Sunday, August 23, 2015

khi sách “nghỉ hưu”




Nhà văn Di Li

Nhà văn Di Li: Sách ngừng tái bản là cuốn sách “nghỉ hưu”

NVTPHCM- Di Li là nữ nhà văn trẻ năng động và có nhiều đầu sách ở nhiều thể loại. Mới đây, chị vừa cho ra mắt độc giả 2 cuốn sách là Thị thành ký và Cocktail (được chuyển ngữ sang tiếng Hà Lan). Nhân dịp này nhà văn đã dành cho báo Tổ Quốc một vài chia sẻ về con đường “xuất khẩu văn chương” của mình.


* Được biết, cuốn Cocktail do Dick Gebuys vừa được dịch ra tiếng Hà Lan của chị thực chất là cuốn truyện ngắn đã được dịch sang tiếng Anh năm 2012 là The black diamond. Điều khác lạ là hai cuốn sách này đều được xuất bản bởi nhà xuất bản tại Việt Nam. Thông thường các tác phẩm của nhà văn Việt Nam được chuyển ngữ là do một nhà xuất bản nước ngoài ấn hành cũng như giới thiệu tới độc giả ở đất nước đó. Còn Cocktail tiếng Hà Lan do Nhà xuất bản Thế Giới – Việt Nam xuất bản. Xin tò mò hỏi chị, trước khi quyết định đồng ý chuyển ngữ chị sẽ nghĩ đối tượng nào đọc cuốn sách này?

- Nhà văn Dick Gebuys đã tình cờ biết đến “The Black diamond” khi ông mua được nó tại một hiệu sách ở Việt Nam. Từ đó Dick đã lần lượt dịch các truyện để đăng tải lên những tờ tạp chí văn học ở Hà Lan. Tôi nghĩ nếu như ông đã mất công dịch nhiều truyện như vậy thì có thể in thành một cuốn sách. Chưa kể trước đó Dick đã rất nỗ lực mang “The black diamond” đi chào mời các nhà xuất bản bên đó. Giờ có cuốn “Cocktail” sẽ tiện lợi hơn trong việc những người bạn Hà Lan giúp cuốn sách tiếp cận với các nhà xuất bản Hà Lan. Và bạn thấy đấy, các độc giả đọc những truyện ngắn của tôi ở Hà Lan sẽ không thể biết đến tôi nếu như không có Dick, và Dick cũng không thể biết đến tôi nếu không có “The black diamond”, vì trước sau tiếng Việt vẫn là một ngôn ngữ hiếm. “The black diamond” hiện được bày bán ở các quầy sách ngoại văn và những tiệm sách dành cho người nước ngoài, rất nhiều khách nước ngoài đã mua nó. Hơn nữa những lần đi tham dự các festival văn học quốc tế, các nhà văn thường có thói quen mang sách của mình đến đó ký gửi cho người trung gian bán sách tại sự kiện. Mỗi lần vậy tôi cũng bán được một ít, và tự tin hơn khi có sách tiếng Anh mang theo mình, chứ nhìn cuốn sách toàn chữ tiếng Việt là người nước ngoài nản lắm. Tôi cũng sẽ ký gửi nó ở Amazon.com. Nhà thơ Mai Văn Phấn đã làm việc đó và cũng thu được vô khối tiền. Trước khi có sách in và bán ở nước ngoài thì mình đành tự thân vận động vậy, chứ chờ đến khi họ tự tìm đến mình và dịch thì cả nền văn học Việt Nam từ trước 1945 liệu được mấy người.

* Khi Cocktail được chuyển ngữ, chị có tự tin tác phẩm này sẽ đến được với độc giả Hà Lan không?

- Có chứ, như tôi nói là trước khi cuốn sách ra đời thì đã có nhiều độc giả đọc truyện của tôi in rải rác trên tạp chí Hà Lan. Đại diện của đại sứ quán Hà Lan cũng đề nghị tôi để lại một cuốn cho đại sứ quán và rất sẵn sàng hỗ trợ những chương trình tiếp theo của tôi. Dick là một giảng viên văn học và là một người tích cực tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa Việt Nam – Hà Lan, ông cũng sẽ nỗ lực giúp tôi mang sách đến tay người đọc.


* Nhà văn nghĩ sao nếu như ai đó cho rằng Cocktail ra đời để Di Li “ghi điểm” là nhà văn đầu tiên được chuyển ngữ sang tiếng Hà Lan hơn là vấn đề độc giả?

- Với tất cả những gì đã nói ở trên, chắc bạn đã thấy được ích lợi của cuốn sách. Tôi cũng sẽ gửi bán nó trên Amazon.com và ai mà biết được chuyện gì sẽ diễn ra tiếp theo. Giống như lúc cho phát hành “The black diamond” tôi đâu có hình dung đến việc sẽ có một nhà văn mua nó và chuyển ngữ sang tiếng Hà Lan. Tôi cũng không phải nhà văn đầu tiên có sách dịch sang tiếng Hà Lan, trước đó ở Hà Lan đã có “Số đỏ” của Vũ Trọng Phụng và sách của Phạm Thị Hoài… được dịch. Dick bảo tôi là tác giả trẻ đầu tiên.


* Chị có băn khoăn hay sẽ lựa chọn như thế nào khi tác phẩm của mình được chuyển ngữ từ tiếng Anh sang một ngôn ngữ “cực hiếm” ở Việt Nam?

- Tất nhiên tôi mong muốn tất cả các tác phẩm của mình đều được dịch sang tiếng Anh, vì tôi hay phải giao tiếp với người nước ngoài lắm, mỗi lần gặp họ đều hỏi tôi có sách tiếng Anh không để họ tìm đọc. Và họ toàn tự đi mua đấy, chứ không bao giờ yêu cầu tôi mang cho họ. Vì dù có thế nào tiếng Anh cũng là một ngôn ngữ quốc tế. Từ đó sẽ có nhiều người như Dick Gebuys có thể thông qua tiếng Anh mà dịch sang tiếng nước họ. Tôi cũng từng có nhiều truyện ngắn in ở các tuyển tập và tạp chí văn học Trung Quốc, Ấn Độ. Khi nhìn thấy truyện của mình tôi chẳng hiểu gì, không như tiếng Hà Lan tôi còn đọc được một ít, tuy nhiên vẫn vui lắm vì dẫu mình chỉ là một hạt cát nhưng cũng đã góp phần đưa văn học Việt ra thế giới.


* Vì xuất bản trong nước và là tiếng Hà Lan nên e rằng Cocktail sẽ được chú ý nhưng cũng có rất ít người Việt Nam đọc được. Vậy số lượng sách in ra sẽ được “tiêu thụ” theo phương thức nào với một nhà văn biết PR và luôn mong muốn những đầu sách của mình bán chạy như Di Li?

- Sách của tôi vẫn bán theo phương thức như “The black diamond”, mà cuốn đó thì đã bán gần hết rồi.

* Chị có thể chia sẻ thêm những thành công, khó khăn và cả mặt chưa thành công về cuốn sách có cùng nội dung nhưng được dịch sang tiếng Anh cách đây vài năm - The black diamond?


- “The black diamond” do tôi và nhiều người khác cùng dịch và biên tập. Những truyện không phải do tôi dịch có nhiều câu chưa sát ý nhưng tôi cũng chẳng có thời gian biên tập lại nữa. Khi Dick dịch lại từ đó mới hỏi tôi sao lại thế này, sao lại thế kia, tôi giải thích rằng bản gốc không phải như thế, vì vậy có khi bản tiếng Hà Lan lại nhiều chỗ chính xác hơn bản tiếng Anh ấy. Lần này nếu tái bản “The black diamond”, tôi sẽ chỉnh sửa nó và bổ sung thêm một số truyện khác.


* Chị hi vọng gì ở Cocktail lần này?

- Tất nhiên hy vọng ở độc giả. Tôi sẽ có thêm độc giả.


* Được biết Dick Gebuys cũng là một nhà văn sáng tác cả thơ, văn xuôi, kịch sân khấu, biên tập sách… không những thế từ năm 2004 ông bắt đầu sang Việt Nam và ít nhiều cũng có hiểu biết nhất định về văn hóa, con người Việt Nam. Giả sử, đây là một bản dịch hoàn hảo, nhưng vì đó là ngôn ngữ Hà Lan nên khó có thể được giải thưởng dịch thuật trong nước (vì các dịch giả trong các hội đồng chuyên môn không biết tiếng Hà Lan) thì chị có tiếc không?

- Không, tôi chưa bao giờ quan tâm đến giải thưởng, dù cuốn sách của tôi là tiếng Việt. Các giải thưởng văn học và dịch thuật thường chỉ được biết đến chủ yếu trong giới nghề, chứ không phải công chúng rộng rãi, mà giới nghề có biết đôi khi cũng còn không phục nhau, thậm chí còn nghĩ giải thưởng trao lầm người, thậm chí còn kiện cáo, phản ứng đến là phức tạp. Mà suy cho cùng thì độc giả và công chúng rộng rãi, và sự trường tồn của tác phẩm theo thời gian mới là thứ để chứng minh cho giá trị của tác phẩm. Tôi mấy lần dự thi đều có biết giải nào với giải nào đâu, toàn vô tình gửi in và tình cờ vào cuộc thi, lúc lên nhận giải còn ngơ ngác, nhưng đó mới là cảm giác rất vui, vì mình chẳng có ý định gì, chẳng mong ngóng gì mà có được niềm vui bất ngờ, nhưng một cuốn sách được bán ra với lượng ấn bản lớn mới là điều khiến tôi hạnh phúc hơn cả. “Trại Hoa Đỏ” cho đến giờ đã “sống” được 7 năm và vẫn đang được tái bản, được đàm phán bản quyền phim. Ngày nào một cuốn sách của tôi ngừng tái bản thì ngày đó đối với tôi, cuốn sách được coi như “nghỉ hưu” rồi, và tôi cũng tự bảo mình đừng bao giờ hy vọng độc giả chui vào thư viện để tìm kiếm một cuốn sách nào đó của tôi đã ngừng tái bản. Tôi có những tư duy thực tế và tỉnh táo lắm.

* Cảm ơn nhà văn Di Li.

HIỀN NGUYỄN/TQ thực hiện

No comments: