Saturday, January 2, 2016

“Nhân vật nào cũng chưa khổ bằng tôi”


Nhà văn Lê Lựu và nhà văn Phong Điệp – người đầu tiên đoạt giải thưởng của Quỹ nhà văn Lê Lựu (ảnh nhân vật cung cấp).

Những ngày cuối năm, đi sâu vào con ngõ 319 Tam Trinh (Hà Nội) - chỗ ở cũng là nơi làm việc của nhà văn Lê Lựu, điều ám ảnh chúng tôi là một đôi mắt buồn lách qua song cửa, nhìn mãi theo những hàng gốm sứ, hoa vải đủ sắc màu đang len lỏi khắp phố phường giục giã con người thu xếp mọi việc để tiễn đưa năm cũ.

Từng sốc vì những lời đay nghiến

Năm tới, nhà văn Lê Lựu bước sang tuổi 79 khi bạn bè ông người mất, người còn. Ông tâm sự: “Kể ra, tôi sống đến chừng này tuổi cũng thuộc dạng xưa nay hiếm, nhất là khi mang bao nhiêu bệnh trong người”. Vài năm nay, tác giả tiểu thuyết “Thời xa vắng” phải ngồi xe lăn, bữa thuốc nhiều hơn bữa cơm nhưng ông vẫn giữ được sự hài hước, minh mẫn. Đối lập với cơ thể ốm yếu, đi lại phải có người dìu là khuôn mặt còn hồng hào, đầy đặn. Bị tai biến mạch máu não rồi bệnh tiểu đường, bệnh tim, bệnh gout, phổi, tụy, thận, tiền liệt tuyến… nhiều năm nay, cứ mỗi ngày nhà văn Lê Lựu lại phải nạp vào người đủ các loại thuốc Đông - Tây y kết hợp.

Cách đây vài năm, tên tuổi của ông từng trở thành tâm điểm bàn tán xung quanh chuyện gia đình, kiện tụng đất đai… với nỗi đau dai dẳng. Nhắc đến chuyện cũ, ông xác nhận: “Có những bài báo từng làm tôi sốc. Họ bóng gió, đay nghiến tôi với cách nhìn, kết luận của người ngoài cuộc”. Nhà văn Lê Lựu không giấu được nỗi buồn ngân ngấn trong đáy mắt. Hai đời vợ, ba người con và có thời điểm ông phải đưa cho bạn hữu cả bản sao trích lục của tòa án vụ ly hôn hơn 40 năm trước để cầu cứu. Lúc ấy, bạn bè ông đã phải thốt lên: “Lê Lựu ơi! Sao ông khốn khổ thế này?”. Có lẽ, chẳng bao giờ ông ngờ rằng, những rắc rối, kiện tụng, rạn nứt tình cảm trong gia đình lại trở thành vết thương lòng hằn sâu theo năm tháng.

Bao năm khoác áo lính, từng dọc ngang mọi chiến trường từ kháng chiến chống Mỹ, chiến tranh biên giới Tây Nam đến chiến tranh biên giới phía Bắc… ấy thế mà nhiều câu chuyện đời thường thật đến khó tin về nhà văn Lê Lựu lại khiến độc giả sững sờ. Như cảnh ông đi chợ, đưa tay vật lên, vật xuống từng mớ rau, con cá… miệng liên hồi trả giá đến mức các bà bán hàng “mồm năm, miệng mười” cũng phải chào thua. Ra nước ngoài, một vài bắp ngô cũng được ông gói ghém kĩ càng, cất công mang từ nhà sang Thụy Điển, rồi Nga… luộc mời bạn ăn. Hỏi nhà văn về thực hư giai thoại này, ông chỉ cười xòa: “Bản tính của tôi là chi li, ham công tiếc việc. Một thứ bản tính trời cho và có khi cũng là… trời đày”.

Rồi ông nhớ về thời còn trẻ, trở về từ trận địa, cũng xông pha buôn bán như ai nhưng ngặt nỗi, mỗi lần đi buôn là thêm lần thất bại. “Đầu tiên là hồi bên Nga, tôi buôn bóng đèn ô tô. Ngày ấy, hàng này hiếm lắm nhưng mình ẩu, không đóng gói cẩn thận thành ra về tay khách là vỡ nát. Lại có dạo, tôi được cô cháu gái chuyên buôn thuốc Tây gửi kháng sinh đưa vào TPHCM kiếm thêm chút tiền nhưng mải đi công tác ở Campuchia nên mấy tháng ròng, thuốc vẫn còn nguyên trong túi. Về đến Hà Nội mới vỡ lẽ, giá thuốc xuống dốc thê thảm, lỗ vốn to”.

Mong trở về thời chân đất

Là cha đẻ của nhiều nhân vật bất hạnh, khổ đau trong trang sách, từ anh Núi trong “Sóng ở đáy sông” đến anh cu Sài trong “Thời xa vắng”, nhưng nhà văn Lê Lựu đúc kết lại: “Nhân vật nào cũng chưa khổ bằng tôi”. Ngẫm lại cuộc đời mình, ông tâm niệm: “Tôi chỉ là cái gã hạng xoàng, xuất thân từ một anh chân đất mắt toét, đánh dặm mò cua bắt ốc, giờ trở thành nhà văn, cán bộ cao cấp trong quân đội, đó là thứ trời cho, may mắn lắm rồi”. Câu nói ấy bỗng gợi cho chúng tôi nhớ đến nhân vật Giang Minh Sài từng được ông khắc họa về một đời sống không phải là của mình, nửa đời trước sống cho cái mình không có, nửa đời sau chạy theo cái không phải của mình.

“Rốt cuộc, tôi thấy mình chỉ có năng khiếu của một thằng ăn mày” – câu nói nhà văn Lê Lựu tự nhận khiến bao người sững sờ. Biết thể nào cũng có người “bán tín, bán nghi”, ông liên hệ ngay đến chuyện xin được trụ sở 300m2 làm văn phòng hiện tại. “Khi quyết định thành lập Trung tâm Văn hóa doanh nhân này, tôi phải chạy đi xin như một thằng ăn mày. Lúc đó, tôi chỉ có hai bàn tay trắng, không một xu dính túi và “tay bị, tay gậy” chờ đợi dăm bảy lần kí tá để có nó”, ông chia sẻ.

Bao năm làm giám đốc một trung tâm văn hóa, hàng ngày tiếp khách trong chân dung khá đĩnh đạc, cà vạt ngay ngắn bên ngoài cổ áo sơ mi, ấy vậy mà ông giải thích thật hài hước: “Phải thường xuyên đeo để cho... khỏi ho. Không tin ư? Buổi tối, tôi vẫn đeo cà vạt nhưng mặc quần đùi”. Là nhà văn đầu tiên của Việt Nam được mời sang Mỹ thời kỳ hậu chiến để “bắc nhịp cầu văn hóa” nhưng đến cuối đời, ông chỉ mong được về mảnh đất tổ tiên, sống như những người nông dân quanh năm lam lũ. Ông kể, quê hương Khoái Châu (Hưng Yên) của ông vốn là đất “đệ nhất đẳng” nghèo. Dấu tích về thiên tai, lụt lột còn để lại dấu ấn ở căn nhà xưa giờ là nơi thờ tổ tiên được xây trên nền đất cao, trước sân là cái ao quanh năm cạn nước. Cái chất quê sóng sánh, hồn hậu phảng phất trong cử chỉ, lời nói của ông như được bảo toàn nguyên vẹn từ “Thời xa vắng”.

Bây giờ, nhà văn Lê Lựu đã có thể nhắc về quá khứ bằng một nỗi bình thản dù những vết thương lòng chẳng dễ nguôi ngoai. Cả một đời văn, ngoài những áng văn chương để lại, cha đẻ của “Sóng ở đáy sông” còn để lại hai tài sản vô giá, đó là: Quỹ Nhà văn Lê Lựu và Trung tâm Văn hóa doanh nhân Việt Nam. Trong di chúc đã soạn sẵn, ngoài những tài sản cố định như căn nhà ở quê, còn lại ông gần như dồn toàn bộ tiền bạc ki cóp trọn đời để làm phần thưởng cho cây bút có tâm, có tài qua Quỹ Nhà văn Lê Lựu.


Tuổi già, không có vợ bên cạnh nhưng nhà văn Lê Lựu may mắn còn bạn bè, đồng nghiệp. Ngôi nhà cũ của ông ở phố Lý Nam Đế đã bị bán đứt. Cuối đời, ông phải tự mình xoay xở, tá túc ở trụ sở cơ quan. Dịp cuối năm, thỉnh thoảng có người quen mang phong bì đến tặng, ông lặng lẽ gạt đi với lý do: “Tiền quý nhưng tôi không cần!”. 

Theo Thùy Phương - Báo Gia đình & Xã hội

No comments: