Saturday, August 8, 2015

Chiến sĩ cuối cùng của chủ nghĩa Hiện Đại




Nam Mỹ là cái nôi của tiểu thuyết hiện thực huyền ảo. Trong những tiểu thuyết Nam Mỹ, đôi khi người ta lý giải hiện tượng bằng những huyền thoại. Tất cả được bao bọc trong bầu không khí kỳ bí trộn lẫn quá khứ với hiện tại. Oscar Niemeyer cũng là một huyền thoại như thế. Điều khác biệt là huyền thoại ấy đã trải qua tất cả thăng trầm lịch sử, và đến nay vẫn sống để kể cho chúng ta nghe câu chuyện kì diệu về bàn tay và khối óc con người.

Con người này là tổng hoà của tinh thần lạc quan, ý chí mạnh mẽ và sức sáng tạo phi thường. Vào dịp sinh nhật 100 tuổi (2007), ông đã phát biểu: “Đối với tôi, thời gian và tuổi tác không còn quan trọng. Cuộc sống là phù du, quan trọng là chúng ta cảm thấy nhẹ nhàng và lạc quan”



Ở tuổi 98, Oscar Niemeyer vẫn tiếp tục công việc của mình như mọi ngày tại Rio de Janeiro, Brazil. Từ văn phòng của ông, có thể ngắm nhìn được bãi biển nổi tiếng Copacabana nhưng bàn làm việc của ông… không nhìn ra hướng đại dương. Không vấn đề !!!

“Tôi không tin vào cảm hứng” – Oscar Niemeyer nói.



KTS dùng thời gian trong ngày của mình để đọc sách, tán gẫu với một vài người bạn, phác họa phương án kiến trúc – bao gồm những đường cong đã trở thành thương hiệu của ông. Xuyên suốt sự nghiệp của mình, từ công trình tham vọng nhất của ông – thủ đô tương lai của Brazil: Brasilia – đến những dự án gần đây như một nhà thờ đối diện với Rio tại phía bên kia vịnh Guanabara và một tổ hợp thể thao dưới nước tại Đức – Niemeyer đã luôn thực hiện quá trình “kiến trúc hóa” những đường nét của người phụ nữ Brazil. Gần đây, với chủ đề “Chiến sĩ cuối cùng của chủ nghĩa hiện đại”, Rizzoli đã xuất bản cuốn sách “Oscar Niemeyer: Houses”. Trong bài phỏng vấn này, Oscar Niemeyer nói chuyện với Eduardo Graca về sự nghiệp, về niềm tin, về bí mật của hành trình dài của mình trong thế giới nghệ thuật và tất nhiên… về câu nói nổi tiếng “Cuộc sống quan trọng hơn kiến trúc rất rất nhiều”.

PV: Thói quen làm việc của ông gần đây như thế nào?

Vẫn rất giống trước đây thôi. Tôi đến văn phòng vào 9 giờ 30 sáng. Phần lớn thời gian buổi sáng của tôi là để gặp gỡ và trao đổi với các nhà báo, các bạn sinh viên. Sau đấy thì tôi ăn trưa tại đây, tại chính cái bàn này. Tôi làm việc cả ngày, cho tới 8 giờ tối, và tôi có một niềm vui nho nhỏ là ăn tối ở bên ngoài.

PV: Từ trước đến giờ, văn phòng của ông vẫn ở đây chứ?

Đúng vậy. Tuy nhiên, có thời gian khi quân đội nắm chính quyền, tôi đã phải rời khỏi Brazil. Thật may mắn vì khi đảo chính xảy ra năm 1964 tôi đang ở Bồ Đào Nha.

PV: Vậy là cuộc phiêu lưu tại Châu Âu của ông bắt đầu như vậy?

Đúng. Tôi tới Paris và gần như ngay lập tức mở một văn phòng thiết kế tại đại lộ Champs Elysees, được tổ chức bởi đảng cộng sản Pháp.

PV: Bỏ qua sự thực là tòa nhà Liên Hiệp Quốc được hoàn thành vào những năm 40 và thủ đô Brasilia được xây dựng một thập kỷ sau đó, có thể nói chính thời gian ở Châu Âu là thời gian ông củng cố danh tiếng quốc tế của mình. Ông có nghĩ rằng quãng thời gian đó là quãng thời gian có tính chất bản lề trong sự nghiệp của mình không?

Tôi muốn nói một điều, đó là, trong thời gian đó, tôi đã nhận được rất nhiều sự giúp đỡ, đặc biệt là từ tổng thống De Gaulle, người được cho là rất có hứng thú với các tác phẩm của tôi. Cố vấn văn hóa của tổng thống, Adre Malraux, đã thu xếp cho tôi – dù không hề nhận được lời đề nghị – một tấm visa làm việc đặc biệt, thứ đã làm cho cuộc sống cũng như công việc của tôi tại Paris trở nên thuận lợi hơn rất nhiều. Những năm tháng tha hương của tôi trở nên có ý nghĩa có lẽ chính nhờ sự giúp đỡ mà tôi nhận được ở khắp Châu Âu. Nhưng, phải nói thực, đây cũng là một giai đoạn “đau đớn” trong cuộc đời và điều này được phản ánh trong các tác phẩm của tôi.



PV: Ông có sự liên hệ với kiến trúc sư trẻ nào không?

Câu hỏi này thật “đúng lúc đúng chỗ” vì hiện tại tôi đang tiến hành một chiến dịch chống lại các nhà chuyên môn. Ông biết điều này không nhỉ!? Tôi không thích những người mà tài năng đặc biệt của anh ta lại được dùng để nói về chính lĩnh vực chuyên môn của mình.

PV: Vậy chiến dịch này đang được tiến hành như thế nào?

Tôi nói chuyện với các nhà giáo, nhà nghiên cứu, nhà báo, các KTS trẻ… nói chung là với bất cứ ai mà tôi gặp và người đó muốn “nói chuyện về kiến trúc”. Nhưng xin lưu ý, hỡi các bạn trẻ, bạn không thể chỉ học và cống hiến cả cuộc đời mình cho việc trở thành một kiến trúc sư tốt. Đó là điều thực sự nhảm nhí. Bạn cần phải tìm cho mình phương pháp tư duy của chính bạn và phải được cập nhật thông tin về mọi thứ, hàng ngày. Đọc… đọc… đọc… và đọc!!!

PV: Ông có muốn “giới thiêu” một cuốn sách của chính ông về kiến trúc không?

Tôi không hề, thực sự!!! Tôi có thể khuyên mọi người rằng họ hãy nghiên cứu triết học và lịch sử để có thể tự mình phát hiện ra những “người viết” và “người suy nghĩ” vĩ đại. Bất cứ ai muốn và sẽ trở thành một KTS cần “đầu tư” một phần thời gian của mình vào việc khám phá cũng như vun đắp cho kho tàng tri thức của loài người. Tôi dùng thời gian của cuộc đời tôi bên chiếc bàn này nhưng không bao giờ tự huyễn hoặc mình. Tôi luôn luôn thấy rằng cuộc sống quan trọng hơn điều này rất rất nhiều – để cảm nhận được sự quan trọng tôi xin lấy một ví dụ… chẳng hạn, sống tốt với mọi người là điều quan trọng hơn. Đối với tôi, là một người có ích quan trọng hơn nhiều so với kiến trúc của tôi.

PV: Nhưng, ông không nghĩ rằng kiến trúc của mình có thể giúp cải thiện chất lượng cuộc sông và giảm đi sự ngăn cách giàu – nghèo?

Không, cũng giống như bất kì kiến trúc nào khác, kiến trúc của tôi không giúp được gì nhiều. Kiến trúc đã luôn luôn là của tầng lớp trên và điều này chưa hề thay đổi. Ngày nay, có thể nói không có bất cứ một dự án kiến trúc nào mà mục tiêu là nhằm cải thiện cuộc sống của những ai không có… TIỀN.

PV: Nó khiến tôi nghĩ tới Brasilia, thành phố được xây dựng cách đây 50 năm với tư cách là thành phố của tương lai. Ngày nay, Brasilia trở thành biểu tượng của sự phân chia xã hội. Như ông biết, con cháu của những công nhân đã xây dựng nên Brasilia hiện sinh sống cạnh đó trong những khu có điều kiện sống không thể nói là tốt.

Khi có ai đó nói Lucio Costa và Oscar Niemeyer đã xây lên Brasilia, hãy quên điều đó đi! Chính những người công nhân này đã làm điều đó. Thủ đô của đất nước rộng lớn này được xây lên bởi bàn tay của những người công nhân, của những người bình thường như chúng ta vẫn gọi họ là những candangos. Họ đã bỏ cả nhà cửa, quê hương trên khắp Brazil với hi vọng ước mơ của mình sẽ trở thành hiện thực. Cuộc nói chuyện này là một cơ hội để tôi nói với cả Châu Mỹ về họ. Họ đã nghèo trước đó và ngay cả khi công cuộc xây dựng thủ đô Brasilia hoàn thành… họ vẫn nghèo.



PV: Vậy nếu có cơ hội xây dựng lại thành phố ông có muốn thay đổi điều gì không?

Không. Tôi nghĩ nó ổn, như hiện tại. Còn để nói thật, tôi thích Rio de Janeiro hơn nhiều so với Brasilia. Tôi thích “cái tổng thể” này thậm chí nó là sự “hỗn độn”. Và nếu ông nói chuyện với cư dân Brasilia, ông sẽ thấy là họ không muốn rời thành phố. Họ nói rằng bầu trời ở đó dường như lớn hơn so với mọi nơi và nó làm bạn tin là không gian cũng lớn hơn. Vẫn có trường học, trung tâm thương mại gần nhà bạn và cuộc sống thì được tổ chức tốt hơn. Nhưng với tôi? Không bao giờ! Tôi muốn bờ biển, núi và sự “hỗn độn”. Tôi thực sự vẫn muốn Rio.

PV: Ông đã xây cho người lái xe riêng của mình một ngôi nhà. Đó chẳng phải là một ví dụ tốt của việc kiến trúc giúp đỡ những người không có hay thiếu khả năng ?

Đúng vậy. Chúng ta đang nói về người lái xe của tôi – một người bạn tốt trong hơn nửa thế kỷ. Anh ấy là một người đàn ông Brazil, một người nghèo, một người sinh ra đã nghèo và lúc chết cũng sẽ nghèo. Tất nhiên, cuộc sống của ông ấy được cải thiện với ngôi nhà mới nhưng đấy là ngoại lệ. Nhà ở luôn luôn là sự khởi đầu cho mọi thay đổi trong cuộc sống của bất kì ai. Con người cần có một chỗ đáng sống để sống và nhà nước phải cung cấp nó cho mọi người. Nhưng tôi xin được nhấn mạnh là câu trả lời cho vấn đề này không phải là kiến trúc. Câu trả lời là Cách Mạng.

PV: Ông đã làm việc đầy nhiệt huyết trong suốt những năm tháng qua. Điều gì đã truyền cảm hứng cho ông?

Cái gọi là cảm hứng đối với tôi thực sự là không quan trọng. Vào một ngày khác, khi tôi phác họa phương án cho một dự án, khi tôi ngồi trước chiếc bàn này tôi thực sự đã biết mình muốn và sẽ làm gì. Tôi đã nghĩ về nó trong nhiều ngày, về mỗi khả năng, về mỗi giải pháp, về thực tế là tôi muốn làm một điều gì đó khác. Kiến trúc, với tôi, là sự khám phá. Hãy tới Brasilia – bạn có thể thích hoặc không thích nó nhưng tôi tin bạn không thể tìm được ở đâu một cái gì tương tự như thế.

PV: Hiện tại, ông đang làm gì ?

Tôi đang làm dự án trung tâm thể tháo dưới nước tại Potsdam, Đức. Nó là một công viên lớn với 5 bể bơi. Tôi muốn tạo ra những bể bơi nằm độc lập được bao quanh bởi những gallery kính với hệ thống thời tiết được điều khiền bằng vi tính. Các gallery liên hệ với các phòng thay đồ với hệ thông cửa có thể mở trong suốt mùa hè và như thế bạn có thể sử dụng toàn bộ khu vực. Tôi chưa thấy có khu thể thao dưới nước nào có “tính cách” như vậy – đây chính là lý do tôi thấy rất hứng thú với dự án này.

PV: Còn có một con đường mang tên Niemeyer tại Niteroi, một dự án xây dựng thành phố từ sau Brasilia.

Vậy sao? Tại Niteroi chúng tôi thiết kế một quảng trường, một nhà hát với sân khấu mở ra quảng trường, và một chuỗi các công trình khác, như là cái nhà thờ quay mặt ra biển kia…



Niteroi Museum



Nguyên tác: “The last mohican of Modernist”

No comments: