Friday, June 19, 2015

Arthur Schopenhauer:


 Luận về thiên tài

Nguyễn Đình Đăng dịch


Arthur Schopenhauer (1788 – 1860)

Lời người dịch:
Arthur Schopenhauer (1788 – 1860) là một trong những triết gia vĩ đại nhất t.k. XIX. Ông có ảnh hường lớn tới văn học và công chúng nhờ văn phong giản dị, dễ hiểu, hiếm thấy ở một triết gia Đức nói riêng, và ở triết gia nói chung. Ông còn là triết gia phương Tây đầu tiên nghiên cứu và chịu ảnh hưởng sâu sắc từ cả kinh Vệ Đà và kinh Phật.



Schopenhauer đã có ảnh hưởng lớn tới những trí tuệ sáng giá nhất của nhân loại như triết gia Friedrich Nietzsche, nhà soạn nhạc Richard Wagner, triết gia Ludwig Wittgenstein, nhà vật lý Erwin Schrödinger, nhà vật lý Albert Einstein, nhà phân tâm học Sigmund Freud, nhà phân tâm học Otto Rank, bác sĩ tâm thần Carl Jung, nhà thần thoại học Joseph Campbell, văn hào Lev Tolstoy, văn hào Thomas Mann, và nhiều người khác.

Richard Wagner, sau khi đọc đi đọc lại tác phẩm “Thế giới như Ý chí và Hình dung” của Schopenhauer bốn lần, đã viết trong hồi ký tự thuật rằng cuốn sách này đã ảnh hưởng căn bản toàn bộ cuộc đời ông. Trong một bức thư viết năm 43 tuổi (1856), Wagner thừa nhận triết học của Schopenhauer đã giúp ông hiểu được các sáng tác âm nhạc của chính mình.

Friedrich Nietzche thừa nhận Schopenhauer đã khiến ông tỉnh ngộ trong triết học và là một trong số ít triết gia mà ông kính trọng.

Lev Tolstoy, sau khi đọc “Thế giới như Ý chí và Hình dung” của Schopenhauer, đã coi luân lý khổ hạnh như con đường đúng đắn cho các giai cấp thượng lưu.

Dưới đây tôi hân hạnh giới thiệu bản tôi dịch từ tiếng Anh một trong những tuyệt tác của Arthur Schopenhauer nhan đề “Luận về thiên tài” (Chương 9 cuốn “Nghệ thuật văn chương“). Với lối viết dùng nhiều minh hoạ ẩn dụ giàu hình ảnh, các trang viết này có một sức cuốn hút đặc biệt mà tôi nghĩ trước hết sẽ hấp dẫn các văn nghệ sĩ.

N.Đ.Đ.

*


Không có sự khác nhau nào về thứ hạng, địa vị, xuất thân lại lớn như cái vực thẳm ngăn cách hằng hà sa số những người dùng cái đầu mình chỉ để phụng sự cái bụng, hay nói cách khác, coi nó như công cụ của ý chí, với một số rất ít những người hiếm hoi có can đảm để nói: Không! Cái đầu tốt hơn thế nhiều; cái đầu của tôi chỉ hoạt động phụng sự chính nó; nó phải cố hiểu cảnh tượng kỳ diệu và đổi thay của thế giới này, để rồi tái tạo lại dưới một hình thức nào đó, bằng nghệ thuật hay văn chương, phù hợp với tính cách của tôi như một cá nhân. Những người này là những người thực sự cao quý, là giới quý tộc đích thực của thế giới. Những người khác là các nông nô và số phận gắn với đất đai – glebae adscripti.[1]Tất nhiên, ở đây tôi nói tới những người không chỉ can đảm, mà còn đòi hỏi, và vì vậy có quyền, ra lệnh cho cái đầu từ bỏ việc phụng sự ý chí; với một thành quả chứng tỏ rằng sự hy sinh như vậy là xứng đáng. Trong trường hợp những người chỉ có một phần những điều này, cái vực đó không sâu rộng lắm; nhưng dù tài năng của họ nhỏ, chừng nào đó là tài năng đích thực, bao giờ cũng có một ranh giới rõ ràng giữa họ và hàng triệu người còn lại.*)

*) Thước đo đúng để điều chỉnh sự xếp hạng trí thông minh được xác định bởi mức độ trí óc nhìn nhận sự vật theo quan điểm cá thể hay theo quan điểm tiến gần tới phổ quát. Con vật chỉ nhìn thấy cá thể như một cá thể: sự lĩnh hội của nó không vượt ra ngoài giới hạn của một cá thể riêng biệt. Nhưng con người tổng quát hóa sự cá biệt; và ở đây lý trí của con người hoạt động; trí thông minh của con người càng cao thì các ý tưởng tổng quát của anh ta càng tiến gần tới điểm tại đó chúng trở thành phổ quát.

Các tác phẩm mỹ thuật, thi ca và triết học do một quốc gia tạo ra là kết quả của trí năng dư thừa tồn tại trong quốc gia đó.

Đối với người nào có thể hiểu đúng – cum granos salis[2], quan hệ giữa thiên tài với người thường có lẽ có thể được thể hiện tốt nhất như sau: thiên tài có một trí tuệ kép, một cái dành cho chính anh ta và phụng sự ý chí của anh ta; cái kia dành cho thế giới, mà anh là tấm gương phản chiếu thông qua thái độ thuần túy khách quan của anh đối với thế giới. Tác phẩm nghệ thuật, thi ca hay triết học do thiên tài tạo ra chỉ đơn giản là một kết quả, hay tinh hoa của thái độ mang tính tư duy đó, được trau dồi theo một số quy tắc kỹ thuật.

Người bình thường, ngược lại, chỉ có một trí tuệ đơn thuần, có thể được gọi là chủ quan, trái với trí tuệ khách quan của thiên tài. Dù trí tuệ chủ quan đó có sắc sảo đến mấy – và tồn tại trong nhiều mức độ hoàn hảo khác nhau – nó vẫn không bao giờ sánh được ngang tầm với trí tuệ kép của thiên tài; giống những nốt mở giọng ngực của giọng người dù có cao đến mấy vẫn khác các nốtfalsetto[3] về bản chất. Những nốt này, giống như hai quãng tám (octave) cao của cây sáo và các hoạ âm (harmonic) của cây violin, được tạo bởi cột không khí chia thành hai nửa cùng dao động, giữa chúng có một nút; trong khi các nốt mở giọng ngực của người và quãng tám dưới của cây sáo được tạo bởi một cột không khí dao động toàn bộ không bị phân chia. Minh hoạ này có thể giúp người đọc hiểu sự dị thường đặc trưng đó của thiên tài, để lại dấu ấn không thể nhầm lẫn được trên các tác phẩm, thậm chí trên cả tướng mạo, của người có thiên phú đó. Trong khi đó, rõ ràng một trí tuệ kép như vậy, theo lệ thường, phải cản trở việc phụng sự ý chí; và điều này giải thích vì sao tiên tài thường kém khả năng thích nghi với cuộc sống. Và đặc điểm của thiên tài là anh ta không hề mảy may có được tính khí đúng mực thường thấy ở các trí tuệ thông thường, dù sắc sảo hay mờ nhạt.

Bộ não có lẽ giống như một vật ký sinh được nuôi dưỡng như một phần của cơ thể con người mà không đóng góp trực tiếp vào cơ cấu nội tại; rõ ràng nó ngự trên tầng cao nhất, nơi nó sống tự túc và độc lập. Cũng vậy, có thể nói một người với những năng khiếu tinh thần lớn lao trời phú, ngoài cuộc sống cá nhân giống tất cả mọi người, còn có một cuộc sống thứ hai thuần túy trí tuệ. Anh ta dành hết mình cho sự tăng trưởng, chỉnh lưu, mở rộng liên tục không chỉ của việc học đơn thuần, mà còn của kiến thức và hiểu biết đích thực có hệ thống; và dửng dưng trước số phận xô đẩy cá nhân anh, chừng nào nó không quấy rầy các hoạt động của anh. Đó chính là một cuộc sống nâng con người lên, đặt anh ta lên trên số phận và những thay đổi của nó. Luôn luôn suy nghĩ, học tập, thử nghiệm, vận dụng kiến thức của mình, con người chẳng mấy chốc nhìn nhận cuộc sống thứ hai này như một cách thức chủ đạo của sự hiện hữu, còn cuộc sống cá nhân đơn thuần của mình như một cái gì hạ đẳng, chỉ để phụng sự những mục đích ở đẳng cấp cao hơn chính nó mà thôi.

Một ví dụ về sự hiện hữu độc lập và riêng biệt này là Goethe. Trong cuộc chiến tranh tại Champagne, giữa sự ồn ào hỗn loạn của quân chiếm đóng, ông đã tiến hành các quan sát cho lý thuyết hòa sắc của ông; ngay sau khi vô số tai họa của cuộc chiến tranh này cho phép ông rút về lánh tại pháo đài Luxembourg một thời gian ngắn, ông đã viết bản thảo cuốn sách Farbenlehre (Lý thuyết màu sắc). Đó là một ví dụ mà chúng ta, muối của trái đất, phải cố gắng noi theo, bằng cách không để bất cứ điều gì quấy nhiễu chúng ta đeo đuổi cuộc sống trí óc của chúng ta, mặc cho bao giông bão trên thế gian có thể tràn vào và kích động môi trường cá nhân của chúng ta; luôn luôn nhớ rằng chúng ta là những người con, không phải của một người mẹ nô lệ, mà là của một người mẹ tự do. Như biểu tượng và phù hiệu của chúng ta, tôi đề nghị dùng một cái cây bị gió thổi dữ dội, nhưng mỗi cành vẫn trĩu nặng trái chín đỏ; với phương châm Dum convellor mitescunt, hay Conquassata sed ferax.[4]

Cuộc sống thuần túy trí tuệ đó của cá nhân có đối tác của nó trong toàn bộ nhân loại. Bởi vì ở đó cũng vậy, cuộc sống thực là cuộc sống của ý chí, xét cả về nghĩa kinh nghiệm lẫn tiên nghiệm của từ này. Cuộc sống thuần túy trí tuệ của nhân loại nằm trong những cố gắng gia tăng kiến thức nhờ các khoa học, và mong muốn hoàn hảo các môn nghệ thuật. Cả khoa học và nghệ thuật chậm rãi đi lên từ thế hệ này sang thế hệ khác, và lớn lên qua các thế kỷ, trong mỗi chủng tộc nòi giống đang vội vã góp phần của mình. Cuộc sống trí tuệ đó, như một món quà từ thượng đế, bay trên sự huyên náo và vận động của thế giới; hoặc, như đã từng như vậy, nó là hương thơm ngọt ngào thoát ra từ men – cuộc đời thực của nhân loại bị ý chí chế ngự. Sát cánh với lịch sử các quốc gia, lịch sử triết học, khoa học và nghệ thuật, cuộc sống trí tuệ đi theo con đường vô tội và không vấy máu.

Không nghi ngờ gì, sự khác nhau giữa thiên tài và người thường là một sự khác nhau về lượng, chừng nào đó là một sự khác nhau về mức độ; nhưng tôi cũng muốn coi nó như một sự khác nhau về chất nữa, vì một thực tế là các tư tưởng bình thường, mặc dù có những biến đổi cá nhân, đều có một xu hướng chắc chắn là suy nghĩ giống nhau. Vậy nên, trong những tình huống tương tự, các suy nghĩ của người ta ngay lập tức ngả theo một hướng tương tự, và chạy theo những đường như nhau; và điều này giải thích vì sao các phán xét của họ lúc nào cũng giống nhau, tuy không phải chúng dựa trên chân lý. Điều này kéo dài tới mức một số quan điểm hình thành trong nhân loại mọi thời đại, và luôn luôn được nhắc lại và tái đề xuất, trong khi các tư tưởng vĩ đại của mọi thời đại đều công khai hoặc ngấm ngầm chống lại chúng.

Một thiên tài là một người mà trong tư tưởng của anh ta thế giới hiện diện như một vật thể phản chiếu trong gương, nhưng ở mức độ trong sáng và rõ nét hơn được thấy bởi những người thường. Nhân loại có thể tìm từ thiên tài hầu hết mọi giáo huấn; bởi lẽ có thể đạt được sự thấu hiểu sâu sắc nhất trong những vấn đề quan trọng nhất, không phải là nhờ chú ý quan sát từng chi tiết, mà là nhờ nghiên cứu kỹ lưỡng tổng thể các sự vật. Và nếu tư tưởng của thiên tài đạt tới độ chín muồi, giáo huấn của anh ta sẽ được trình bày khi thì ở dạng này lúc thì ở dạng khác. Như vậy, thiên tài có thể được định nghĩa như một ý thức cực kỳ rõ ràng về sự vật nói chung, và vì thế, về cả cái chống lại chúng, tức chính bản thân anh ta.

Thế giới ngưỡng mộ một người có thiên phú như vậy, và kỳ vọng học được gì đó về cuộc đời và thực chất của nó. Nhưng một số tình huống rất thuận lợi phải kết hợp với nhau để sản sinh ra thiên tài, và đó là sự kiện cực hiếm. Nó chỉ thỉnh thoảng mới xảy ra, cứ cho là mỗi thế kỷ một lần, có một người được sinh ra với trí năng vượt quá thước đo thông thường một cách bất ngờ tới mức không liên quan gì tới ý chí. Anh ta có thể không được công nhận hoặc đánh giá đúng trong một thời gian dài do sự ngu dốt của người này hoặc sự đố kỵ của kẻ khác. Nhưng khi điều đó đã qua, nhân loại sẽ xúm xít quanh anh ta và các tác phẩm của anh, trong niềm hy vọng anh sẽ có thể soi sáng chỗ đen tối trong sự tồn tại của họ hoặc cho họ biết về nó. Thông điệp của anh ta, về mặt nào đó, là ánh sáng soi đường, còn bản thân anh ta là một đấng cao hơn, mặc dù anh ta có chiều cao chỉ vượt tiêu chuẩn chút ít.

Cũng như người thường, thiên tài chủ yếu là chính bản thân anh ta. Đây là điều cốt lõi trong bản chất của anh: một sự thực không thể tránh khỏi hoặc thay đổi, đối với những người khác anh ta có thể chỉ là vấn đề may rủi hoặc ở tầm quan trọng thứ yếu. Trong mọi trường hợp, người ta không nhận được gì từ tư tưởng của anh ngoài một sự phản chiếu, và chỉ khi nào anh ta giao du với họ nhằm thử gieo tư tưởng của mình vào đầu họ, là chỗ ở đó tư tưởng này trở thành một thứ không hơn gì một cái cây ngoại lai, ẻo lả và còi cọc.

Để có những tư tưởng độc đáo, hiếm có, và thậm chí có lẽ là bất tử, chỉ cần tự cách li toàn bộ chính mình trong vài khoảnh khắc khỏi thế giới sự vật, tới mức các vật thể và sự kiện bình thường nhất hiện ra hoàn toàn mới lạ và khác thường. Bằng cách đó bản chất thực của chúng được bộc lộ. Không thể nói đòi hỏi này là khó khăn; nó hoàn toàn không nằm trong khả năng của chúng ta, mà là địa hạt của thiên tài.

Bản thân thiên tài có thể sản sinh ra các tư tưởng độc đáo cũng hệt như người phụ nữ có thể sinh con. Các hoàn cảnh bên ngoài phải giúp thiên tài kết trái, trở thành người cha của những đứa con mình.

Tư tưởng của thiên tài giữa các tư tưởng khác cũng tựa như viên ngọc thạch lựu giữa những viên đá quý: nó phát ánh sáng của riêng nó, trong khi các viên đá khác chỉ phản chiếu ánh sáng chúng nhận được. Quan hệ giữa thiên tài và trí tuệ bình thường cũng có thể được mô tả như quan hệ giữa một vật có khả năng tích điện do ma sát với một vật dẫn điện thông thường.

Một người có học thông thường, cả đời dạy những điều mình đã được học, chặt chẽ mà nói, không được gọi là một người có thiên tài; tương tự như vật tích điện do ma sát không phải là vật dẫn điện. Không, thiên tài đối với sự có học đơn thuần cũng tựa như ca từ và âm nhạc trong một bài hát. Một học giả là một người đã từng học rất nhiều; một thiên tài là người từ anh ta chúng ta học được một cái gì đó mà thiên tài không học từ ai cả. Những tư tưởng vĩ đại, trong hàng trăm triệu người may ra mới có được một, chính là những ngọn hải đăng của nhân loại, mà thiếu chúng nhân loại chắc đã đắm chìm trong biển cả mênh mông của những sai lầm và bối rối.

Và vì thế một học giả bình thường, theo nghĩa chặt chẽ của từ này – ví dụ như một giáo sư đại học – nhìn thiên tài rất giống như chúng ta nhìn con thỏ rừng, để chén sau khi giết thịt và nấu nướng. Chừng nào nó còn sống nó chỉ có ích cho người ta nhằm bắn.

Người nào muốn trải nghiệm sự tri ân của những người cùng thời thì phải điều chỉnh bước đi theo nhịp của họ. Nhưng những điều vĩ đại không bao giờ được tạo ra bằng cách này. Và người nào muốn làm những điều vĩ đại phải hướng tầm nhìn tới hậu thế, và quyết tâm dựng nên công trình của mình cho những thế hệ sẽ tới. Không nghi ngờ gì, kết quả là anh ta sẽ rất vô danh đối với những người cùng thời, cũng tựa như một người buộc phải sống trên một hoang đảo, cố gắng cao độ để dựng nên một tượng đài tại đó, để truyền tin cho những người đi biển trong tương lai biết về sự hiện hữu của anh ta. Nếu anh ta cho đó là một số phận khắc nghiệt, hãy để anh ta tự an ủi bởi suy nghĩ rằng một người bình thường sống với những mục đích thực dụng cũng thường chịu số phận tương tự, mà không hy vọng vào bất cứ một sự đền bù nào; bởi vì anh ta có thể, trong những điều kiện thuận lợi, sống một cuộc sống vật chất, kiếm tiền, mua sắm, xây cất, chăm bón, tiêu pha, sáng lập, kiến tạo, làm đẹp bằng những cố gắng hàng ngày và với nhiệt huyết không mệt mỏi, và lúc nào cũng nghĩ mình đang làm việc cho chính mình; vậy mà rốt cuộc con cháu anh ta mới là những người hưởng mọi lợi lộc; và đôi khi thậm chí chẳng phải con cháu anh ta nữa. Người có thiên tài cũng vậy; anh ta cũng hy vọng được báo đáp ít nhất trên danh dự; nhưng rốt cuộc thấy mình chỉ lao động vì hậu thế của mình. Chắc chắn cả hai loại người này cũng đã thừa hưởng rất nhiều từ tổ tiên họ.

Sự đền bù tôi đã nói như một đặc ân của thiên tài không nằm ở chỗ nó là cái gì đối với những người khác, mà ở chỗ nó là cái gì với chính nó. Người nào là người đã từng sống, trong bất cứ ý một nghĩa thực sự nào, nhiều hơn người có những giây phút tư duy để lại tiếng vang vọng xuyên qua mọi xáo động của các thế kỷ? Rốt cuộc, có lẽ điều tốt nhất cho một thiên tài là anh ta sở hữu được chính mình mà không bị quấy nhiễu, bằng cách sống một cuộc đời hưởng cái thú mà tư duy của chính anh ta, tác phẩm của chính anh ta đem lại, và bằng cách thừa nhận thế giới chỉ như kẻ thừa kế sự hiện hữu phong phú của anh ta. Khi đó thế giới sẽ tìm ra dấu ấn sự hiện hữu của anh ta chỉ sau khi anh đã chết như tìm thấy một vết chân hóa thạch.[5]

Thiên tài vượt người thường không chỉ trong hoạt động của các năng lực cao nhất của anh ta. Một người chắc nịch, dẻo dai và nhanh nhẹn sẽ trình diễn các thao tác của mình dễ dàng một cách khác thường, thậm chí nhàn hạ, bởi anh ta cảm thấy sung sướng trong hoạt động anh ta đặc biệt thích hợp, và vì thế anh ta thường làm mà không cần một đối tượng nào hết. Hơn nữa, nếu anh là một diễn viên nhào lộn hay một vũ công, anh ta không chỉ thực hiện được những cú nhảy những người khác không thể làm được, mà anh còn bộc lộ một sự mềm dẻo và độ nhanh nhẹn hiếm có trong những bước dễ dàng mà những người khác có thể làm được, thậm chí cả trong đi bộ bình thường. Cũng vậy, người có trí tuệ vượt trội không chỉ sản sinh những tư tưởng và tác phẩm không thể có được từ những người khác; không riêng gì ở đây anh ta mới cho thấy sự vĩ đại của mình; mà do kiến thức và tư duy là phương thức hoạt động tự nhiên và dễ dàng đối với anh ta, lúc nào anh cũng thích thú với chúng, và nhờ vậy nắm bắt được các vấn đề nhỏ mọn trong tầm của các trí tuệ khác một cách dễ dàng hơn, nhanh chóng hơn và chính xác hơn. Vậy nên anh ta sẽ có niềm sung sướng trực tiếp và sống động trong mỗi sự gia tăng của Kiến thức, trong mỗi vấn đề được giải quyết, trong mỗi ý nghĩ dí dỏm, dù đó là của chính anh ta hay của người khác; và vì thế trí tuệ của anh ta không có bất cứ mục đích nào khác xa hơn trạng thái không ngừng hoạt động. Đó sẽ là nguồn khoái cảm vô tận; và sự buồn chán, như bóng ma ám ảnh người thường, sẽ không bao giờ có thể lai vãng tới gần anh ta.

Cũng vậy, những kiệt tác của các thiên tài trong quá khứ và đương thời chỉ hiện hữu một cách đầy đủ đối với thiên tài. Nếu một sản phẩm vĩ đại của thiên tài được đem giới thiệu với một người thường, trí tuệ hời hợt, người này sẽ chỉ thích nó ở mức như một nạn nhân của thẩm mỹ khi được mời tới cuộc khiêu vũ. Người thì tới vì hình thức, kẻ thì đọc sách trước khi đi để khỏi bị quê. Bởi La Bruyère đã rất đúng khi nói: Tất cả trí khôn trên đời đều thua kẻ không mảy may có tí trí khôn nào. Toàn bộ lĩnh vực tư duy của một người tài, hoặc một thiên tài, khi đem so với những ý nghĩ của một người thường, ngay cả khi chúng hướng về cùng một đối tượng, cũng tựa như một bức tranh xuất sắc, đầy sức sống, được đem so với một bức phác hoạ đơn sơ hay một bức phác thảo yếu bằng màu nước.

Tất cả cái đó là một phần của sự báo đáp và bồi thường cho thiên tài vì sự hiện hữu cô đơn trong một thế giới mà anh ta chẳng có gì chung và không có được những cảm thông. Song bởi lẽ kích thước là tương đối, sự thể cũng hệt như thế khi tôi nói Caius là một vĩ nhân, hoặc Caius phải sống giữa những người nhỏ bé một cách thảm hại: bởi lẽ Brobdingnag hay Lilliput[6] chỉ thay đổi phụ thuộc xuất phát điểm. Bất kể hậu thế xa xôi coi tác giả của các tác phẩm bất tử có vĩ đại, vì vậy, đáng ngưỡng mộ và đáng để làm gương đến mấy đi chăng nữa, sinh thời anh ta sẽ hiện ra nhỏ bé, thảm hại, và tẻ nhạt trong mắt những người cùng thời. Đó là ý của tôi khi nói rằng vì cái tháp kia có 300 bậc từ chân tới đỉnh tháp, nên cũng có đúng 300 bậc từ đỉnh xuống chân tháp. Vậy nên các trí tuệ vĩ đại có chịu một ân huệ từ các trị tuệ bé nhỏ; bởi lẽ chỉ nhờ có các trí tuệ bé nhỏ này mà các trí tuệ kia trở thành vĩ đại.

Thế thì, chúng ta đừng ngạc nhiên khi thấy các thiên tài nói chung thường không quần chúng và khiến người khác khó chịu. Không phải sự thiếu chan hòa của họ có lỗi. Con đường của họ đi qua thế giới giống con đường của một người đi dạo trong một buổi sáng mùa hè rực rỡ. Anh ta thích thú ngắm nhìn vẻ đẹp và sự tươi mát của thiên nhiên. Song anh ta phải dựa hoàn toàn vào điều này để giải trí; bởi lẽ anh ta không có một ai khác để chia sẻ ngoài những người nông dân đang còng lưng cuốc đất. Thói thường người có trí tuệ vĩ đại thích độc thoại hơn những cuộc đối thoại mà anh ta có thể có trên thế gian này. Nếu đôi khi anh ta hạ cố tham gia đối thoại, thì sự rỗng tuếch của nó có thể khiến anh ta quay về với độc thoại; do tính chóng quên của người đàm thoại, hoặc không để ý tới việc liệu người này có hiểu hay không, người có trí tuệ vĩ đại nói với người đàm thoại hệt như đứa trẻ đang nói chuyện với con búp bê.

Tính khiêm tốn trong một trí tuệ vĩ đại, không nghi ngờ gì, sẽ làm thế giới vừa ý; song, thật không may, đó là một contradictio in adjecto[7]. Nó sẽ buộc thiên tài phải ưu tiên các tư tưởng và quan điểm, không, thậm chí cả phương pháp và phong cách, của hàng triệu người hơn là của riêng mình; đánh giá chúng cao hơn; và vì chúng rất khác nhau, thiên tài phải dung hòa các quan điểm của mình với chúng, hoặc thậm chí loại bỏ hoàn toàn các quan điểm của mình để những người khác thắng thế. Trong trường hợp đó, anh ta hoặc sẽ không sản sinh ra cái gì hết, hoặc nếu không các thành tựu của anh sẽ chỉ ở chung một mức với họ. Tác phẩm vĩ đại, đích thực, phi thường chỉ có thể được làm ra chừng nào tác giả của nó bỏ qua phương pháp, các tư tưởng, và quan điểm của những người đương thời, và lặng lẽ làm việc, bất chấp sự phê phán của họ, tự mình khinh bỉ cái mà họ tán dương. Không ai trở thành vĩ đại mà lại thiếu sự ngạo mạn kiểu này. Nếu cuộc đời và tác phẩm của anh ta lại rơi vào một thời đại không thể công nhận và đánh giá anh ta, anh ta dù sao cũng vẫn trung thực với chính mình; giống như một người du hành cao quý buộc phải nghỉ qua đêm trong một nhà trọ tồi tàn; khi bình minh đến anh ta lại vui vẻ lên đường.

Một thi sĩ hay một triết gia không có lỗi với thời đại của mình nếu nó chỉ cần cho phép anh ta làm việc mình trong cõi riêng của anh ta mà không bị phiền nhiễu. Anh ta cũng không có lỗi với số phận nếu cái cõi riêng dành cho anh cho phép anh theo đuổi thiên hướng của mình mà không phải bận tâm tới những người khác.

Bởi lẽ việc để cái đầu chỉ đơn thuần làm việc phụng sự cái bụng thực sự là số phận chung của hầu hết những ai không sống bằng sản phẩm do chính tay mình làm ra; và họ còn lâu mới bất mãn với số phận của mình. Nhưng điều đó sẽ giáng sự tuyệt vọng vào người có trí tuệ vĩ đại mà trí năng vượt ra ngoài giới hạn cần thiết cho việc phụng sự ý chí; và nếu cần, anh ta thà sống trong những hoàn cảnh eo hẹp nhất chừng nào chúng cho anh tự do dùng thời gian của mình để phát triển và áp dụng các tài năng của anh ta; nói cách khác, nếu chúng cho anh sự nhàn rỗi mà đối với anh là vô giá.

Đối với những người thường thì lại khác: đối với họ sự nhàn rỗi tự nó là vô giá trị, hoặc thực sự không phải là không chứa chất những nguy hiểm[8], như thể những người này biết rõ vậy. Các công trình kỹ thuật trong thời đại chúng ta, được thực hiện đạt tới mức hoàn hảo chưa từng có, bằng cách gia tăng và nhân lên các đồ vật xa xỉ, đã cho những người gặp vận may một sự lựa chọn giữa một bên là có nhiều thêm sự nhàn rỗi và văn hóa, còn bên kia là có nhiều thêm sự xa xỉ và cuộc sống sung túc, nhưng phải hoạt động nhiều hơn; trung thực với tính cách của mình, họ chọn cách sau này, và thích sâm banh hơn tự do. Và họ nhất quán trong lựa chọn của họ; bởi lẽ, với họ, bất cứ cố gắng nào dùng trí tuệ mà lại không nhằm mục đích phụng sự ý chí đều là điên rồ. Họ gọi cố gắng của trí óc nhằm phục vụ chính nó là tính lập dị. Vì thế, tính kiên định với các mục đích của ý chí và của cái bụng sẽ là tính đồng tâm; và, chắc chắn trung tâm ở đây là ý chí, nòng cốt của thế giới.

Nhưng, nói chung, rất hiếm khi có một lựa chọn như vậy. Bởi lẽ, đối với tiền bạc, đại đa số người ta không dư thừa, mà chỉ có vừa đủ để đáp ứng nhu cầu của mình, và với trí tuệ cũng vậy; người ta có vừa đủ để phụng sự ý chí, tức là để tiếp tục công việc làm ăn của mình. Sau khi đã trở nên giàu có, người ta bằng lòng với việc ước ao hoặc chiều theo những khoái lạc xác thịt hoặc các trò giải trí trẻ con, chơi bài hay đánh bạc; hoặc sẽ phát ngôn đần độn nhất, hoặc sẽ chải chuốt và tôn sùng lẫn nhau. Và thật ít ỏi biết bao số người chỉ có thậm chí một chút trí năng dư thừa! Cũng như những người khác, họ cũng lấy đó làm một khoái lạc, nhưng đó là khoái lạc của trí tuệ. Hoặc là họ sẽ theo học một môn học tự do nào đó chẳng đem lại cho họ gì cả, hoặc là họ sẽ thực hành một môn nghệ thuật nào đó; và nói chung họ sẽ có khả năng quan tâm một cách khách quan tới sự vật, nên có thể đàm luận. Còn với những người khác, tốt hơn là chớ nên có quan hệ gì hết; bởi lẽ, trừ khi họ nói kết quả kinh nghiệm của chính họ hoặc kể về nghề nghiệp đặc thù của chính họ, hay chí ít cũng thuật lại cái mà họ đã học được từ một người nào khác, đàm thoại của họ cũng sẽ không đáng để nghe; và nếu có bất cứ điều gì đó được nói cho họ, hiếm khi họ lĩnh hội được hoặc hiểu đúng, và trong đại đa số trường hợp điều đó sẽ trái ngược với các quan điểm của riêng họ. Baltazar Gracian[9] mô tả họ thật ấn tượng như những người không phải là người – hombres che non lo son. Và Giordano Bruno[10] cũng nói y như vậy: Những con người sao mà khác xa những kẻ được tạo ra với hình thù giống người! Còn đoạn văn sau đây trong Kurral[11] sao mà phù hợp tuyệt vời với nhận xét đó thế: Những bình dân trông giống người nhưng tôi chưa bao giờ từng thấy có cái gì thật giống họ cả.

Nếu người đọc xem xét phạm vi mà những ý tưởng này trùng hợp với nhau trong cách nghĩ thậm chí cách diễn đạt, và sự khác nhau lớn giữa chúng về thời điểm và dân tộc, người đọc sẽ không thể nghi ngờ chúng phản ánh cùng một sự thực của cuộc sống. Chắc chắn không chịu ảnh hưởng của những câu nói đó, khoảng 20 năm trước tôi đã thử đặt làm một hộp đựng thuốc lá hít, trên nắp hộp phải được khảm hai hạt dẻ mỏng, nếu có thể; cùng với một chiếc lá để thấy đó là hạt dẻ ngựa. Biểu tượng đó được dùng để giữ cho trí tuệ tôi luôn luôn tư duy[12]. Nếu bất kỳ ai muốn giải trí để khỏi cảm thấy cô đơn khi có một mình, hãy để tôi giới thiệu kết bạn với những con chó, mà các phẩm chất đạo đức và trí tuệ của chúng hầu hết có thể đem lại sự thích thú và thỏa mãn.

Tuy vậy chúng ta vẫn luôn phải thận trọng để khỏi thiếu công bằng. Tôi thường ngạc nhiên trước sự lanh lợi, rồi lại thỉnh thoảng ngu dốt của con chó của tôi; và tôi có những trải nghiệm tương tự với loài người. Vô số lần, phẫn nộ trước sự thiếu năng lực của họ, sự hoàn toàn thiếu sáng suốt của họ, trước thú tính của họ, tôi đã buộc phải nhắc lại lời than phiền cổ xưa rằng sự điên rồ là bà mẹ và cô bảo mẫu của loài người.

Humani generis mater nutrix que profecto stultitia est.

Nhưng có những lần khác tôi lại từng kinh ngạc rằng từ một loài như vậy lại có thể sinh ra biết bao nhiêu nghệ thuật và khoa học, với rất nhiều công dụng và vẻ đẹp, tuy rằng bao giờ cũng chỉ một số ít người sản sinh ra chúng. Song những nghệ thuật và khoa học đó vẫn bén rễ, tự thiết lập và hoàn thiện: và loài người đã trung thành bền bỉ bảo tồn Homer, Plato, Horace và những tác giả khác trong hàng ngàn năm, bằng cách sao chép và trân trọng gìn giữ các trang viết của họ, vì vậy cứu chúng khỏi sự lãng quên, bất chấp mọi xấu xa và tàn bạo từng xảy ra trên thế giới. Như vậy loài người đã chứng minh mình hiểu giá trị của những thứ này, đồng thời có thể hình thành một cách nhìn đúng đắn về những thành tựu đặc biệt và đánh giá những dấu hiệu của sự phán xét và trí thông minh. Khi nào điều này xảy ra từ đám đông, đó là một loại cảm hứng. Đôi khi một quan điểm đúng đắn cũng được hình thành bởi chính đám đông; nhưng chỉ khi nào dàn đồng ca của sự tán dương đã lớn lên đầy đủ và trọn vẹn. Khi đó giống như âm thanh của các giọng ca không được luyện: lúc nào cũng hài hòa nếu đủ nhiều.

Những người xuất hiện từ đám đông, những người được gọi là thiên tài, đơn thuần chỉ là lucida intervalla (lúc tỉnh táo giữa những cơn điên, ND) của giống người. Họ đạt được cái mà những người khác chắc không thể nào đạt được. Sự độc đáo của họ lớn đến mức không chỉ sự bất đồng của họ với người khác là rõ ràng, mà tính cá nhân của họ được biểu hiện với một sức mạnh đến nỗi các thiên tài từng tồn tại từ trước tới nay, bất cứ ai trong số họ, đều bộc lộ những nét kỳ dị trong tính cách và trí tuệ; để món quà từ các tác phẩm của anh ta là thứ mà, trong tất cả mọi người, chỉ mình anh ta là người có thể đem tặng cho thế giới. Đó là cái khiến sự so sánh của Ariosto[13] trở nên quả là đúng và xứng đáng nổi tiếng:Natura lo fece e poi ruppe lo stampo. Tự nhiên đúc ra thiên tài sau đó đập vỡ cái khuôn.

Nhưng khả năng con người luôn có hạn; và không ai có thể thành thiên tài vĩ đại mà lại không có mặt yếu, thậm chí, một sự hẹp hòi trí tuệ nào đó. Nói cách khác, anh ta đôi khi sẽ kém những người tài năng trung bình ở một tính năng nào đó. Đó sẽ là một tính năng, mà nếu mạnh, hẳn có thể đã cản trở việc thực thi những phẩm chất anh vượt trội. Bao giờ cũng sẽ rất khó xác định chính xác điểm yếu đó là gì, ngay cả trong một trường hợp đã cho. Nó có thể được biểu hiện một cách gián tiếp; vậy nên điểm yếu của Plato chính là chỗ Aristotle mạnh, và ngược lại; cũng vậy, Kant kém đúng ở chỗ Goethe vĩ đại.

Ngày nay, nhân loại thích tôn sùng một cái gì đó; nhưng sự tôn sùng của nhân loại nói chung hướng sai đối tượng, và cứ sai như thế cho đến khi hậu thế chỉnh cho đúng. Nhưng công chúng có học vấn sẽ được sửa cho đúng không sớm hơn sự thoái hóa lòng tôn kính thiên tài; cũng y như lòng tôn kính mà người có đức tin bày tỏ đối với các vị thánh của mình dễ dàng biến thành sự sùng bái phù phiếm các linh vật. Hàng ngàn người Thiên Chúa giáo tôn thờ các di vật của một vị thánh mà họ chẳng biết gì về cuộc đời và học thuyết của vị thánh này; và tôn giáo của hàng ngàn Phật tử nằm trong sự tôn sùng một chiếc Răng Linh Thiêng hoặc một vật gì đại loại như thế, hoặc cái lọ đựng nó, hoặc cái Bát Linh Thiêng, hoặc một vết chân hóa thạch, hoặc cái Cây Linh Thiêng mà Đức Phật đã trồng, hơn là trung thành thực thi giáo huấn cao cả của Người. Nhà của Petrarch[14] ở Acqua; nhà ngục được cho là nơi Tasso[15] từng bị giam tại Ferrara; nhà của Shakespeare ở Stratford; nhà của Goethe ở Weimar, có cả đồ đạc; túp lều cũ của Kant; chữ ký của các vĩ nhân; nhiều người há hốc miệng thích thú và kinh sợ trước những thứ này mà bản thân chưa bao giờ đọc tác phẩm của các thi hào đó. Họ không thể làm gì hơn ngoài việc chỉ há hốc miệng.

Những người thông minh trong số họ xúc động bởi mong muốn được thấy trước mắt mình những đồ vật vĩ nhân thường dùng; và do một ảo tưởng kỳ lạ, họ sản sinh ra một ý niệm nhầm lẫn rằng, cùng với những hiện vật này, họ tìm lại được chính vĩ nhân, hoặc nhất định có cái gì đó từ ông ta phải dính vào các hiện vật đó. Tương tự như họ là những người cố gắng da diết để làm quen với chủ đề trong các tác phẩm của một thi sĩ, hoặc làm sáng tỏ những hoàn cảnh riêng tư và các sự kiện trong cuộc đời ông đã làm nảy sinh những đoạn thơ nhất định. Điều này cũng như thể các khán giả trong một nhà hát chiêm ngưỡng một sân khấu với phông màn được bài trí đẹp, rồi đùng đùng kéo nhau lên sân khấu để xem hệ thống giàn đỡ các phông màn đó. Ngày nay chúng ta có quá đủ các ví dụ về những nhà nghiên cứu trầm trọng này, và họ chứng minh cho chân lý của câu châm ngôn rằng loài người quan tâm không phải tới hình thức của một tác phẩm, tức, cách giải quyết tác phẩm, mà là tới câu chuyện thực của nó. Tất cả cái mà nhân loại quan tâm là đề tài. Chỉ đọc tiểu sử của một triết gia, thay vì nghiên cứu các tư tưởng của ông, cũng giống như bỏ qua bức tranh mà chỉ chú trọng tới kiểu dáng của cái khung, tranh luận xem nó được trạm khắc đẹp hay xấu, hoặc tốn bao nhiêu tiền để mạ vàng nó.

Tất cả cái đó thật hay ho. Tuy nhiên, lại có những nhân vật thuộc một loại khác, cũng quan tâm tới những vấn đề vật chất và riêng tư, nhưng họ còn đi xa hơn nhiều và đưa mối quan tâm của họ tới điểm tuyệt đối vô tích sự. Bởi lẽ vĩ nhân đã bộc lộ cho họ những gì quý giá từ tâm can mình, và, bằng một nỗ lực tối cao từ các tài năng của mình, đã sản sinh ra những tác phẩm không chỉ góp phần làm thức tỉnh và khai sáng họ, mà còn mang lợi cho hậu thế của họ tới tận thế hệ thứ mười thứ hai mươi; bởi lẽ vĩ nhân đã tặng cho loài người một món quà không gì sánh nổi, những kẻ xỏ lá này tự cho họ cái quyền phán quyết đạo đức cá nhân của vĩ nhân, cố thử xem liệu mình có phát hiện ra tại chỗ này chỗ kia một vết nhơ của vĩ nhân để xoa dịu nỗi đau họ cảm thấy trước một trí tuệ vĩ đại đến thế, so với cảm xúc đang lấn át về sự tầm thường của chính họ.

Đó là nguồn thực sự của mọi thảo luận dông dài, diễn ra trong vô số sách vở và các bài tổng quan, về khía cạnh đạo đức trong cuộc đời của Goethe, nào là lẽ ra ông không nên cưới cô này hay cô kia trong số các cô gái ông say mê thuở thanh xuân; nào là, lại nữa, lẽ ra ông không nên làm người của công chúng, một người Đức ái quốc, xứng đáng ngồi trong Paulskirche[16], thay vì toàn tâm toàn ý phụng sự chủ mình, vân vân. Sự vô ơn trắng trợn và gièm pha hiểm độc như vậy chứng tỏ rằng những vị quan tòa tự phong này là những tên đại đểu cả về đạo đức và trí tuệ, và điều này đã nói lên tất cả.

Người có tài sẽ phấn đấu vì tiền bạc và danh vọng; nhưng không dễ chỉ ra động cơ thúc đẩy thiên tài làm nên các tác phẩm. Sự giàu sang hiếm khi là sự đền bù. Cũng không phải danh vọng hay vinh quang; chỉ có người Pháp mới có thể nói như thế. Vinh quang là thứ thật không chắc chắn, và nếu anh xem xét kỹ, nó thật chẳng có mấy giá trị. Hơn nữa, nó chẳng bao giờ tương xứng với những nỗ lực anh đã bỏ ra:

Responsura tuo nunquam est par fama labori.

Cũng không hẳn là khoái cảm; vì nó nhẹ hơn cố gắng lớn lao rất nhiều. Đúng hơn, đó là một loại bản năng đặc biệt, buộc thiên tài tạo ra một hình thức bền vững cho cái anh ta nhìn thấy và cảm thấy, mà không ý thức được bất cứ lý do nào khác. Bản năng này vận động chủ yếu do một nhu cầu tương tự như nhu cầu khiến cái cây kết trái; và không cần điều kiện bên ngoài nào trừ mảnh đất nó cắm rễ.

Xem xét kỹ hơn, dường như, đối với thiên tài, ý chí sống – tinh thần của loài người – do một cơ may hiếm có và trong một giai đoạn ngắn, đã đạt tới một tầm nhìn rõ ràng hơn, nay đang ra sức củng cố tầm nhìn đó hay, ít nhất, thành quả của nó, cho toàn bộ loài người – là loài mà cá nhân sâu xa nhất của thiên tài là một thành viên; để ánh sáng thiên tài tỏa ra quanh mình có thể xuyên thủng sự dốt nát và ngu độn trong ý thức của người thường, và tạo ra ở đó một hiệu quả tốt đẹp.

Xuất hiện theo một cách nào đó như vậy, bản năng này buộc thiên tài hoàn thành tác phẩm của mình mà không hề nghĩ tới sự đền bù, hay tán thưởng, hay cảm thông; từ bỏ mọi toan tính phúc lợi cá nhân; để biến cuộc đời mình thành một sự cô độc cần cù, và vận dụng tối đa các khả năng của mình. Như vậy anh ta nghĩ về hậu thế nhiều hơn so với những người đương thời; bởi lẽ, trong khi những người đương thời chỉ có thể dẫn anh ta đi lạc đường, hậu thế chiếm đa số nhân loại, và thời gian sẽ dần dần mang lại sự sáng suốt cho một số ít người có thể đánh giá anh ta. Trong khi đó, cũng như người nghệ sĩ mà Goethe đã mô tả, anh ta không có một nhà bảo trợ cao sang nào để trân trọng tài năng của anh, không có bạn bè nào cùng chia vui với anh:

Ein Fürst der die Talente schätzt,

Ein Freund, der sich mit mir ergötzt,

Die haben leider mir gefehlt.[17]

Tác phẩm của anh ta là một linh vật, là thành quả đích thực của cuộc đời anh, và mục đích của anh ta cất giữ nó cho một hậu thế sáng suốt hơn sẽ khiến nó trở thành tài sản của nhân loại. Một mục đích như thế vượt xa tất cả các mục đích khác, và vì nó anh ta đội một vòng gai sẽ có ngày nở rộ thành một vòng nguyệt quế. Toàn bộ năng lực của anh ta được tập trung trong cố gắng hoàn thành và củng cố tác phẩm của mình; như một con côn trùng, trong giai đoạn phát triển cuối cùng, dùng toàn bộ sức lực vì cả bầy đàn mà nó sẽ không bao giờ còn sống để nhìn thấy, nó đẻ trứng vào một nơi an toàn nào đó, là nơi những đứa con của nó một ngày nào đó sẽ nở ra và sẽ tìm thấy thức ăn, rồi sau đó nó âm thầm chết.

________________________

Chú giải của người dịch:
[1] Tiếng Latin trong nguyên văn, có nghĩa là những nô lệ thời Đế chế La Mã bị ràng buộc với đất đai. Đất đai được bán, chuyển nhượng kèm theo cả các nô lệ canh tác trên đó.

[2] Tiếng Latin trong nguyên văn, có nghĩa là bán tín bán nghi.

[3] Giọng hát người từ thấp lên cao có 4 khoảng âm như sau: vocal fry (giọng trầm), modal (giọngbình thường), falsetto (giọng giả), whistle (giọng huýt sáo). Giọng ngực (chest voice) thuộc phần thấp của giọng modal.

[4] Tiếng Latin trong nguyên văn, tức “bị xoắn vặn mà vẫn ngọtngào hay bị rung lắc mà vẫn ra trái”.

[5] Ở đây Schopenhauer trích dẫn đoạn đầu canto IV trong “Lời tiên tri của Dante” (1819) của Byron:

Many are poets who have never penn’d

Their inspiration, and perchance the best :

They felt, and loved, and died, but would not lend

Their thoughts to meaner beings; they compressed

The god within them, and rejoin’d the stars

Unlaurell’d upon earth, but far more bless’d

Than those who are degraded by the jars

Of passion, and their frailties link’d to fame,

Conquerors of high renown, but full of scars.

Dịch nghĩa:

Biết bao thi sĩ đã không bao giờ viết

Cảm hứng của mình, và có thể là đó là cảm hứng tuyệt vời nhất:

Họ cảm xúc, yêu, và chết, nhưng không đưa các suy nghĩ của mình

Cho những kẻ kém cỏi hơn vay mượn;

Họ cô đọng Chúa Trời vào trong mình, và trở lại phía các vì sao,

Họ không được vinh danh trên trái đất, nhưng phúc của họ vượt xa hơn nhiều

Những kẻ bị thoái hóa bởi sân si

và những sự bạc nhược dính dáng tới danh vọng,

Những kẻ chinh phục tiếng tăm lừng lẫy, nhưng dính đầy nhơ nhuốc.

[6] Tên nước của những người khổng lồ và những người tí hon trong truyện “Gulliver du ký” của Jonathan Swift.

[7] Tiếng Latin, tức mâu thuẫn giữa các phần trong một lý lẽ, hay phép nghịch hợp, ví dụ: một sự yên lặng ù tai bao trùm căn phòng.

[8] Ngạn ngữ ta có câu: Nhàn cư vi bất thiện.

[9] Baltazar Gracian (1601 – 1658) – tu sĩ dòng Tên (Jesuit) người Tây Ban Nha đồng thời là văn sĩ và triết gia tiền hiện sinh (proto-existentialist) được Nietzsche và Schopenhauer đánh giá cao.

[10] Giordano Bruno (1548 – 1600) – thầy dòng Đa Minh (Dominican), triết gia, nhà toán học, và nhà chiêm tinh người Ý. Ông là người đã đề ra thuyết đa nguyên vũ trụ (cosmic pluralism), coi các hành tinh là các hệ riêng tương tự hệ mặt trời, trên đó có thể có sự sống riêng. Ông khẳng định vũ trụ là vô tận, vĩnh hằng và không một tinh tú nào có thể là trung tâm của vũ trụ cả. Vì những quan điểm này, ông đã bị Tòa án dị giáo kết án tử hình sau một phiên tòa kéo dài 7 năm, bị lột trần truồng thiêu sống vào ngày 17.02.1600 trên quảng trường Campo dei Fiori tại Rome.

[11] Kurral – thi tập về luân lý tiếng Tamil của Thiruvalluvar, thi hào và triết gia Ấn Độ sống trong khoảng t.k. 3 – t.k. 1 trCN.

[12] Hạt dẻ được người châu Âu coi là biểu tượng của dinh dưỡng, đồ ăn bổ. Nhưng hạt dẻ ngựa lại là thứ không ăn được vì chứa độc dược esculin có thể gây chết người nếu ăn sống. Tuy nhiên hạt, vỏ, và lá cây dẻ ngựa có thể được dùng làm thuốc chữa bệnh giãn tĩnh mạch, viêm tĩnh mạch, trĩ.

[13] Ludovico Ariosto (1474 – 1533) – thi sĩ Ý, người đầu tiên nghĩ ra thuật ngữ “chủ nghĩa nhân văn” (umenismo, tiếng Ý, hay humanism, tiếng Anh) để nhấn mạnh sức mạnh và tiềm năng của nhân loại hơn là vai trò phụng sự Chúa Trời, dẫn đến trào lưu nhân văn thời Phục Hưng.

[14] Francesco Petrarca tức Petrarch (1304 – 1374), Dante Alighieri (1265 – 1321) và Giovanni Boccaccio (1313 – 1375) là 3 đại thi hào Ý thời Phục Hưng. Petrarch được coi là cha đẻ của chủ nghĩa nhân văn trong nghệ thuật, văn chương và triết học.

[15] Torquato Tasso (1544 – 1595) – thi sĩ Ý, từng mắc chứng hoang tưởng từ năm 1576, sau đó bị bắt giam 7 năm (1579 -1586) tại Ferrara do xung khắc với Alfonso II d’Este, công tước xứ Ferrara. Ông qua đời vài ngày trước khi Giáo hoàng phong ông làm vua của các thi sĩ. Cho tới đầu t.k. XX Tasso là một trong những thi sĩ có tác phẩm được đọc nhiều nhất tại châu Âu.

[16] Giáo đường Saint Paul tại Frankfurt am Main, nơi hội họp của quốc hội Frankfurt năm 1848 với mục đích thống nhất nước Đức, nhưng thất bại.

[17] Tiếng Đức trong nguyên văn, có nghĩa là:

Một ông hoàng để đánh giá tài năng

Một người bạn để cùng thích thú

Thật không may, đó là những người mà tôi không có.

_____________

© Nguyễn Đình Đăng, 2015 – Người dịch giữ bản quyền bản dịch tiếng Việt. Bạn đọc có thể lưu giữ bản dịch này để sử dụng cho cá nhân mình và chia sẻ miễn phí trên internet. Mọi hình thức sử dụng khác như in ấn, sao chép lại bản dịch này, dù là một phần hay toàn bộ, để phát hành trong các ấn phẩm như sách, báo chí, luận văn, hay nhằm mục đích thương mại (kể cả tại các trang thư viện điện tử trên internet mà để đọc được hay tải xuống người đọc phải trả tiền để mở tài khoản) v.v. đều vi phạm bản quyền nếu không nhận được sự đồng ý bằng văn bản của người dịch.

Chia sẻ:

No comments: