Saturday, August 15, 2015

Đọc sách


“Mút Mùa Lệ Thủy” và “Hộ Chiếu Buồn” 

Phạm Thành.



Tháng này sách mua, sách được tặng có đến vài chục cuốn với đủ các thể loại: tiêu thuyết, thơ, lý luận phê bình, sách dịch…

Hai ngày qua, tình cờ đọc xong hai cuốn, một truyện hay tiểu thuyết “Mút Mùa Lệ Thủy” của Nguyễn Đình Bốn, hai: tiểu thuyết “ Hộ Chiếu Buồn” của Thế Dũng.

Nguyễn Đình Bốn là tác giả người Việt xịn. Vũ Thế Dũng là tác giả người Việt không xịn. Đình Bốn chỉ loanh quanh với miệt vườn Sông Nước Cửu Long. Thế Dũng thoắt ẩn, thoát hiện ở đất Thần kinh Hà Nội, nhoàng cái lại ở nước Đức của Hít le. Thế Dũng là Việt Kiều Đức.

Đồng điệu ở hai tiểu thuyết này là cùng viết về đề tài người Việt tim cách xuất ngoại để kiếm sống, dựng nghiệp.

Tiểu thuyết của Đình Bốn có 126 trang in khổ 14×20 cm, bìa mềm, giấy trắng hạng thường; của Thế Dũng với 335 trang in, khổ 13x 20,5 cm, bìa cứng, giấy trắng hạng xin.

Nhân vật xuất biên kiếm sống của Đình Bốn mang giới tính Nữ, của Thế Dũng mang giới tính Nam. Nữ của Đình Bốn nhà nhân thân quê, ít học. Nam của Thế Dũng nhân thân cũng nhà quê , nhưng được học hành bài bản, cao cấp, những là giáo sư tiếng Pháp.

Nữ của Đình Bốn, trước khi xuất ngoại là một cô gái hiền lương. Khi xuất ngoại trở về thì thành gái điếm, má mì. Tuy đã là gái điếm, má mì nhưng trong lòng Nữ của Đình Bốn, chỉ yêu và chung thủy với một người.

Nam của Thế Dũng, trước khi xuất ngoại là một trí thức có khả năng, nhưng lại mang bản tính lưu manh, một đĩ đực rựa, thích gái nào nào cũng vận công lực trí thức của mình để làm tình cho kỳ được, kể cả gái đã có chồng, nạ dòng và tuổi tác hơn hắn cả chục tuổi.

Đọc “ Mút Mùa Lệ Thủy” của Đình Bốn mà chua xót ở trong lòng. Cách Mạng, Giải Phóng, Đổi Mới, Hội Nhập… chẳng mang lại một giá trị nhân bản nào mà chỉ là duyên cớ, động lực làm băng hoại nhân bản con người vùng Sông Nước Cửu Long. Ngay cả đến văn hóa nhậu nổi tiếng của vùng này cũng xuống cấp, trở nên lãng xẹt, nhạt nhòa sau hệ quả của Cách Mạng, Giải Phóng, Đổi Mới, Hội Nhập… Chẳng còn những anh Hai, chú Tư.. trọng nghĩa, kinh tài. Nảy nòi ra những anh Hai, chú Tư… vui vẻ nhậu với những đồng tiền nhơ nhớp có được do đẩy con cái mình đi lấy chồng ngoại, làm điếm.

Trí thức chỉ còn lại nỗi rằn vặt, tại sao mình không làm ra tiền để cho các cô gái khỏi bỏ quê đi lấy chồng hay làm điếm xứ người:

“ Năm Sang ngơ ngác: ‘Mày nói gì? Không làm cái gì được?’. ‘Không làm ra nhà,không làm ra tiền, không làm ra gạo… chớ con gì nữa. Tại sao bắt mấy đứa con gái, hết đứa này đến đứa khác, hết Đài Loan đến Hàn Quốc, rồi đi làm gái khắp đất nước, qua Phi, qua Mã Lai… tại sao?’.

Nếu như Nữ của Đình Bốn ở miệt vườn Sông Nước Cửu Long đem tấm thân, cái vốn tự có của mình một cách chân chất để có tiền thì Nam của Thế Dũng lại khác hoàn toàn. Hắn là một trí thức giỏi giang, là một thày giáo tiếng Pháp, quê ở xứ Nghệ, nhưng được đào luyện phong cách sống của “Người Thủ Đô”. Hắn muốn có tiền, giàu có nhưng không bao giờ nghĩ đến việc mình phải bán mình để mưu cầu cuộc sống mà là tìm mọi cách len lỏi, đút lót, cầu thân, lọc lừa từ tình đến quyền lực để được xuất ngoại trong tư thế: “Đội trưởng Đội Hợp tác Lao động”.

Cùng một bút pháp “ tái diễn hiện thực”, nhưng Nguyễn Đình Bốn và Vũ Thế Dũng đã rất thành công trong khắc họa nhân nhân vật trong tiểu thuyết của mình. Nhưng do hai hiện thực khác nhau nên ngôn ngữ thể hiện cũng khác nhau. Ngôn ngữ của Đinh Bốn là ngôn đừi thường, dân giả của cư dân vùng Sông nước Cửu Long. Ngôn ngữ của Thế Dũng là ngôn ngữ hoa la cành thường thấy trong tiểu thuyết cổ điển, ít được dùng trong giao tiếp của cư dân Hà Thành hay cả vùng Đồng Bằng Băc Bộ.

Khó có thể đọc Tiểu thuyết “ Hộ Chiếu Buồn” ở các quán Cà Phê, trên tàu hay khi mình bị bận việc phải lo toan, kiếm sống; còn “Mút Mù Lệ Thủy” có thể đọc ở bất kỳ đâu, ở tâm trạng nào.

Vì thế “Mút mùa Lê Thủy”, tôi chỉ đọc có một lèo là xong, còn “Hộ Chiếu Buồn” thì lai rai tới vài ngay; mặc dù, “ Mút Mùa Lệ Thủy” mới xuất bản, chỉ có người biết chữ Việt đọc, trong khi “Hộ Chiếu Buồn” xuất bản từ năm 2011 và đã được dịch sang tiếng Đức.

P.T

No comments: