Saturday, January 2, 2016

Cuộc đời của một “giáo hoàng văn học”




Cách đây ít lâu, tại Việt Nam xuất hiện bản dịch cuốn Những con bệnh khó chiều – cuộc đối thoại văn học giữa Peter Voss với Marcel Reich-Ranicki. Cuốn sách so sánh mối quan hệ giữa nhà phê bình văn học với các nhà văn chẳng khác nào vị bác sĩ với những con bệnh khó chiều. Cuốn sách không gây được sự chú ý lớn với học giới lẫn người đọc bình thường. Đơn giản, cái tên “vị giáo hoàng của văn học Đức” – Marcel Reich-Ranicki xem ra hãy còn quá xa lạ với người đọc Việt Nam.

Cho đến gần đây, cuốn tự truyện Đời tôi (*) của Marcel Reich-Ranicki (1920-2013) được xuất bản, có thể từ đây, giới văn chương và độc giả văn học tại Việt Nam sẽ phải chú ý đến tên tuổi này, không phải vì bản thân sự nghiệp phê bình rất đồ sộ của ông, mà còn bởi tiểu sử rất đặc biệt của một cá nhân gắn với cuộc chiến tranh thế giới thứ 2.





Cuốn Đời tôi trước hết, là tự thuật của tác giả về cuộc đời mình – một người Ba Lan, gốc Do Thái, tiếp cận và say mê ngôn ngữ và văn học Đức từ nhỏ. Và sau đó, là cách thế để một con người “không được nước Đức trải thảm đỏ đón tiếp” trở thành một nhân vật uy quyền trong học giới (đến 98% người Đức được hỏi biết đến tên ông, được trao 9 bằng tiến sĩ danh dự và 30 huân chương, giải thưởng lớn).

Marcel Reich-Ranicki ghi chép lại những ngày tháng khốc liệt diễn ra trong các khu tập trung người Do Thái (ghetto), phơi bày lên trang viết sự tàn bạo, cái ác, cái phi nhân tính của Đức quốc xã bên cạnh những nỗ lực nội tại giúp người Do Thái vượt qua ám ảnh cái chết đang rình rập từng ngày từng giờ: những sinh hoạt văn chương, âm nhạc trong các khu ghetto được tổ chức và từ đây xuất hiện những tài năng nghệ thuật, trí thức yểu mệnh. Bên cạnh tấn bi kịch lớn của một dân tộc, ông thuật lại câu chuyện tuyệt cảm động về tình yêu của mình với Tosia. Nhờ tình yêu lớn lao, họ đã vượt qua nguy khốn và cái chết ra sao để đến với nhau và trở thành vợ chồng.

Một chi tiết có thể khiến người đọc rơi nước mắt, đó chính là việc Marcel Reich-Ranicki phải giải thích với cha mẹ mình về việc đã đến lúc họ bị chuyển khỏi khu ghetto để ra đi đến với những phòng hơi ngạt ở Treblinka.

Đoạn mô tả rất ngắn gọn nhưng đau đớn: “Bố tôi ngơ ngác nhìn tôi, còn mẹ tôi quá đỗi bình thản. Bà ăn mặc tề chỉnh, khoác chiếc áo măng tô màu sáng mang theo từ Berlin. Tôi biết mình đã nhìn mẹ lần cuối. Những lời cuối cùng Tosia nghe được từ mẹ tôi là: “Con hãy chăm sóc Marcel”.

Nhưng phần quan trọng khác trong cuốn tự truyện Đời tôi, là câu chuyện một trí thức gốc Do Thái thoát chết khỏi bàn tay Đức quốc xã, trở thành một nhà phê bình văn học độc lập đúng nghĩa trong lòng một nước Đức hậu chiến đầy phức tạp. Không nói thẳng thừng, nhưng trong nỗ lực đi đến cái kết có hậu trong sự nghiệp văn chương, Marcel Reich-Ranicki cho thấy một bản lĩnh lớn của kẻ vượt qua những sai khiến, điều khiển của đời sống chính trị để chọn cho mình một con đường tự do.

Câu chuyện nghề của tác giả bắt đầu từ cuộc trở lại Berlin và tìm cách hòa nhập vào báo giới, chật vật kiếm sống, khẳng định tên tuổi, uy tín trên các báo, với các bài điểm sách những năm cuối 1950. Có hai quan điểm rạch ròi làm nên quyền năng của “vị giáo hoàng văn học Đức” mà những cây bút phê bình văn học hiện đại (đặc biệt tại Việt Nam) có thể quan tâm tham khảo: “Như mọi nhà phê bình, tôi muốn giáo dục, nhưng không phải các văn sĩ. Một nhà văn chấp nhận được giáo dục, thì không đáng được giáo dục. Tôi nhắm đến công chúng, đến độc giả. Nói thật đơn giản: tôi muốn giải thích cho họ tại sao những quyển sách theo tôi là hay đẹp lại hay đẹp, tôi muốn khuyến khích họ đọc những quyển ấy” (trang 391). Quan niệm như thế, Marcel Reich-Ranicki tránh biệt ngữ hàn lâm (hay ra vẻ hàn lâm) trong các bài phê bình, và ông tiếp cận, phủ sóng văn học đến công chúng từ mọi “kênh”: viết báo, trò chuyện trên đài truyền thanh qua hai talk show nổi tiếng có tác động đến thẩm mỹ đại chúng: Quán cà phê văn học trên truyền thanh và Bộ tứ văn học trên truyền hình ZDF.

No comments: