Sunday, May 4, 2014

Nghệ sĩ KIEV tiếp tục tranh đấu



Ban nhạc dân ca rock DAKH DAUGHTERS với lá cờ Ukraine.
   



  NGHỆ SĨ UKRAINE  LÊN TIẾNG TRONG NHỮNG NGÀY SÔI ĐỘNG LỊCH SỬ
                                                 CHÂN PHƯƠNG lược thuật và trích dịch

 (từ bài phóng sự do Rachel Donadio trên nhật báo New York Times ngày 30-4-2014)

 Hai tháng sau khi Yanukovich bỏ chạy các nghệ sĩ tham gia vụ sử biến Maidan đang sưu tập chứng tích để bảo lưu và trưng bày - 500 hiện vật từ dinh cơ riêng của cựu tổng thống vừa được triển lãm tại Nhà Bảo Tàng Quốc Gia Ukraine ở Kiev. Họ tiếp tục đấu tranh bằng văn hóa để khẳng định bản sắc đặc trưng của Ukraine chống lại các mưu đồ Nga hóa thô bạo của Putin. Ban nhạc rock gồm 7 nữ nhạc-ca sĩ Dakh Daughters đã hát rất khôi hài như sau: "Phụ nữ Nga chỉ biết có 10 tư thế làm tình, những thế chơi ấy đã lỗi thời ở Ukraine." Họa sĩ ở Kiev - Matvey Veisberg - đã vẽ 32 tiểu phẩm theo lối Tranh Đen của Goya nhằm ghi chụp lại những bạo lực chết người cùng với niềm hoài vọng đã bùng lên ở Maidan. Bức tranh chót thể hiện khung trời xanh trên quảng trường Maidan, nhưng họa sĩ nói : "Bầu trời xanh này không giúp cho tôi cảm thấy khả quan hơn...


Tháo ra khỏi Nhà Bảo Tàng Quốc Gia Ukraine ở Kiev bức tranh chân dung vẽ Yanukovich .

  CÁCH MẠNG CÒN DỞ DANG, CÁC NGHỆ SĨ TIẾP TỤC CHIẾN ĐẤU
    (UNFINISHED REVOLUTION: THE ARTISTS SOLDIER ON).    
                                                                                                    Rachel DONADIO
  …
   Các cuộc biểu tình nay đã chấm dứt,  nhưng dân Ukraine vẫn còn mượn văn hóa để tự khẳng định trong thời buổi thế sự sôi động, cũng giống những  kẻ đồng cảnh ngộ đã làm mấy năm gần đây từ Cairo đến Rio de Janeiro sau các vụ nổi dậy, Số phận Ukraine còn bấp bênh, và mức căng thẳng với Nga tiếp tục leo thang, nhưng các chứng tích của các lần biểu tình tại Maidan đang được sưu tầm và phân định.Thăm viếng Kiev lúc này là làm chứng nhân vào thời điểm mong manh khi hiện tại hóa thành lịch sử.
   …
   Trên con đường đến Bảo Tàng Quốc Gia, đi ngang toà nhà Quốc Hội nơi chính phủ lâm thời họp chờ ngày bầu cử toàn quốc 5-25-2014, một trung tâm mỹ thuật dân gian do nhà nước quản lý đã khởi sự sưu tầm và bảo quản các hiện vật của cuộc nổi dậy nhằm mục đích tạo dựng nhà bảo tàng Maidan.
  “ Phần lớn các nhà bảo tàng  chỉ chăm lo quá khứ, nhưng giờ đây chúng tôi có một dịp may để chỉnh đốn lại lịch sử của hôm nay,” phát biểu Ihor Poshyvailo -vị phó giám đốc của bảo tàng Ivan Honchar khai trương năm 1993 và chứa đầy hiện vật bộ tộc như mớ nhạc khí Cô sắc từng bị khai trừ vào thời kỳ sô viết.
   Được thành phố chính thức công nhận, Poshyvailo cùng các nhà sưu tập bảo tàng khác đã thu thập các biểu ngữ vẽ bằng tay; mớ khiên chắn làm từ mấy tấm bảng chỉ đường; những cáng khiêng, mũ bảo vệ, một khí cụ ném đá cùng đống chai Molotov không còn chứa xăng đốt. Ông ta bảo,” Người dân cho rằng ‘Maidan chưa kết thúc’, vì thế chúng tôi cố gắng nhặt lượm mọi thứ”
   Không phải dễ dàng lắm khi các nhà bảo tàng do nhà nước quản lý phải ứng phó với những vụ biểu tình chống chính phủ và bây giờ là một nhà nước đang chuyển biến. “ “Ban đầu, các nhà bảo tàng rất nhát”, Poshyvailo nói. Hiện nay ông với các người tổ chức khác muốn sưu tầm các bằng chứng và chuyện kể để thuật lại lịch sử từ dưới gốc. “Chúng tôi có một khái niệm : những gì sờ được và những gì không thể sờ nắm (tangible and intangible),” ông nhận định thêm.

    Trong cuộc triển lãm về Yanukovich, một tập hợp lọ bình thủy tinh được đặt tên một cách ranh ma là “Cuốn sách của Sự Trong suốt”, trong khi nhiều chân dung của cựu tổng thống  được treo ở một khu trưng bày mang tên “ Cuốn sách của Sự Phô Trương,” bên cạnh giấy chứng nhận cho một tài tử có tên gọi trùng với Yanukovich, cùng các nhân vật khác được đặt tên theo Nietzsche, John Lennon, và thi sĩ Nga Lermontov. Còn thêm bức chân dung lấy từ tư gia của một quan chức tòa án nhà nước mô tả bà vợ tóc vàng của ông ta trong trang phục của giới quí tộc Pháp thời phong kiến - một thành tựu lớn của mỹ thuật kitsch hậu sô viết và tư bản băng nhóm.

   Điểm qua các đồ vật bày biện, từ trang nhã đến kệch cỡm, Roytburd nói,"rõ ràng là Yanukovich không nhận định nổi những món quí giá bên cạnh các thứ lôi thôi khác. Cuộc triển lãm tất nhiên nhắm tới phê phán xuyên qua sự phân tích biếm lộng."...
   Hiện nay, Quảng trường Maidan hầu như đã trở lại cảnh náo nhiệt thường ngày của nó, nhưng các kiến trúc bị đốt cháy và những bia đài dựng tạm để tưởng niệm người chết cũng biến nó thành một tác phẩm trình diễn installation sống động và ảm đạm...Các vụ biểu tình gây ra một cao trào tự hào dân tộc ở Ukraine - đất nước nơi dân Cô-sắc ngày nay ưa thích sưu tầm nhạc dân gian, diện đầu tóc kiểu Cô-sắc...hơn là kéo nhau đi đốt giết người gốc Do Thái như kiểu pogrom trước kia. Các bích chương tưởng nhớ 200 năm ngày sinh của thi hào dân tộc Ukraine là Taras Shevchenko được bày treo cùng khắp thành phố Kiev.
   
   Miền Đông Ukraine, vùng bị Nga lấn chiếm biên giới hiện giờ, xưa nay vẫn trọng văn hóa Nga ngang hàng với văn hóa Ukraine.Khi Nga sáp nhập Kờ-rym vào tháng 3, những người Ukraine thân-Nga đã bày mớ ống loa phát ra thật to ca khúc quen thuộc " Người Lính" do ban nhạc rock Nga LYUBE đàn hát vào năm 2000. Các vở kịch của Nga - thường dựng lại Thế Chiến Hai - là một tiết mục chính trên truyền hình Ukraine. Nhưng tại Kiev, ít ra, năng lực sáng tạo được dồn vào việc khẳng định bản sắc Ukraine không kém so với sự đối kháng chống lại Nga. Trong một đêm tuần trước, ban nhạc rock-dân ca Dakh Daughters gồm bảy nữ nhạc sĩ đã trình diễn một hợp khúc cabaret với một bài hát thời Brezhnev cùng với bản nhạc rap ca ngâm lời độc thoại của một bà cụ vùng núi Các -pát (Carpathian): "Phụ nữ Nga chỉ biết có10 tư thế làm tình, những thế chơi ấy đã lỗi thời ở Ukraine." Ban nhạc này trong tháng qua có trình diễn tại St. Petersburg và được hoan nghênh khi ca một bài về  người lính Nga nhưng  công chúng ở Kiev tuần rồi cho đó là bài ca chế giễu.Một thành viên ban nhạc, Tanya Hawrylyuk -26 tuổi, nói, " Bọn này đàn hát để cho thấy là làm người dân Ukraine tuyệt (cool) như thế nào." Ban nhạc quan niệm việc làm của họ cỗ súy cho "chủ nghĩa yêu nước lành mạnh và xây dựng" .

   Trong lúc một số tác phẩm mỹ thuật có tính chất khiêu khích, chính các chính khách chứ không phải giới nghệ sĩ là những kẻ đang tìm cách lợi dụng các rạn nứt chia rẽ ở Ukraine,   Kateryna Botanova-giám đốc Trung tâm Nghệ Thuật Đương Đại ở Kiev- nói tiếp: " Các nghệ sĩ đã khảo sát những yếu tố đa dạng của xã hội để tìm sự đồng thuận. Tôi không nghĩ rằng có xung khắc chia rẽ ở đây - Ukraine rất phong phú đa dạng."

...

CHÂN PHƯƠNG trích dịch


Chân dung thi hào dân tộc Ukraine -Taras SHEVCHENKO-  do các tranh ảnh dán ghép lại trên bức bích họa.