Monday, August 10, 2015

“Hạm đội ma”

Một cuốn tiểu thuyết nhận được sự chú ý đặc biệt của Lầu Năm Góc?

Tác giả: Joshua Philipp, Epoch Times |
 Dịch giả: DK Lam
10 Tháng Tám , 2015


P.W.Singer phát biểu tại Diễn đàn Chiến lược Hải quân hiện nay của hải quân Mỹ về những bài học thực tế từ tiểu thuyết “Hạm đội ma”. Lầu Năm Góc và cộng đồng quân sự đang thảo luận cuốn sách này, một cuốn sách đã miêu tả chi tiết cuộc chiến thực tế giữa Mỹ, Trung Quốc và Nga (Ghostfleetbook.com)

Lịch sử rất có thể đã diễn ra khác đi nếu các nhà lãnh đạo thế giới lắng nghe những cảnh báo của tác giả một cuốn sách xuất bản vào năm 1914. Những vấn đề mà thế giới sớm phải đối mặt được ghi chi tiết trong câu chuyện ngắn “Danger!” của nhà văn Conan Doyle, cha đẻ của thám tử hư cấu Sherlock Holmes. Truyện ngắn này ra đời chỉ 18 tháng trước khi chiến tranh thế giới thứ I xảy ra.

Conan Doyle trình bày một cuộc chiến tranh giả tưởng mà trong đó, một quốc gia không có thực chiến đấu và đánh bại nước Anh. Công cụ họ sử dụng là tàu ngầm, lúc bấy giờ thì tàu ngầm chỉ mới vừa trở thành một loại vũ khí ưu việt trong chiến đấu. Một thời gian ngắn sau đó, tàu ngầm U-boat của Đức trở thành một trong những vũ khí nguy hiểm nhất trong Thế chiến thứ nhất và Thế chiến thứ hai.

Giờ đây, một cuốn sách về cuộc chiến giả tưởng giữa Mỹ, Nga, Trung Quốc đang có chiều hướng tương tự. Và rồi đang nhận được nhiều sự quan tâm đáng kinh ngạc từ Lầu năm góc và cộng động quân sự.

Cũng giống như cảnh báo của ông Doyle, “Ghost Fleet: A Novel of the Next World War” (Hạm đội ma: một tiểu thuyết về Thế chiến tiếp theo), viết bởi P.W.Singer và Agust Cole, không phải là tác phẩm hư cấu toàn bộ. Bối cảnh tiểu thuyết là vào những năm 2020, nó miêu tả về vũ khí, việc cắt giảm chi phí và các chiến lược đang nổi lên trong thế giới thực tại, và cho thấy mọi thứ rất có thể xảy ra trong 5 năm tới.


“Hạm đội ma” có 374 lưu ý ở cuối tiểu thuyết về những công nghệ và các xu thế đang nổi lên khiến câu chuyện rất sát với thực tế.

Ông Singer phát biểu qua một cuộc phỏng vấn bằng điện thoại rằng “Chúng ta đang chứng kiến sự trỗi dậy của một làn sóng công nghệ chỉ xuất hiện trong khoa học viễn tưởng gần đây”.


Cuộc chiến trong nay mai

“Hạm đội ma” nhấn mạnh một số vũ khí đang nổi lên trong hiện tại nhưng có thể định hình những cuộc chiến trong tương lai, từ chiến tranh mạng đến máy bay không người lái, từ trí thông minh nhân tạo đến thực tế ảo. Và giống như tác giả Doyle đa cảnh báo nước Anh, tiểu thuyết này cũng cảnh báo tương tự rằng Mỹ chưa sẵn sàng cho cuộc chiến này.

Các tác giả có hiểu biết sâu sắc về vấn đề này. Singer là nhà chiến lược của tổ chức New Amerianc Foundation và tham gia viết về những vũ khí đang được phát triển của Trung Quốc cho blog “Thần công phương đông” (Eastern Arsenal) ở trang Popular Science. Cole là cựu phóng viên về đề tài quốc phòng của tờ Wall Street Journal.

Sự am hiểu của Singer và Cole góp phần tạo nên một cuốn tiểu thuyết không chỉ để giải trí.

Chuyến du thuyết giới thiệu cuốn sách có sự tham gia của hơn 600 sỹ quan hải quân tốt nghiệp trường Đại học Thủy chiến, và một số cuộc thảo luận quy mô nhỏ với các quan chức Lầu Năm Góc, bên cạnh những tin tức thường thấy được báo chí đưa tin.

Một trong những lời giới thiệu sách thuộc về ông Jonathan Greenert, Đô đốc của lực lượng hải quân Mỹ, gọi đây là “một cuốn sách thú vị…sâu sắc, đậm tính chiến thuật và hợp lý”.

Cựu Tư lệnh Liên minh tối cao Nato, James Stavridis, viết đây là “một kế hoạch đáng kinh ngạc cho chiến tranh tương lai và mọi người nên đọc nó ngay lập tức!”.


Nhiều sỹ quan quân đội thấy nó hữu ích, mạnh mẽ và đậm tính minh họa
– W Singer, đồng tác giả của “Hạm đội ma”

Các tác giả đặt ra một vài câu hỏi quan trọng: Điều gì sẽ xảy ra khi Trung Quốc thành công biến Nhân dân tệ thành đồng tiền có thể chuyển đổi? Điều gì xảy ra khi thị trường năng lượng thay thế phát triển và Trung Quốc kiểm soát những quặng quý hiếm trên trái đất? Điều gì xảy ra khi thương hiệu quốc gia của Trung Quốc tiếp tục mở rộng?

Rõ ràng nhất, cuốn sách cũng miêu tả cuộc chiến với Trung Quốc sẽ diễn ra như thế nào-cùng những chiến lược xây dựng xung quanh các vũ khí và một cách tiếp cận chiến tranh khiến phương Tây ít để ý nhất.



Bìa cuốn sách ” Hạm đội ma” của tác giả P.W Singer và August Cole (Ghostfleetbook.com)

Đây là cuốn sách khiến người đọc phải chấn động – đặc biệt những người quen thuộc với chính sách quân sự của Trung Quốc – với sự thật phũ phàng là đúng, họ có thể làm như vậy, và không, chúng ta chưa chuẩn bị cho điều này.

Các tác giả đã tự họ tiến hành nghiên cứu. “Hạm đội ma” có 374 lưu ý ở cuối tiểu thuyết về những công nghệ và các xu thế đang nổi lên, khiến câu chuyện rất sát với thực tế.

Singer cho rằng cuốn sách này “là sự pha trộn giữa viễn tưởng và thực tế” và “sử dụng viễn tưởng để khám phá công nghệ thực tại và những vấn đề liên quan”.

“Mọi người thích cuốn sách, và nó chính xác là một cuốn sách đáng để đọc vào mùa hè- nó nhận được những đánh giá tích cực cho hạng mục tiểu thuyết”. Ông nói “ Nhưng nhiều sỹ quan quân đội thấy nó hữu ích, mạnh mẽ và đậm tính minh họa”.

Những dự đoán chính xác

Thực tế, “Hạm đội ma” đã có một số dự đoán trở thành hiện thực. Cuốn sách mở đầu với cảnh tượng chiếc máy bay do thám P-8 Poseidon bị quân đội Trung Quốc giận dữ xua đuổi qua radio, điều này đã được Singer viết 18 tháng trước..

Tháng 3 năm nay, một cảnh tượng tương tự đã diễn ra. Hải quân Mỹ cử chiếc máy bay do thám P-8 Poseidon bay ngang qua đảo Đá chữ thập ở Biển Đông. Một sỹ quan quân đội Trung Quốc giận giữ cảnh báo chiếc may bay phải rời đi qua radio.

Singer nói rằng bước phát triển này là một sự ngọt ngào cay đắng. Một mặt ông thấy vui vì những dự đoán trong cuốn sách là đúng, nhưng ông và Cole không muốn chứng kiến Chiến tranh thế giới thứ III diễn ra theo đúng xu hướng được mô tả trong tác phẩm của mình.

Nhưng đây cũng chính là lý do Singer muốn viết “Hạm đội ma”. Một mặt nó phục vụ cho mục đích giải trí, mặt khác nó cảnh báo những quan chức đứng đầu của Mỹ về sự phát triển quân sự của Trung Quốc được thiết kế để chiến thắng trong cuộc chiến với Mỹ.

Cuốn tiểu thuyết bác bỏ một số quan điểm cho rằng thương mại và ngoại giao giữa Mỹ và Trung Quốc có thể ngăn chặn xung đột thực sự.

Một trong những chương trình của chế độ cầm quyền Trung Quốc là “Quả chùy sát thủ”, nó được thiết kế để chống lại kẻ thù có thế mạnh về công nghệ. Chương trình bao gồm tấn công tin học, chiến tranh ngoài không gian và những hệ thống khác có thể vô hiệu hóa khả năng chiến đấu của quân đội Mỹ.

Singer cho rằng “ Chúng ta sử dụng cụm từ cuộc chiến không cân sức để ám chỉ những người luôn tìm kiếm điểm yếu của chúng ta. Và Quả chùy sát thủ biến thế mạnh của ta thành điểm yếu để khai thác.”

Ông lưu ý nhiều chuyên gia gọi cuộc tấn công vào Phòng Quản lý Nhân viên, được cho là do Trung Quốc thực hiện, với cái tên “Trân Châu Cảng trên mạng”, cuộc tấn công này chẳng là gì khi so sánh với một cuộc tấn công mạng thực sự- và cuốn tiểu thuyết miêu tả một cuộc tấn công như thế này bằng những chi tiết thực tế.

Một cuộc tấn công dạng này, Singer nói rằng, sẽ nhanh chóng dẫn đến một cuộc chiến vươn ra khỏi các biên giới, và vào bên trong lãnh thổ của quốc gia thù địch “ theo các cách mà chúng ta chưa từng chứng kiến trước đây”.

Bài học từ lịch sử

Mối quan tâm không chỉ ở khía cạnh quân sự. Cuốn tiểu thuyết bác bỏ một số quan điểm cho rằng thương mại và ngoại giao giữa Mỹ và Trung Quốc có thể ngăn chặn xung đột thực sự.

Trong khi nhiều chuyên gia cho rằng Mỹ và Trung Quốc đang tiến hành Chiến tranh lạnh, Singer lưu ý rằng có nhiều điểm khác biệt so với mối quan hệ giữa Mỹ và Liên Xô trước đây.

Nổi bật nhất là “Mỹ không có quan hệ thương mại với Liên Xô”.

Nhưng nếu lịch sử cũng là một yếu tố, thì yếu tố này cũng không mang nhiều ý nghĩa. Singer nói rằng “Pháp và Đức từng là đối tác thương mại lớn nhất của nhau, nhưng họ vẫn xảy ra chiến tranh”.

Ông nói rằng “Hạm đội ma” tuy là một cuốn sách về tương lai, “nhưng nó cũng là một cuốn sách về quá khứ.”

Bằng việc thể hiện mọi thứ đang tiếp diễn đến đâu, và thể hiện những điểm tương đồng từng có trong quá khứ, “Hạm đội ma” có thể tạo ra một bức tranh toàn diện hơn cho những mối đe dọa thực sự mà Mỹ và thế giới phải đối mặt hiện nay.

No comments: