Thursday, August 13, 2015
Làm tiểu thuyết gia liệu có phù phiếm?
Tôi mệt mỏi và uể oải nhìn ra ngoài cửa sổ máy bay trong lúc bay từ Somalia về Kenya. Tôi đến Hargeisa - thành phố lớn thứ hai của Somalia - để công tác. Vốn là một chuyên gia về các vấn đề quốc tế, tôi quan sát Liên Hợp Quốc có thể học được gì từ những cộng đồng địa phương, và áp dụng các bài học đó cho việc thiết kế những dự án an ninh và phát triển. Nhưng tôi không suy nghĩ về công việc, mà là về những người thú vị tôi đã gặp, và cả những câu chuyện họ kể cho tôi.
Thực ra, một trong những quan sát cá nhân tôi đã áp dụng trong khi đảm nhận các dự án xây dựng chính sách là cách tất cả chúng ta đã bị phụ thuộc đến thế nào - trải dài qua các nền văn hóa và xuyên thời gian - trong cách kể chuyện. Chúng ta hầu như không kể những chuyện giống nhau, hay hiểu thế giới trong cùng một cách: hình thức thì giống nhau nhưng cách thức kể và ý nghĩa thì lại không. Tuy nhiên, tất cả chúng ta đều kể chuyện, và đây là điều hiển nhiên.
Tôi cũng là một tiểu thuyết gia. Trong lúc tôi ở Somalia, nhà xuất bản Faber & Faber ở Anh đã chuẩn bị in cuốn tiểu thuyết đầu tiên của tôi mang tên Na Uy về đêm. Nó phần nào giống như truyện trinh thám giật gân kiểu rượt-đuổi-xuyên-qua-những-cánh-rừng, và một phần câu chuyện là về một người đàn ông đang học cách chấp nhận những bi kịch của cuộc đời mình trong khi cố gắng cứu một cậu bé. Trong một cuộc phỏng vấn, phóng viên có hỏi tôi rằng liệu sự nghiệp viết lách của tôi có khiến tôi xao nhãng với cái dường như là “công việc chính” của mình không. Tôi cũng từng thắc mắc với mình như vậy. Việc trở thành một tiểu thuyết gia - thú vị và lãng mạn thế nào chăng nữa - phải chăng vẫn là điều phù phiếm? Tìm hiểu tính phổ quát của việc kể chuyện này hứa hẹn sẽ đem lại câu trả lời thỏa đáng.
Nếu sự nghiệp tiểu thuyết gia của tôi là “hư cấu” và công việc hàng ngày của tôi là “phi hư cấu”, và kể chuyện là điều cần thiết cho cả hai, thì sự khác biệt - nếu có - giữa chúng là gì? Cuối cùng, nếu coi nặng việc viết lách thì cái còn lại có vẻ “phù phiếm” hơn, và do vậy sự khác biệt là rõ ràng.
Không phải riêng tôi suy nghĩ như thế. Ở phương Tây người ta cho rằng “ranh giới” giữa hư cấu và phi hư cấu đang bị phá vỡ, kéo theo những hậu quả đáng báo động. Chúng ta thấy điều đó qua các chương trình “truyền hình thực tế” và cách dùng từ mới như “thông tin giải trí”. Trong Viện Hàn lâm, tại các tòa án, và trong các cuộc tranh luận dân chủ nảy lửa, rõ ràng tất cả chúng ta đang bị thách thức bởi sự đổ vỡ của các định kiến trong xã hội phương Tây - những định kiến như “bằng chứng”, “sự thật”, và “quan hệ nhân quả”. Chúng ta không còn chia sẻ các quan điểm phổ biến về những gì có thể biết được, có thể kiểm chứng, và xứng đáng với sự tin tưởng của mình. Và đây quả là một vấn đề nan giải.
Chúng ta đang chứng kiến tin tức và báo chí đi vào vòng xoáy sụp đổ, không chỉ vì lý do thị trường. Nói một cách chính xác là bởi vì chúng ta không còn tin vào “bằng chứng” (và cả sự đầu tư cần thiết để được biết nó) rằng sự ngụy biện của “định kiến” đang giành quyền kiểm soát. Vậy, nếu sự khác biệt giữa hư cấu và phi hư cấu là rất mong manh, làm sao một thứ có thể quan trọng còn thứ kia thì không?
Khi trở về từ Somalia, tôi tiến hành tra cứu và lôi ra hàng đống sách để xem mình có thể tăng thêm hiểu biết nào về bản chất và giá trị của việc kể chuyện không. Cuốn đầu tiên là cuộc phỏng vấn Amos Oz đăng ở tạp chí Paris Review. Oz giải thích rằng tiểu thuyết của ông, được viết bằng tiếng Do Thái, được phân loại trong các hiệu sách địa phương là “văn xuôi tường thuật” vì tiếng Do Thái không có từ nào nghĩa là “hư cấu”. Và hơn nữa, trong quan điểm của ông, thuật ngữ tiếng Anh có “sự dối trá bao quanh nó”.
Với Oz thì sự thiếu sót này của tiếng Do Thái (ngôn ngữ Do Thái có ít từ vựng hơn tiếng Anh) chẳng gây hại gì cả vì ông cho rằng tiếng Anh mới gọi là nghèo nàn thế nào ấy. Nói chung, ông ấy nói, tiểu thuyết gia thì “gắn với sự thật, chứ không phải với sự kiện”.
Đồng ý với quan điểm chính của ông, bây giờ tôi đã có hai manh mối: sự thật - cho dù nó là gì chăng nữa - có thể là một sản phẩm của, và nằm bên trong, cả hư cấu lẫn phi hư cấu trong chuyện kể. Tương tự như vậy, không phải tất cả các nền văn hóa và ngôn ngữ phân biệt mình với kẻ khác, và không phải tất cả đều thấy nó có vấn đề. Do vậy cuộc tranh luận về “sự đổ vỡ” cũng không phải là một thứ mang tính phổ quát gì.
Tiếp theo tôi mở cuốn Nghệ thuật tiểu thuyết của Milan Kundera, tác giả tôi đã không đọc trong một thập kỷ. Khá tùy tiện, tôi nhận thấy bài tiểu luận cuối cùng của ông là bài diễn văn Địa chỉ Jerusalem, lúc ông lên nhận giải thưởng văn học cao nhất của Israel. Oz là người Israel, Kundera đã nhận một giải thưởng Israel, vậy tại sao không mặc cho sự ngẫu nhiên xảy ra và cứ thế trôi theo nó? Đó cũng là một phần của câu chuyện.
Kundera nói: “Don Quixote nghĩ, Sancho nghe, và không chỉ sự thật của thế giới mà còn cả sự thật của bản thân họ đang tuột xa khỏi họ. Những tiểu thuyết gia châu âu đầu tiên đã thấy, và nắm giữ cái tình hình mới ấy của con người, và dựa vào đó họ xây dựng nên nền nghệ thuật mới, nghệ thuật của tiểu thuyết”. Đối với Kundera, các cuốn tiểu thuyết “là vùng lãnh thổ nơi không ai sở hữu sự thật... mà là nơi mọi người đều có quyền được thấu hiểu”.
Cái nhìn sâu sắc của Kundera nhắc tôi nhớ đến nguồn tham khảo ý kiến thường xuyên của tôi - Clifford Geertz - nhà nhân chủng học, người đã đặt ra thuật ngữ “kiến thức địa phương”. Để tìm hiểu kiến thức địa phương không có nghĩa là thu thập sự kiện của vùng đó, mà đúng hơn là để có “sự hiểu biết về các sự hiểu biết không phải của riêng chúng ta”. Có nghĩa là, để hiểu phần lớn sự thật trên lập trường của riêng họ - giống như các nhân vật chúng ta đang tìm hiểu trong vùng “lãnh thổ của tiểu thuyết”.
Có thể từ Tây Ban Nha thời Trung cổ, đến Jerusalem thời Hiện đại; từ Somalia tại Nam bán cầu, đến Oslo ở Bắc bán cầu, tồn tại một sự thúc đẩy phổ quát để kể một câu chuyện - và khi làm như vậy, phải chăng họ tự hình thành một đức tin rằng kể những câu chuyện là hành động khi sự thấu hiểu các giá trị đã đạt được và sau đó được truyền đạt đến cho người khác? Nó không phải là về các sự kiện, hoặc thậm chí về bằng chứng. Nó là về nhu cầu để thấu hiểu và chia sẻ sự hiểu biết, điều vốn không thể truyền đạt qua bất kỳ phương tiện nào khác.
Bây giờ tôi ít quan tâm hơn về sự đổ vỡ giữa hư cấu và phi hư cấu hoặc giá trị thiết yếu hoặc sự phù phiếm trong hai ngành nghề của tôi. Thay vào đó, tôi quan tâm nhiều hơn đến các đức hạnh cơ bản của việc kể chuyện để đạt được và chia sẻ sự hiểu biết các giá trị. Tôi tin rằng, những câu chuyện dường như là phương tiện cho nhiều thể loại khác nhau của sự thật, một kết luận không đem đến bất kỳ câu trả lời nào, nhưng lại đặt ra một câu hỏi tốt hơn: tôi có thể học được gì từ một câu chuyện?
Trà Kha dịch
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment