LÊ MINH PHONG
(Nhân đọc Van Gogh của David Haziot, Phan Hồng Hạnh chuyển ngữ, Nxb. Đà Nẵng, 2014)
Ngày 01 tháng 09 năm 1888, trong thư cho Théo, Vincent Van Gogh viết: “Trong cuộc đời và cả trọng hội họa cũng vậy, rất có thể anh bỏ qua không cần Thượng Đế, nhưng anh, kẻ khổ đau, anh không thể bỏ qua không cần tới một điều cao viễn hơn anh, chính là đời anh: quyền năng sáng tạo.” Như vậy, Van Gogh tự xưng mình là kẻ khổ đau, khổ đau để được sáng tạo. Trong nghệ thuật, điều này là hiển nhiên. Kẻ sáng tạo tất yếu phải gánh lấy những bi kịch, bi kịch mà chính anh ta không đủ quyền năng để cự tuyệt nó. Những vết chém hằn sâu trong niềm thống khổ trở thành suối nguồn sáng tạo.
Theo chân David Haziot, chúng ta biết rằng đối với Van Gogh, bi kịch trở thành một danh từ cao quý, chàng không chạy trốn bi kịch, mà ngược lại, chàng hân hoan rút tỉa năng lượng từ những bi kịch của chính cuộc đời chàng và của tha nhân. Ngay cả về sau này, trong cuốn Bi kịch, Adrian Pool cũng đã tự truy vấn rằng chúng ta có thể hình dung ra một thế giới không có bi kịch được không. Câu trả lời là không. Không thể có một thế giới thiếu vắng bi kịch. Thiếu vắng bi kịch thì thế giới ấy sẽ không có sáng tạo. Cũng nhờ lưu trú trong một xã hội nhiều bi kịch mà Van Gogh đã kiến thiết nên một hữu thể cho riêng mình, thế giới của một chàng trai tổng hợp trong mình những yếu tố của một kẻ sáng tạo, một nhà cách mạng, thậm chí là khí chất của một kẻ nổi loạn, một kẻ điên loạn, một kẻ bị trời nguyền lao vào rút tỉa thế giới không hề biết khoan nhượng.
Tròn một năm sau ngày sinh của người anh chết lúc sơ sinh, cũng mang tên là Vincent Willem Van Gogh, ngày 30 tháng 3 năm 1853 Van Gogh ra đời. Khi biết thức nhận thế giới, Van Gogh nhìn vào ngôi mộ của người anh như thể nhìn vào ngôi mộ của chính mình. Ngôi mộ mà Haziot không ngần ngại gọi làNgôi mộ biểu tượng cho một án tích. Đây có lẽ là nơi khởi đi cho những bị kịch triền miên trong kiếp sống của Van Gogh. Viện dẫn tới các nhà tâm lý học, David Haziot viết rằng: “Mặc cảm nguyên nhân gây ra cái chết cho người đi trước luôn khiến đứa bé được sống sau này không thoát ra được ám ảnh tội lỗi. Điều này thường hằn sâu trong tiềm thức và có tính quyết định trong việc hình thành cá tính…”. Như vậy, ngay từ bình minh của cuộc đời, Van Gogh đã phải cạnh tranh với một người đã chết để được sinh tồn.
Viết về cuộc đời của một kẻ sáng tạo hẳn nhiên người viết phải có bản lĩnh. Nếu không có bản lĩnh vững vàng thì Haziot không thể đi sâu thăm dò những va chấn, những khai mở về mặt nghệ thuật của Van Gogh. Nhờ có căn nền vững vàng về tâm lý học, triết học, mỹ học, xã hội học, hội họa,… mà qua từng chương sách, Haziot đã dẫn người đọc vào thăm dò thế giới của Van Gogh, một thế giới đầy xáo trộn, đầy tính gây hấn bởi sự phá bỏ những luật tắc ứng xử về mặt xã hội của chính danh họa này. Tất nhiên, để thấy được bức tranh bi tráng về cuộc đời Van Gogh qua cuốn sách của Haziot, người đọc không thể không gửi tới dịch giả Phan Hồng Hạnh một lời cảm ơn bởi sự chuyển ngữ một cách lịch duyệt của dịch giả này. Van Gogh của David Haziot đã được giải thưởng của Viện Hàn lâm Pháp vào năm 2008. Đây thực sự là một bức tranh toàn cảnh nhưng hết sức cụ thể về cuộc đời cũng như về thế giới nghệ thuật của thiên tài Van Gogh.
Trong bức tranh toàn cảnh về Van Gogh mà David Haziot đã công phu vẽ nên, có nhiều dấu mốc quan trọng trong việc hình thành nên diện mạo của chàng, nhưng điều đáng lưu ý sau Ngôi mộ biểu tượng cho một án tích là đặc điểm của gia đình và dòng họ, nơi từ đó chàng khởi đi. Dòng họ Van Gogh được xem là dòng họ có nhiều người có kiến thức ưu việt, khôn ngoan, đảm đang, thông minh,… Hơn nữa, mẹ của Van Gogh, bà Anna Cornelia Carbentus là người đàn bà có thiên phú về hội họa. Nhưng tất cả đó chưa đủ để về sau Van Gogh trở thành một thiên tài. Sâu xa nhất cho suối nguồn sáng tạo, suối nguồn phá bỏ mọi luật tục để vươn lên sáng tạo trong chàng, đó là chàng được khởi đi từ một dòng họ có truyền thống điên loạn. David Haziot viết: “Nhiều Van Gogh đã là đối tượng cho những cơn điên loạn. Chúng quật ngã họ, nhấn chìm họ vào những cơn suy nhược thần kinh trầm trọng, hoặc ngắn hoặc dài… Em của Van Gogh, Wilhelmina chết trong nhà thương điên vào năm 1941, thọ 79 tuổi; bác Cent người buôn tranh giàu có cũng bị suy nhược trầm trọng, và về sau, Cor, em trai của Vincent đã tự tử ở Nam Phi…”. Dòng máu điên loạn này đã ngầm ẩn trong con người của Van Gogh, dù ý thức hay không ý thức được nó chàng cũng đã bị/ được thừa hưởng một sự điên loạn ngầm ẩn, điên loạn để cho những ý tưởng sáng tạo, ý tưởng về sự hủy diệt và tạo sinh liên tiếp được sinh sôi từ huyết quản của chàng. Cộng thông với điều đó, Van Gogh lại ra đời trong một bối cảnh gia đình và xã hội có nhiều phiền muộn. Ông bước vào sân khấu cuộc đời với một tâm thế u uẩn, điều này được minh chứng ở việc ông đã từng quay lưng với những đề tài thời thượng, ông nhốt mình trong những hoài niệm và hoan hỉ với những âm mưu dự phóng.
Van Gogh của David Haziot là một cuốn sách giàu có về mặt tư liệu về cuộc đời nhiều bi kịch của thiên tài hội họa này. Sự miêu tả tỉ mỉ những dấu mốc trong cuộc đời của Van Gogh, những yếu tố quan trọng nhất để hun đúc nên một thiên tài được chuyên chở dưới lớp ngôn ngữ phóng khoáng, khoái hoạt của David Haziot dường như đã vẫy gọi người đọc đu theo những cuộc đập phá hoang tàn, những hoang tưởng, mơ mộng của chính người họa sĩ tài danh và u sầu. Đây là nơi chúng ta biết được căn nguyên nào khiến cho Van Gogh từ bỏ con đường giáo sĩ để lao vào nghệ thuật, từ bỏ việc thuyết giảng về thế giới của đấng tối cao để kiến tạo nên thế giới riêng biệt của mình. Từ công trình này, chúng ta biết thêm về sứ mệnh của Théo đối với Van Gogh, về vai trò của tình yêu, của bằng hữu đối với danh họa này. Cũng từ đây, chúng ta biết thêm về sức mạnh của sự nổi loạn, về điên loạn và về cái chết.
David Haziot gọi Van Gogh là Kẻ rong chơi cô đơn và hoang dại. Rong chơi - cô đơn - hoang dại chính là những yếu tố cần thiết để cấu nên SÁNG TẠO. Mà sáng tạo không ngoài gì khác là kiến thiết nên cái MỚI và cái KHÁC. Kẻ rong chơi tự do bát ngát Vincent đã làm được điều đó. Qua từng trang sách, David Haziot đã bám vào những tư liệu có được và từ những thư từ của Van Gogh để soi sáng hướng đi của thiên tài này. Van Gogh ngay từ thơ ấu đã biết rút tỉa thế giới trong những cuộc rong chơi của chính chàng. Những cuộc rong chơi thời thơ ấu thường là những mầm mống cho những nỗ lực khai phá về sau. Những cuộc rong chơi thời thơ ấu thường là những cuộc rong chơi không biên giới, không luật tục, những cuộc rong chơi bát ngát khi chưa nhuốm màu sắc khô cứng của lí trí thường dẫn trẻ thơ đi vào những nơi chốn mộng mị. Bắt đầu cho cuộc rong chơi của Van Gogh, Haziot liên tưởng tới những tư tưởng của nhà phân tâm học về lửa Bachelard, khi Bachelard gọi thời thơ ấu của Poe là ‘bể chứa của cảm xúc, của tri giác xa xưa đầy mộng mị, ở đó, người nghệ sĩ sẽ uống cạn trong suốt cuộc đời mình.” Mộng mơ của chàng Van Gogh bắt đầu từ những tháng năm ấu thơ đầy mộng tưởng này. Từ những ngày bình minh, Van Gogh đã biết trầm mặc ngay trong cuộc rong chơi của chàng. Người ta nhớ tới chàng là “một cậu bé trầm mặc, riêng rẽ, ít thích giao du, khó tính, cứng đầu và liều lĩnh…”. Chàng rong chơi, nhưng đó là những cuộc rong chơi không kèn trống của trẻ thơ, chàng thu mình trong tịch liêu, lặng lẽ để âm thầm nhìn ngắm thế giới, để thiên nhiên len lỏi vào chàng, để cuộc sống lắm u sầu quanh chàng được tự do nảy nở thành suối nguồn sáng tạo của chàng về sau. Haziot viết: “Có khi ông rời nhà đến hàng chục cây số để khám phá thiên nhiên. Quan sát nhạy bén, ông đam mê các loài hoa dại, biết phải tìm chúng ở chốn nào, thuộc lòng các ngách ngõ của đồng quê, say sưa với các loại côn trùng và những loài vật sống dưới nước, biết làm thế nào để bắt chúng, ông có thể gọi tên từng con vật một…”. Nhưng thiên nhiên hoang dại chưa đủ để làm nên những kiệt tác về sau. Sự va đập của thiên nhiên rộng lớn và bóng tối u uất ngay từ nhỏ đã găm vào tiềm thức của Van Gogh. Sau khi mơ mộng với thiên nhiên và những loài côn trùng, ngay lập tức sau đó chàng bị tống vào trường nội trú Jean Provily ở Zevenbergen. Đây là một nơi tăm tối đầy sợ hãi đối với một cánh chim non dại cô đơn. Bóng tối nơi đây đã cướp đi những gì đẹp đẽ nhất trên những cánh đồng mênh mông ở xứ Hà Lan. Nhưng về sau, trong vô thức sáng tạo, chàng đã rút tỉa những tháng ngày đầy bóng tối này.
Trong sự cô đơn của một con thú bị thương cần một hang ổ để lẩn trốn, khi chàng trở về ngôi nhà của gia đình chàng, chàng đau khổ thốt lên: “Người ta ngần ngại đón tôi về nhà, như ngần ngại đón một con chó xù, nó vào nhà với những chiếc răng ướt át và lông lá xồm xoàm. Nó làm phiền mọi người. Và nó rủa ồn ào. Tóm lại - đó là một con vật dơ bẩn...”.
Tác phẩm Những người ăn khoai (1885)
Từ thẳm sâu cô độc, chàng hướng tới những người cùng khổ, những người lao khổ trong hầm mỏ, trên ruộng đồng, bên hè phố, những người đang câm nín vuốt lên sự tủi nhục của thân phận. Những họa phẩm như Những người ăn khoai, Tĩnh vật và quyển thánh kinh mở rộng... là những tác phẩm được vẽ bằng máu và nước mắt của chàng. Những họa phẩm chàng vẽ sau khi nếm đủ những vết chém ở đời. Những họa phẩm đi ra từ sự xung đột giữa đời sống trần trụi và thượng đế trên tháp ngà.
Qua cuốn Van Gogh, chúng ta được biết những tác phẩm của Van Gogh không được vẽ trên thiên đường mà vẽ trong nơi tối tăm, nơi hang ổ thiếu ánh sáng của chàng, nơi đấy chàng đu mình theo những mộng tưởng và những tiếng thét trong tâm can. Chàng thốt lên trong nơi tối tăm ấy rằng: “Nên hiểu rằng anh tin anh có thể làm tất cả những gì không tổn hại đến những người xung quanh, vì bổn phận của anh là phải vinh danh cho sự tự do. Sự tự do mà trên đó anh có quyền tuyệt đối. Theo anh nghĩ, không chỉ mình anh mà mỗi một người trong chúng ta, cần phải bày tỏ thái độ và nắm giữ sự tự do này...”. Trong khát vọng tự do tuyệt đối, chàng lưu vong ngay trong ngôi nhà của mình và ngay trên quê hương của mình. Chàng lưu vong và dự phóng về một miền đất hứa xa vời nào đó trong khung cảnh tồi tàn. Ta hãy nghe Kerssemakers, một tình bạn ban sơ của chàng, miêu tả về hang ổ của chàng: “Cạnh lò sưởi không bao giờ được lau chùi quét dọn, là một đống tro khổng lồ, hai chiếc ghế mòn cũ, có khoảng ba mươi tổ chim đựng trong tủ, có nhiều chim được độn rơm, những cây cỏ tìm được trong những cuộc rong chơi, những dụng cụ đồng áng, những chiếc mũ cũ kỹ...”. Tất cả đó là xưởng vẽ của một danh họa thượng thừa.
Tác phẩm Sọ người ngậm mẩu thuốc lá bốc khói (1885)
Chàng lang thang rày đây mai đó với những tháng ngày đói lả. Cái chết luôn là nỗi ám ảnh đối với Van Gogh. Cái chết là nỗi ám ảnh nhưng cũng là suối nguồn cho chàng có thêm sức mạnh sáng tạo để giành giật với những phút giây hiện hữu ngắn ngủi trên trần gian. Bức Sọ người ngậm mẩu thuốc lá bốc khóiminh chứng cho điều đó. David Haziot đã phân tích tác phẩm này một cách tỉ mỉ: “Một bộ xương người trên nền đen, cắt ngang vai như là một người làm mẫu, một mẩu thuốc lá bốc khói cắn chặt giữa hai hàm răng, hình như là chiếc sọ đang hút thực sự. Một bức tranh siêu thực đi trước thời cuộc, xứng danh với Magritte hay Picabia mà người ta nhìn một cách lơ đãng trong bảo tàng và cho rằng đó là trò đùa của một họa sĩ vô tài…”. Bức tranh cho thấy tâm trạng âu lo đầy phiền muộn của chàng. Và đó phải chăng chính là chàng với những đớn đau. Chàng không chạy trốn cái chết mà hân hoan đón nhận nó. Và ở Anvers chàng bắt đầu với những bức chân dụng tự họa đầu tiên. Chàng đẩy những phiền muộn của mình vào những bức tự họa với những nét cọ mạnh mẽ mang màu sắc phẫn uất mà Haziot cho rằng “chúng mang dáng dấp của một người đang bị lún sâu vào một cõi tối tăm hay một thực tại đen tối, quánh đặc không thể nào thoát ra được…”.
Tác phẩm Đêm đầy sao (1889)
Ngày 28 tháng 2 năm 1886 chàng tới Paris, thành phố của sự phản tỉnh, thành phố của những kích động cuồng điên… Đây có lẽ là một dấu mốc trọng đại trong cuộc đời bi thảm của chàng. Nơi đây “chàng đã lặn hụp thực sự trong một Paris của những lạc thú, ngạo mạn, nơi có điều kiện thuận lợi để nẩy nở những ý tưởng táo bạo nhất”. Nơi đây, những họa sĩ phái ấn tượng đã đem đến một sự mê hoặc đối với chàng về sự rung động của màu sắc. Ở Paris, theo Haziot thì Van Gogh chính là một bộ hành không mỏi mệt, chàng vẽ điên cuồng khi cuộc đời và ngoại giới không ngừng va đập vào tâm thức chàng. Những bức chân dụng tự họa của chàng trong giai đoạn này như chính là những câu hỏi chàng tự truy vấn về bản thể của mình, chúng chính là câu hỏi: Tôi là ai? Trong sự thấu cảm một họa sĩ vĩ đại của thế giới, Haziot đi sâu vào từng tác phẩm nổi danh của Van Gogh như một bậc thầy phân tích hội họa. Thật tuyệt vời khi tác giả của cuốn sách này viết: “Những bức chân dung tự họa của Vincent đã tái xác nhận tính ưu việt của cá thể, cái tôi đối diện với phần còn lại của ngoại giới. Cái tôi đã sống như một tình huống bất hạnh của một xã hội cực kỳ khắt khe mà người nghệ sĩ này đã gặp.” Nơi đây, chàng vẽ như chưa bao giờ được vẽ để rồi khi thân xác tan đi, chàng đã để lại cho chúng ta sự nghiệp đồ sộ của mình. Vincent ngụp lặn thả mình hoàn toàn theo những màu vàng, màu hoàng kim, màu xanh. Mọi giác quan chàng căng ra để đón nhận thế giới và chàng cũng đốt cháy nội giới của mình thành tàn tro để nghệ thuật tung cánh. Có lẽ sẽ chẳng bao giờ có ai có thể lý giải được một cách thuyết phục về sức làm việc của chàng, sự đam mê của chàng và khả năng chịu đựng bệnh tật của chàng.
Tác phẩm: Cánh đồng lúa mỳ và những con quạ (1890)
Nhưng con người, dẫu là một kẻ sáng tạo phi thường cũng không thể chống lại được số mệnh. Ám ảnh về những vết thương và về cái mộ phần từ hồi ức thơ ấu đã trở lại với chàng. Rượu nặng, cuộc sống về đêm, lao mình vào những cuộc sáng tạo không ngơi nghỉ… đã vắt kiệt sinh lực Van Gogh, và rồi chàng điên loạn tự cắt tai chính mình. Điên loạn một cách rực sỡ, điên loạn để lần tìm về quá khứ bằng những mảnh vỡ từ tiềm thức sâu hút và không rõ hình thù. Có lẽ sự điên loạn đã bắt đầu cuộc chơi của nó bằng chính những san phẳng các luật tắc của chính chàng. Điên loạn để thấu thị. Chàng trở nên thèm mùi vị của những viên long não có mùi thật nồng dưới gối và nệm. Haziot viết rằng: “Địa ngục khép kín này dường như là một cảnh tượng hoang đường chỉ có trong tiểu thuyết mà tác giả của nó đã khoái trá chiêm ngưỡng cái chết và sự hủy hoại mà con người có thể đã đạt được một cách thẩm mỹ nhất”. Mấy ai biết rằng có một sự thật chua xót cho thiên tài của chúng ta. Đó là vào những ngày tháng chàng điên loạn người ta phỉ nhổ chàng, chàng là đối tượng cho những lời chế diễu, giỡn cợt, nhạo báng. Chàng không thoát khỏi được sự vây khốn trong nỗi hoảng loạn, sự chấp chới giữa điên và tỉnh, sự tham muốn vươn tới những bến bờ của một kẻ sinh ra đã đi trước đám đông mê lú. Vào ngày 21 tháng 4, bi kịch về thân phận của một họa sĩ đã đi đến đỉnh điểm khi chàng loan báo rằng chàng muốn được bị giam để “an lành cho những người khác.”
Chiều ngày 27 tháng 7, Van Gogh bắn một phát súng vào ngực, về phía trái nhưng không trúng tim. Giờ phút cuối cùng đã đến, chàng hân hoan đón nhận cái chết ngay trên tay Théo. “Bây giờ anh muốn trở về…”. Đó là câu nói cuối cùng của một thiên tài sau khi đã mang vác trên thân phận mình bao nỗi nghiệt ngã, bao đau đớn điên cuồng nhưng vô cùng rực rỡ trong những tháng ngày chàng lưu trú trên mặt đất hoang vu. Lúc đó là 1 giờ 30 phút, thứ ba, ngày 29 tháng 7 năm 1890.
L.M.P
(SDB15/12-14)
No comments:
Post a Comment