John Barr trong bài viết “American Poetry in the New Century” năm 2006 cho rằng, thơ Mỹ không có gì thay đổi, sau bài tiểu luận “Can Poetry Matter” của nhà thơ Dana Gioia, viết vào năm 1991. Ông cũng nhắc lại một câu nói của nhà thơ Walt Whitman, “Để có những nhà thơ lớn, phải có lớp người đọc lớn.” Người đọc ở đây, dĩ nhiên là những người đọc bình thường (non-poetry readers), không phải những nhà thơ. Nhưng làm sao để lôi cuốn người đọc trong tình trạng thơ hiện nay? Ông nêu ra những thời kỳ vàng son của bi kịch Shakerspear thời Elizabeth, tiểu thuyết những thế kỷ trước và phim ảnh bây giờ. Phim ảnh, nhờ sự khám phá về công nghệ vi tính, đã đạt tới nghệ thuật (hình thức) hoàn hảo, để chuyên chở những nội dung phong phú, lôi cuốn hàng triệu triệu người thưởng ngoạn. Ernest Hemmingway từng đi săn ở Phi châu, làm cứu thương trong cuộc nội chiến Tây Ban Nha, tham dự những cuộc đấu bò, rồi lấy những chất liệu của đời sống thực, làm nên những tác phẩm đầy sinh động. Vậy thì, muốn tìm kiếm những người đọc bình thường, người làm thơ phải có kỹ năng (hay nghệ thuật), kết hợp với kinh nghiệm đời sống, để sáng tác những tác phẩm có tầm vóc. Thế còn cách mạng thơ? Nếu cách mạng là thay đổi hệ thống cũ bằng một hệ thống mới tiến bộ hơn, thì thơ, từ cổ chí kim chưa bao giờ có cách mạng. “Thơ không làm điều gì xảy ra”, theo nhà thơ W. B. Yeats, vì thơ là những niềm vui (hay điều gì khác), chỉ xảy ra trong tâm trí. Thuật ngữ “cách mạng” chỉ dùng trong chính trị, xã hội, văn hóa như cách mạng kỹ nghệ cuối thế kỷ 18 ở Anh, cách mạng Pháp 1789, cách mạng Nga 1917, cách mạng văn hóa mang màu sắc chính trị ở Trung hoa (1966-1975). Thơ Mới thập niên 1930 là một thời kỳ rực rỡ của thơ Việt, không phải là cách mạng, vì những nhà thơ vẫn dùng vần và các thể thơ, chỉ thay luật tắc khắt khe của thơ Đường, bằng sự nhịp nhàng của thanh điệu. Chủ nghĩa Tượng trưng cuối thế kỷ 18, hay chủ nghĩa Siêu thực 1930, ở Pháp, với những tuyên ngôn tuyên cáo rầm rộ chỉ là sự bùng phát về ngôn ngữ, vì những nhà thơ vẫn diễn đạt bằng thơ tự do. Thơ tự do Mỹ, sau một thế kỷ thử nghiệm, đưa ra nhiều phương cách sáng tác, với nhiều phong trào tiền phong, cuối cùng, đã không đi tới đâu. Trong khi thơ thể luật tiếng Anh, suốt hơn thế kỷ, những nhà thơ kiên trì làm lơi lỏng luật tắc, sử dụng ngôn ngữ đời thường và mang nhịp điệu văn xuôi vào thơ, để diễn đạt tư tưởng, và bây giờ đang là một nhu cầu đào luyện nơi những trung tâm viết văn. Nếu cách mạng thường xảy ra trong một thời gian tương đối ngắn, thì sự tìm kiếm thi pháp là một tiến trình lâu dài. Sự lạm dụng những thuật ngữ chính trị, triết lý, không ích gì, mà chỉ như bức màn che lấp đi tính chân thực của thơ. Như một số nhà phê bình Mỹ, vào những thập niên 1990, đã dùng thuật ngữ “hậu hiện đại” áp đặt cho những phong trào thơ (từ thập niên 1950s tới 1980s), trong khi những phong trào đó chẳng liên hệ gì tới chủ nghĩa hậu hiện đại. Chỉ trừ phong trào thơ ngôn ngữ (language poetry), thập niên 1980s, có quan điểm tương đồng về ngôn ngữ với những triết gia hậu cấu trúc và hậu hiện đại, nhưng đã đưa thơ tới ngõ cụt, và đã thất bại. Thuật ngữ, nếu không dùng chính xác, sẽ mất ý nghĩa, và làm lạc mất thơ. Chúng ta thường có quan niệm cho rằng, sự vặn vẹo ngôn ngữ làm cho thơ mù mờ, khó hiểu, mới là thơ hay. Thật ra, đó chỉ là cách che lấp sự nghèo nàn về nghệ thuật và tư tưởng của người viết, và làm mất người đọc, vì chẳng có gì trong Thơ • 2 đó. Thi pháp, hay cách làm thơ, chỉ là vấn đề đơn giản, giữa nội dung và hình thức. Nội dung và hình thức là hai phạm trù hổ tương, không thể tách rời, được phân biệt giữa điều được nói và cách nói (what is said and the way it is said). Cách nói, chính là hình thức bài thơ, là thi pháp, là cách làm thơ. 1/ Nội dung liên quan tới ngôn ngữ thơ, bao gồm chủ đề, (về tình yêu chẳng hạn). Thái độ của tác giả đối với chủ đề đó (tiêu cực hay tích cực, châm biếm, hoài cổ hay bất cứ trạng thái cảm xúc nào khác). Cuối cùng là sự chọn chữ, lựa lời (để diễn tả chính xác những gì liên quan tới chủ đề muốn nói). 2/ Hình thức bài thơ liên quan tới thể thơ (hay cấu trúc thơ trên trang giấy) và âm thanh (hay nhịp điệu thơ). Bao gồm: thơ trữ tình hay truyện kể, các đoạn thơ (mỗi đoạn 2, 3 hay 4 dòng), và chiều dài dòng thơ (với thơ Việt là các thể thơ 5 chữ, 7 chữ, lục bát …), vần, điệp âm điệp vận, và cuối cùng là nhịp điệu thơ. Nếu nội dung liên quan tới ngôn ngữ, thì hình thức liên quan tới nhạc tính hay nhịp điệu. Và ý nghĩa bài thơ là sự tổng hợp, một phần nội dung, và một phần hình thức. Những âm thanh lập lại của luật thơ làm thay đổi ý nghĩa của chữ (ngôn ngữ) hay một ý tưởng. Như vậy, hình thức làm thay đổi ý nghĩa của nội dung để trở thành ý nghĩa của thơ. Bản chất của tình yêu thì lúc nào cũng vậy, nhưng cách bày tỏ tình yêu thì mỗi thời một khác, làm mới mẻ ý nghĩa của tình yêu. Và vì thế, hình thức hay phong cách thơ, mới là yếu tố chính của thi pháp. Cuối cùng, John Barr cho rằng, mỗi thời đại thông dụng một loại thơ khác nhau. Thơ trữ tình (lyric), là một loại thơ của thời hiện đại nay, đã nhàm chán, và ông nhắc đến những tác phẩm thời Anh cổ như “Beowulf” và Njal’s Saga của Iceland, kể câu chuyện về những người anh hùng, hoặc những tác phẩm của Homer như “The Iliad” và “The Odyssey”. Để tác phẩm có thể chuyên chở những chủ đề lớn, chúng ta chỉ có thể sử dụng nghệ thuật kể, và đó là phương cách để có được những tác phẩm hay. Phim ảnh, chẳng phải cũng đang kể những câu chuyện đó sao
No comments:
Post a Comment