Tuesday, January 19, 2016

Picasso – Guernica

 (Phần cuối)
Khi Picasso đã giao bức Guernica cho sứ quán Tây Ban Nha tại Paris và nhận món tiền hậu hĩnh cho công việc của mình, điều mà ông không ngờ là chỉ nhận được những lời khen cảm ơn xã giao ra mặt. Bức tường giành cho nó ở tầng trệt cũng không thuận lợi. Khách vào gian triển lãm của Tây Ban Nha lại phải lên ngay cầu thang vào tầng hai trước, nên có để ý thấy bức tranức Quốc xã. Báo chí Đức khoái chí gọi đó là tác phẩm của một kẻ mất trí. Anthony Blunt, nhà báo Anh lúh thì lại như là trên máy bay nhìn xuống. Từ bên ngoài, khu trưng bày của Tây Ban Nha lại còn bị khối nhà triển lãm của nước Đức Quốc xã do Albert Speer thiết kế theo lối tân cổ điển xấu như quỷ che khuất hoàn toàn. Ngay cả chính phủ Cộng hòa Tây Ban Nha, những người đặt ông vẽ bức tranh, cũng tỏ ra hờ hững khi thấy Guernica không có tí dấu vết gì của một lời lên án đích danh quân phát xít Franco cũng như Đc ấy đã ăn tiền của mật vụ Nga Xô Viết, thì viết trên tờ Spectator rằng Guernica chỉ là một thứ bài tập cá nhân với lập trường dao động và thái độ mập mờ của giai cấp tư sản. (25 năm sau, chính Blunt lại viết bài ca ngợi hết lời kiệt tác này, chả nhắc gì đến bài báo đầu tiên của ông ta). Còn bạn bè và đồng nghiệp người Pháp thì chỉ có vài lời khen nhạt nhẽo, còn thì toàn im hơi lặng tiếng. Trong khi đó, gian triển lãm của Pháp lại tưng bừng náo nhiệt với những tranh vẽ của Derain, Dufy, Matisse… tất cả đều giống nhau ở thái độ “mũ ni che tai” trước thời cuộc đang lâm nguy để chỉ biết vui chơi trong nghệ thuật.
Guernica trong tầng dưới của nhà triển lãm Tây Ban Nha

Picasso chả tỏ ra bức xúc gì trong tình hình ấy. Ông rủ Dora và đám bạn cũ đi chơi, hưởng nắng trời ở Côte d’Azur. Vòng vây phát xít xiết chặt dần quanh Barcelona, và khi triển lãm bế mạc, người ta hạ Guernica xuống, thì Picasso được tin Bilbao thất thủ và cuộc kháng chiến của người Baske đã bị dập tắt. Ông tham gia tổ chức những bếp ăn cứu trợ người tị nạn và trẻ mồ côi đang lũ lượt kéo đến Paris.

Rồi chính Guernica cũng trở thành người tị nạn. Là tài sản của chính phủ Cộng hòa, nhưng tình hình chiến sự xấu đi như vậy thì không thể đem bức tranh về Tây Ban Nha được. Franco vẫn cao rao rằng vụ làm cỏ thị trấn Guernica là do chính người Basque dựng nên. Ai cũng nghĩ nếu quân phát xít lấy được bức Guernica, nó sẽ bị đốt ngay lập tức. Vậy là Guernica bắt đầu lưu vong, suốt 40 năm liền sau đó, với sự đồng ý của Picasso. Ông không muốn nó bị ngủ quên ở một bảo tàng nào. Ông muốn nó thành một kẻ du cư của lý tưởng dân chủ. Ngay cả khi chính thể Cộng hòa đã bị tiêu diệt ở Tây Ban Nha, Picasso vẫn muốn Guernica được đi khắp thế giới để tội ác ấy khỏi bị lãng quên.

Một trùng hợp không may nữa: đúng ngày 19 tháng 9 năm 1938, khi Neville Chamberlain ký hòa ước với Hitler tại Munich, thì Guernica lại ra mắt công chúng Anh tại New Burlington Gallery. Một nhóm trí thức nghệ sỹ cấp tiến nhất lúc bấy giờ đã chung tay tổ chức cuộc triển lãm này, bao gồm Leonard và Virginia Woolf, Henry Moore, và E.M. Foster. Người xem thì ít. Phê bình chê bai thì nhiều. Anthony Blunt lại cao giọng gọi bức tranh là “rởm” trong một bài báo nhan đề “Bóc mẽ Picasso”.

Triển lãm tiếp sau đó ở Whitechapel Gallery thì khác. Nó thực chất là một cuộc biểu dương lực lượng của phái tả trong Công Đảng Anh, được đích thân lãnh tụ đảng Clement Attlee khai mạc, và đi kèm với việc trình chiếu các phim tài liệu về cuộc chiến tại Tây Ban Nha. Phía dưới bức tranh Guernica mọc lên một kim tự tháp khác: những đôi ủng gửi tặng các chiến sỹ Cộng Hòa. Mười lăm nghìn người đã đến xem bức tranh. Nhưng những đôi ủng ấy không cứu được nước Cộng hòa Tây Ban Nha. Tháng 4/1939, Barcelona thất thủ. Trước đó, mẹ của Picasso đã qua đời khi thành phố đang lịm dần trong vòng vây phát xít.




Tầu Normandie

Trong khi đó, Guernica vượt Đại Tây Dương trên con tàu Normandie sang trọng vào bậc nhất thế giới lúc bấy giờ. Tại New York, nó thành tâm điểm, cùng với bức Trinh nữ Avignon, của cuộc triễn lãm hồi cố về Picasso tại Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại (MOMA). Báo chí cũng lại khen chê đủ đường. Nào giễu cợt, nào chụp mũ cộng sản. Đám cấp tiến thì cũng chỉ khen ngợi thận trọng nhẹ nhàng. Nhưng giới nghệ sỹ trẻ, cả Mỹ lẫn từ châu Âu sang, như Jackson Pollock và Willem de Kooning thì nhiệt liệt chào đón Guernica – và Picasso trở thành nguồn hứng khởi tươi mới đầy sức sống cho hội họa Mỹ. Guernica được trưng bày lưu động suốt từ đông sang tây trên đất Mỹ, kết thúc tại California, nơi nó còn vận động được cả một chút tiền cứu trợ người tị nạn và được báo chí chào đón thực lòng. Khi chiến tranh leo thang tại châu Âu, Picasso lập tức đồng ý để Guernica được MOMA lưu giữ, không phải chỉ đến lúc kết thúc chiến tranh, mà cho đến tận khi nào chế độ dân chủ được tái lập tại Tây Ban Nha. Franco cứ tưởng sẽ thu hồi được bức tranh với lý do nó không đóng thuế ở Tây Ban Nha. Còn Guernica thì cứ ngang nhiên ngự tại West 53rd Street giữa Manhattan. Những chém giết tàn bạo của phe Trục càng gia tăng thì sức mạnh thánh tích của Guernica càng lớn mạnh.

Còn Picasso thì hầu như đã kiệt sức. Chiến tranh chỉ còn có nghĩa là sống sót. Sau ngày Giải phóng năm 1944, những người ngưỡng mộ tác giả Guernica kéo nhau như đi hành hương về phố Grands Augustins đòi ông kể chuyện sự ra đời của bức tranh. Phần nhiều là ông hồ hởi đáp ứng, diễn lại những ngày hăng say của năm 1937, như một vị tướng hồi tưởng lại chiến dịch đẹp đẽ đáng nhớ nhất của mình. Picasso cũng ngày càng hay nói những lời có cánh về nghĩa vụ chính trị của nghệ sỹ, thay vì sáng tác để chứng tỏ niềm tin ấy. Bức Nhà mồ (The Charnel House), vẽ năm 1945, sau khi thấy tin tức và hình ảnh các trại tập trung của phát xít Đức, chỉ như một phế tích oặt ẹo của Guernica.


The Charnel House, 1945, oil and charcoal on canvas, 199X250cm, MOMA, NY

Tháng 10/1944, tại trụ sở báo L’Humanité, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Pháp, Picasso tự hào tuyên bố mình đã trở thành đảng viên. “Nghệ thuật và tự do,” ông lên tiếng trong lễ kết nạp, “cũng như lửa thần Prometheus, là những thứ ta phải lấy cắp mới có, và dùng để chống lại trật tự già cỗi.” Cũng tại thời điểm ấy, ông còn gọi nghệ thuật là “vũ khí phòng vệ và tấn công chống lại kẻ thù”.

Càng quen với chính trị, nghệ thuật của ông càng nhịp nhàng với những phong trào tuyên truyền Xô Viết, tầm thường và mất dần sức sống, thành phiên bản thị giác của những diễn văn đại hội đảng. Chim câu và những bích họa khoa trương về chiến tranh và hòa bình đều đặn xuất hiện như đã thành công thức; và hạ đẳng cuối cùng là một bức chân dung ve vuốt thảm hại người hùng Xô Viết, Nguyên soái Stalin. Picasso đã trở thành thằng nhỏ vẽ tranh cổ động cho độc tài.



Rồi ông cũng thoát ra khỏi vai diễn ấy, nhưng lại vào một vai thời trang đình đám. Cuối thập kỷ 1950, ông lên ảnh liên tục trong bộ quần bơi và áo thun sọc ngang kiểu thủy thủ, mắt vẫn chằm chằm sáng, da ngày càng xạm nắng, các bà vợ thì trẻ dần, mình thì già dần, những hư đốn tinh quái thì vẫn như xưa, nhưng không còn thú vị nữa.


Đo bằng số lượng tác phẩm thì những năm cuối đời của Picasso là một chiến thắng của năng lượng chống lại tuổi tác; đo bằng chất lượng, thì chúng là một đường trượt dài xuống những vặt vãnh tầm thường. Trong lúc nghệ thuật của ông suy sụp, nạn sùng bái cá nhân ông lại bùng lên và lan rộng hơn bao giờ hết. Năm 1956, nhà làm phim người Pháp Henri-Georges Clouzot đặt máy quay đằng sau một tấm kính hàng nhiều tiếng đồng hồ trong khi Picasso vung bút và thôi miên lên đó, rồi gọi cuốn phim là “Bí ẩn Picasso”. Nhưng đấy lại chính là lúc Picasso đã chả còn mấy bí ẩn nữa rồi.


Còn Guernica – bức tranh lưu vong ở phố 53 mạn tây Manhattan – nó vẫn cháy, hừng hực đạo lý qua nhiều thập kỷ, trong lúc ngọn nến của người sáng tạo ra nó cứ lay lắt dần. Qua suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh và Chiến tranh Việt Nam, nó đã trở thành ngọn cờ nuôi dưỡng lòng nhân ái biết căm giận của nghệ thuật hiện đại, đúng vào lúc những “giáo chủ” trong giới phê bình, như Clement Greenberg, đang đặt ra cái đạo luật rằng tranh trừu tượng có màu mới là hình thức thuần khiết nhất của nghệ thuật, chỉ được phép là một bố cục của màu và nét trên mặt phẳng của bức tranh. Thế là, Guernica, rõ ràng không tuân thủ đạo luật ấy, bị coi là một phạm lỗi đáng xấu hổ.

Nhưng cái đạo luật ấy đã chết yểu, còn Guernica và hội họa hiện đại thì vẫn sống. Như một nghịch lý, chỉ một tác phẩm ấy của Picasso, được tạo tác không phải với tinh thần nghệ thuật vị nghệ thuật đơn thuần, cuối cùng lại khiến cho nghệ thuật hiện đại ở cả hai bờ Đại Tây Dương trỗi dậy với một sức sống mới. Vẽ có chủ đề à? Có ai cấm đâu! Diễn đạt cảm xúc à? Tất nhiên rồi! Lịch sử à? Hay quá, mình thử đi! Tại Đức, chính cái thẩm quyền đạo lý và sức mạnh hội họa của Guernica đã khiến giới họa sỹ dám vẽ những bức tranh hùng hồn về giai đoạn lịch sử bẩn thỉu vừa qua của tổ quốc mình, trong lúc giới văn sỹ vẫn còn phải đấu tranh tư tưởng chưa dám, và tin tức báo chí thì còn giả vờ quên một cách thực dụng suốt một thời gian dài, rồi mới tỉnh. Tại Mỹ, Guernica đã cứu nghệ thuật hiện đại khỏi cái chết vì căn bệnh tự mãn huyễn hoặc, giải thoát nó khỏi tình trạng thi nhau tinh khôn và tham thanh chuộng lạ lúc nào cũng hốt hoảng lo phải có cái gì mới lạ.

Guernica vẫn luôn lớn lao hơn Nghệ thuật, không chịu tù túng trong bảo tàng, một trong những tác phẩm hiếm hoi đã ngấm được vào huyết mạch văn hóa chung của nhân loại. Nhưng với quyền năng ấy, nó luôn phải đối mặt với những chuyện bất ngờ. Picasso vẽ nó để lên án Franco và chiến đấu chống thế lực phát xít ở quê nhà, nhưng chính Franco lại muốn Guernica phải được lưu giữ tại Tây Ban Nha. Picasso biết rằng Guernica đã thất trận cùng với chế độ Cộng hòa, nhưng ông tin rằng nó sẽ được cuộc, rằng Franco rồi sẽ chết cùng chế độ phát xít kinh tởm của ông ta; còn bức tranh sẽ còn mãi, và khi tự do tái sinh tại Tây Ban Nha, nó sẽ tìm được đường về nước.

Nhưng về đâu cụ thể thì vẫn còn là tranh cãi. Người Basque nhất định đòi Guernica phải về Bilbao, trái tim đất mẹ của họ. Nhưng năm 1981 nó lại về Madrid, nơm nớp nằm sau kính chống đạn và vòng bảo vệ của cảnh sát. Mãi đến 1995, nó mới được tháo kính cởi xích để công chúng được chiêm ngưỡng, tin là mình sẽ không bị ai tấn công nữa.

Đúng lúc ta đã tưởng rằng với một thế giới nối mạng đầy rẫy những phiên bản số hóa của tất cả các kiệt tác nghệ thuật, chắc Guernica cũng đã thành một di tích chả ai cần tận mắt ngắm nhìn nữa, thì xẩy ra một chuyện như muốn nhắc ta rằng chính tình trạng bão hòa hình ảnh video và chai lì với cảnh bạo lực hàng ngày đã khiến bức tranh ấy trở thành một lời nhắc nhở rằng nghệ thuật có thể làm được những điều mà tin tức không thể làm nổi.



Guernica được trưng bày trong bảo tàng Reina Sofia tại Madrid. Cách đó vài trăm mét là trạm tầu điện ngầm Atocha. Hôm 11 tháng 3, 2004, ba trái bom của quân khủng bố Hồi Giáo đã phát nổ đúng vào giờ cao điểm tại đó, giết chết 192 người và làm bị thương 2.050 người. Người ta biến trạm tầu điện ấy thành một miếu thờ tưởng niệm những nạn nhân vô tội. Nhưng khi nghi lễ đã qua, đèn nến đã dọn bỏ, thì hàng ngàn hàng ngàn người lại kéo qua đường đến với Guernica để mặc niệm trước cảnh nhân loại bị giầy xéo trong khói lửa. Không ai cần nghe thuyết minh về bức tranh và ý nghĩa của nó. Một năm sau, giỗ đầu các nạn nhân Atocha, khi buổi lễ kết thúc tại đó, tôi đã tận mắt thấy người dân Madrid lại lũ lượt từ đó đi sang bảo tàng để đứng lặng trước Guernica. Trong ga tầu, ngay nơi bom phát nổ, người ta đã dựng một xếp đặt video nho nhỏ, lúc nào cũng có nến thắp xung quanh. Những hình ảnh đèn chiếu đã hết sức mô tả sự kiện bi thảm ấy, từng khuôn hình một, không ngừng nghỉ. Nhưng vẫn không đủ. Những khuôn hình ấy chỉ làm ta tê tái, nhưng không nói với ta lời nào. Còn Guernica thì vẫn cất tiếng khi ta đứng trước nó – những tiếng kêu thét của cuộc chém giết đẫm máu.


Cái sức mạnh đánh thức lương tri ấy nhiều lúc là một phiền nhiễu rất khó chịu. Ngày 27 tháng 1 năm 2003, ngoại trưởng Mỹ Colin Powell đến Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc để lên tiếng dọn đường cho cuộc can thiệp quân sự vào Iraq. Người ta tổ chức họp báo tại hành lang bên ngoài Phòng Hội đồng. Ít phút trước giờ họp báo, có người trong phái đoàn Mỹ bỗng để ý thấy một thứ rất bất tiện ở địa điểm ấy: một phiên bản Guernica – tranh thêu, đang treo trên tường. Thế có chết không! Đàn bà gào thét, nhà cửa bốc cháy, trẻ em chết. Không được rồi! Người ta vội lấy ngay mấy tấm vải màu xanh đặc trưng của Liên Hiệp Quốc treo phủ kín những hình ảnh chướng mắt ấy đi, rồi mới bắt đầu họp báo.

Quyền lực của nghệ thuật là như vậy đấy. Vâng, anh có thể là một cường quốc hùng mạnh nhất thế giới, tổ chức báo chí quyền lực nhất thế giới, anh có thể lùa quân đi tiêu diệt các chính thể mà anh gọi là độc tài, và có thể che đậy tất cả những gì vẫn đang diễn ra. Nhưng anh cũng biết rằng dù gì thì gì, không bao giờ nên đụng vào một kiệt tác nghệ thuật.

Xin đặt dấu chấm hết cho loạt bài này bằng một trang blog để cập đến việc phiên bản của Guernica tại LHQ bị che kín trong buổi họp báo kia. Thì ra sự kiện ấy đã được cả Harper’s Magazine và New Yorker đề cập đến.


Nguồn : http://lailalalami.com/2003/great-minds-think-alike/

Chia sẻ:




Theo dõi

Follow “Trịnh Lữ”

Get every new post delivered to your Inbox.

Join 64 other followers






No comments: