Wednesday, January 7, 2015

JÁNOS PILINSZKY


JÁNOS PILINSZKY (1921-1981), nhà thơ Hungary cũng là một gương mặt tiêu biểu của văn học Trung Âu. Từng trải nghiệm chiến tranh và thoát chết từ các lò thiêu Nazi, sau đó câm nín nhiều năm dưới ách toàn trị Stalin, những bài thơ của ông vang lên từ đáy thẳm ngục tù hay lóe chớp trong bóng tối lịch sử thay cho ánh bình minh vô vọng...Trong vở kịch phi lý của kiếp người kẹt giữa đủ thứ bạo lực, Pilinszky làm thơ kiệm lời như tiếng cầu nguyện lén lút - và niềm tin tôn giáo chưa tiêu tán có lúc đã vực ông lên. 

CHÂN PHƯƠNG




DƯỚI NGÔI SAO CẤM

Anh sinh ra dưới ngôi sao cấm
dạt bờ xua đuổi lang thang
bọt trời hư không tóm lấy
giỡn đùa rồi ném trả về.
Anh không hiểu tại sao anh sám hối?
nơi đây mọi bí ẩn thì thào,
ai dưới bến bờ kia, đừng chạy
trên bờ cát lún sẽ gặp anh.
Và em cũng đừng sợ, đừng trốn anh,
suỵt! đừng sợ hãi
hãy siết chặt anh bằng đôi mắt nhắm
siết chặt đi! như thể đâm dao.
Hãy điên cuồng hãy hành quyết cho em,
như dưới kia kẻ âm hành đêm tối
bờ vai em hãy giúp bờ vai anh
anh không còn chịu nổi!
Anh không ước được sinh ra
hư vô sinh ra và cho anh bú
hãy yêu anh trong tối đen và nghiệt ngã,
như yêu người âm của kẻ bị bỏ rơi.


CẢ THIÊN THẦN ÁNH SÁNG 

             ( Kỷ niệm về một Noel đại chiến)
Bầu trời tăm tối
như thể đám mây tối đen
của phán xử cuối cùng đổ xuống đầu ta
và trái đất cũng thoắt trở nên tăm tối.
Trái tim nhỏ dại của ta nặng trĩu làm sao!
Những ngôi nhà, những khu vườn,
cùng toàn bộ thế gian mỏng manh,
ta linh cảm, cùng ta run rẩy.
Rồi bỗng nhiên, trong thoắt lặng yên,
êm ái bất ngờ,
giữa tuyết rơi êm đềm
lặng thinh mềm mại,
như thể lung linh chói sáng, bông tuyết bay
chạm đất đen gìn giữ,
cả thiên thần ánh sáng,
cũng chạm gót thế gian.


SA MẠC TÌNH YÊU

Một trong những bài thơ tình yêu địa ngục gây chấn động tâm can của Pilinszky János, nhan đề gợi nhớ đến cuốn tiểu thuyết của François Mauriac (LE DÉSERT DE L'AMOUR) mà ông rất yêu mến, và nội dung ăm ắp cảm giác ê chề, bị sỉ nhục của giới văn nghệ sĩ Hungary phải chịu đựng trong những năm 1950 vì sự cấm đoán kiểm duyệt của chính quyền đương thời, làm sống lại những ấn tượng đã in khắc vào tâm trí nhà thơ khi chứng kiến những trại tập trung của Đức quốc xã, hủy diệt dân Do Thái cuối Đại chiến II.- NHN

Một cây cầu, con đường bê tông cháy bỏng,
nắng lột ngược mọi ngăn túi của mình,
hết thảy phô bày lần lượt.
Em - chính nỗi thờ ơ bất động giữa hoàng hôn.
Phong cảnh tựa đáy hố sâu nham nhở;
những vết sẹo rãy bỏng ảo ảnh bóng mờ.
Hoàng hôn đổ. Trân trân ánh rạng,
nắng chói chang. Mùa hạ này, không bao giờ anh quên.
Là mùa hạ và nóng như chớp lửa.
Đứng im lìm, anh biết, những đôi cánh chẳng run
một bầy gà, như những thiên thần 
trong lởm chởm tường gai, chuồng vây hãm.
Em còn nhớ không? Trước tiên là gió;
rồi đến đất; và rồi đến chuồng.
Lửa và phân. Đôi ngày
vài ba tiếng vỗ cánh, dăm phản xạ thừa.
Và cơn khát. Phút giây anh xin uống
đến hôm nay từng ngụm bỏng, anh vẫn nghe
anh gắng chịu bất lực như đá
và dập tắt mọi ảo ảnh biến tan. 
Tháng năm trôi, năm tháng và niềm tin -
như giữa rác rơm chiếc nồi nhôm lăn lóc.
  • Nguyễn Hồng Nhung dịch từ bản tiếng Hung