tôi cũng mừng cho tôi. Năm năm trời với một thằng chồng đốn mạt, rượu chè, tồi bại cuối cùng tôi thoát được nó.
-       Chị có con không?
-       Không. Con cái mà làm gì, nhất là có với một thằng khốn nạn. Cám ơn Thượng Đế. Vụ ly dị xong năm ngoái. Tôi khoẻ. Chị biết không, phải tiếp tục tìm kiếm. Thằng này không được tìm thằng khác. Anh bạn trai của tôi bây giờ tuyệt lắm. Tôi yêu anh ấy. Yêu lắm. Oh yes, I sure love him. Chị biết gì không. Anh này da trắng…
Chị ngập ngừng dò xét phản ứng của tôi rồi nói tiếp:
       -…Một người da trắng tuyệt vời. Này, chị nhìn phía bên kia, chỗ góc đường nhỏ đó. Hai đứa tụi này đậu xe buýt lại, ngồi với nhau một chút. Chỉ hai đứa tôi thôi. Có khi anh ấy mua cho tôi một ly cà phê, một bánh ngọt. Anh ấy tử tế lắm. Thỉnh thoảng anh ấy nhấn kèn đòi qua mặt xe tôi, và khi đến gần, vói tay trao cho tôi một bông hồng. Tôi sung sướng lắm chị ạ. Oh, I just love him.
       Tôi quên mệt, bắt đầu chú ý người đàn bà đối thoại. Tôi quen với giọng Mỹ miền Bắc nên nghe giọng miền Nam của chị thật là lạ. Tiếng chị trầm, khàn, đục. Hát nhất định phải hay. Chị hơi hô, hàm răng trắng xanh, đều, chắc. Phấn hồng tô trên má hóa thành màu tím sẫm pha một chút sắc đỏ trên làn da đen mụn lốm đốm những mụn khô. Tóc ngắn xoăn từng lọn nhỏ xíu bám quíu vào nhau. Đôi mắt nhỏ với đường viền long nheo xoăn tít vô cùng linh động trong kính chiếu hậu. Chị đeo hoa tai có hai vệt đen, trắng. Bộ đồng phục thẳng nếp. Người rắn rỏi. Mông hơi to, chân dài quá đà, giày kiểu đàn ông bóng loáng.
     Chị điều khiển chiếc xe buýt cồng kềnh như một em bé nhanh nhẹn đang ngồi lái chơi trong chiếc xe nhỏ. Chị bóp kèn inh ỏi, chửi thề, văng tục vài tiếng rồi quay sang nói chuyện tiếp với tôi, người hành khách duy nhất trên xe chị hôm đó. Xe đang ra xa lộ, gió luồn vun vút, chị cố la cho tôi nghe:
-       Chị đi đâu đây?
Tôi hét lại:
-       Tôi đi học lớp đêm.
-       Còn học à. Chịu khó vậy. Làm nghề gì?
-       Dạy học.
-       -     Cô giáo thật à?
Chị quan sát tôi với vẻ ngạc nhiên.
-       -     Trông không giống cô giáo. Hiền lành vậy mà cô giáo à. Làm sao trị nổi học trò?
Tôi cười nhẹ đáp lời chị:
-       -      Ngày sắp tàn. Giờ này tôi hết dữ rồi. Mệt rồi chị.
-       -      Có gia đình chưa?
-       -      Có lâu rồi. Bây giờ thì không. Có một đứa con. Ba cháu mất.
-       -      Ấy chết. Xin lỗi chị. Tôi…
-       -      Không sao, chuyện đã lâu, tôi không còn nhớ gì nữa.
-       -      Có bồ không?
-       -      Không.
Chị đưa mắt liếc nhanh, nhìn tôi đánh giá, hỏi một cách hoài nghi:
-       -      Sao vậy? Giỡn hoài. Người thế mà không có bồ.
-       -      Thật ra cũng có vài lần nhưng không xong.
-       -       Làm gì mà không xong. Ai biểu kén. Để cho đàn ông họ thương, họ chìu chuộng, dại gì. Chán bỏ, kiếm thằng khác.
Thấy chị nhiệt tình tôi cố bào chữa cho cái tội không có bồ của tôi:                  
-       Thì chị biết đó. Cũng có những cuộc gặp gỡ, nhưng người thì già quá,người trẻ quá. Người mình thương người ta không thương. Người mình không thương, thương. Rồi có người thấy thương mà không thấy thích hoặc ngược lại. Đại khái như vậy.
-       Ừ. Đó là cuộc đời. Tôi biết cuộc đời quá mà. Bởi vậy tôi không bỏ một chút gì có sự vui trong đó. Tôi hưởng hết. Hưởng cái gì đang có. Quăng mẹ cái gì làm mình buồn. Tôi lái xe như vầy vài năm nữa thôi. 45 tuổi hưu trí non. Cuộc đời ngắn quá mà. Xin lỗi à, làm việc chừng đó đủ rồi.
   Nhân lúc chị dừng xe ở trạm thuế giữa xa lộ tôi cúi đầu nghĩ ngợi: Đàn bà. Lái xe buýt rành nghề. Những ngày nghỉ phép phong lưu ở bãi biển. Một người yêu khác màu da. Dĩ vãng thảy bỏ. Nụ cười tươi. Cõi lòng mở rộng.
   Chị bỗng rồ máy xe vọt mạnh la lớn:
-       Ngủ hả? Thấy gì không? Tôi mới đi một đường lã lướt với anh chàng trong phòng thu thuế.
   Tôi lơ đảng hỏi:
-       Được không?
-       Được chứ. Vui vậy mà. Anh chàng này dễ thương. Đàn ông bây giờ làm biếng cua đào lắm. Đàn bà tụi mình phải làm siêng tấn công họ mới được.
   Tôi định nói đa số đàn bà VN chúng tôi là những công chúa ngủ trong rừng, đợi hoàng tử đến hôn trên đôi mắt. Và vì thế có nhiều nàng tóc đã điểm sương vẫn còn đang trong giấc ngủ mong chờ. Ai có bạo gan bạo phổi thức dậy đi tìm hoàng tử thì bị hạ giá ngay.
   Nhưng thôi, nói vậy dài dòng quá. Tôi đáp gọn:
-       Tấn công sợ họ đánh giá thấp mình chị ạ.
   Chị nạt tôi:
-       Thấp gì? tại sao thấp. Họ cao lắm sao? Không có ai đặc biệt cả. Ai cũng như ai . Mọi người bình đẳng.
   Tôi tiu nghỉu ngó mông. Hai chữ “ bình đẳng” của chị tôi suy nghĩ trọn đời cũng không xong. Thấy cái vẻ đăm chiêu của tôi chị tưởng tôi buồn, giảm tốc độ xe, nhìn tôi ái ngại:
-       Thiệt, chị phải có bồ mới được. Để tôi kiếm cho. Sống vậy buồn chết. Chị buồn không? Có bà con gì ở xứ này không?
-       Không.
-       Sao đến đây chi vậy? Chừng nào về xứ?
-       Không về được chị ạ.
-       Tại sao không?
-       Tại vì tôi là người là người VN.
-       Người VN rồi sao không về được?
-       Chiến tranh. Cộng sản. Tôi không phải là người của họ. Tôi được dùng, không được tin. Tôi muốn làm một công dân tốt ở trên đất mình, phục vụ quê hương. Tôi muốn ở lại, nhưng tôi phải bỏ đi. Chị có biết không, ở xứ tôi…
   Tôi còn muốn nói thêm nữa nhưng chị cắt lời tôi, một tay lái xe, tay kia đưa lên tỏ vẻ tức tối:
-       Chiến tranh. Tôi không hiểu vì sao có chiến tranh. Tại sao người ta phải đánh nhau. Tôi tức lắm chị ạ. Tức lắm. Thế giới này điên rồi. Con người không còn tình nữa. Tại sao phải phân biệt màu da. Tôi nói thiệt với chị tôi không hiểu vì sao có chiến tranh...
   Tôi không còn nghe tiếp chị nói gì. Tôi đang suy nghĩ. Chị này còn tức. Tôi ngạc nhiên về sự tức giận của chị. Chứ như là chiến tranh mới xảy ra hôm qua, lần đầu tiên trên thế giới này. Đã từ lâu tôi chỉ biết thấm thía sự chịu đựng. Sự chịu đựng đời đời, thế hệ này qua thế hệ khác vì chiến tranh, áp bức. Và bây giờ là sự chịu đựng của kiếp người lưu lạc. Sự chịu đựng làm mòn mõi tâm hồn, làm đau dần thân xác, làm cách biệt với người thân ở quê hương.
   Sự chịu đựng về những bất công, khinh rẻ, kỳ thị ở xứ người. Nó làm lung lạc tinh thần, lấy đi niềm lạc quan sinh khí con người… Không, tôi không nghĩ tiếp. Tôi phải dành một chút sức lực để ngồi nghe trọn bài giảng tối nay. Rồi còn ngày mai và còn ngày mai nữa. Tôi phải quên tất cả. Phải lấy cho được bằng cấp. Xong bằng này đến bằng khác. Phải đủ chữ đủ lời để đối đáp khi bị lấn lướt, chèn ép, hiếp đáp. Phải kiếm tiền nuôi thân, nuôi con. Phải giúp họ hàng thân quyến, bạn bè. Tôi không còn sức để nghĩ về chiến tranh hòa bình, tình yêu, và hình như lòng tốt cũng mòn dần… 
Tôi vịn thành ghế đứng lên từ giã xuống xe. Chị ngưng nói tự bao giờ, nhìn theo tôi lưu luyến nói lời tạm biệt ân cần.

Chúng tôi trở thành đôi bạn. Mỗi lần gặp gỡ trên xe, chị bình phẩm về cuộc đời, về con người rất hăng. Và tôi mỏi mệt suy nghĩ, đào sâu thêm vấn đề, phát triển rộng ra từng ý nghĩ của chị. Đối chiếu. Tự vấn. Thở dài.
Có hôm chị đùa, thấy tôi đang đứng chờ xe, chị đạp ga phóng  nhanh bỏ tôi một khoảng khá xa rồi đậu xe lại chờ. Tôi chạy đến xe. Hụt hơi. Chúng tôi cười ha hả. Chị nói:
-       Chạy khoẻ không cưng? Lúc nào cũng thấy mệt. Bọn giáo sư chúng mày làm gì mà mệt. Đi chơi đêm quá mệt chứ gì?
   Chúng tôi cười hì hì. Thấy chúng tôi quá vui hành khách trên xe mỗi người biểu lộ một thái độ. Một vài cô gái trẻ mỉm cười nhẹ. Những người đàn bà lớn tuổi thoáng nhíu mày. Thanh niên và đàn ông dững dưng. Một cụ già người Ý gật gật đầu.
   Tôi quen dần và ưa nghe những chữ đượm tình của chị. Chị gọi tôi bằng cưng, bằng người yêu dấu, người thân mến và cả bằng con lúc cần. Chào người yêu dấu. Hello sweetheart! Cẩn thận đường trơn cưng nhé! Be careful, honey. Có gì buồn hả con? Some- thing is bothering you, baby?
   Có một lần chị làm tôi thật sung sướng và cảm động. Hôm đó không phải ngày tôi đi học. Tôi đang đi bộ trên đường ở chợ về, tay bưng tay xách khệ nệ. Tôi bỗng nghe tiếng kèn xe lien tiếp vang cả khúc đường. Tôi ngẩng lên tìm hiểu. Xe buýt của chị đang đậu giữa đường. Mặc cho hành khách tò mò nhìn chị, mặc cho tiếng kèn xe hối thúc phía sau, chị vẫn không xê dịch xe. Chờ cho tôi nhìn thấy chị, chị hất mặt tỏ ý bảo tôi lên xe nhanh.
Tiếng còi xe inh ỏi làm tôi rối cả ruột. Tôi lính quýnh lắc đầu ra dấu cho chị biết nhà ở trước mắt. Chị nhấn một tiếng kèn thật dài chào tạm biệt. Tôi nhìn theo xe lòng tràn hạnh phúc.
   Có lần tôi nghỉ học mấy hôm vì bị bệnh. Chị gặp lại tôi làm mặt giận, mỉa mai bảo chơi cho cố đến nỗi bị bệnh. Tôi thật tình phân trần nói cái dở là không biết chơi, cả đời chỉ biết cần cù đi học đi làm. Xong lại đi làm đi học. Chị săn sóc, bảo phải giữ gìn sức khoẻ.
   Lần cuối cùng ngồi trên xe chị, tôi nói:
      -    Hôm nay là ngày học chót của khoá này. Chị lại sắp sửa đổi tuyến đường xe. Khoá sau có lẽ chúng ta không còn gặp nhau. Chúng ta nên tạm chia tay bây giờ chị nhé!
   Tôi bước gần đến chỗ chị ngồi. Chị nồng nhiệt giang hai tay, ngẩng mặt chờ đợi một cái hôn. Chúng tôi siết chặt vai nhau, và từ giã bằng những lời chăm sóc dặn dò. Tôi nói với chị:
-       Tên tôi là Kim, chị tên gì?
-       Edna. Một cái tên lạ nhưng đó là tên tôi.
   Khi tiếng kèn giã biệt đã xa và bóng xe đã khuất, tôi cúi đầu bước đi, lẩm bẩm: Edna.
   Edna, chị là người bạn, một mối thân tình quí báu trong đời tôi, trên đất nước mà tôi vẫn nghĩ muôn đời xa lạ.

TRẦN  THỊ  KIM  LAN