NƠI
SƯƠNG PHỦ
Giấc ngủ chập
chờn ít lâu thì vỡ tung vì tiếng chuông của đồng hồ báo thức. Bữa tiệc tối qua
tôi uống nhiều rượu nên tới giờ vẫn thấy nhức đầu. Đáng ra tôi muốn ngủ thêm
một lúc, đợi khi cơn nhức đầu dịu hẳn mới rời khỏi giường nhưng tiếng chuông
báo thức vẫn inh ỏi. Sau nhiều hồi báo dù tôi không thể tỉnh táo hơn nhưng cũng
ngao ngán dần với cảm giác thèm ngủ.
Tôi lật chăn,
ngồi dậy, và tắt đồng hồ.
Nhìn ra ngoài
khung cửa, tôi thấy rõ màn sương mờ ảo phủ quanh những mái nhà. Những hàng cây
xao xác, lắc lư những tán lá đã bắt đầu úa vàng, phố vắng và ngoài chiếc xe bus
quen thuộc ra thì tôi không còn trông rõ thứ gì. Nắng chỉ mới thấp thoáng những
vệt nhè nhẹ, nho nhỏ như chiếc lá thông nhưng chỉ với chút sắc nắng đó thôi cũng
đủ để tôi nhận biết mặt trời đã bắt đầu lên cao và thay vì đứng đây nghĩ ngợi
điều không đâu tôi phải bắt đầu công việc của mình.
Tôi làm nhân
viên trong một cửa hàng nội thất ở thành phố. Công việc của tôi được phân theo
từng ca. Tôi làm ca sáng, tới chiều sẽ có người khác thay. Cửa hàng nơi tôi
đang làm việc là một chi nhánh khác, nhỏ bé hơn của công ty nội thất. Không có
nhiều bận rộn ở công việc này và ngoài những mối quen thì chỉ có những vị khách
thi thoảng tạt qua để xem mặt hàng. Tính cả tôi thì cửa hàng có sáu nhân viên.
Một con số không cần thiết cho một cửa hàng bé nhỏ thế này. Ông chủ không mấy
khi đến, mọi công việc đều được bàn giao qua điện thoại.
Vào buổi sớm
chúng tôi tới cửa hàng để khiêng đồ ra bày, lau bụi rồi thì ngồi không chờ khi
hết ca. Đồng nghiệp tôi thường trốn giờ làm, ngủ gật trong giờ, và thường xuyên
tổ chức bài bạc sau gian nhà kho. Họ có cử một người để canh, phòng khi ông chủ
điện về hoặc có khách tới mua hàng. Tôi chẳng mấy ham hố với trò may rủi của họ
và vì thế tôi luôn là người trực thay họ.
Tôi có một người
bạn. Cậu ta tên Thuần. Thực ra tình cảm của tôi với Thuần chưa thành tri kỷ,
nhưng trong những mối quan hệ ít ỏi của tôi thì cậu ta là người có sự gắn bó
lâu dài nhất. Thuần hơn tuổi tôi, cậu ta mê đọc sách và đã tự chọn cho mình
nghề dạy học. Nhà Thuần nằm trong một con ngõ nhỏ, nằm đối diện với một phiên
chợ. Từ nhỏ Thuần đã sống ở đây. Cha mẹ Thuần từ nhiều năm trước đã sang Đức
làm ăn và định cư hẳn bên đó. Hàng tháng họ vẫn chuyển tiền về cho Thuần. Ở
ngôi nhà này chỉ còn Thuần với một người bác già cả. Việc chợ búa đều giao cho
bà ấy và công việc của Thuần đơn giản chỉ là ngày đi dạy, tối đến thì vùi đầu
trong sách.
“Sách bao dung với
mọi nỗi đau. Mỗi trang đều chứa trí tuệ của nhân loại.” – Có lần Thuần
nói với tôi. Cậu ta nâng cặp kính lên, và như để tôi một lần nữa ghi nhớ cậu ta
lặp lại câu nói đó.
“Thế ư. Hình như
nó đúng.” – Tôi nói.
“Nó rất đúng, cậu
không thấy sách thì cậu vẫn mù lòa.”
Tôi không đáp
lời và chỉ gật đầu, như một sự lẩn tránh bất đắc dĩ. Tôi không có thù hằn gì
với những cuốn sách nhưng chẳng bao giờ tôi tìm thấy chút hứng thú nào ở việc
đọc chúng. Việc giở một cuốn sách, đọc một lèo, đọc ngắt quãng hay nhẩn nha
từng con chữ đều khiến tôi thấy uể oải và chuyện tìm hiểu nhiều hơn về một bề
mặt nào đó ẩn sau mỗi câu văn thì thú thật nó rối rắm chẳng khác gì môn số học.
*
“Mày làm một chân
nhé. Đang thiếu người.”
Tôi không đáp
lời. Mấy người nhân viên quen thuộc trong những sới bạc giục tôi và tôi đành
nhập cuộc. Cũng như mọi lần, sới bạc được tổ chức ở nhà kho. Trong này ngoài
những món đồ lỉnh kỉnh thì có vài bộ bàn ghế tồn đọng từ lâu. Họ trải chiếu
ngồi đất. Tôi không thích thú lắm những vẫn cầm bài lên đánh. Trong suốt trận
bài ba người họ, và một số ít những người thỉnh thoảng lại lén vào để quan sát
ván bài từng gào lên. Mỗi lá bài đều ảnh hưởng tới gương mặt của mỗi người họ.
Những ván tôi về nhất hoặc ù nhưng gương mặt tôi vẫn thế. Không có niềm thích
thú nào khi thấy từng tờ tiền quy tụ về chỗ của mình. Việc về bét hay móm chẳng
bao giờ khiến tôi gào lên hay đơn giản là cảm thấy bực bội.
Các cây bài hội
đủ và bốn người hạ bài.
Có vài tiếng
chửi thề, ở ba gương mặt đó hoặc méo hẳn đi, hoặc gãi đầu, hơi cau mày, còn thì
cười rất rạng rỡ. Tôi không tìm thấy đâu một gương mặt quen thuộc thường ngày.
Kể cả nụ cười tròn đầy, có phần hả hê đó cũng mang vẻ cổ quái.
Tôi xin rút khỏi
sới bạc. Một người khác thế chỗ tôi. Tôi ra ngoài cửa hàng. Không có vị khách
nào ghé vào. Nửa tiếng nữa sẽ hết ca.
Một cỗ xe cưới
phóng qua. Cô dâu chú rể ăn mặc sang trọng, bộ máy phát nhạc đặt trên xe được
bật hết volum, nhạc nhẽo ầm ĩ cả con phố. Vài chiếc xe đi chậm lại hoặc dừng ở
vỉa hè để nhìn hai người ngồi trong xe. Khi chiếc xe vô tình lướt qua tầm nhìn,
tôi cũng thấy nó và chỉ như vậy.
Chuông điện
thoại vang lên và tôi rút máy.
Một tin nhắn, số
lạ. Tôi đọc qua rồi quên ngay.
*
Tôi điện trước
cho Thuần để báo hôm nay sẽ đến. Quãng vài tháng tôi lại ghé qua nhà Thuần. Tôi
thường đến vào chủ nhật, hôm đó tôi không phải đi làm còn Thuần cũng được nghỉ.
Vốn tôi không hứng thú gì nhưng so với việc tụ tập rượu chè với những gã bạn
lêu lổng, mở tivi xem các chương trình vô bổ hay vào lúc khuya khoắt tìm một cô
gái làng chơi…Thì ghé qua một người bạn sẽ hữu ích hơn.
Lúc mặt trời vừa
nhô khỏi rặng núi và thấp thoáng những tia nắng đầu tiên tôi đã thức dậy. Những
giấc ngủ của tôi luôn thất thường. Hầu như chưa bao giờ tôi có được một giấc
ngủ ngon, kể cả lúc tôi ngủ li bì thì khi thức dậy tôi vẫn thấy uể oải. Rất ít
khi tôi nằm mơ và các giấc mơ thường tan biến mỗi khi tôi tỉnh ngủ.
Vệ sinh thân thể
xong xuôi, tôi mặc quần áo, chuẩn bị xuống đường. Chiếc ví nằm lăn lóc dưới
đất, vài tờ tiền xanh đỏ thòi ra ngoài miệng ví. Số tiền thắng từ trận cá cược
tối qua khiến chiếc ví dày thêm và tôi phải dành thêm chút thời gian để sắp xếp
lại.
Còn sớm nên
phiên chợ đối diện với nhà Thuần vẫn rất ồn ào. Tiếng rao bán ầm ĩ, tôi ngửi
thấy mùi thịt cá tanh tưởi. Tôi vào trong ngõ.
Người bác già
của Thuần đã dậy rồi và đang dọn dẹp nhà cửa. Bà ấy thường mặc những bộ áo kẻ
hoa hoặc nâu sẫm. Mái tóc người bác già đã bạc quá nửa, khuôn mặt gầy nhẳng và
da dẻ lẽo nhẽo những nếp nhăn. Điều tôi biết tới nhiều nhất ở người bác già là
bà ấy rất thích làm việc. Không một lúc nào là tôi thấy bà ấy nghỉ ngơi. Việc
chợ búa, dọn dẹp nhà cửa bà ấy đều làm rất tốt. Thậm chí khi đã xong xuôi mọi
việc, như để lẩn tránh nhàn rỗi bà ấy tìm tới một công việc khác hoặc không thì
vờ đánh rơi thứ gì đó, gây vấy bẩn căn phòng để mình lại bận rộn. Nhưng người
bác già không có ý định tìm một công việc nào đó ngoài kia, cuộc sống bà ấy thu
nhỏ trong ngôi nhà này.
“Thuần đang ở dưới
tầng. Cháu cứ xuống đó.”
Tôi đưa cho bà
hai trăm, bảo mua thứ gì đó để làm bữa trưa. Người bác già nhận lấy và nói “Cậu
muốn ăn gì.”
“Gì cũng được.” –
Tôi nói và đi xuống tầng.
Nhà hai tầng.
Tầng một là phòng ăn, sâu bên trong là nhà bếp. Ở cạnh nhà bếp là phòng của
người bác già. Tầng trên là phòng của Thuần và ban công. Ngoài ra còn có một
tầng khác, được xây sâu dưới lòng đất. Gian phòng này nằm ở tầng một, cạnh
phòng khách. Tôi bậy chiếc nắp lên và bắt đầu đi xuống. Có một cái thang dây
ngắn nối với gian phòng phía dưới. Sự bố trí này khiến gian phòng giống một tầng
hầm hoặc một mật đạo thần bí trong những bộ phim cổ trang.
Gian phòng phía
dưới được thắp sáng bởi những ngọn đèn lắp ở hai bên tường. Loại đèn bóng vàng,
ánh sáng khá dịu nhưng hơi nhợt nhạt. Có một chiếc bàn lớn làm bằng gỗ mun ở
dưới và giờ Thuần đang ngồi ở đó. Cậu ta ngồi xoay lưng về phía tôi, cái lưng
khom xuống, đầu cậu ta cũng chúi thấp và tay thì chậm chạp giở từng trang của
cuốn sách. Có một chồng sách được xếp trên bàn và cuốn nào cũng rất dày. Gian phòng này khoảng hai mươi mét
vuông. Ở đây tôi không thấy gì ngoài những tủ sách. Tủ dựng sát vách tường, bìa
sách quay ra ngoài. Để phân biệt từng loại sách Thuần đã chia ra thành từng
tầng. Tờ giấy ghi thể loại sách được dán gần đó.
Tôi gọi Thuần.
“Cậu lại đây.”
Thuần trông gầy
và xanh. Cặp kính cậu ta có vẻ dày lên, ở hai bên mép và dưới cằm râu mọc rậm
rạp như một bãi cỏ. Ngón tay của cậu ta gầy nhẳng và cứng nhắc như những đốt
xương. Khuôn mặt Thuần xanh xao, có vẻ gì đó dại dại nhưng qua cái miệng mở
rộng, tạo thành một nụ cười tôi biết cậu ta còn tỉnh táo.
“Tôi nghỉ dạy rồi,
bây giờ tôi chỉ đọc sách thôi.” – Thuần nói.
“Cậu nghĩ thế nào
vậy. Tôi chẳng hiểu nổi?”
“Tôi thích đọc
sách, không, phải nói là phát điên mới đúng.”- Thuần nói và mỉm cười, tôi không
sao chịu nổi cái nụ cười ngoác rộng, mang vẻ hạnh phúc đó - “Chúng ta sinh ra
và đều có một cuộc sống. Nhưng có phải chỉ như thế? Lúc nhỏ rong chơi,
lớn lên thì học túi bụi, sau đó thì tìm một công việc rồi thì cưới vợ, sinh con
và dạy cho con cái của mình những điều mình đã trải qua. Họ sống như nhau và
chết như nhau. Điều này thật tai hại và như một sự tuần hoàn kinh tởm.”
Tôi xua tay
“Những cuốn sách khiến cậu mụ mị mất thôi!”
“Không đâu.” –
Thuần gào lên và tôi thấy từng câu nói của cậu ta rít lên, sắc thành những mũi
dao- “ Sách, đó là một điều khác hẳn. Tôi không nói những cuốn sách sướt mướt
ái tình, khoe khoang nhân nghĩa. Tôi khinh những thứ sách đó và chẳng bao giờ
dành cho chúng nửa ánh nhìn. Những cuốn sách tôi đọc. Phải, những cuốn ở đây,
cậu xem, nó là những tầng cao của tri thức.”
Tôi nói “Cậu
khiến tôi nhức đầu quá.”
“Bản chất của sự
nhức đầu là gì, một cơn choáng váng thông thường hay một tư duy chưa được khai
mở...”
Tôi không sao
hòa đồng nổi với mớ kiến thức hỗn độn của Thuần, kể cả nụ cười của cậu ta tôi
cũng không cách nào thấy gần gũi. Những cuốn sách khiến Thuần hả hê tới vậy ư,
tôi không nghĩ niềm say mê với sách đưa Thuần tới tận cùng của sự thỏa mãn
nhanh tới như vậy. Vì rằng cậu ta không tham gia hoạt động xã hội, cũng không
bao giờ để mình dính quá nhiều tới rượu chè, tới cờ bạc hay đàn bà. Những gì ở
Thuần quá xa lạ với tôi.
Bữa cơm hôm đó
Thuần vẫn lải nhải những điều như vậy và tôi thì chỉ nghe một cách vu vơ. Những
gì Thuần nói vừa lọt vào tai tôi đã trôi tuột đi. Đã thành thói quen, mỗi khi
ăn cơm Thuần thường mang theo một cuốn sách, khi thoảng lại giở ra và dừng lại
rất lâu ở mỗi trang sách. Tôi không bao giờ bận tâm nhiều về sách nên chẳng để
ý cậu ta mang theo thứ sách gì. Tôi chỉ chú ý nếu cậu ta đột ngột gào lên. Dĩ
nhiên đó không phải tiếng động của sự sợ hãi hay một triệu chứng của căn bệnh
tâm thần. Thuần gào lên một câu viết nào đó mà hẳn rằng cậu ta rất tâm đắc.
“Cái chết là sự chuyển kiếp vĩ đại”, “Chúa đã bỏ tôi hay tôi không thấy chúa?”,
“Đứa trẻ nhỏ nói : “Tôi là xác và hồn”.Tại sao người ta không nói như các
trẻ?”…Một số ít những gì Thuần đã hét lớn lên trong bữa cơm hay ở một nơi khác
mà tôi cũng có mặt. Thuần thường cười rất lớn khi gào lên như vậy, còn tôi thì
không, chẳng bao giờ tôi mỉm cười. Ý tôi không phải nụ cười mang tính chất
khoái trá khi tìm ra một thứ gì đó đáng để mình phải gào lên để lặp lại, tôi
chưa bao giờ cười với mình. Đó là những gì tôi từng phân vân và giờ thì tôi
nghĩ nó đúng, với bản thân tôi.
Xong bữa, người
bác già dọn dẹp bát đĩa rồi lui vào gian nhà bếp. Thuần và tôi ngồi trên ghế,
tôi với lấy điều khiển để bật tivi. “Thôi nào, để tớ yên tĩnh đi.” – Thuần nói
và lại đọc sách.
“Cậu bỏ cuốn sách
ra đi.” – Tôi nói.
“Cậu sẽ còn gì nếu
buông lỏng linh hồn mình, mặc cho nó tha hóa.” – Thuần nói.
Tôi vỗ trán “Tôi
chẳng thể hiểu nổi những thứ phi lý mà cậu nói. Cậu bỏ bê công việc, bỏ bê các
hoạt động ngoài trời, còn chuyện ái tình thì tôi biết cậu chẳng ham hố, nhưng
những điều đó còn hữu ích hơn việc mê mẩn trong mấy thứ sách này.”
“Không đâu!” –
Thuần đấm mạnh tay xuống mặt bàn – “Thế cậu nghĩ thứ gì là hữu ích. Sách văn
hóa, khoa học, văn học hay những thứ sách về tâm lý…Tất cả chúng đều là trí tuệ của nhân loại. Và cậu
nghĩ đó là viển vông sao?”
Thuần đặt cuốn
sách xuống bàn, nói. “Hãy trông xem, chúng ta đã quá nuông chiều bản thân rồi.
Bà bác già của tôi đấy, bà ta chỉ biết tới làm việc thôi. Ngày trước ở dưới quê
bà ấy vẫn làm việc và tới bây giờ cũng vậy. Cuộc đời bà ấy rồi cũng chẳng thoát
khỏi lao động, mà đó nào có phải gì cao cả, chỉ là những công việc vặt vãnh.
Chỉ là chuyện đồng áng, bếp núc.”
Những lời Thuần
nói không sao lọt được vào đầu tôi. Và cậu ta vẫn kéo dài câu chuyện của mình
bằng một chuỗi lý thuyết dai dẳng. Có lẽ tôi không phải người ham học, cũng
không có thiên chất về việc nhận thức tư tưởng nên chẳng thể hiểu nổi đam mê
của Thuần.
“Và giờ thì tôi
đang tìm kiếm đây.” – Thuần mỉm cười, còn tôi thì quay đi, che miệng để giấu
những cái ngáp dài. – “Rồi thì tôi sẽ tìm thấy…”
“Tôi mệt quá, cậu
cho tôi mượn cái giường nhé.” – Tôi nói.
“Ừ, cậu cứ nằm
nghỉ ở đây.” – Thuần ngừng câu chuyện của mình và cầm lấy cuốn sách, đứng lên.
Thuần mở cánh
cửa thông xuống tầm hầm rồi đi xuống.
Tôi nằm trên bộ
salon, thả lỏng người nhưng vẫn chưa ngủ ngay được. Mất một lúc lâu mắt tôi mới
hơi lim dim.
Người bác già đã
rửa xong bát đĩa và đang ở trong buồng tắm. Tôi nghe thấy tiếng loẹt quẹt của
chiếc chổi xể chuyên dùng để cọ rửa toalét.
*
Cửa hàng nội
thất nơi tôi đang làm việc phải sang tên cho người khác. Công ty nội thất ở
trung tâm thành phố hiện đang gặp trục trặc và buộc phải nhượng lại một vài chi
nhánh để gỡ lại chút vốn. Những nhân viên khác ở cửa hàng nhao nhao lên. Tôi
không hòa hợp nổi với thứ cảm xúc hỗn loạn đó, tôi chẳng buồn bã và để mất qúa
nhiều thời gian với những lo nghĩ. Tôi bỏ đi.
Vài hôm sau tôi
vẫn chưa tìm được việc, tôi vẫn trú lại khu nhà trọ. Hàng ngày tôi dậy sớm như
một thói quen, sau đó thì ra ngoài và tới xế chiều mới trở về. Nhiều hôm tôi
qua đêm ở chỗ những người bạn, tất nhiên Thuần không có trong đó vì đây đã là
lớp bạn khác, đông đúc hơn và thiếu tính chặt chẽ. Chúng tôi uống rượu, đánh
bài thâu đêm và khi hứng tình thì tìm tới một khu nhà thổ để chọn lọc những
gương mặt khả ái và ít mầm mống của bệnh tật.
Đám bạn đó cũng
như tôi vẫn đang thất nghiệp hoặc chỉ có một vài người là đã ổn định công việc
nhưng nghe chừng chuyện làm ăn cũng chẳng suôn sẻ gì. Họ hội họp lại và cũng
như những chính khách bên bàn ngoại giao, chúng tôi chụm đầu lại, cùng hướng
suy nghĩ về một trò chơi.
*
Mùi rượu nồng
nặc đánh thức tôi dậy, bên cạnh tôi là một người nữ trần truồng. Tôi lật chăn
lên, bước xuống giường. Quần áo của tôi và người nữ đó vương vãi khắp nơi trong
căn phòng và giờ thì tôi cần phải tìm lại bộ đồ của mình. Tôi đi thật cẩn thận
để tránh dẫm phải những miểng chai. Người nữ đã ngủ rồi, tôi nghe thấy tiếng
nghiến răng. Cô ta nằm xoay vào trong tường, hai tay cô đặt chếch lên trên và
che mất khuôn mặt. Thứ tôi nhìn thấy rõ nhất ở cô ta là thân hình đầy đặn và
với cặp mông căng đầy, có sự cân đối giữa phần trên với phần dưới tôi biết đây
là một người đàn bà từng trải. Tôi không muốn đầu óc mình thêm bận rộn nữa và
vì thế tôi cầm quần áo, đi vào buồng tắm. Ít lâu sau, khi thân thể đã sạch sẽ
hơn tôi mở cửa, bước xuống lầu. Trước khi ra ngoài tôi ném lên giường một ít
tiền. Năm trăm nghìn. Tôi nghĩ nó đủ cho cô ta.
Đây là một khách
sạn.
Điện thoại réo,
số lạ và tôi tắt máy.
Hôm nay đám bạn
kia của tôi không gọi và tôi cũng không liên lạc gì với họ.
Trời bắt đầu
hửng nắng. Thời tiết hôm nay khá ấm áp. Việc hôm nay là ngày cuối tuần đã gợi ý
cho tôi về một chuyến dạo chơi ngoài phố phường.
“Đi dạo, nhưng đi
đâu đây…” – Tôi chậm rãi bước đi, và cứ hờ hững bước mãi như vậy.
Một người bạn
gọi cho tôi và tôi cáo bận để tránh mặt.
*
Gần đây tôi
không kiếm thêm được gì. Mặc dù tôi rất may mắn trong bài bạc nhưng tôi vẫn
phải ngừng nó lại. Không hẳn đây là một sự ăn năn về việc kiếm tiền bất
chính hay gì đó đại loại vậy. Tôi chỉ không thấy vui, dù là được bạc hay thua
trắng. Đã từ lâu rồi và tôi chưa cảm thấy vui. Những nụ cười của tôi cũng khá
gượng gạo. Tôi vào vũ trường, nhảy múa theo những tư thế kì quái của đám bạn,
nhưng thú thực tôi không thấy thích thú gì. Kể cả những cơn cuồng hoan với
các cô gái cũng không cách nào khiến tôi thấy thỏa mãn. Tôi không nói những nụ
cười hùa theo vì đó đã sang một nhẽ rồi, Thuần từng nói với tôi “Chúng ta mải
miết trong cái xoắn ốc và lạc mất đâu rồi.” – Đây là một trong số ít những gì
của Thuần đã nói với tôi. Thuần luôn cài vào tai tôi một vài câu kì quái như
vậy. Mớ kiến thức hỗn độn đó đã từ lâu ngụ trong trí óc Thuần và chúng đang ăn
mòn cậu ta.
*
Tôi được nhận
vào làm ở một tòa báo lá cải. Bằng đại học với dấu chứng nhận đỏ chói cùng một
bằng thạc sỹ ngoại ngữ bị bỏ xó từ lâu bỗng hữu ích. Cấp trên phân tôi vào mảng
phiên dịch. Công việc của tôi là nhận các tin tức, trang báo tiếng anh và dịch
nó để ngày mai sẽ lên báo. Thời gian này tôi ít liên lạc với những người bạn.
Lớp bạn thuộc về số đông, tức là những người thường tụ họp bên những chầu rượu
và các cô gái nhà chứa thì vẫn gọi cho tôi. Tôi luôn tắt máy. Còn lớp bạn mà
Thuần nằm trong đó thì chỉ có rất ít người là còn nhớ tới tôi. Họ gọi cho tôi
và bao giờ cũng vậy, họ chào đầu bằng lời thăm hỏi xã giao và kết thúc cuộc gọi
cũng bằng một lời hẹn gặp lại mang tính xã giao. Dạo gần đây thì họ không
còn gọi cho tôi.
Tôi không nghĩ
nhiều đến tiền lương vì lúc này tôi chỉ muốn có một công việc. Không có niềm
say mê nào ở đó và cũng như thường lệ, tôi làm việc thật tốt, tan giờ thì ra
về. Mỗi tuần tòa báo lại tổ chức một cuộc liên hoan. Tôi là một thành viên
trong báo và vì thế tôi không thể lánh mặt. Tôi cùng họ nâng cốc. Thứ rượu xanh
đỏ, có mùi dâu tây được rót ra những cái ly con con. Họ uống và chép miệng, đôi
lúc lại “khà” một tiếng nghe rất khoái trá. Một người rót rượu, tôi nâng ly
uống. Thứ nước cay cay đó tới miệng tôi rồi trôi tuột đi. Với tôi những ly rượu
màu đỏ, đen sẫm hay thứ rượu nếp màu trắng cũng chẳng khác nhau gì và nó tới
tay thì tôi uống, vậy thôi.
*
“Thuần gặp chuyện
rồi, cháu tới mau đi.”
Người bác già
của Thuần điện cho tôi và đó là tin dữ nhất trong ngày. Ngay sau đó, tôi rời
khỏi chỗ làm và phóng xe đến nhà Thuần.
Không có nhiều
thay đổi ở người bác già. Bà ấy vẫn vận bộ đồ nâu quen thuộc. Khi tôi tới có lẽ
người bác già vẫn đang quét dọn nhà cửa nên cây chổi vẫn cầm trên tay.
“Cậu ấy sao rồi” –
Tôi hỏi người bác già.
“Thuần nửa tháng
nay cứ ở dưới tầng hầm.” – Người bác già nói - “Mấy tuần đầu bác còn lấy đồ ăn
cho Thuần nhưng rồi nó chẳng ăn uống gì.”
Tôi bỏ ngỏ những
lời nói sau đó của người bác già và lao xuống tầng hầm.
Tầng hầm vẫn sáng đèn. Thuần vẫn ở đó.
Điều tôi nhìn
thấy đầu tiên và cảm thấy khó thuyết phục nhất là những cuốn sách. Chúng rơi
vung vãi khắp nơi. Các tủ sách lớn dựng ở bờ tường nhiều ngăn đã trống trơn, có
vẻ như Thuần đã lấy chúng xuống nhưng không hiểu vì lẽ gì mà cậu ấy lại quăng
chúng khắp căn phòng như vậy. Thuần vốn rất yêu sách.
Thuần ngồi xoay
hẳn về phía tôi và dĩ nhiên tôi đã thấy cậu ta.
“Cậu lại đây.”-
Thuần nói “ Tôi muốn nhìn thấy cậu lần cuối.”
Thuần trông xanh
xao, việc nhịn ăn khiến lớp da vốn mỏng dính thêm oặt èo. Mái tóc Thuần bạc quá
nửa, khi Thuần vẫy tay, tôi nhìn rõ những đốt ngón tay héo tàn. Chúng co rút
lại và cứng ngắc như đã mất đi lớp da bọc bên ngoài.
“Để tôi dìu cậu
lên trên.”
“Không cần đâu.” –
Thuần nói “Hãy để tôi ở đây.”
Thuần mỉm cười
và nói “Cậu biết không, thật là gớm ghiếc.”
“Cậu nói về điều
gì, thôi nào trông cậu mệt mỏi quá rồi, theo tôi lên trên đi. Tôi sẽ đi mua cho
cậu một bát gà tiềm để tẩm bổ.”
“Không đâu.” –
Thuần xua tay – “Sẽ chẳng bổ dưỡng gì và cậu hãy nghe đây, những lời cuối cùng
của tôi.”
Tôi không cắt
ngang Thuần.
“Tôi yêu sách,
điều này cậu cũng rõ rồi. Sách, đó là sự tổng hợp tinh hoa của mọi bộ não thông
thái nhất. Và tôi đọc nó. Nhưng cậu biết không, suy cùng thì điều gì cần nhất
với chúng ta. Và tôi, hay ai đó đọc chúng là để giải trí ư? Vì công việc ư? Hay
là một cái thú lúc tuổi già?”
Thuần lại ho.
“Thế giới này sẽ sớm rơi vào kỷ băng hà nếu không có những chân lý.”
Tôi chẳng muốn
nghe nữa, đầu óc tôi rối tung lên vì những lời hồ như mê sảng của Thuần.
Thuần đặt tay lên
vai tôi, nụ cười của Thuần tắt đi và trên gương mặt khô héo đó tôi thấy rõ
những giọt nước mắt. Chúng kéo thành hai rãnh dài trên khuôn mặt Thuần.
“Tôi đã rõ. Mình
chỉ là một thằng ngu. Cái vòi rồng đã cuốn lấy tôi và tôi bị xoay tròn.” –
Thuần ôm họng, tỏ vẻ khó thở, một điềm xấu đang đến với Thuần và phải khá vất
vả mới nói được tiếp.
“Giáo dục, đạo
đức, triết học, hay những điều về lý tính…Có đủ trong những cuốn sách.
Nhưng…Nhưng…Trời ơi! Con người cũng trong đó nhưng không trong đó. Ai mới thấy
chứ…”
“Cậu cũng là con
người đó thôi và ai chẳng thế.”
Thuần níu tôi
xuống, chân tôi hơi khom nhưng vẫn cố đứng vững để không ngã đè lên Thuần. “Đấy
chỉ là những khối thịt hình người thôi. Bên trong rặt là bùn đất. Và con
người…”
Thuần định gào
to gì đó nhưng miệng chỉ ngoác ra nửa chừng thì tê cứng lại. Thuần ngã xuống,
miệng cậu ấy vẫn há ra.
*
Thuần được đưa
vào bệnh viện. Được vài ngày thì qua đời. Trong đám tang tôi có thấy cha mẹ
Thuần, họ khóc rất nhiều, còn người bác già thì khá bận rộn với việc sắm sửa cỗ
bàn và lau dọn nhà cửa. Khi đưa quan tài Thuần ra mộ tôi cũng đi theo. Tôi thấy
điện thoại của cha Thuần reo, ông ấy bắt máy và lủi ra một góc khuất. Những cái
vung tay và nụ cười tròn đầy khiến tôi liên tưởng về một cuộc làm ăn xuyên lục
địa.
Trước khi khâm
liệm, tôi ngó cổ để nhìn Thuần lần cuối. Khuôn mặt Thuần đã trở lại bình
thường. Cũng lúc này, một gương mặt khác của Thuần chạy qua óc tôi. Đó là một
gương mặt khô héo và cái miệng ngoác ra như muốn nói lớn điều gì đó. Gương mặt
Thuần này dừng lại, ở yên trong đầu tôi và dần biến đổi. Nó đang méo đi, cặp
mắt được vuốt xuống bỗng mở to, cái miệng cũng ngoác lớn với những lời trăn trối
tới phút cuối vẫn chưa thể thoát ra ngoài. Hay chăng, Thuần vẫn chưa tìm ra một
câu trăn trối, và khi ấy Thuần chỉ muốn hét lên. Ông ngoại tôi trước lúc lâm
chung cũng đã hét rất lớn.
Tôi trở về. Nỗi
buồn trong tôi không sao dứt được.
Những cuốn sách
của Thuần được chuyển về thư viện. Người bác già lui về quê còn cha mẹ Thuần
cũng trở về Đức.
Thuần không còn
nữa. Cuộc sống của tôi, lại tiếp tục…
Tru Sa