Tuesday, March 4, 2014

BÊN HỒ CAYUGA


du ký ngắn  CHÂN PHƯƠNG


   Hoàng hôn trên đại học Cornell với Cayuga Lake - hồ dài rộng nhất trong quần thể  các hồ Finger Lakes phía Tây-Bắc tiểu bang New York.


   Tôi trở lại thăm Cornell - một trong Top Twenty các đại học uy tín hàng đầu ở Mỹ - vào đầu tháng 3 -2014 trong mấy ngày cuối tuần dự thính một hội nghị học thuật về Đông Nam Á. Dù không lừng danh bằng bộ ba Harvard- Yale- Princeton, Cornell University cũng nằm trong nhóm các đại học cổ kính Ivy League và có nhiều phân khoa ưu tú như English Studies, Anthropology, South East Asian Studies...với thư khố Wason đứng đầu thế giới về thư mục Đông Nam Á. 


   Hơn 20 năm trước cùng đi với Như Hạnh lên dự một hội nghị Việt học do Keith Taylor, John Whitmore, Hồ Huệ Tâm.. chủ xướng, với sự tham dự của nhiều học giả VN hàng đầu như Nguyễn Đình Hòa, Vĩnh Sính, Trần Quốc Vượng...Giờ đây, các vị đã lần lượt ra đi. Nay tôi một mình một bóng hồi tưởng những người đã khuất, lang thang nhớ lại đêm hè xưa chúng tôi đã cùng hóng mát chuyện trò bên bờ hồ Cayuga. 

     Từ trái sang phải : Trần Quốc Vượng, Annie, Nguyễn Đình Hòa, Chân Phương, và Như Hạnh Nguyễn Tự Cường một chiều hè bên hồ Cayuga, 1991.

 HỒ THÍCH - học giả kiêm thi sĩ lớn của Trung Hoa - đúng 100 năm trước tốt nghiệp cử nhân tại Cornell và đã bắt đầu sự nghiệp văn chương bạch thoại của ông bên bờ hồ Cayuga này. Nhận được một học bổng, Hồ Thích vào đại học Cornell mùa thu 1910 để học về nông nghiệp, nhưng ông đã chuyển ngành và tốt nghiệp B.A. cử nhân văn-triết ở đây năm 1914 trước khi ra New York tiếp tục tại đại học Columbia nơi ông học triết với John Dewey và lấy bằng tiến sĩ năm 1917, rồi quay về Trung Hoa.Trước đây đã lâu, tôi có đọc một bài thơ của Hồ Thích dịch sang Anh ngữ trong một tạp chí hay thi tuyển - cuối bài thơ có ghi rõ nơi thi sĩ sáng tác là hồ Cayuga.Theo các tài liệu văn học sử về Hồ Thích , ta biết rằng ông đã suy tư và phác họa các đề nghị cải lương văn học Trung Hoa vào thời gian lưu học tại Cornell.

Hồ Cayuga - ảnh chụp vào đầu tháng 3 -2014. Nơi tận cùng chân trời phía Bắc là vùng biên giáp Canada.
    
Sau mấy tháng đông hàn, mặt hồ nhiều nơi đã đóng băng. Hết một vòng bách bộ làm phó nhòm, tôi ghé vào thư viện Olin tìm cà phê nóng và hơi ấm. Bên vùng Đông-Bắc Hoa Kỳ, đây là nơi lưu trữ phong phú nhất các loại sách báo của cả hai miền VN trong thời kỳ chiến tranh, hơn cả hai thư viện lớn Yen Ching-Harvard và Sterling-Yale. Các tài liệu về VN nằm trong bộ sưu tập Wason chuyên về Á châu và Đông Nam Á, một kho sách mênh mông lạc vào đó ta sẽ có cảm giác của một nhân vật trong mê cung Borges!  Vô số ấn bản quí hiếm in bằng các thứ tiếng Ấn, Hoa, Nhật, Việt, Thái, Miến, Khmer, Malay-Nam Dương, Filipino... nằm im chờ vị học giả có cặp mắt xanh phát hiện ra chúng giữa kho văn tự nghìn đời.


Mặt tiền thư viện John OLIN với khối điêu khắc của Jacques Lipchitz, 1931.

   Vậy mà ông bạn - nhà văn Trần Hoài Thư - trong nhiều năm bất kể nắng mưa từ Plainfield, New Jersey cách Ithaca 5 tiếng lái xe ngoằn ngoèo lên xuống đồi núi đã đến đây để sưu tập Văn học miền Nam trước 1975. Ông đã sao chép và tự mình in lại Tủ Sách Di Sản Văn Chương Miền Nam; đặc biệt bộ Thơ miền Nam gồm 5 tập-3.000 trang cùng bộ Văn miền Nam gồm 4 tập-2.200 trang, chưa kể các số chủ đề của THƯ Ấn quán về Thanh Tâm Tuyền, Hoài Khanh, Nguyễn Bắc Sơn, Vũ Hữu Định... Ôi mối tình văn chương và nghiệp chướng chữ nghĩa !

 Trong kho lưu trữ Wason - các kệ sách văn học cổ điển VN.

  Nếu du khách là người yêu nghệ thuật, một điểm khác cần phải viếng là nhà bảo tàng Herbert Johnson - một kiến trúc hiện đại do kiến trúc sư quốc tế I.M. Pei thiết kế. Nơi tầng 5 cao nhất là phòng trưng bày mỹ thuật Á đông với khá nhiều hiện vật đồ đồng-đồ gốm Trung Hoa từ Thương-Chu cho đến Minh -Thanh... Cũng từ tầng này, ta nhìn thấy được thắng cảnh toàn khu vực quanh hồ Cayuga.


   Để chào đón Xuân 2014 là triển lãm về chủ đề bảo vệ Sinh Môi Beyond Earth Art,  nối tiếp cuộc triển lãm rất thành công trước đây vào năm 1969 Earth Art- Nghệ Thuật Quả Đất, cũng tại bảo tàng này. Các tác phẩm được trưng bày có tham vọng nối nhịp cầu văn hóa giữa những vấn đề khoa học-kỹ thuật và sáng tạo nghệ thuật nhằm nâng cao ý thức thời đại về sự hạn chế tài nguyên và mối họa của nền văn minh tiêu thụ ngày nay. Phối hợp hội họa, điêu khắc và installation, sáng tác của Cvijanovic, A. Elizabeth Taylor, Maya Lin, Chris Jordan, Lucy và Jorge Orta, Ballengée... mở ra nhiều góc độ mới cho mỹ thuật tạo hình đối thoại với đời sống nhân loại trên hành tinh.

Adam CVIJANOVIC - The Discovery of America- Khám Phá châu Mỹ, 2012.
Lucy và Jorge ORTA - Orta Water-Fluvial Intervention Unit, 2005.
 
 Chris JORDAN- Toxic Forest - Rừng nhiễm độc. 2013. (Tranh này do 139.000 mẩu tàn thuốc lá ghép lại).


   Trở lại Cornell lần này, tôi có cơ hội và thời giờ tiếp tục suy nghĩ về nước Mỹ - không chỉ là đế quốc về kinh tế hay quân sự mà còn có tham vọng lâu dài về văn hóa. Kế tục châu Âu, sau British Museum và Musée Guimet là hàng nghìn thư viện với bảo tàng lớn nhỏ khắp Hoa Kỳ lưu trữ di sản tư tưởng và mỹ thuật phương Đông, bên cạnh kho tàng văn hóa của nhiều dân tộc khác trên thế giới. Nhưng có thể nhờ vậy mà những nền văn minh khác biệt sẽ gặp nhau và các giá trị mới sẽ ra đời. Giai thoại về Hồ Thích đã chứng minh điều ấy; nhờ chuyến du học ở Cornell mà ông được trực tiếp chạm trán với thi ca Anh-Mỹ vào lúc chủ nghĩa hiện đại thành hình để trở thành một nhà tiên phong trong vận động canh tân văn học và học thuật Trung Hoa vào đầu tk. 20 cùng với phong trào Ngũ Tứ.
       

                                                            CHÂN PHƯƠNG
Ithaca, đầu tháng 3 -2014