Họ là những nhà văn nổi tiếng . Nhưng tại sao họ phải lánh xa truyền thông và người hâm mộ, phải giấu kỹ những tác phẩm mới và chọn lối sống ẩn dật?
Nhà văn Mỹ JD Salinger (1919 - 2010)
Trong giới văn chương, tác giả của tiểu thuyết “Bắt trẻ đồng xanh” được biết tới là người có lối sống bí ẩn. Ông bắt đầu quay lưng lại với việc giao du, mở rộng quan hệ kể từ năm 1953, thời điểm 2 năm sau khi cuốn tiểu thuyết đầu tay ra mắt, đưa lại cho nhà văn danh tiếng bất ngờ.
Kể từ đó, J.D. Salinger thu mình lại, lựa chọn cách sống ẩn dật, tránh xa giới truyền thông và người hâm mộ, công bố rất ít tác phẩm mới. Trong suốt nửa thế kỷ sống khép kín như vậy, những tin đồn về đời sống riêng tư và sự im lặng khó hiểu của ông liên tục xuất hiện.
J.D. Salinger càng phong tỏa mọi khả năng tiếp cận của giới truyền thông và người hâm mộ, ông càng bị đeo bám. Những tư liệu xác thực mà người ta có được về cuộc đời Salinger rất ít ỏi, cho tới hôm nay, ông vẫn là một nhân vật bí ẩn như chính cậu thiếu niên Holden Caulfield của “Bắt trẻ đồng xanh”.
Nhà văn Mỹ Harper Lee (sinh năm 1926)
“Giết con chim nhại” là một trong những cuốn tiểu thuyết nổi tiếng nhất thế giới nhưng tác giả của nó - nữ nhà văn Harper Lee - lại lựa chọn cách sống lánh xa mọi sự tung hô, tán thưởng. Bà rời xa những giao tế xã hội từ hơn 4 thập kỷ trước. Giờ đây, đã ở tuổi 88, số lần xuất hiện trước công chúng của Harper Lee chỉ “đếm trên đầu ngón tay” và cũng không quá… “một bàn tay”.
Ở tuổi 79, trong một lần “đổi gió” kỳ lạ, Harper Lee đã đồng ý trả lời phỏng vấn báo chí và chia sẻ rằng suốt thời gian sống lánh xa truyền thông và độc giả hâm mộ, bà đã âm thầm theo học Đại học tại một chuyên khoa nghiên cứu văn chương của… Harper Lee.
Tại đây, bà luôn được tiếp cận những góc nhìn mới mẻ của sinh viên đối với văn chương của bà, đó là cách để Harper Lee nhìn thấy sự tương tác của tác phẩm đối với đời sống đương đại.
Nhà văn người Mỹ Thomas Pynchon (sinh năm 1937)
Tác giả của “Gravity’s Rainbow” (tạm dịch: Cầu vồng trọng lực) và “The Crying of Lot 49” (tạm dịch: Tiếng khóc lô 49) là một nhà văn bí ẩn khác của văn đàn Mỹ. Kể từ thập niên 1960, Pynchon đã chọn cách sống ẩn dật, ông từ chối mọi lời mời phỏng vấn, xuất hiện rất hạn chế trước công chúng, rất ít phóng viên chụp được hình ông.
Thậm chí, đã có lúc người ta đồn Thomas Pynchon chính là bút danh bí mật của J.D. Salinger (tác giả Bắt trẻ đồng xanh), khi đó cây bút Thomas Pynchon chỉ trả lời rằng: “Không tồi. Đoán tiếp đi”.
Trong một cuộc điện thoại ngắn ngủi hồi năm 1997 (do phóng viên CNN đã “lần ra” được số điện thoại của nhà văn), Pynchon nói rằng: “Tôi tin rằng ẩn dật là một mật mã do chính các nhà báo nghĩ ra, ý nghĩa thật sự của từ đó là không thích nói chuyện với phóng viên đâu”.
Nhà văn người Ireland - Samuel Beckett (1906-1989)
Ngay cả khi giành giải Nobel Văn học hồi năm 1969, nhà thơ - nhà biên kịch Samuel Beckett cũng từ chối lời mời tới Stockholm nhận giải, bởi ông muốn tránh phát biểu trước đông người.
Một ngày tháng 10/1969, khi đang đi nghỉ với vợ, nhà văn Beckett được tin mình đã giành giải Nobel Văn học. Biết trước rằng người chồng ưa cuộc sống trầm lặng của mình sẽ gặp phiền toái kể từ đây, vợ ông đã gọi giải thưởng danh giá này là… “tai họa” đối với chồng bà. Là người có lối sống giản dị, nhà văn Beckett sau đó đã quyên góp tất cả số tiền thưởng cho quỹ từ thiện.
Sinh thời, dù không thích giao du rộng rãi và không chính thức nhận lời gặp gỡ ai, nhưng nhà văn thường lui tới một sảnh một khách sạn nhỏ gần nhà. Nơi đây được coi như địa điểm tiếp khách không chính thức của Beckett.
Nhà thơ người Mỹ Emily Dickinson (1830-1886)
Là một trong những nhà thơ vĩ đại nhất của Mỹ, Emily Dickinson có một đời sống kỳ lạ đến sửng sốt. Bà hiếm khi rời khỏi nhà, thậm chí không rời khỏi phòng riêng. Bà sinh trưởng ở thị trấn Amherst, bang Massachusetts, Mỹ. Sau quãng thời gian học Đại học xa nhà, Emily quay trở về sống với cha mẹ và ở đây cho tới tận khi qua đời năm 1886.
Emily có một nguyên tắc giao tiếp rất đỗi kỳ quặc, bà không nói chuyện với ai ngoài người nhà, những khách viếng thăm muốn được trò chuyện với bà chỉ được đứng ngoài cửa phòng riêng đóng kín và từ đó nói vọng vào.
Trong mắt những người dân địa phương, Emily là một người lập dị vô cùng. Rất ít khi xuất hiện bên ngoài, những khi bắt buộc phải lộ diện, bà thường chỉ thích mặc đồ trắng. Tất cả các mối quan hệ của Emily đều được duy trì thông qua thư từ.
Dù sáng tác rất nhiều thơ phú với khoảng 1.800 bài, nhưng Emily chỉ công bố khoảng 10 bài trong suốt cuộc đời mình, một phần bởi nhà xuất bản thường sửa thơ của bà quá nhiều để phù hợp với những chuẩn mực văn chương thời bấy giờ. Nhiều bài thơ của bà xoay quanh đề tài cái chết và sự bất tử, đó cũng là đề tài thường thấy trong những thư từ của Emily.
Nhà văn người Mỹ Cormac McCarthy (sinh năm 1933)
Tác giả của “Những con tuấn mã”, “Cha và con”, “Không chốn nương thân”, “Lộ trình”… sống rất trầm lặng ở bang New Mexico, Mỹ. Trong nhiều năm, không ai trong giới văn chương từng được thấy dung mạo của McCarthy bởi ông không giao lưu rộng rãi trong văn đàn. McCarthy thờ ơ với những lời mời phỏng vấn, không tham dự cả những buổi bàn luận văn chương.
Tuy vậy, McCarthy đã bất ngờ xuất hiện tại lễ trao giải Oscar năm 2007 khi bộ phim “Không chốn dung thân” được chuyển thể dựa trên tác phẩm của ông giành giải Phim hay nhất. Khi đó, ông đã gây ra một sự xôn xao trong giới nhà văn. Nhưng kể từ đó đến nay, ông lại một lần nữa “im thin thít và lặn mất tăm”.
Nhà văn Pháp Marcel Proust (1871 - 1922)
Tác giả của bộ tiểu thuyết “Đi tìm thời gian đã mất” vốn là một người rất chuộng giao tế xã hội, nhưng một loạt những biến cố gia đình xảy tới trong khoảng thời gian từ 1903 - 1905, đồng thời, sức khỏe của nhà văn cũng xuống dốc nhanh chóng trong giai đoạn này, khiến 17 năm cuối đời của Proust hoàn toàn đổi khác, ông trở nên biệt lập, xa lánh mọi người.
Lúc này, con người ưa tiệc tùng Marcel Proust sợ tiếng ồn tới mức phải lắp những tấm chống ồn lên khắp phòng viết văn và treo nhiều lớp rèm bên cửa sổ để ngăn không cho một tia sáng nào có thể lọt vào nhà.
Ông cứ thế ở trong phòng riêng suốt nhiều ngày liền để chuyên tâm viết lách cuốn tiểu thuyết lớn nhất cuộc đời. Khi có khách đến nhà, ông thậm chí còn không biết lúc đó đang là ngày hay đêm. 3 năm cuối đời, Proust thậm chí còn không bước chân ra khỏi nhà.