Saturday, August 8, 2015

Van Gogh cắt tai

  theo lời kể của Gauguin


Nguyễn Đình Đăng dịch
từ nguyên văn tiếng Pháp trong cuốn
“Avant et Après” của Paul Gauguin

Lời giới thiệu của người dịch

Paul Gauguin (1848 – 1903) viết cuốn “Avant et Après” (Trước và sau) vào tháng Giêng và tháng Hai năm 1903 tại Atuona, thủ phủ đảo Hiva Oa thuộc quần đảo Marquises, ba tháng trước khi qua đời tại đây. Hai mươi năm sau khi Gauguin mất, ấn bản đầu tiên của cuốn sách mới được NXB G. Crès et Cie ra mắt tại Paris. Tại trang 13 – 24 trong ấn bản này (gồm 241 trang kèm 27 minh hoạ của chính tác giả), Gauguin đã thuật lại giai đoạn sống và vẽ trong 2 tháng cùng Vincent Van Gogh (1853 – 1890) tại Arles, từ 23.10.1888 – đêm Gauguin đến Arles, tới ngày 24.12.1888, đặc biệt là chi tiết về vụ Van Gogh tự cắt tai vào đêm 23.12.1888. Đây là tường thuật đầu tiên và chi tiết nhất về vụ này. Mọi văn bản sau này đều được viết dựa vào câu chuyện do Gauguin kể.

Người dịch thêm phần chú giải và hình minh hoạ.

*

Lâu nay tôi từng muốn viết về Van Gogh, và chắc chắn tôi sẽ làm như vậy vào một ngày nào đó khi tâm trạng phù hợp: còn hiện bây giờ, tôi sẽ kể một vài việc về ông, hay đúng hơn là về chúng tôi, để chấm dứt một cái sai từng lưu truyền trong một vài nhóm người.

Chắc hẳn trong đời tôi tình cờ nhiều người từng đến chơi và trò chuyện với tôi đã trở nên mất trí. Đó là trường hợp hai anh em Van Gogh, và một số người, do tâm địa xấu xa, hay một số người khác, vì ngây thơ, đã đổ lỗi cho tôi gây ra bệnh điên của họ. Chắc chắn một số người có thể ít nhiều gây ảnh hưởng lên bạn bè mình, nhưng từ đó còn xa mới tới việc gây ra bệnh điên. Một thời gian dài sau thảm kịch này, Vincent đã viết cho tôi từ nhà an dưỡng, nơi ông ta được điều trị. Ông nói với tôi:

“Ông thật sung sướng được ở Paris! Ở đó vẫn còn những cao thủ, và chắc chắn ông sẽ phải hỏi ý kiến chuyên gia để chữa bệnh điên cho ông. Có phải tất cả chúng ta đều điên không?” Đây là lời khuyên tốt, và đó là lý do vì sao tôi không làm theo, rõ ràng là để cho ngược đời.

Độc giả tờ Mercure có thể thấy trong một bức thư của Vincent, công bố vài năm trước, rằng ông đã nài nỉ tôi tới Arles để lập một xưởng hoạ theo ý tưởng của ông mà tôi làm giám đốc.

Thời gian đó tôi làm việc tại Pon-Avent ở Bretagne, và do các nghiên cứu tôi mới bắt đầu đã cột tôi vào nơi này, hoặc do một trực giác mơ hồ khiến tôi linh cảm một cái gì đó bất thường, tôi đã cưỡng lại khá lâu cho tới một hôm, chịu thua những nhiệt tình chân thành trong tình bạn của Vincent, tôi đã lên đường.

Tôi tới Arles vào cuối đêm và ngồi đợi bình minh trong một quán cà-phê đêm. Chủ quán nhìn tôi và kêu lên: “Ông là ông bạn đó hả; tôi nhận ra ông.”

Bức chân dung tôi gửi Vincent trước đây đã lý giải cho cảm thán của chủ quán. Cho chủ quán xem chân dung của tôi, Vincent đã giảng giải cho ông ta đó là chân dung một người bạn sắp đến đây.


Vincent Van Gogh
Quán cà-phê đêm (1888)
Đây là Cà-phê nhà ga (Le café de la Gare) trên quảng trường Lamartine (place Larmartine). Nhà Van Gogh ở số 2, place Lamartine.


Paul Gauguin
Quán cà-phê đêm (1888).
Gauguin vẽ chân dung bà Marie Ginoux, vợ ông Joseph Michel Ginoux, chủ quán cà-phê.


Tự hoạ (1888) Gauguin gửi cho Van Gogh trước khi tới Arles

Không quá sớm cũng chẳng quá muộn, tôi tới đánh thức Vincent. Ngày hôm đó chúng tôi dành để thu xếp chỗ ở cho tôi, trò chuyện nhiều, đi dạo vừa để ngắm vẻ đẹp của Arles và của đàn bà xứ Arles mà, nhân đây nói luôn, tôi không thể nào hào hứng.

Ngay ngày hôm sau chúng tôi bắt tay vào việc; ông ta tiếp tục bức tranh đang vẽ dở, còn tôi bắt đầu vẽ bức mới. Phải nói với quý vị rằng tôi không có những trí năng mà những người khác dễ dàng tìm thấy trên đầu ngọn bút lông của họ. Những người khác này xuống xe lửa, cầm lấy bảng pha màu, và loáng một cái đã thể hiện được một hiệu quả ánh nắng mặt trời. Khi bức tranh khô, nó sẽ vào bảo tàng Luxembourg và được ký tên Carolus Duran [1]. Tôi không mê bức tranh nhưng tôi ngưỡng mộ người vẽ…

Sao mà ông ta tự tin thế, điềm tĩnh thế.
Còn tôi sao mà do dự thế, lo lắng thế.

Trong mỗi xứ sở, tôi đều cần một giai đoạn ấp ủ, để hiểu bản chất của cỏ cây mỗi lần, và tóm lại là của thiên nhiên, thật đa dạng và đỏng đảnh, không bao giờ để cho người ta đoán ra hoặc tự bộc lộ.

Vậy là tôi phải mất vài tuần mới nắm bắt được hương vị sắc đậm của Arles và những vùng lân cận. Mặc dù vậy chúng tôi vẫn làm việc hăng say, nhất là Vincent. Giữa hai người, ông ta và tôi, một người như núi lửa, người kia cũng sôi, nhưng bên trong là một cuộc tranh đấu nào đó sắp bùng lên.

Trước hết tôi bị sốc khi thấy một sự lộn xộn mất trật tự khắp nơi và trên mọi phương diện. Hộp màu chỉ đủ đựng tất cả các tube màu đã bị bóp bẹp, không bao giờ đậy nút, và mặc cho tất cả sự mất trật tự đó, mặc cho mớ lộn xộn đó, tất cả sáng choang choác trên toile; và trong lời nói cũng vậy. Daudet, de Goncourt, Kinh Thánh thiêu đốt não bộ gã Hà Lan này. Ở Arles các bến tầu, những chiếc cầu, toàn bộ miền Nam nước Pháp đã trở thành một nước Hà Lan đối với ông. Ông ta quên cả viết bằng tiếng Hà Lan và như đã thấy trong các bức thư được công bố của ông ta viết cho em mình, ông bao giờ cũng chỉ viết bằng tiếng Pháp và viết rất tuyệt, không có những kết thúc kiểu tant que và quant à.

Bất chấp mọi cố gắng của tôi nhằm gỡ từ bộ não lộn xộn đó ra một lý lẽ lôgic trong những quan điểm phê phán của ông, tôi đã không thể nào tự lý giải nổi tất cả các mâu thuẫn giữa tranh của ông và các quan điểm của ông. Chẳng hạn, ví dụ, ông ta có một lòng ngưỡng mộ Meissonier vô bờ bến và khinh bỉ Ingres sâu sắc. Degas là nỗi thất vọng của ông ta còn Cézanne chỉ là một gã ba láp. Ông ta khóc khi nghĩ về Monticelli [2]. Một trong những cơn tức giận của ông ta là bị buộc phải thừa nhận tôi là người rất thông minh mặc dù tôi có một cái trán quá bé, dấu hiệu của ngu đần. Giữa tất cả cái đó là một sự dịu dàng to lớn thậm chí một lòng vị tha như trong Kinh Thánh.

Ngay từ những tháng đầu tiên, tôi đã thấy tình hình tài chính chung của chúng tôi cũng có chiều hướng mất trật tự như vậy. Làm sao đây? Tình trạng thật tế nhị, một số tiền khiêm tốn trong két được viện trợ từ người em làm việc cho hãng Goupil [3], phần của tôi được trả bằng đổi lấy tranh. Nói thẳng ra là việc này cần được giải quyết và phải đụng độ với một lòng tự ái cực lớn của ông ta. Và thế là tôi đã đề cập vấn đề này với thái độ rất thận trọng và dịu dàng, ít phù hợp với tính cách của tôi. Phải công nhận rằng tôi đã thành công dễ hơn tôi tưởng nhiều.

Trong một cái hộp, bao nhiêu tiền cho các cuộc dạo chơi đêm và vệ sinh, bao nhiêu để mua thuốc lá, bao nhiêu cho các chi phí phát sinh kể cả tiền thuê nhà. Trên tất cả những thứ đó là một mảnh giấy và một chiếc bút chì để ghi trung thực số tiền mỗi người lấy ra từ cái két đó. Trong một cái hộp khác là số tiền còn lại, được chia làm bốn phần, dành cho thực phẩm hàng tuần. Đi ăn tại nhà hàng bị bãi bỏ và, được trợ giúp bằng một bếp gas nhỏ, tôi nấu ăn còn Vincent đi chợ, cách nhà không xa. Tuy nhiên có một lần Vincent muốn nấu một món xúp, nhưng tôi không biết ông ấy pha trộn thế nào. Chắc chắn cũng giống màu trên tranh của ông. Dù thế nào đi nữa chúng tôi đã không thể nào ăn nổi món xúp đó. Và Vincent của tôi vừa cười vừa kêu lên: “Tarascon! Hãy ngả mũ chào ngài Daudet.”[4] Ông ta viết bằng phấn lên tường:

Je suis Saint-Esprit
Je suis sain d’esprit [5]


Vincent Van Gogh
Ngôi nhà vàng (1888)
Nhà Van Gogh tại số 2 place Lamartine ở Arles


Vincent Van Gogh
Phòng ngủ (của Van Gogh) ở Arles (1888)

Chúng tôi đã ở cùng nhau bao lâu? Tôi không dám nói vì đã quên hoàn toàn. Bất chấp tai hoạ nhanh chóng ập đến, bất chấp sự say mê công việc đã lan vào tôi, tất cả thời gian đó đối với tôi dường như dài cả thế kỷ.

Ngoài vòng chú ý của công chúng, hai người đã làm được một công việc khổng lồ có ích cho cả hai. Có thể cho cả người khác nữa? Một vài thứ đã mang lại kết quả.

Vào thời điểm tôi tới Arles, Vincent đang hoàn toàn theo trường phái tân ấn tượng, và ông ta lội bì bõm, cái đó làm ông đau khổ; hoàn toàn không phải vì trường phái này dở, như tất cả mọi trường phái, mà vì nó không hợp với bản tính của ông, rất thiếu kiên trì và rất độc lập.

Với tất cả những màu vàng đè lên màu tím, tất cả việc pha trộn các màu bù, một việc mà ông làm rất lộn xộn, ông chỉ thu được những hòa sắc dịu, không đầy đủ và đơn điệu. Thiếu vắng âm thanh của tiếng kèn.

Tôi đã làm nhiệm vụ khai sáng ông ta, một việc dễ đối với tôi, bởi tôi tìm thấy ở ông một mảnh đất trù phú và màu mỡ. Như tất cả bản tính độc đáo và mang dấu ấn cá nhân, Vincent không hề ngại người bên cạnh và không hề ngoan cố.

Từ ngày đó, Van Gogh của tôi đã có những tiến bộ ngạc nhiên. Dường như ông đã đoán được tất cả những gì trong ông và từ đó mà sinh ra một chuỗi các mặt trời trên các mặt trời dưới ánh mặt trời rực rỡ.

Quý vị đã xem bức chân dung thi sĩ của ông ta chưa?

Thân hình và tóc màu vàng chrome.

Áo màu vàng chrome số 2.

Cà-vạt màu vàng chrome số 3 với một cái kẹp crà-vạt bằng ngọc lục bảo màu lục bảo trên nền màu vàng chrome số 4.

Đó là điều một hoạ sĩ người Ý nói với tôi và anh ta nói thêm:

– Cức, cức, tất cả màu vàng: tôi không hiểu hổi hỏa là cái gì nữa [6].


Vincent Van Gogh
Thi sĩ: Eugène Boch (1888)

Sẽ phù phiếm nếu đi sâu vào các chi tiết kỹ thuật ở đây. Điều này được kể ra để quý vị biết rằng Van Gogh đã nhận được từ tôi một bài học quý báu mà vẫn không mảy may đánh mất sự độc đáo của mình. Ngày nào ông cũng cảm ơn tôi về điều đó. Và đó là điều ông muốn nói khi viết cho ông Aurier rằng mình đã chịu ơn Paul Gauguin rất nhiều [7].

Khi tôi tới Arles, Vincent còn đang tìm đường, trong khi tôi, hơn ông nhiều tuổi, là một người đã chín muồi. Tôi chịu ơn Vincent trong một vài thứ, đó là củng cố các ý tưởng hội hoạ tôi có trước đây trên tinh thần làm sao giúp ích cho ông ta, rồi nhớ lại trong các tình huống khó khăn rằng có những người còn bất hạnh hơn mình.

Tôi đã mỉm cười khi đọc đoạn văn người ta viết rằng dessin của Gauguin gợi nhớ dessin của Van Gogh.

Trong thời gian cuối tôi ở đây, Vincent đã trở nên quá mức thô bạo và ầm ĩ, rồi lại nín thinh. Có những đêm tôi ngạc nhiên thấy Vincent thức dậy tiến lại gần giường tôi.

Cái gì đã khiến tôi tỉnh giấc vào lúc đó?

Liệu có chắc là lúc nào cũng chỉ cần nghiêm giọng nói với ông ta: “Chuyện gì vậy, Vincent?” để ông chẳng nói chằng rằng quay về lăn vào giường ngủ một giấc say như chết.

Tôi đã nảy ra ý tưởng vẽ chân dung ông đang vẽ tĩnh vật các bông hướng dương ông rất say mê. Khi bức chân dung được hoàn thành, ông nói với tôi: “Đó đúng là tôi, nhưng là tôi đã phát điên.”


Paul Gauguin
Chân dung Van Gogh đang vẽ tĩnh vật hoa hướng dương (1888)

Buổi tối hôm đó chúng tôi ra quán cà phê. Ông ta gọi một cốc absinthe nhẹ.

Bất thình lình ông ném thẳng cái cốc lẫn rượu bên trong vào đầu tôi. Tôi tránh được cú ném và, xốc ông ta lên, tôi đi ra khỏi quán cà phê, băng qua quảng trường Victor Hugo [8]. Vài phút sau Vincent đã nằm trên giường và thiếp đi sau vào giây cho tới sáng hôm sau mới tỉnh.

Sau khi thức dậy, ông rất điềm tĩnh nói với tôi: “Gauguin quý mến, tôi lờ mờ nhớ lại tôi đã xúc phạm ông tối hôm qua.”

Tôi trả lời: “Tôi sẵn lòng tha thứ cho cậu, nhưng màn kịch hôm qua có thể sẽ tái diễn và nếu tôi bị dính đòn, tôi có thể sẽ không tự chủ được và sẽ bóp cổ cậu. Vậy để tôi viết thư báo cho em trai cậu tôi sẽ quay về Paris.”

Trời, một ngày thật kinh!

Tối đến, tôi ăn tối qua loa rồi cảm thấy cần đi ra ngoài một mình để thở hít không khí đượm hương thơm của những cây đỗ quyên đang trổ hoa [9]. Tôi đã đi qua gần hết quảng trường Victor Hugo thì nghe thấy sau lưng mình tiếng bước chân ngắn quen thuộc, nhanh và giật cục. Tôi quay lại đúng lúc Vincent đang lao tới tay cầm một con dao cạo đã mở lưỡi. Ánh mắt của tôi lúc đó chắc phải đủ mạnh bởi ông ta dừng lại và cúi đầu chạy trở về nhà.

Có phải tôi mềm yếu, hay đáng ra tôi phải tước vũ khí và làm ông ta nguôi giận lúc đó chăng? Tôi luôn tự hỏi lương tâm nhưng tôi không chê trách mình tí gì hết.

Ai thích ném đá tôi thì cứ việc.

Tôi đi thẳng một mạch tới một khách sạn tốt ở Arles, và sau khi hỏi giờ tôi thuê một phòng rồi đi nằm.

Rất bồn chồn, tôi không thể ngủ được cho tới 3 giờ sáng, và tôi thức dậy khá muộn, khoảng 7 giờ rưỡi.

Khi tới quảng trường, tôi thấy một đám đông đang tụ tập. Gần nhà chúng tôi có các cảnh sát và một ông đội mũ phớt quả dưa là cảnh sát trưởng.

Đây là chuyện đã xảy ra.

Van Gogh quay trở về nhà và ngay lập tức cắt phăng tai mình sát ngay đầu. Ông đã phải mất một số thời gian để cầm máu phun ra vì sáng hôm sau rất nhiều khăn ướt vương vãi trên sàn hai phòng tầng dưới. Máu dây khắp hai phòng và cầu thang nhỏ dẫn lên phòng ngủ của chúng tôi.

Khi ông ta đã có thể ra phố được, đầu đội chùm hụp một chiếc mũ nồi xứ Basque, ông ta đi thẳng tới một ngôi nhà, nơi người ta có thể làm quen với gái quê [10], và đưa phần tai bị cắt đã được rửa sạch gói trong một chiếc phong bì. “Đây,” ông ta nói, “để nhớ đến tôi,” rồi chạy biến về nhà, leo lên giường nằm ngủ thiếp đi. Song ông cũng đã cẩn thận đóng cửa và để một ngọn đèn sáng trên bàn gần cửa sổ.

Mười phút sau cả khu phố, nghe tin từ những cô gái điếm, đã xôn xao bàn tán về sự kiện này.

Tôi không mảy may nghi ngờ tất cả chuyện này khi tôi hiện diện trước cửa ngôi nhà của chúng tôi, và khi ông đội mũ quả dưa thô bạo hỏi tôi với một giọng trên cả trầm trọng: “Ông đã làm gì với bạn ông?”

– Tôi không biết …
– Tất nhiên là … ông biết rõ … y chết rồi.

Tôi không mong muốn bất kỳ ai rơi vào hoàn cảnh tương tự, tôi đã phải mất vài phút dài để có thể nghĩ và nén nhịp đập của tim mình.

Cơn giận, lòng phẫn nộ, nỗi đau đớn, và cả sự hổ thẹn, vì tất cả những ánh mắt đang nhìn chòng chọc, xâu xé toàn bộ bản thân tôi, bóp nghẹt tôi, và tôi trả lời ấp úng: “Được rồi, thưa ông, chúng ta hãy lên lầu và sẽ giải thích với nhau tại đó.” Vincent trùm kín nằm co trên giường, có vẻ bất tỉnh. Nhẹ nhàng, rất nhẹ nhàng, tôi sờ người ông mà hơi ấm cho biết ông chắc chắn còn sống. Điều đó đã khiến tôi lấy lại toàn bộ trí tuệ và năng lượng của mình.

Với giọng gần như thì thầm tôi nói với viên cảnh sát trưởng: “Ông làm ơn đánh thức người này thật khéo léo và nếu ông ta hỏi tôi thì hãy nói với ông ta rằng tôi đã trở về Paris: sự hiện diện của tôi có thể sẽ gây tai họa cho ông ta.”

Tôi phải thừa nhận rằng từ thời điểm đó trở đi viên cảnh sát trưởng đã tỏ ra biết điều và ông ta đã thông minh cho người đi tìm thầy thuốc và gọi xe.

Sau khi tỉnh dậy, Vincent hỏi tôi ở đâu, yêu cầu đem tẩu và thuốc lá, và cả hộp tiền của chúng tôi để ở tầng dưới. Rõ ràng ông ta nghi ngờ tôi! Nhưng mối nghi ngờ đó chỉ sượt qua tôi, người đã được vũ trang chống lại mọi đau đớn.

Vincent được đưa vào bệnh viện, vừa tới nơi, óc ông lại bắt đầu nghĩ lẩn thẩn.


Vincent Van Gogh
Tự hoạ (1889)
Chân dung tự hoạ vẽ từ hình phản chiếu trong gương sau khi tai trái đã bị cắt.

Trong tất cả những gì còn lại, người ta biết rằng chuyện này có thể đáng chú ý và sẽ vô ích khi bàn về nó, ngoài việc đó là một nỗi đau đớn cực kỳ của một người sống trong nhà thương điên, hàng tháng có những lúc lấy lại được lý trí đủ để hiểu tình trạng của mình và cuồng nhiệt vẽ nên những bức tranh tuyệt diệu mà chúng ta biết.

Bức thư cuối cùng mà tôi nhận được từ Vincent được gửi từ Auvers gần Pontoise. Ông nói với tôi rằng ông từng hy vọng sẽ khỏi bệnh để có thể tới gặp tôi tại Bretagne, nhưng hôm nay ông buộc phải thừa nhận rằng việc khỏi bệnh là điều bất khả.

“Thưa thầy (lần duy nhất ông ta phát âm từ này), sau khi đã được biết thầy và đã làm thầy tổn thương, thật là vinh hạnh được chết trong trạng thái tinh thần sảng khoái hơn là trong một trạng thái bị hủy hoại.”

Ông đã bắn súng lục vào bụng và chỉ sau đó vài tiếng đồng hồ, nằm trên giường và hút tẩu thuốc, ông đã chết với tất cả sự sáng suốt của tinh thần, trong tình yêu với nghệ thuật của ông mà không hề oán hận những người khác.

Trong “Những con quái vật” Jean Dolent [11] viết:

“Giọng Gauguin dịu dàng khi nói: ‘Vincent.’”

Tuy không biết, nhưng đã đoán ra, Jean Dolent có lý. Chúng ta hiểu vì sao.

Dịch xong ngày 19.2.2015 (Mùng 1 Tết Ất Mùi)


Paul-Ferdinand Gachet
Van Gogh ngay sau khi qua đời (29.7.1890)
Gachet là bác sĩ của Van Gogh.

Chú giải:

[1] Charles Auguest Émile Durand tức Carlorus Duran (1837 – 1917) – hoạ sĩ và hoạ sư người Pháp, nổi tiếng như một hoạ sĩ vẽ chân dung, được thưởng Bắc Đẩu Bội Tinh năm 1889, một trong những người đồng sáng lập Hội Nghệ thuật Quốc gia Pháp (1890), viện sĩ viện Hàn lâm Mỹ thuật (1904) và giám đốc viện Hàn lâm Pháp ở Rome (1905).

[2] Adolphe Joseph Thomas Monticelli (1824 – 1886) – hoạ sĩ Pháp tiền ấn tượng, nguyên học trò của Paul Delaroche tại trường Mỹ thuật Paris, tham gia nhóm các hoạ sĩ trường phái Barbizon. Van Gogh đặc biệt ngưỡng mộ Monticelli, coi mình tiếp tục sự nghiệp của Monticelli.

[3] Hãng buôn tranh do Adolphe Goupil (1806- 1893) sáng lập. Anh em Vincent và Théo Van Gogh từng làm việc cho chi nhánh Hà Lan của hãng này.

[4] Tartarin xứ Tarascon là nhân vật trong tiểu thuyết cùng tên năm 1872 của đại văn hào Pháp Alphonse Daudet (1840 -1897).

[5] Nghĩa là: Tôi là Chúa Thánh linh, Tôi lành mạnh về tinh thần. Hai câu này được phát âm gần giống nhau trong tiếng Pháp, tạo thành một lối chơi chữ.

[6] Tiếng Pháp ngọng (nhại phát âm sai của người Ý) trong nguyên văn: Mârde, mârde, tout est jaune: je ne sais plus ce que c’est que la pintoure.

[7] Thi sĩ, nhà phê bình mỹ thuật và hoạ sĩ Albert Aurier (1865 – 1892) lả người đã viết tiểu luận “Những kẻ cô đơn: Vincent Van Gogh” đăng tại Mercure de France tháng Giêng năm 1890, và bài “Chủ nghĩa tượng trưng trong hội hoạ: Paul Gauguin” đăng tại tờ báo này tháng Ba năm 1891. Đây là hai bài báo đầu tiên xác lập tiếng tăm của Van Gogh và Gauguin. Trong thư cảm ơn Aurier đề ngày 10.02.1890, Van Gogh đã nhắc đến Gauguin như sau: “Tôi chịu ơn Paul Gauguin rất nhiều, người mà tôi từng cùng làm việc trong vài tháng tại Arles, và cũng đã gặp trước đó tại Paris. ” Hơn 5 tháng sau, ngày 27.7.1890, Van Gogh tự sát bằng súng lục.

[8] Ở Arles không có quảng trường Victor Hugo. Chắc Gauguin nhớ nhầm tên quảng trường Lamartine.

[9] “Lauriers en fleurs” trong nguyên văn. Đây có thể là laurier rose des Alpes hay rhododendron (đỗ quyên), ra hoa từ tháng 9 tới tháng 1 – 2.

[10] Nhà chứa có đăng ký (maison de tolérance: nhà khoan dung). Báo địa phương ngày 30.12.1888 đã đăng tin này như sau: “Chủ nhật trước, vào hồi 11 giờ rưỡi đêm, một người tên là Vincent Van Gogh, hoạ sĩ, gốc Hà Lan, đã hiện diện tại nhà chứa số 1, đòi gặp cô gái tên là Rachel, để trao cho cô … cái tai của y, và nói với cô: ‘Hãy giữ gìn cẩn thận vật này.’ Sau đó y biến mất. Được thông báo về cái mà chỉ một người điên mới có thể làm này, cảnh sát đã tới nhà đối tượng vào sáng hôm sau và tìm thấy y đang nằm trên giường, hầu như không có dấu hiệu gì là còn sống. Kẻ bất hạnh đã được nhập viện ngay lập tức.” Đây là lần đầu tên Vincent Van Gogh xuất hiện trên báo chí như một hoạ sĩ.

[11] Jean Dolent (1835 – 1909), tên thật Charles-Antoine Fournier, nhà văn và phê bình nghệ thuật Pháp.

______________

© Nguyễn Đình Đăng, 2015 – Người dịch giữ bản quyền bản dịch tiếng Việt. Bạn đọc có thể lưu giữ bản dịch này để sử dụng cho cá nhân mình và chia sẻ miễn phí trên internet. Mọi hình thức sử dụng khác như in ấn, sao chép lại bản dịch này, dù là một phần hay toàn bộ, để phát hành trong các ấn phẩm như sách, báo chí, luận văn, hay nhằm mục đích thương mại (kể cả tại các trang thư viện điện tử trên internet mà để đọc được hay tải xuống người đọc phải trả tiền để mở tài khoản) v.v. đều vi phạm bản quyền nếu không nhận được sự đồng ý bằng văn bản của người dịch.

No comments: