Sunday, January 24, 2016

Thần thoại hóa hiện thực


LÊ HUỲNH LÂM

"Nghệ thuật không phải là vẽ lại các đồ vật, con người mà họa sĩ thấy. Nghệ thuật phải là sáng tạo nên các đồ vật, con người không thấy được."(Paul Klee)

Con đom đóm

Những thập niên đầu thế kỷ XXI, nghệ thuật tạo hình của người Việt Nam ở nước ngoài đã phần nào tiếp cận được nền hội họa thế giới, không kể đến thế hệ tiên phong vào thế kỷ XX như các họa sĩ Lê Văn Đệ, người Á đông đầu tiên được nhận vào hội nghệ sĩ Quốc gia Pháp; họa sĩ Lê Phổ định cư ở Pháp năm 1937, vào năm 2014 tác phẩm "Nhìn từ đỉnh đồi" được đấu giá lên đến 840.000 đô la; nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị được bầu làm Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học, văn học và nghệ thuật châu Âu vào năm 1992, và tên bà được ghi vào danh sách những tài năng lớn của nghệ thuật thế kỷ XX trong từ điển Larousse. Gần đây xuất hiện họa sĩ Nguyễn Đại Giang ở Mỹ, họa sĩ Nguyễn Đình Đăng ở Nhật. Đặc biệt, trường hợp Nguyễn Đình Đăng, ông là một nhà khoa học, tiến sĩ vật lý chuyên ngành hạt nhân, nhưng trong lĩnh vực hội họa ông đã khiến mọi người ngạc nhiên với rất nhiều cuộc triển lãm quốc tế và nhiều giải thưởng danh giá. Sau những chuyến thuyết trình về hội họa do trường Mỹ thuật Hà Nội mời, ông đã góp phần mở ra cho nền hội họa Việt Nam những cái nhìn khác về nghệ thuật và kỹ thuật của màu sắc trong hội họa. Đặc biệt buổi nói chuyện về kỹ thuật sơn dầu, về lý thuyết tương tác giữa các màu sắc, và những cuộc trao đổi về hội họa của ông đã thổi luồng không khí sôi động trong giới họa sĩ trẻ trong nước. Ngoài lý thuyết về hội họa mà ông đã nghiên cứu và thể nghiệm, Nguyễn Đình Đăng đã sáng tác nhiều tác phẩm và nhiều lần triển lãm để lại ấn tượng mạnh nơi người xem.

Sắc màu băng tuyết 

Nếu quan sát quá trình sáng tác của họa sĩ này, chúng ta có thể nhận ra màu sắc trong tác phẩm của ông thuộc về vùng trời phía cực bắc, nơi đó từng lớp mỏng của nền trời được ông kéo vào không gian của trí tưởng tượng với nhiều áng mây mỏng thật mềm xếp chồng lên nhau. Màu sắc của diệp lục tố khi đã về chiều gợi cảm giác cô quạnh, sắc xanh nhạt kéo xa ánh nhìn của người xem vào thế giới bất tận, thỉnh thoảng những dát vàng như cứu vớt cho những giấc mơ của con người, như “Những bài thơ của cha”, “Ma trận linh thiêng”.

Không gian, thời gian và sự chuyển động 

Yếu tố không gian là điều bất biến trong cuộc sống cũng như trong hội họa, nhưng không gian trong tranh của Nguyễn Đình Đăng dàn trải dẫn đưa trí tưởng người xem đến một chân trời rất xa, như câu thơ trong Truyện Kiều Cỏ non xanh tận chân trời; ngược lại với khoảng cách xa xăm do kỹ thuật hội họa tạo nên và phần nào đã bị giới hạn do cấu trúc của nhãn quan và hệ thần kinh thị giác của người xem là những hình thể rất gần như để lột tả hiện thực của cuộc sống trơ trụi. Điều khác lạ trong khi biểu hiện không gian trong tranh của Nguyễn Đình Đăng là yếu tố thời gian, chính sự chuyển động trong tác phẩm của ông đã làm nên chiều thứ tư bí ẩn trên bề mặt phẳng của chất liệu, như tác phẩm “Lối ra”, “Con đom đóm”. Người xem như dự phần vào không gian đó, nên đã hóa thân thành một hình thể vào trong tác phẩm lúc nào mà không hay.
Lối ra



Thần thoại trong hiện thực và những giấc mơ 

Một trong những điều gây ám ảnh và ấn tượng mạnh nơi người thưởng ngoạn chính là sự nối ghép giữa các hình thế để tạo ra yếu tố thần thoại đã bị đánh mất trong cuộc sống hiện thực. Như những hình người có đầu của bạch tuộc, hoặc sự biến dạng của chiếc đàn dương cầm, chính là sự tương đối qua lăng kính của mỗi người khi nhìn sự vật ở nhiều góc độ khác nhau.

Cũng như hình tượng nàng tiên cá, hình tượng rồng đã xuất hiện trong dân gian, Nguyễn Đình Đăng đã tạo ra những hình tượng mới cho thần thoại, trong thần thoại luôn có thiện và ác. Chúng ta có thể nhìn thấy trong tác phẩm của Nguyễn Đình Đăng hai cực của tính biểu tượng. Như tác phẩm “Giấc mơ bạch tuộc”, “Ánh trăng”, “Những con chim không đầu”, “Công cua”, đã gợi nhắc đến một xã hội biến thái, hủy hoại môi trường sống của con người và bị môi trường tác động ngược trở lại. Những hình thể lơ lững hoặc những ước lệ tương đối ẩn hiện trong tác phẩm của ông gợi tưởng đến nhà vật lý lừng danh Isaac Newton cũng như con người vĩ đại đẻ ra thuyết tương đối Albert Einstein. Phía đằng sau những biểu tượng đó là cả niềm hưng cảm thần bí về tôn giáo.
Ánh trăng
Giấc mơ bạch tuộc



Chỉ nhìn tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Đình Đăng qua màn hình computer đã nhận ra được tầm vóc của nhà khoa học thật thụ, nếu có cơ hội đứng trước các tác phẩm của ông có thể cảm xúc của người xem được nhân lên bội phần. Sức mạnh của loại hình nghệ thuật siêu ngôn ngữ này ở trực quan và tùy vào trạng thái tinh thần của người xem. Điều mà thiên nhiên đã ban phát một cách công bằng cho loài người, không phân biệt giai tầng. Cũng như vậy khi nghe một tiếng chuông ngân, tiếng chim hót, con suối róc rách hay lời thì thầm của dòng sông, hoặc nhìn ban mai rung rinh trên phiến lá màu lục non, ngắm nỗi buồn ánh trăng loang trên mặt sông và thả cái nhìn sâu hút vào khoảng chiều tà bát ngát thì mỗi người sẽ cảm nhận theo một thể cách của mình, điều mà mọi người đều biết là tùy theo căn nghiệp; căn nghiệp ở đây chính là bề dày của văn hóa, chiều sâu của tâm linh và sự trong veo của những tâm hồn thơ mộng.

Xem tranh của Nguyễn Đình Đăng, như nghe ông kể về từng giấc mơ của mình, nơi cảnh giới mà Freud dành suốt một đời để ghi danh tính lên đó, bao gồm cả thiện ác. Trong cơn ác mộng của thế giới, Nguyễn Đình Đăng muốn xua tan nó bằng nghệ thuật tạo hình của mình với niềm mong mỏi là khơi dậy thiện căn trong mỗi cá thế qua các thần thoại. Điều đó phải chăng là thông điệp của hội họa Nguyễn Đình Đăng: Thần thoại hóa hiện thực.

Huế, 10/2015 
L.H.L 
(SDB19/12-15)



No comments: