: chiến tranh vẫn là chủ đề day dứt trên văn đàn Pháp?
TRẦN HUYỀN SÂM
Phải chăng, chiến tranh vẫn là chủ đề quan tâm nhất của xã hội phương Tây? Theo dõi đời sống văn học Pháp trong những năm trở lại đây, cho phép chúng ta khẳng định rằng, phần đa các tác phẩm đạt giải thưởng lớn đều có xu hướng lật lại quá khứ để lý giải những căn bệnh của xã hội đương đại.
Nhà văn Pierre tại lễ vinh danh giải văn học Goncourt 2013
Dưới đống gạch đổ nát của hai cuộc thế chiến, nỗi đau vẫn còn đó, hiện diện âm ỉ, từng ngày, trong mỗi số phận. Nó như là bằng chứng sống động để lật tẩy sự phồn hoa, giả dối của xã hội phương Tây…
Giải Goncourt 2013 năm nay dành cho chủ đề vừa nêu: nỗi đau của quá khứ chiến tranh và sự thờ ơ, vô cảm của con người trong xã hội hiện đại. Đó là cuốn tiểu thuyết Au revoir là - haut (Tạm biệt trên cao ấy) của Pierre Lemaitre. Một cuốn sách “bình dân”, loại biệt ra ngoài phong cách thể loại trinh thám của Pierre Lemaitre.
Tác phẩm viết về nỗi đau của những thân phận bị bỏ rơi sau chiến tranh. Đó là hai người lính Albert Maillard và Edouard Péricourt, trong thế chiến thứ nhất (cuộc giao tranh Đức - Pháp). Cả hai đã sống sót sau một tai nạn đường hầm, nhưng bị thương nặng và vĩnh viễn mang gương mặt dị thường. Họ muốn kết thúc sự sống bằng cái chết, nhưng không dễ. Đình chiến, họ cố gắng tiếp tục cuộc sống, nhưng lại bị người đời ruồng rẫy, bỏ quên ngay trên chính Tổ quốc của mình. Họ sống vật vưỡng bằng căn cước giả; lê lết trộm cắp xung quanh những khu mộ tưởng niệm người chết…
Có thể nói, Albert Maillard và Edouard Péricourt là những nhân vật đại diện cho một thế hệ lạc lõng sau thế chiến. Họ đánh mất niềm tin trước cuộc sống. Điều thu hút bạn đọc là ở chỗ: một nghịch lý đã xảy ra trong xã hội Pháp, những vị anh hùng đã chết được “đền ơn” xứng đáng bằng những tượng đài hào quang, nhưng những người sống sót lại bị thờ ơ, lãng quên…
Au revoir là - haut vừa ra mắt bạn đọc vào tháng 8 - năm 2013, do Nxb. Albin Michel ấn hành. Tác phẩm đã gây sự chú ý đặc biệt của công chúng Pháp, bằng cớ là đã bán “vèo” hơn 100.000 bản chỉ trong một thời gian rất ngắn. Với một lối viết khô khan, lạnh lùng, giọng điệu hài hước, humour, tác giả đã phê phán không khoan nhượng những mặt trái của xã hội Pháp. Đây là cuốn tiểu thuyết thứ tư, được xem là dấu mốc quan trọng trong cuộc phiêu lưu sáng tạo của Pierre Lemaitre. Ngoài giải Goncourt cao quí này,Au revoir là - haut cũng đã được đề cử những giải thưởng quan trọng khác như Renaudot, Femina...
Pierre Lemaitre sinh năm 1951 tại Paris, là nhà tiểu thuyết kiêm viết kịch bản phim. Pierre Lemaitre là một cây bút chuyên tâm vào thể loại tiểu thuyết trinh thám và đã có những đóng góp quan trọng ở lĩnh địa này. Có thể kể đến các tác phẩm tiêu biểu như: Travail soigné (2006), Robe de marié (2009), Cadres noirs (2010), Alex (2011)… Đặc biệt, cuốn tiểu thuyết Cadres noirs đã được đạo diễn nổi tiếng Manuel Boursinhac chuyển thể thành phim. Và để hoàn thành bộ phim này, Pierre là người cố vấn đặc biệt cho nhà đạo diễn Manuel Boursinhac.
Việc Pierre Lemaitre liên tiếp nhận được những giải thưởng như: giải Cognac, giải của Le Point cho tiểu thuyết trinh thám của châu Âu, giải bình chọn của bạn đọc về sách bỏ túi 2012, giải International,… đã chứng tỏ nội lực sáng tác và tầm vóc tư tưởng của tiểu thuyết gia này. Bằng việc làm sống lại những chứng từ lịch sử, và đặt quá khứ dưới tầm nhìn hiện tại, Pierre Lemaitre khiến người đọc phải suy tư day dứt về sự tồn tại của chính mình. Nhìn vào sự thật của lịch sử để không rơi vào ảo tưởng, giả dối của cuộc sống hiện tại, phải chăng, đó là thông điệp sâu xa trong tác phẩm của Pierre Lemaitre?
Với sự vinh danh Goncourt 2013, Pierre Lemaitre trở thành một gương mặt sáng giá trên văn đàn Pháp. Tạm biệt trên cao ấy, hay là đêm trắng của Pierre và giới văn sĩ Paris ở nhà hàng Drouant(*)? Và hình như, dưới kia, vẫn còn đó, những thân phận con người như Albert, Edouard lầm lũi trong bóng đêm của xã hội phồn hoa Paris?