LTS: Cuộc trao đổi dưới đây giữa nhà văn Phùng Nguyễn và nhà thơ Hoàng Hưng được thực hiện qua email trong tháng 9 và 10 năm 2015, được hai bên dự định công bố vào cuối tháng 11 năm 2015. Không ngờ, nhà văn Phùng Nguyễn từ trần ngày 17 tháng 11 năm 2015. Nay nhà văn Hoàng Hưng đề nghị công bố bài phỏng vấn như một nén nhang thắp trước di ảnh nhà văn Phùng Nguyễn nhân dịp 49 ngày mất của anh. Sự hiển thị của “Ba Câu Hỏi” trong ngày đầu tiên của năm 2016 cũng là cách ghi nhớ ngày sinh nhật mùng Một tháng Giêng, cùng những nguyện vọng bất tử của người đồng sáng lập tạp chí văn chương mạng Da Màu.
Chị Chỉ ba con năm em tìm thấy Lá
Xòe tay phủ mặt Chị không nhìn! *
Phùng Nguyễn:
Tìm đủ ba câu để hỏi nhà thơ Hoàng Hưng mà không phải lập lại của người khác cũng đủ gây nhiều phiền hà cho người viết. Bởi vì ai cũng biết là, ít nhất, một trong số những câu hỏi chém chết cũng liên quan đến vụ án Về Kinh Bắc (VKB), bắt nguồn từ tập thơ nổi tiếng của nhà thơ Hoàng Cầm.
Năm năm về trước, nhà thơ Hoàng Hưng cho công bố trên mạng talawas một bài viết trong đó ông kể lại diễn tiến của vụ án Về Kinh Bắc một cách khá chi tiết. Sau đó, thỉnh thoảng ông cũng có trở lại với đề tài này trong một số bài viết khác. Sẽ là bất công nếu buộc ông phải lập lại những điều đã nói, cho nên, chọn lựa còn lại của người phỏng vấn là đề nghị nhà thơ Hoàng Hưng chia sẻ với bạn đọc những điều chưa nói hoặc/và những điều còn chưa nói hết trong vụ án Về Kinh Bắc.
Thưa anh Hoàng Hưng, là “một trong số những nhà thơ trẻ nổi bật của ‘thế hệ chống Mỹ’”, và mặc dù “tư tưởng ngày càng ‘diễn biến hòa bình’ do tác động của cuộc sống và sách vở tàn dư của chế độ Sài Gòn,” vào năm 1982 anh không phải là người bị chế độ chú ý cho đến khi anh, con cá hẩm hiu, vô tình chui đầu vào lưới. Đã ba mươi năm trôi qua kể từ ngày anh ra tù (31/10/1985) sau khi nhà cầm quyền “cất vó” Về Kinh Bắc và trao tặng anh 39 tháng tù giam. Nhìn lại, vụ án Về Kinh Bắc đã đóng vai trò gì trong đời sống, trong tư duy, và trong hành động của Hoàng Hưng suốt ba thập kỷ qua?
Hoàng Hưng:
Ở tù, nhất là tù Cộng sản, dĩ nhiên là khổ. Không ít người đã chịu nhiều đau thương, bị tra tấn, hành hạ dã man, thậm chí bị giết dần trong lao tù và các trại cải tạo. Riêng chế độ lao tù của tôi thì không đến nỗi quá khắc nghiệt, có lẽ do hoàn cảnh chung của Việt Nam lúc đó kiệt sức sau khi bị Tàu Cộng đánh phá nên buộc phải “mở trại” cho các gia đình tù nhân thả sức tiếp tế. Với tôi, đáng lên án nhất là việc bắt tôi đi tù 39 tháng đã gây cho gia đình vợ dại con thơ của tôi rất nhiều khổ sở.
Sau 30 năm, giờ nhìn lại, tôi hơi thấy buồn cười là có khi mình phải cảm ơn thời kỳ ấy!
Đầu tiên là nhờ nó mà tôi học được tiếng Anh. Sau thời gian đi “cung” liên tục căng thẳng đầu óc, thì tôi giành toàn bộ thời gian từ lúc mở mắt đến khi nằm lăn ra ngủ để… tự học. Vì ở ngoài lo chạy ăn tối ngày không bụng dạ nào mà học. Trong xà lim tôi tự học qua sách Ngữ pháp tiếng Anh (của VN), từ điển Anh-Pháp bỏ túi (của Pháp), và báo Moscow News (của Liên Xô)! (Lần đầu sang Mỹ năm 2003, phải “lecture” về Thơ VN hiện đại ở Đại học Washington, khi tôi xin “excuse my English…” vì lý do tự học như trên, nói không chuẩn nghe không rành, cả phòng vỗ tay hồi lâu!). Ra tù một cái là kiếm sống bằng dịch các bài báo, và cuốn sách đầu tiên: “The Jungle Book” của R. Kipling. Với cái vốn khởi đầu ấy, tôi bắt đầu tìm hiểu thơ Mỹ, vừa dịch vừa học, đến nay cũng ra được vài tập. Cái này giống nhà thơ Tuân Nguyễn bị tù thời “Xét lại”, (tình cờ trước đây cũng ở trại Cẩm Thủy Thnh Hóa như tôi), trong tù anh tự học tiếng Nga và ra tù trở thành dịch giả, mở đầu là cuốn “Chó Bim trắng tai đen”.
Do tập trung học tiếng Anh suốt ngày, đêm đến tôi ngủ rất ngon. Một sáng sớm tỉnh dậy thấy “Ông quản giáo” đứng ngoài song sắt nhìn mình từ lúc nào, “ông” thốt lên: “Thằng này trông như đ. phải tù!”
Thứ hai: nhờ thời gian tù mà tôi có được 30 bài thơ, chủ yếu làm trong đầu, ra tù nhớ lại, rồi thêm bớt, thành tập “Ác mộng”, trong đó có những bài được nhiều người đọc tán thưởng, như “Một ngày”, “Người về”, “Mùi mưa hay bài thơ của M.” Cũng nhà tù đã tạo cho tôi một bước ngoặt về thi pháp, từ lãng mạn, ấn tượng, vụt hiện… qua một thứ “tân cổ điển” hay có nhà nghiên cứu gọi là “hiện đại Á châu”. Hình như… đau đời, tâm tư hơn?
Tóm lại, ở tù là mất tự do, nhưng trong hoàn cảnh ấy tôi vẫn cố giữ cho mình một “tự do nội tâm” không ai xâm phạm được. Và cũng như thế, khi ra sống ngoài “nhà tù lớn”, tôi vẫn cố giữ lấy tự do cá nhân của mình, mà “quản ngục” bây giờ, ngoài Ban Tuyên giáo của đảng Cộng sản, còn có anh chàng rất lợi hại mang tên “danh – lợi”.
Điều hết sức quan trọng nữa: Ở tù ra, tôi dứt điểm được cái tư cách “cán bộ báo chí hạng bét”, chân trong-chân ngoài, chân ngoài dài hơn chân trong hay đồng sàng, dị mộng mà trước đây dù sớm chán ghét nhưng mãi không đủ dũng cảm để từ bỏ; tự nhiên được đứng hẳn vào hàng ngũ “bên lề” cùng với các đàn anh Nhân Văn-Giai Phẩm, Xét lại…, để đến khi “Đổi mới” rồi khi phong trào Dân chủ nhóm lên, tôi thoải mái tham gia như cá gặp nước, như hổ về rừng, chẳng vướng bận chút quyền lợi gì do chế độ bố thí, kể cả các thứ “bánh vẽ”, nên không hề lâm cảnh ngộ “há miệng mắc quai” như một số người khác. Thử hình dung: Nếu không bị tù, thì giờ này tôi có thể vẫn chỉ là một chú bé nhiều tuổi viết báo “lề phải” lăng nhăng, viết theo chỉ đạo của “trên”, thỉnh thoảng “ghé gẩm” vài chữ nói kháy, chọc ngoáy tí ti cho bõ tức là cùng chứ gì?
Ra tù, sau vài năm luyện “nghề báo thứ thiệt” tại vài tạp chí khoa học, kinh tế, với sự dẫn dắt của anh em họa sĩ-nhà báo Sài Gòn Hoàng Ngọc Biên-Hoàng Ngọc Nguyên (trước khi vào tù tôi chỉ quen làm báo “bao cấp”, tức “giả báo”), gặp lúc báo Lao Động làm cuộc “cách mạng” với tờ Lao Động Chủ nhật vào năm 1990, chính cái lý lịch “tà-ru” (“bộ lạc tà-ru” là sáng tạo của André Menras, cựu tù Côn Đảo dưới chế độ Sài Gòn) của tôi đã khiến Tổng biên tập “Đảng viên nhưng mà tốt” là Tống Văn Công khoái chí mời về phụ trách trang Văn hóa-Văn nghệ cùng lúc với họa sĩ Chóe “cựu tù double”. Một thời gian ngắn ngủi nhưng hạnh phúc của tôi trong nghề báo chính là ở báo này, cùng làm việc với những nhà báo dày kinh nghiệm của Sài Gòn cũ: Lý Quý Chung, Trần Trọng Thức… và những cây bút cấp tiến tài hoa của miền Bắc như Lưu Trọng Văn. Tôi còn nhớ khi được mời làm Trưởng ban VH-VN, tôi từ chối, với lý do “quan điểm của tôi không giống quan điểm Ban Tư tưởng Văn hóa của Đảng” thì các vị lãnh đạo Báo lại bảo: “Thế mới cần đến anh chứ!” Tôi đã thể hiện rõ quan điểm của mình trong những bài giới thiệu các nhân vật Nhân Văn-Giai Phẩm như Nguyễn Hữu Đang, Hoàng Cầm, Đặng Đình Hưng, bênh vực tiểu thuyết “Miền hoang tưởng” của Nguyễn Xuân Khánh (bị báo Công an và Tuyên giáo đánh), quảng bá tranh trừu tượng, minh oan cho Alexandre de Rhodes… Còn Lưu Trọng Văn thì đã đăng bài phỏng vấn một nghệ sĩ danh tiếng về Đảng, với cái tít: “Đảng phải tự lột xác nếu không muốn bị lột xác!”. Tất nhiên làm báo kiểu chúng tôi thì chẳng mấy chốc bị tuýt còi. Vì không muốn gây phiền cho tờ báo mà mình đang làm việc, tôi đã viết đơn “xin từ nhiệm trưởng ban” sau khi công bố tập thơ “Người đi tìm mặt” (1994) trong đó có mấy bài Thơ Tù (công an đã “hành” nhà thơ Quang Huy, Giám đốc NXB một thời gian khá dài, và “méc” ông Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động là chủ quản báo Lao Động của tôi).
Cũng thời gian này, tôi cùng với cố nhà văn Nhật Tuấn làm tập san văn chương Văn học & Dư luận (do nhà văn Nhật Tiến tài trợ), ra được mấy số thì… bị rút giấy phép, sau khi đăng bài thơ “Phận chó” của cố họa sĩ Tường Vân ở Hải Phòng (… bảo ra đường/ ra đường/ bảo vào gầm giường/ vào gầm giường/ bảo sủa/ sủa/ bảo im/ im/ cứ thế triền miên/ một đời con chó).
Báo Lao Động thời Đổi mới nhanh chóng tan đàn xẻ nghé vì nội bộ mất đoàn kết tạo cớ cho lãnh đạo cao cấp của Đảng và An ninh can thiệp. Không còn diễn đàn trong nước, thì gặp lúc nhà văn Phạm Thị Hoài mở trang mạng talawas ở Berlin, tôi đã sớm cộng tác với nó và trở thành biên tập viên công khai, chuyên về văn hóa văn nghệ quốc nội, rồi người viết mục bình luận. Talawas nghỉ, thì xuất hiện Bauxite Vietnam, tôi cũng vinh dự tham gia từ những ngày đầu rồi làm BTV cho nó cho đến khi vanviet.info ra đời.
Tóm lại, ra tù tôi mới được làm báo “thứ thiệt”, báo “lề giữa” và “lề trái”!
Cũng do thân phận công dân hạng hai của một kẻ có “tiền án tiền sự”, tôi biết mình phải tự lo lấy việc xuất bản thơ phú của bản thân, không hòng mong được người ta đem tiền thuế của dân mà in sách cho mình. Sau “Đổi mới”, tôi là kẻ đầu tiên bỏ tiền tự in “Thơ ngoài luồng” với giấy phép mua của các nhà xuất bản (“Ngựa biển” 1988, sau đó là “Người đi tìm mặt”, “Hành trình”, “Thơ Federico Garcia Lorca”, mới nhất là “Bài hát chính tôi” của Walt Whitman). Đó là không kể mấy cuốn sách dịch được tài trợ của nước ngoài (Thơ Apollinaire, 15 nhà thơ Mỹ TK XX, Thơ André Velter, “Trường ca Aniara” của Harry Martinson, tiểu thuyết “Đồ vật” của Georges Perec). Đến những năm gần đây thì cái tên tôi rất khó qua nổi bàn duyệt của Cục Xuất bản, tôi bèn tự làm tủ sách HHEBOOK (vào năm 2012, dịp tôi tròn 70 tuổi) để tự quảng bá online.
Tôi có một nguyên tắc hoạt động, có lẽ cũng từ kinh nghiệm “làm việc với công an” những ngày ở tù: công khai danh tính và việc làm mọi lúc mọi nơi, không có gì là “bí mật”. Tôi cho đó là cách tự bảo vệ an toàn nhất, vì như thế tránh được mọi sự suy diễn, đơm đặt bất lợi cho mình. Tất nhiên mình phải tin ở chính nghĩa của những việc mình làm.
Trong tù, tôi có những giấc mơ lạ, đến nay cũng chưa lý giải nổi. Tôi thường mơ thấy mình ở trong một ngôi chùa, chơi với các sư và ni cô; có lúc sư dạy tôi nhảy cao lên tận xà ngang chánh điện, có lúc Phật Bà cho tôi một cái chiếu, tôi ngồi lên, chiếu bay ra ngoài cửa sổ đưa tôi đi một quãng rất xa, rồi… lại bay về; có lúc ngồi thuyền với các ni cô đi chơi Hồ Gươm… Nhưng lạ nhất là một đêm, một ni cô nhìn thẳng vào tôi và đọc hai câu này: “Muốn giữ đầu lên cầu mà đứng/ Đi đến gần thì bưng lấy đầu”. Tôi sực tỉnh, ghi nhớ mãi hai câu ấy. Phải chăng đó chính là nguyên tắc xử thế mà ni cô muốn dạy tôi? Chuyện có vẻ hoang đường, nhưng sau khi ra tù, tôi mới được biết nơi giam giữ tôi nguyên là đất của một ngôi chùa làng.
Phùng Nguyễn:
Một trong những chi tiết lý thú mà nhà thơ Hoàng Hưng nhắc đến trong bài viết đã dẫn là “Về Kinh Bắc bắt đầu thành vấn đề nghiêm trọng chính là vì mấy bài thơ này ** được in trên một tờ báo ở Pháp kèm theo lời bình mang tính chống đối chính trị.” Và “vấn đề nghiêm trọng” này đã dẫn đến việc nhà thơ Hoàng Hưng, cùng với tác giả Hoàng Cầm, vào mùa Thu năm 1982, phải đi tù 3 năm 3 tháng. Hơn 30 năm sau, nhà văn Trần Đĩnh, tác giả của Đèn Cù, một hồi ký không những với nội dung không được hiền lành như Về Kinh Bắc mà còn được xuất bản và phát hành rộng rãi tại Hải ngoại vừa trở về Việt Nam sau một chuyến xuất ngoại mà không rụng bất cứ sợi lông chân nào. Như vậy, có thể kết luận là xã hội Việt Nam đã có những tiến bộ nhất định về các mặt tự do tư tưởng, tự do ngôn luận. Có nên ghi công đầu cho “nỗ lực dân chủ hóa đất nước” của nhà cầm quyền về tất cả những thay đổi khí hậu này hay không, thưa anh Hoàng Hưng?
Hoàng Hưng:
Tất nhiên, nếu là những năm 1980, thậm chí 1990, thì viết lách, hành động như tôi bây giờ chắc chắn phải “đi” lần hai rồi chứ, mà phải là “đi suốt”! (trong những ngày tôi ở tù, vợ tôi đi xem bói, một cô bói rất trẻ ở đường Trương Minh Giảng cũ – Lê Văn Sĩ hiện nay – nói ngay là tôi đang bị tù, và dọa: sau này nếu không chịu tu, sẽ tù lần nữa!). Vậy thì có thể nói như anh là “xã hội VN đã có những tiến bộ nhất định về các mặt tự do tư tưởng, tự do ngôn luận”. Song đó là do công của ai? Chắc chắn không hề là công của nhà cầm quyền! Tất cả những việc nhà cầm quyền làm có vẻ “xả” hơn trước về Dân chủ cho đến nay chỉ là “đối phó tình thế” với diễn biến của tình hình chính trị xã hội trong nước và quốc tế. Tôi chưa hề thấy họ chủ động tiến bước trên con đường dân chủ hóa (hay nếu có thì chỉ là vài bước rụt rè, “bước đi một bước giây giây lại dừng”), mặc dù rất nhiều người tâm huyết, trí thức và cựu công thần của chế độ đã mỏi mồm vạch ra một lộ trình rất an toàn cho công cuộc dân chủ hóa, mặc dù đã có những tấm gương khá thuyết phục như Myanmar, mặc dù kẻ mà họ sợ nhất là chính quyền Mỹ đã thề thốt không tìm cách thay đổi chế độ của VN… Nói gọn, họ không hành xử như trước vì họ không còn khả năng hành xử như trước. Chúng tôi không bao giờ ngây thơ tin vào thiện chí của những người muốn bám víu quyền lực toàn trị đến phút cuối cùng và bằng mọi giá. Chúng tôi cứ làm những việc mà chúng tôi thấy là đúng đắn, có lợi cho đất nước, cụ thể là cho văn hóa giáo dục của người Việt, không xin và không đợi ai cho, như một bộ sách giáo khoa theo quan điểm hiện đại (của nhóm Cánh Buồm do nhà giáo dục Phạm Toàn chủ biên), như một diễn đàn tự do cho các nhà văn trong – ngoài nước (vanviet), như một Quỹ quà Tết cho Tù nhân Lương tâm…; còn nhà cầm quyền xử sự thế nào I don’t care (đó là câu trả lời ngắn gọn cho câu hỏi quan ngại của một giáo sư Mỹ sau khi tôi đọc Thơ Tù trên hội trường của trường Columbia College Chicago năm 2003).
Phùng Nguyễn:
Khi chuyển cho nhà thơ Hoàng Hưng bản thảo bài viết “Văn đoàn Độc lập Việt Nam, Sự kiện hay Cước chú?” để “tùy nghi,” người viết không chắc lắm về phản ứng của ông và của Ban Vận động Thành lập Văn đoàn Độc lập Việt Nam (BVĐ). Trong khi không giấu giếm cảm tình dành cho Văn đoàn Độc lập, bài viết phản ảnh những quan ngại về đường đi nước bước của tổ chức này trong tương lai, đặc biệt về sự “hợp cách” (legitimacy) của một văn đoàn mà nhìn từ nhiều góc độ, không thể được xem là thực sự hiện hữu. Tuy nhiên, bài viết cũng không quên chỉ ra những vận động sáng tạo của BVĐ trong việc xây dựng mạng Văn Việt để ngồi vào chiếc ghế trống dành cho Văn đoàn Độc lập.
Chỉ trong một thời gian tương đối ngắn, Ban Vận động Thành lập Văn đoàn Độc lập Việt Nam, qua mạng Văn Việt, đã có những thành tựu đáng kể trong nỗ lực thực hiện các mục tiêu hướng tới một nền văn học đích thực. Nhà thơ Hoàng Hưng giữ một vai trò trọng yếu trong việc điều hành và phát triển mạng văn học này.
Một ngày của mạng Văn Việt?
Hoàng Hưng:
Trước hết, tôi xin phép cải chính: Hoàng Hưng không giữ “vai trò trọng yếu” ở trang mạng văn học này. Mạng Văn Việt có một nguyên tắc được đề ra ngay từ đầu và vẫn duy trì đến nay: việc điều hành mạng mang tính tập thể. Không có Tổng biên tập, mỗi biên tập viên (BTV) tự chịu trách nhiệm phần của mình, người điều phối chỉ tập họp bài vở và nhắc nhở, trao đổi nhận xét với từng BTV khi cần thiết. Ban biên tập (BBT) Văn Việt bao gồm những nhân vật rất uy tín như nhà ngữ học Hoàng Dũng, nhà văn Ngô Thị Kim Cúc, nhà thơ Ý Nhi, nhà thơ Bùi Chát, nhà thơ Lê Hoài Nguyên (tức cựu đại tá an ninh Thái Kế Toại), nhà văn Đặng Văn Sinh, nhà văn Nguyễn Quang Lập (trong gần 2 tháng đầu), nhà văn Dạ Ngân (trong gần một năm đầu), nhà thơ Giáng Vân (trong một thời gian)… Nếu có những ý kiến khác nhau, nhà văn Nguyên Ngọc chủ nhiệm trang mạng sẽ là người có ý kiến quyết định, nhưng thực tế rất hiếm khi có sự khác biệt lớn giữa các BTV về quan điểm bài vở. Vả lại, Văn Việt là một mạng văn chương “mở” trước các quan điểm nghệ thuật, với tiêu chí chung là “tự do, nhân bản” nên chấp nhận được nhiều khác biệt. Ngoài BBT, có nhiều sáng kiến xuất phát từ các thành viên BVĐ và được BBT tiếp thu nhanh chóng. Ngay cả việc post bài lên mạng cũng không trao độc quyền cho một người. Tóm lại, bất cứ ai trong BBT bị sự cố phải ngưng hoạt động, sẽ lập tức có người khác thay thế.
Cho đến nay, Văn Việt đã tồn tại được gần 2 năm, và ngày càng phát triển (ít ra là về số mục và đề tài, về số tác giả…), bất chấp sự đánh phá không ngừng nghỉ của những thế lực không ưa nó, như: đặt tường lửa, gây sức ép với các thành viên BBT, cộng tác viên… Điều đáng vui nhất là ngày càng nhiều cây bút uy tín cùng những cây bút “tương đối trẻ” và rất trẻ trong nước góp mặt trên Văn Việt (xin chỉ nêu một số tên ở diện sau như: Lê Anh Hoài, Nhã Thuyên, Phạm Phương, Phùng Thị Hạ Nguyên, Đàm Thùy Dương, Di, Lynh Bacardi, Ly Hoàng Ly, Khiêm Nhu, Nguyễn Hoàng Anh Thư, Hà Thủy Nguyên, Lê Ngân Hằng, Lý Đợi, Lê Vĩnh Tài, Tuệ Nguyên, Hà Duy Phương, Huỳnh Lê Nhật Tấn, Lưu Mêlan, Đỗ Trí Vương, Nguyễn Đăng Khoa, Tuệ Anh, Trúc Ty, Đoàn Minh Châu, Thymianka Thảo Nguyên…) Các CTV ở nước ngoài cũng khá đông đảo và phong phú, từ Mỹ, Pháp, Anh, Úc, đến Nga, Đức. Trong tình hình ấy, có những ý kiến đề xuất đã đến lúc chính thức lập ra Văn đoàn Độc lập, nhưng Ban Đại diện của BVĐ đã trao đổi đi đến thống nhất: Vì mục tiêu của Văn đoàn Độc lập là “góp phần xây dựng một nền văn học VN đích thực”, trước mắt là một nền văn học Tự do, Nhân bản – mà đó là một quá trình lâu dài chứ không thể một sớm một chiều – cho nên cần kiềm chế những bức xúc nóng vội có thể biến nó thành “anh hùng liệt sĩ” quá sớm. Văn Việt nghĩ rằng người viết văn nên giành tâm sức nhiều nhất cho trang viết của mình chứ không phải cho việc đương đầu với công an và các lực lượng khủng bố của chế độ toàn trị. Vì thế Văn Việt chọn con đường đi ở biên giới của cái “legal” và cái “illegal”, với niềm tin sẽ đến lúc hoàn cảnh xã hội cho phép nhiều thứ hiện nay bị coi là “illegal” trở thành “legal”. Tất nhiên, tích cực “xé rào” luôn luôn là phương châm hành động của chúng tôi.
“Xé rào” cũng là việc chúng tôi làm “offline” như: xuất bản sách (2 tập truyện ngắn Văn Việt) và lập Giải thưởng Văn Việt (đang bước vào xét Giải lần thứ Nhất sẽ trao vào tháng 3/ 2016).
Và cũng tất nhiên, một nền văn học Tự do, Nhân bản đòi hỏi các tác giả phải là những con người Tự do, Nhân bản, sẵn sàng lên tiếng bảo vệ Tự do của bản thân và đồng nghiệp, Tự do của người đọc, Tự do của tất cả mọi người, phản kháng mọi hành vi phản nhân văn của bất kỳ ai, bất kỳ thế lực nào. Đó chính là “thái độ chính trị” mà không nhà văn đích thực nào có thể né tránh dưới chiêu bài “nhà văn không làm chính trị”. Văn Việt là tổ chức đầu tiên lên tiếng lập tức (và sau đó cũng chỉ có 1,2 tổ chức nhà nước) khi Giàn khoan của Tàu kéo vào vùng biển Việt Nam, khi bọn khủng bố sát hại các nhà báo Charlie Hebdo của Pháp, và là tổ chức duy nhất lên tiếng khi các nhà văn-thơ Phạm Đình Trọng, Đỗ Trung Quân, Nguyễn Quang Lập bị công an khủng bố, cũng như đã tham gia với những hội đoàn dân sự khác phản đối những chủ trương, việc làm sai trái của chính quyền, bênh vực dân oan…
Để kết thúc, xin có một lời bình luận về câu hỏi này của người hỏi. Đọc bài viết mà nhà văn Phùng Nguyễn có dẫn ở trên, tôi hơi bất ngờ vì tác giả “hiểu chuyện” trong nước, chuyện Văn Việt, không như tôi chờ đợi ở một người xa VN và sống lâu năm ở một xứ “tự do” như anh. Trong khi đó, theo dõi những ý kiến trên mạng lâu lâu có liên quan đến Văn đoàn Độc lập và Văn Việt, post lên từ nước ngoài, tôi thấy cũng có những sự dị nghị, bắt bẻ, chê trách mà tôi chỉ có thể nhận xét là “thiếu thông cảm”, tuy vẫn coi đó là những yêu cầu chính đáng, “đúng như chân lý”, mà chúng tôi chưa thực hiện được.
Có một chuyện nhỏ tôi muốn kể: Năm 2000, lần đầu tiên tôi được phép ra khỏi nước, một dịch giả nổi tiếng bên Pháp đưa tôi đi chơi. Trên đường đi ông liên tục phê phán chuyện dịch thuật trong nước, nhất là của những tên tuổi đàn anh của tôi. Nghe mãi đâm “mệt”, tôi bèn ngắt lời ông: “Anh chê thì đúng rồi, và tôi thấy thế là đủ rồi. Nhưng nếu anh sống trong nước như chúng tôi bao nhiêu năm nay, liệu anh có làm được như chúng tôi không?” Ông im bặt, và từ đó… trở thành thân thiết với tôi, nhiệt tình góp ý sửa chữa tất cả những bản dịch mà tôi gửi cho ông. Hì hì…
Ghi chú:
* Nhại “Lá Diêu Bông,” một trong bộ ba Cây-Lá-Quả của nhà thơ Hoàng Cầm
** Trích Vụ án “Về Kinh Bắc”, một sự kiện “Hậu Nhân văn” của Hoàng Hưng:
Nhưng muốn hiểu vì sao có vụ án “Về Kinh Bắc”, phải ngược thời gian lên mười năm trước, khi một số bài trong bản thảo VKB bắt đầu được truyền tay hơi rộng trong giới yêu thơ, trong đó ba bài “Cây tam cúc”, “Lá diêu bông”, “Quả vườn ổi” (thường được gọi là bộ ba cây-lá-quả) được mến mộ nhất – phần quan trọng vì chúng được xì xầm diễn giải như lời oán trách của “em” (văn nghệ sĩ) với “chị” (Đảng), đại khái “em” yêu “chị”, nhưng “chị” đã lừa “em”, cho “em” ăn toàn “quả rụng”, rồi bỏ mặc “em” bơ vơ để đi lấy chồng…
TIỂU SỬ HOÀNG HƯNG
Sinh năm 1942 tại Hưng Yên. Tên khai sinh Hoàng Thụy Hưng, con thứ 6 của ông Hoàng Thụy Ba, một trong những bác sĩ y khoa đầu tiên của Đông Dương tốt nghiệp tại Pháp. Tốt nghiệp Khoa Văn Đại học Sư phạm Hà Nội. Dạy học rồi làm báo. Chuyển vào Sài Gòn sống từ 1977. Bị bắt và tập trung cải tạo (từ tháng 8/1982 đế hết tháng 10/1985) vì cầm tập bản thảo Về Kinh Bắc của Hoàng Cầm và cất giữ những phác thảo thơ của mình trong nhật ký. Trở lại nghề báo năm 1987, về hưu năm 2003, viết bài và biên tập các trang mạng talawas.org, Bauxite Vietnam, đồng sáng lập Ban Vận động Văn đoàn Độc lập VN và trang mạng vanviet.info
Hiện sống tại Sài Gòn, Vũng Tàu.
Các tác phẩm Thơ đã công bố: Đất nắng (in chung với Trang Nghị) 1970, Ngựa biển 1988, Người đi tìm mặt1994, Hành trình 2005, Ác mộng 2006 (online, talawas.org), 36 bài thơ 2008, Thơ và các bài viết về Thơ HH2012 (HHEBOOK), Các bài viết về Thơ 2012 (HHEBOOK), Poetry & Memoirs 2012 (International Poetry Library SF).
Thơ dịch: 100 bài thơ tình thế giới (chủ biên và cùng dịch) 1988,Thơ Federico Garcia Lorca 1988, Thơ Pasternak (cùng dịch với Nguyễn Đức Dương) 1988, Thơ Apollinaire 1997, Các nhà thơ Pháp cuối TK XX,2002; 15 nhà thơ Mỹ TK XX (chủ xướng, tổ chức bản thảo và cùng dịch) 2004, Thơ André Velter 2006; Thơ Thuỵ Điển (cùng dịch) 2010, Trường ca Aniara 2012, Thơ Allen Ginsberg (chủ biên và cùng dịch) 2012 (HHEBOOK), Bài hát chính tôi – Walt Whitman 2015
No comments:
Post a Comment