Nhân Tài, Phát Minh &Vận Nước
Huyền Thoại Kim Thiếp Vũ Môn của Trần Gia Ninh, NXB Văn Học, 2015, đang tái bản.
Trần Đán, kỹ sư y khoa, Hoa Kỳ
Đặt vào một thời kỳ nhiễu nhương của lịch sử nước Việt – khoản 600 năm về trước, khi cuộc xâu xé Hồ Trần tạo cơ hội cho nhà Minh bên Trung Quốc sang đô hộ, câu truyện khởi động vào lúc tàn dư của các phe phái bắt đầu liên kết với một hào phú tên Lê Lợi nổi lên tại Lam sơn. Chính sử như Đại Việt Sử Ký Toàn Thư nhắc đến nhiều anh hùng, hào kiệt theo phò Lê Lợi, nhưng không nhắc đến một số người mà sách nhà Minh hay lời dân gian tương truyền như Tuấn Thiện, Hà Ất, La My, có công chế biến một thứ vũ khí “khủng” đã giúp quân Lê Lợi đánh tan quân Minh, cuối cùng dành được độc lập. Lê Lợi lên ngôi được 2 năm thì nghe lời dèm pha của bọn nịnh thần mà sát hại các đại công thần. Để rồi sau đó, bí quyết của vũ khí khủng đã tuồn ra ngoài, và “… với [vũ khí] đó phương Tây đã đánh chiếm toàn thể thế giới…Đại Việt lại mất nước một lần nữa, phần vì những [vũ khí] mà chính dân mình là cha đẻ ra chúng ba, bốn trăm năm trước!”
Tôi liên tưởng: Nước Việt ngày hôm nay…Họa Bắc thuộc lăm le, tranh dành phe phái gay gắt, các công thần bị hại, nhân tài không được trọng dụng, nhân dân than oán… Tác giả muốn trăn trở điều gì?
Thú thật, nhìn bìa sách và văn phong, tôi thoạt bị hình thức đánh lừa. Ngoài bìa ghi vài chữ Nôm hay chữ Hán mà thế hệ tôi hoàn toàn xa lạ, thậm chí có thể nói là dị ứng. Lật vài trang trong lướt đọc thấy như văn phong sách Tam Quốc Chí hay Đông Châu Liệt Quốc của Trung Quốc, một văn phong hơi lỗi thời, tôi suy diễn người gửi đã gửi lầm người.
Người gửi vốn là một bậc đàn anh trong giới khoa học kĩ thuật mà tôi đã từng quen biết trên 30 năm nay, một trí thức uyên bác, một vị giáo sư tận tụy và khiêm nhường, được sự kính trọng của mọi người từ các cộng sự viên trên thế giới và trong nước, đến sinh viên, anh tài xế, chị bán hoa ngoài ngõ. Trên hết tôi nể phục anh vì anh có tư tưởng độc lập, dám đề xuất rất sớm phải theo nền khoa học ứng dụng của Mỹ thay vì theo con đường lý thuyết của Liên xô cũ, nơi anh trở thành tiến sĩ vật lý, phải thay đổi cơ chế làm khoa học công nghệ theo kiểu “vườn ươm” của Mỹ. Có lẻ vì vậy mà anh không được thăng tiến cao hơn là viện trưởng một viện khoa học kỉ thuật, không được tham gia hoạch định chính sách quốc gia, không được vào đảng.
Tôi không ngờ anh chính là tác giả Trần Gia Ninh.
Vì biết anh là tác giả nên tôi mới tìm cách vượt qua hình thức để tìm hiểu nội dung. Đó là hành trình của anh khai phá một di sản lạ lùng và đầy bí ẩn của gia tộc anh, dòng họ Trần Gia Phố từ Hà Tĩnh: một tấm bìa có khắc 4 chữ Kim Thiếp Vũ Môn (KTVM.) Từ đó anh dám mạnh dạn đế xướng chủ thuyết chính người Việt là người sáng chế ra đầu tiên một thứ vũ khí sau này làm đảo lộn cuộc diện chiến tranh cả thế giới. Để khỏi hé lộ qua nhiều tình tiết tôi sẽ không nêu danh thứ vũ khí đó, mà chỉ mong người đọc kiên nhẫn như tôi.
Trong câu truyện lớn, nhiều câu truyện nhỏ được tác giả linh hoạt đan xen như lưới nhện, nhảy vọt thời gian và không gian. Để kết nối chúng, tôi phải vẻ ra các sơ đồ địa danh, nhân vật và thời điểm như tác giả Gabriel Garcia Marquez đã làm trong Trăm Năm Cô Đơn. Khởi đầu ta gặp một nhân vật tên Hồ Nguyên Trừng, trai trưởng của Hồ Quý Ly, bị bắt về Trung Quốc nhưng được nhà Minh trọng dụng tại Yên Kinh nhờ tài chế biến một thứ vũ khí giúp vua Minh Thành Tổ bách chiến bách thắng. Trừng ưu tư không biết những đồng môn của mình bên nước Giao Châu như Trần Hằng, La My còn sống hay chết? Sau đó, ta quay sang vùng rừng núi nguyên sơ của đất Hoan Châu (tức Hà Tĩnh, Nghệ An bây giờ) nơi tụ tập của tàn quân Hồ Trần mà quân Minh không dám bén mãng đến. Từ đó không biết bao nhiêu cuộc gặp gỡ ly kỳ, cuộc tình duyên ngộ, những phát minh huyền thoại, đan xen với những trận đánh lịch sử.Sách kết thúc với Lê Lợi lên ngôi, nghe lời dèm pha của bọn nịnh thần như Lê Sát, Phạm Vấn mà hảm hại các trung thần như Trần Nguyên Hãn, Nguyễn Trãi, Phạm Văn Xảo, Nguyễn Chích. Tác giả cho các nhân vật nửa huyền thoại như Tuấn Thiện, Hà Ất, La Mykịp tránh xa, lui về nơi hoang dã mà yên thân.
Bốn điểm đặc sắc của sách: thứ nhất là tra cứu công phu, thứ nhì là địa dư, thứ ba ngôn ngữlà đối thoại, và thứ tư là thông tin kỉ thuật.
Nếu chỉ sống quanh quẩn ở đất nước Việt Nam có lẻ tác giả sẽ không bao giờ tìm ra được lời giải về các chữ Kim Thiếp Vũ Môn. Nhưng định mệnh đưa đấy anh sống trên nhiều nước trên thế giới, thạo nhiều thứ tiếng - tiếng Pháp, Trung, Nga, Anh – giúp anh tra cứu, đối chiếu. Anh cũng sử dụng một số tập tục, hiểu biết của các dân tộc thiểu số, ví dụ về làm thuốc nổ từ phân dơi. Chôn sâu trong sử liệu thế giới, trong gia phả, thần phả dân gian là lời đáp cho huyền thoại KTVM. Vì sao chính sử Việt đã không ghi công những người Việt sáng tạo, mà phải để sử nước ngoài như Minh Thực Lục viết một cách khâm phục? Anh đã có thể viết một bài khảo cứu sử hay nhân chủng học để trình bày chủ thuyết của anh. Nhưng bài đó sẽ rất khô khan. Là một người mạo hiểm, anh muốn dấn thân đến những miền lạ - văn chương dã sử là một. Văn chương dã sử đã cho phép anh tráp các lỗ hỏng của văn kiện lịch sử bằng các truyền thuyết dân gian, các đền miếu ghi tạc, các hiện vật lưu truyền, và bằng trí tưởng tượng để làm sống lên các nhân vật và cảnh ngộ. Chúng tạo thành một tập hơp chứng cứ lồng trong những câu truyện nhân bản và hấp dẫn.
Thứ nhì, khi viết sách này tác giả không những đưa ta đến những địa danh quen thuộc ghi trong sử sách về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, mà còn đặt chân đến những địa danh chưa từng nghe thấy như Khe Nước Sốt, sông Ngàn Sâu, núi Giăng Màn, thác Vũ Môn vùng quê anh Hà Tĩnh. Thứ ba là việc anh sử dụng một số từ Việt cổ vần còn thông dụng tại địa phương làm tăng vẻ trung thực của các cuộc đối thoại, như “ tắm nác” thay vì “tắm nước”, “Rào Triêm” thay vì “Sông Triêm”, ”Rú Tiên” thay vì “Núi Tiên.”Và thứ tư, khi tả về các phát minh, là một nhà khoa học, anh làm người đọc thấy thú vị vì các phát minh nêu ra đều có cơ sở khoa học, không huyền hoăc như các liều thuốc “trị bách bệnh” nào đó. Tác giả còn cho ta công thức hiện đại của những hợp chất huyền thoại.
Hai điểm có thể làm khá hơn của sách theo tôi là khắc họa nhân vật và văn phong. Tác giả đã nhấn mạnh mình không phải là nhà văn, nên mọi phác họa nhân vật chỉ là lướt quá, không ai đủ thật để gây thiện cảm hoặc căm giận tuyệt đỉnh trong lòng đọc giả - một điều kiền cần trong một tác phẩm văn chương lớn như Richard III hay King Lear của William Shakespeare.Người đọc bỗng thấy Lê Lợi từ một lảnh tụ nhúng nhường, biết chiêu hiền đãi sĩ, bỗng chốc biến thành kẻ tàn ác, vong ơn bạc nghĩa. Thậm chí nhiều đoạn tả Lê Lợi mâu thuẫn. Lúc đầu Nguyễn Chích khi gặp Lê Lợi lần đầu nhận xét: “cũng có tướng mạo một đế vương, tuy bề ngoài có vẻ thô kệch.” Ở giữa sách thì cho Hà Ất nói với Tuấn Thiện: “Người này có tướng hang long, phục hổ đấy, có lẻ là chân mệnh đế vương.” Sau khi Lê Lợi lên làm vua thì Trần Nguyên Hãn lại nhận xét với Nguyễn Trãi: “…người này có tướng cổ dài, mép quạ, như là tướng mạo của Việt Vương Câu Tiễn không?” Té ra thuật xem tướng mạo của người Việt hơi thiếu … khoa học? Bọn nịnh thần như Lê Sát, Phạm Vấn vẫn là những phác họa sơ sài. Các nhân vật nữ luôn đươc khắc họa như những cô gái ngây thơ, phút chốc bị tiếng sét ái tình. Những nhân vật tài ba như Tuấn Thiện, Lê Văn Linh, Nguyễn Chích vẫn là những bóng mờ. Có lẻ tác giả muốn nhấn mạnh đến trước tiên cái qui trình của phát minh, những yếu tố hội tụ như thời thế, cơ hội, tổ chức, và nhân tài (nhiều chứ phải do một người nào.)
Nói chung, văn phong thì ngắn gọn theo kiểu sách Tàu, mô tả hành động chứ không phân tích tâm lý, chuông cái điển hình chứ không khoét sâu vào cái phức tạp. Là người biết về văn chương thế giới, có thể tác giả chọn văn phong này vì cho rằng nó dễ hiểu với đa phần người Việt. Theo tôi, đã “thoát Trung” về nội dung thì cũng nên “thoát Trung” về hình thức cho trọn vẹn.
Vượt lên trên các điểm yếu trên là khả năng soi chiếu của tác phẩm – tôi nhấn mạnh soi chiếu chứ không phải giáo dục, giáo điều. Nó lấy cái đã qua để soi chiếu cái sẽ đến. Soi chiếutheo tôi là đặt những câu hỏi cho đọc giả, đặt những nghi vấn mà chính đọc giả phải trả lời.Một tác phẩm không soi chiếuđược điều gì thì không thể gọi là tác phẩm văn học được.
Câu hỏi thứ nhất là vì sao chính sử ta không ghi chép những con người sáng tạo như Quốc Trung, La My, Hà Ất, Tuấn Thiện?Có phải tư duy người Việt ta từ xưa nay, thông qua thể chế chính trị và nền văn hóa, giáo dục, thì “bụt nhà không thiêng!”Có phải chúng ta giỏi du nhập chứ không trọng phát minh, thích chạy theo chứ không muốn làm khác, giỏi chống chứ không giỏi khai phá, hay đố kỵ thay vì đoàn kết?
Câu hỏi thứ hai là sáng tạo liên quan đến mất nước như thể nào? Qua lời của nhà phát minh Lê Trừng bất đắc dĩ phải về làm tôi cho nhà Minh, tác giả nhắc nhở chúng ta về hiểm họa mất nước: “Dân thì tài giỏi, hiền lành mà nước thì mất, như thân ta đây…” mà dễ mất nước khi “không sợ đánh mà chỉ sợ lòng dân không theo.”Anh dùng lời của Xuân Liên khuyên hàng thần Phan Liêu, “quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách,” để nói lên tâm tư một sĩ phu thời đại tự vấn mình.
Câu hỏi thứ ba không bộc lộ nhưng hàm ý: Trên phương diện nhân bản, trong một thế giới càng phẳng, kẻ có tài được nước ngoài trọng dụng như Hồ Công Trừng có xấu xa hơn kẻ ở lại, bị chính chế độ mình góp công xây nên quay lại hãm hại? Ở đoạn cuối, tác giả mượn lời Nguyễn Trãi khuyên ngăn vua Lê Lợi không nên trị tội bọn Hà Ất đã bỏ đi sau khi nước đã dành được độc lập: “Duy kẻ trí lự cao siêu, tinh thông nghề nghiệp như những người này thì không dễ kiếm. Bọn họ là những người kỳ tài, là bậc thầy, là tinh hoa thiên hạ, trong trăm vạn người mới nấy sinh có một. Là của báu của bách tính, nên để họ đem trí tuệ, tài năng làm lợi cho bách tính thiên hạ. Cớ cho ta muốn ép để chiểm hưởng một mình?” Tôi chợt nghĩ đến nguyên tắc “hồng hơn chuyên” đã tiêu hao không biết bao nhiêu tài năng Việt.
Sử không bao giờ là một môn chết. Như một xã hội, nó chỉ chết khi bị áp đặt, bị cưỡng bức theo một nhãn quan nào đó. Nó phải là một môn sống. Và cũng như một xã hội, nó sống khi được đối chiếu, phản biện, nhìn từ nhiều góc độ, truy cứu nhiều nguồn dữ liệu. Bên sau cuôc truy tìm về nguồn gốc của tác giả, tác phẩm này còn là một phản biện sâu sắc về lịch sử nước ta.
Đoc sách này xong, tôi có cảm thấy hãnh diện hơn về người Việt không? Có, khi nghĩ rằng, nếu đúng, đây là một phản biện cho cuộc khảo sát gần đây của phương Tây kết luận người Việt đóng góp rất ít cho văn minh nhân loại. Nhưng ước gì, ông cha ta có nhiềuphát minh khác mang lại hạnh phúc bền lâu cho cả nhân loại, thí dụ một tư tưởng nhân bản như chủ thuyết bất bạo động của Ganghi, hoặc một liều thuốc cứu triệu người như penicillin,hay một mạng thông tin mở toàn cầu như Internet.
Dù sao, tác phẩm khích lệ ta mở rộng tầm nhìn về thế nào là sáng tạo, thế nào là đóng góp cho văn minh nhân loại. Tôi cũng xin mạn phép sửa câu của Nguyễn Trãi nhớ về Lam sơn, “…nhân tài như lá mùa Thu.” Không nhất định không. Không phải nhân tài, mà là thể chế mới như lá mùa Thu. Èo uột. Cỗi cằn.
Ghi chú
tác giả là viện trưởng một viện thuộc Viện Khoa học Việt Nam, ông đã nổi tiếng là người luôn đi tiên phong trong chế tạo các thiết bị điện tử tinh vi đạt chuẩn quốc tế, như lần đầu tiên ở nước ta viện của ông đã làm được kính hiển vi điện tử “hiệu ứng đường hầm”có thể nhìn thấy vật thể ở kích thước phân tử…Ông về hưu gần chục năm nay, vẫn chưa ai thay được cái chức “Chủ tịch hội đồng khoa học viện…” Một nhà khoa học tài năng thực sự. đấy lại là một cuốn tiểu thuyết dã sử, chẳng liên quan gì đến chuyên môn của ông. Tác giả lấy bút danh “Thâm giang Trần Gia Ninh” và tựa tiểu thuyết là “Huyền thoại kim thiếp Vũ Môn”. Cuốn tiểu thuyết sinh động, hấp dẫn, mô tả thời kỳ lịch sử ở nước ta cách nay hơn 600 năm. Vào cuối quý 1-2015, Nhà xuất bản Văn học đã ấn hành cuốn tiểu thuyết này và chỉ sau khi ra mắt bạn đọc được ít bữa, Nhà xuất bản Văn học lại cùng Nhà xuất bản Trẻ ở thành phố Hồ Chí Minh thính nhạy với thị trường văn hóa đọc, đã đề nghị tác giả cho được phối hợp tái bản cuốn sách
…
No comments:
Post a Comment