Thursday, March 6, 2014

NGÀN DẶM XA



Ngàn dặm xa


(Truyện phiêu lưu)


                                                                         ***  



               Thay lời tựa


    Truyện này được viết từ năm 1961 ở Hải Phòng. Viết đến đoạn chú Kiến Lửa cùng Kiến Nâu chạy thoát khỏi tổ bà Mối thì bỏ dở. 16 năm sau, năm 1977 ở bộ đội về, nhà văn Nguyễn Đình Thi đưa trả tôi bản thảo. Hình như là từ năm 1961, viết xong, tôi có đưa cho ông xem rồi quên phứt luôn. Năm 1978 tôi viết tiếp cho đến đoạn hai chú Kiến lạc trên đảo Đen rồi bỏ lại đó …cho đến năm nay 2007, 46 năm đã trôi qua, gần nửa thế kỉ, quyển tiểu thuyết phiêu lưu trẻ thơ này vẫn còn bỏ dở nửa chừng. Chẳng biết bao giờ mới viết xong đây ?
    Một người bạn của tôi có khuyên tôi nên viết nốt cho xong quyển tiểu thuyết đầu tay rất hay này. Hay chẳng kém gì bộ tiểu thuyết hoang đường quái đản Đêm Thánh Nhân. Anh bạn tôi cứ nức nở khen như vậy.Tôi cũng đã thử ngồi vào bàn và cầm bút. Nhưng rồi …Tuổi ấu thơ đã trôi qua lâu lắm rồi …46 năm …nửa thế kỉ gió gió mây mây …còn đâu.
    Hoạ sĩ Lê Liên có bảo tôi: “ Thỉnh thoảng có những bức tranh vẽ gần xong lại đẹp hơn cả. Nghệ thuật có những quy luật vớ vẩn như vậy.”
    Tôi tặng nhà văn Nguyễn Đình Thi  tác phẩm đầu tay này. Bởi vì nhờ ông mà bản thảo không bị mất và tôi cũng biết ông rất yêu cuốn tiểu thuyết trẻ con có một số phận dang dở hơi ly kì này. Tôi tin rằng khi nhận món quà này ở dưới suối vàng chắc ông sẽ mỉm cười .

                                                                            N. Đ .C



                  

                       1.     Gò Me là quê hương của tôi. 
             
    Tôi sinh ra và lớn lên ở gò Me. Quả gò nổi lên giữa cánh đồng lúa lộng gió, chẳng khác chi hòn đảo chơi vơi lạc trên biển vàng. Họ nhà Kiến tôi rất đông, đến nỗi không thể nào đếm xuể. Nhưng chúng tôi không bao giờ cắn nhau, tranh ăn, mà sống rất hoà thuận và chăm chỉ làm lụng.

    Mỗi buổi sáng bác Mặt trời thức dậy toả muôn vàn tia nắng ấm áp xuống trần gian, là kiến cụ, kiến ông, kiến bà, kiến mẹ, kiến con lại rồng rắn kéo nhau ra khỏi tổ. Ai nấy có phần việc của mình. Kiến thợ hì hục xây tổ, dệt lá. Kiến chiến đấu luyện tập võ nghệ. Kiến mẹ chăm sóc các ấu trùng. Mấy chú Kiến trinh sát leo lên những bông cỏ cao nhất, múa râu nhìn ra bốn hướng canh giữ cho đồng loại vui đời lao động trong nắng gió.

    Đến khi ánh chiều tà dần buông, các Kiến lại tíu tít rủ nhau về tụ họp trên bãi cỏ xanh rờn trước tổ, cùng chụm râu múa hát mừng một ngày tốt lành đã trôi qua. Cho tới khi tia nắng cuối cùng lụi tắt ở phía chân trời, cũng là lúc các Kiến mệt phờ râu, và lũ lượt bám đuôi nhau chui vào tổ lăn kềnh ra ngủ.

                   

                    2.      Vì sao tôi lại sống đời phiêu lưu ?

    Tôi sẽ kể cho các độc giả nghe, vì sao tôi lại sống đời phiêu lưu rất ly kỳ và vô vàn khổ cực.

     Quê tôi có một dòng sông xanh biếc uốn mình chảy qua. Hai bên bờ sông có những bãi vải um tùm tươi tốt. Hàng năm, cứ vào những tháng tiết trời nóng nực, cỏ cây đua chen nở hoa kết quả, thì vải ở bãi sông chín đỏ rực tha hồ rót vị mật vào không gian. Những ngọn gió từ bờ sông vui vẻ thổi về rủ rê con Ong, cái Kiến nô nức tìm ra bãi sông kiếm mồi. Lần ấy tôi bò ra bờ sông kiếm mồi. Đáng nhẽ ra thì chỉ nên trèo ở những cây vải mọc gần bờ  sông. Nhưng tính tôi vốn táo tợn, ít biết lo xa. Phần cũng vì hám những quả vải thật to, thật chín, nên tôi cứ liều trèo lên một cây vải già rất sai quả, xoà cả cành lá xuống sát mặt nước.
   
    Mấy chú Kiến bạn bè cùng đi với tôi lo lắng kêu lên:
    - Đằng ấy ơi ! Đừng leo cây ấy, nguy hiểm lắm, ngộ nhỡ gió thổi bay vèo đằng ấy xuống sông đấy.
    - Các cậu cứ yên chí. Tớ đã leo lên cây rồi thì cẳng tớ bám chặt vào cây như mọc rễ. Đố cơn gió nào thổi tớ bay xuống sông được.

    Quả là thỉnh thoảng có cơn gió ào tới lay cành vải nghiêng ngả cũng đáng ngại thật. Nhưng tôi đã nhiều lần trèo lên cây gặp gió. Mỗi lần gió ào tới là tôi lại khôn ngoan lẩn ra sau cuống lá tránh chiều gió. Lần này cũng vậy, mặc gió thổi, tôi xông xáo trên cành vải, vừa lựa tránh chiều gió vừa khoái chí đục lớp vỏ xù xì của quả vải để húp mật. Nhưng rồi, thật không may cho tôi, trong một lúc đang say sưa, thì không phải một cơn gió đã dứt tôi ra khỏi lá vải, mà chính ngay chiếc lá tôi đang đứng ở trên bỗng cong lên, từ từ tách khỏi cành vải, rơi xuống dòng sông xanh.

    Tôi chỉ còn biết gào lên inh ỏi. Tiếng kêu cứu của tôi đã làm cho muôn loài sâu bọ đang kiếm ăn ở bãi sông nháo nhác cả lên. Chiếc lá sắp rơi xuống mặt nước thì một cơn gió xoáy bất thần cuốn lên cao, xoáy tít như chong chóng. Tôi sợ gần như tắt thở. Sáu cẳng quặp rõ chặt vào cuống lá. Hình như lúc đó mấy bác Cánh Cam đã bay ra định liều cứu tôi. Nhưng than ôi! Cơn gió mới hung tợn làm sao. Nó réo lên như còi, cuốn chiếc lá vải xoay lượn trên bãi vải một hồi như để cho tôi vĩnh biệt lần cuối cùng chốn quê hương yêu dấu. Rồi nó thẳng thừng ném luôn cả chiếc lá và cái thân Kiến tôi xuống dòng nước đang chảy sôi lên sùng sục.

    Những con sóng trắng tung tôi lên cao, rồi cuốn nhanh về xuôi.




                   3.        Khu rừng lạ. Gặp chú Kiến Nâu.
                      Chao ôi từ nay bắt đầu cuộc đời phiêu bạt.

   
     Rơi xuống nước, tôi ngất lịm đi. Và không biết dòng sông đã cuốn tôi đi bao nhiêu lâu, cho tới khi tỉnh dậy thì đã thấy mình nằm cong queo trên một bãi cát xa lạ, vắng ngắt.

    Lúc này, trời đã về chiều. Nắng nhợt nhạt. Gió tung hoành trên bãi cát mênh mông, thỉnh thoảng lại hí lên rùng rợn như chào tiễn biệt một ngày đã tàn. Cảnh lạ và dữ dội quá. Tôi run run bò lên một mô cát, ngó quanh thì thấy phía xa có  một khu rừng đen đang rũ lá ào ào trong gió.

     Tôi đang phân vân không biết về đâu thì chợt nghe thấy có tiếng khóc ti tỉ từ xa vọng lại.

    Ai thế? Ai khóc lóc, than thân trách phận trên bãi sông hoang vắng trong buổi chiều tà ?

    Tôi vội tụt ra ngay sau mô cát, vểnh râu nghe ngóng.
 
    Tiếng khóc vẫn ti tỉ, lúc to, lúc nhỏ. Mà hình như tiếng khóc của một chú Kiến thì phải.

    Suy tính đôi chút, rồi tôi đánh bạo bò về phía tiếng khóc để xem hư thực ra sao. Tôi bò thong thả, vừa nghe ngóng, vừa đề phòng. Tiếng khóc to dần. Rồi tôi nhìn thấy một chú Kiến Nâu gầy còm, ướt lướt thướt đang ngồi khóc bên chiếc lá tre rách nát.

    Mừng quá, tôi bò ngay tới, hỏi to:

    - Đằng ấy ở đâu, sao một mình ngồi đây khóc ?

     Chú Kiến Nâu giật mình, nhưng khi nhận ra tôi là một Kiến Lửa thì chú mừng rơn, túm ngay lấy đuôi tôi, kể lể qua hai hàng nước mắt:
    
     - Tớ bị lạc tổ, tớ sợ lắm.

     - Tớ cũng bị lạc tổ đây. Tổ đằng ấy ở đâu?

     - Ở bên kia bờ sông, trên gò Trui ấy, có rất nhiều cây găng.

     Chú Kiến Nâu sụt sùi, tôi dỗ :

    - Đừng sụt sùi nữa, đằng ấy cũng bị ngã xuống sông à.

    - Không, tớ sang bên này sông kiếm ăn. Hôm nào mà tớ chẳng sang cơ chứ. Tớ có cái đò bằng lá tre, mọi lần tớ vẫn buộc ở đây. Nhưng hôm nay có đứa nào nghịch ác chọc rách mất đò của tớ. Bây giờ tớ biết quá giang bằng gì nữa. Giời ơi ! Thế là tôi không về tổ được nữa rồi. Tôi nhớ tổ của tôi quá. Khổ thân tôi.

    Chú Kiến Nâu lại tu lên. Thật là một chú Kiến yêu tổ vô cùng. Tôi bùi ngùi, bèn lấy râu xoa lưng chú, bảo :

    - Thôi đằng ấy ạ. Rách cái lá này, ta sẽ tìm cái khác. Cảnh tớ bây giờ cũng chẳng khấm khá gì hơn cảnh đằng ấy. Chuyện quá giang tính sau, bây giờ ta đi tìm chỗ ngủ đi, kẻo trời sắp tối rồi.

    Kiến Nâu trố mắt nhìn tôi

   - Ngủ vạ vật để làm mồi cho bọn Muỗi à ?

  Và không đợi tôi hỏi, chú giảng giải

    - Quanh đây nhiều Muỗi lắm. Tớ sang đây luôn, tớ biết.

    Nghe Kiến Nâu nói vậy, tôi cũng ngại. Loài Kiến và loài Muỗi vốn chẳng ưa nhau. Đã thế bọn Muỗi lại hay gây gổ, và đứa nào cũng có một chiếc vòi nhọn như dùi.

    Kiến Nâu nói thêm:

    - Tớ cũng đang lo bọn Muỗi nó đánh hơi thấy chúng mình, rồi ra đây lùng sục thì biết trốn đâu cho thoát.

    Tôi bàn với Kiến Nâu:

     - Tớ và đằng ấy, tuy khác họ, nhưng cùng chung cảnh Kiến lạc tổ. Đằng ấy vì mải kiếm mồi, bị kẻ xấu bụng phá mất đò. Còn tớ quê ở tận gò Me xa xôi, chẳng may gặp nạn trôi dạt tới đây.Thú thực với đằng ấy, tớ cũng ngại đụng phải bọn Muỗi đói. Bây giờ trời tối rồi, ngồi mãi đây chả tiện. Hay ta là ta cùng lánh tạm vào bìa rừng kia, kiếm chỗ náu thân cho qua đêm đợi sáng mai tính sau. Đằng ấy thấy thế nào ?
  
    Kiến Nâu thần ra suy nghĩ một lúc, rồi chú gật đầu, nhổm dậy, chùi râu đi theo tôi.
   
    Đêm dần buông. Sương rơi giá lạnh, âm thầm. Mặt trăng vàng đục, gượng gạo nổi lên sau một bìa rừng đen ngòm. Gió mỗi lúc một to. Cánh rừng phía trước cuộn lên ào ạt khác nào biển khơi nổi cơn giông bão, chờ đón hai chú Kiến bơ vơ, lạc tổ.
   
    Gió mạnh quá. Có lẽ trời sắp mưa. Tôi và Kiến Nâu giục nhau rảo bước. Đường vào rừng lượn quanh co, càng đi càng ngửi thấy mùi hôi thối, tanh tưởi, càng chứng tỏ nơi đây phải có hang ổ của bọn bất lương, hung ác. Chúng tôi lo lắm. Kiến Nâu dặn tôi:

    - Đằng ấy nhớ bám theo đuôi tớ nhé. Đừng có bò lung tung, nhỡ sa xuống tổ của bọn Muỗi thì khốn.

     Nhưng hỡi ôi, chú Kiến Nâu vừa dặn tôi xong, thì chính chú lại rơi rụp xuống một cái bẫy ở ngay giữa đường.

                  


                   4.       Tên Muỗi Đen cụt râu.


    Kiến Nâu vừa ngoái lại dặn tôi xong, thì bỗng nhiên chú ngã nhào xuống một cái hố. Kiến Nâu chỉ còn biết hét lên như để báo cho tôi biết. Tôi vội nhẩy lùi lại, bíu lấy một gốc sậy, nhờ đó mà không ngã lộn cổ như Kiến Nâu.

    Cũng lúc đó, có một bóng đen nấp bên đường, bay vù ra, chồm xuống hố.

    Thế là, huỳnh hụych, bốp bốp, quất nhau ở dưới hố ác liệt. Tiếng thở khò khè, tiếng rên rỉ…Rồi tự nhiên cái thân gầy còm của Kiến Nâu toài lên miệng hố rẫy rụa. Đằng sau là một lão Muỗi Đen to béo, lực lưỡng, râu cụt ngủn, đang ra sức túm chặt lấy đuôi chú và lách đâm chiếc vòi vào cổ chú.

    - Ối, Kiến Lửa ơi! Cứu tớ với …

    Thấy cảnh nguy kịch, quên cả sợ, tôi lao tới, chụp lấy cánh lão Muỗi Đen, co cẳng đạp vào lưng lão rõ mạnh. Bị cú bất ngờ lão Muỗi ngã ngửa tênh hênh. Nhưng lão chồm ngay dậy. Và khi nhận ra tôi cũng là Kiến, thì lão rú lên:

    - Vo ve…Lại một thằng Kiến nữa. Mày láo thật. Ông làm thịt cả hai thằng.

    Rồi lão hung hăng, chĩa chiếc vòi nhọn, xông thẳng vào tôi.

    Bình sinh, tôi cũng biết võ vẽ dăm ba miếng quyền để phòng thân.( Họ nhà Kiến Lửa chúng tôi ai cũng vậy thôi ).Tôi lùi lại, né tránh mũi vòi lợi hại của lão Muỗi đâm tới, rồi nhanh nhẹn vòng ra phía sau, cắn vào đuôi lão, không quên phun theo ít nọc kiến. ( Chắc các độc giả tí hon hay nghịch Kiến thì biết nọc Kiến Lửa thế nào rồi chứ? ). Tôi chẳng thèm dở thêm miếng võ nào nữa. Mới bị một cú đốt, lão Muỗi Đen đã gào lên đau đớn, cuống cuồng đập cánh chạy trốn.

    Kiến Nâu nhổm dậy, vái tôi hai vái, run run:

     - Đội ơn Kiến Lửa cứu mạng.

     Tôi gỡ cẳng Kiến Nâu ra, không cho vái. Rồi hổn hển, vuốt râu xoa cẳng. Lão Muỗi Đen hôi hám quá. Cắn nó mà ruột gan cứ thốc mửa cả lên. Tôi bảo Kiến Nâu:

     - Đằng ấy có đau lắm không? Lúc đánh nhau sao không rụt cổ vào. Dại thế.

    Kiến Nâu khua râu bảo:

    - Tớ đang tối tăm mặt mũi, thì bị ngay lão muỗi sấn đến đấm đá. Nếu tớ không bị ngã cú đau thế, dù có yếu hơn, tớ cũng liều quật nhau với lão ta chứ không chịu nhục thế.

    Rồi Kiến Nâu thán phục tôi:

    - Đằng ấy giỏi võ thật.

    Tôi vui vẻ bảo Kiến Nâu:

    - Võ vẽ gì cái hạng Kiến Lửa như tớ. Chẳng qua là nhờ có nọc đấy thôi. Nọc Kiến Lửa buốt lắm.

    Kiến Nâu có vẻ thèm thuồng, chú vỗ cẳng nói:

  - Họ nhà Kiến Nâu chúng tớ chẳng có nọc gì cả, chán thế.

     Rồi suy nghĩ một lúc, Kiến Nâu hắng giọng bảo:

    - Lão Muỗi bị đằng ấy đốt đau thế, lão căm bằng chết, chắc thế nào cũng về kéo cả tổ ra đón đường bọn mình để trả thù. Bọn Muỗi thù dai lắm Kiến Lửa ạ. Giờ tính sao đây?

    Tôi bàn với Kiến Nâu là nên bỏ đường mòn, xé rừng đi mau khỏi nơi này.



                   5.       Ẩu đả ác liệt bên gốc Đa cổ thụ.

     
    Khu rừng Đen mà chúng tôi lạc vào chính là nơi trú ngụ của một bọn Muỗi Đen lập tổ ở các gốc cây mục ẩm ướt. Khi no thì chúng ngoáy đuôi, đạp cánh đú đởn. Khi đói thì chúng cãi nhau, chửi nhau om tỏi rồi bay đi rình đốt các loài khác để hút máu.

     Vì ngại sa vào đám vòi của bọn Muỗi Đen, tôi và Kiên Nâu rủ nhau chạy tắt rừng. Bò lung tung một lúc, thế quái nào lại gục ngay vào một tổ Muỗi khác ở gần một gốc Đa lòng thòng rễ. Có độ dăm thằng Muỗi đen xì, cao lêu đêu đang uốn éo, cấu chí nhau, trông thấy chúng tôi, bọn chúng trố mắt ngạc nhiên, rồi chạy ù tới, nhẩy cỡn lên vì khoái chí:

    - Ơ, ơ, hai thằng Kiến

    - Hé hé, con mồi trời cho.

    - Của tao, của tao…

    - Tao nhìn thấy trước, của tao tất.

    - Hừm, thế là tối nay được bữa chén rồi, khoái ghê.

    Bắng nhắng một lúc, một tên Muỗi thọt sấn tới, quạt cánh vào đầu tôi, hống hách:

     - Hai thằng ăn cắp, ai cho chúng mày lảng vảng tới đây. Muốn vuốt cái vòi nhọn của chúng ông hả ? Nói mau.

     Tôi lùi lại, đề phòng, thong thả đáp:

     - Chúng tôi là Kiến lạc tổ, đến đây để kiếm chỗ ngủ, đừng có dọa chúng tôi.

     Thấy tôi đáp cứng cỏi, bọn Muỗi tru tréo lên:

     - A, a, thằng này láo, lý sự à, lý sự cơ à?

     - Không lôi thôi gì hết, đâm cho nó một  vòi vào cổ kia.

     Lũ Muỗi dọa nạt thế nhưng thấy chúng tôi bò sát lại gần nhau, vểnh râu lên thì chúng nó rợn, chẳng đứa nào dám xông vào để “Đâm cho nó một vòi”

    Đang lúc nhốn nháo, chợt ở đâu lại lò dò kéo tới bốn năm tên nữa. Thế quái nào, lão Muỗi béo cũng có trong tụi đó. Nhận ra chúng tôi, lão trố mắt lên, hai cánh vẫy rối rít.

    - Úi trời, chính chúng nó đây rồi, đích thị hai thằng ăn cướp. Bớ chúng mày ơi, bắt lấy nó.

    Thế là cả hai bọn Muỗi kêu váng lên điếc tai. Chúng vây tròn lấy hai đứa tôi. Thằng múa cẳng, đập cánh. Thằng cong đuôi, uốn éo. Có thằng giả bộ mài mài chiếc vòi xuồng đất như để lát nữa sẽ chọc cổ vào chúng tôi.

    Hung hăng nhất là lão Muỗi béo. Lão cứ nhẩy lên như choi choi, xỉa xói vào mặt tôi:

    - Ranh con, vô phúc cho mày. Bố mày đang kéo cả lò đi lùng mày đây. Lần này thì bố mày  giết, bố mày tru di. Sao mày dám đốt bố mày đau thế

     Hết lối thoát, tôi và Kiến Nâu tựa đuôi vào nhau, co cẳng thế thủ. Bọn Muỗi vẫn cứ nhốn nháo lên như sắp ăn gỏi chúng tôi.

      Nhưng khi nhìn thấy cái đuôi sưng vếu của lão Muỗi béo, thằng nào cũng ngại. Thành thử chúng chỉ khỏe xô đẩy nhau, chứ không đứa nào táo tợn lăn vào trước. Lão Muỗi béo vừa ức, vừa sợ. Lão cố dấu cái đuôi vào trong cánh và lồng lên:

      - Đánh bỏ mẹ hai thằng Kiến đi, trả thù cho tao với, chúng mày ơi, xông vào đi.

      - Hung hăng thế, nhưng lão lại lẩn ra phía sau, và bất thần xô mạnh thằng Muỗi thọt lăn vào tôi.

       - Này thì muốn đánh nhau này!

       Rất nhanh nhẹn, Kiến Nâu co cẳng đá cho tên Muỗi thọt một đá. Tôi cũng kịp vụt cho nó một sợi râu. Thế là tên Muỗi trúng hai đòn. Nó ngã lộn đi đúng một vòng.

       - Ối giời ơi!

      Tên Muỗi thét lên. Nhưng rồi nó tiện đà lộn thêm một vòng nữa, rồi vùng ngay dậy. Xem ra tên này cũng có chút võ nghệ đây. Căm quá, hóa liều. Thằng Muỗi thọt xã hai cánh, cúi đầu, chĩa vòi nhằm trúng ngực Kiến Nâu lao tới.

      Bọn Muỗi cũng thừa cơ ùa cả vào đánh hôi. Thế là bên gốc đa xẩy ra một trận đấm đá rất ác liệt.
 


                   6.         Lực sĩ kỳ dị chốn rừng đen.
                               Ngủ trọ trong ngôi nhà đất.
  
   
    Trong khu rừng Đen có một nhà lực sĩ ngang tàng tính nết rất hào hiệp. Tên tục của ông ta là Cuốn Chiều. Nhưng các loài quen gọi ông là Lực sĩ kỳ dị. Vì tướng mạo của ông cũng quả là có khác đời. Thân thể ông dài tới tám mươi tấc, mắt lồi, râu vểnh, lưng đeo lớp vẩy óng ánh, dưới bụng tua tủa một bộ chân nom ghê gớm. Lực sĩ kỳ dị võ nghệ rất cao cường, chỉ phải tội mất ngủ kinh  niên. Vì vậy nhiều đêm, đáng nhẽ phải nằm cuộn tròn ngủ khò thì ông lại cõng ngôi nhà bằng đất lên lưng, và lục đục dạo chơi trong khu rừng. Đêm nay, Lực sĩ cũng bị bệnh mất ngủ dày vò. Ông đang thơ thẩn dạo chơi thì thấy có đánh nhau nhốn nháo cạnh gốc đa. Vốn ham chuộng võ nghệ, Lực sĩ kỳ dị bèn ẩn vào một hốc tối, lẳng lặng xem, vừa gật gù một mình, có vẻ khoái lắm.

      Lại nói, Bọn Muỗi lăn vào đấm đá, thì tôi và Kiến Nâu cũng lăn sả vào chúng mà cấu xé. Họ nhà Kiến chúng tôi tuy không hay gây sự, nhưng mỗi khi đánh nhau thì cũng chẳng phải vừa. Đang lúc đánh nhau dữ dội, chẳng may Kiến Nâu vấp ngã. Lớ vớ thế nào đôi râu của chú lại quấn ngay vào đôi râu của tôi. Thế là tôi cũng bị ngã theo.Bọn Muỗi rú lên, chồm cả lại, xâu xâu đâm vòi vào cổ hai đứa, nguy hiểm quá.

      - Thấy cảnh ấy, Lực sĩ kỳ dị bỗng ngứa ngáy xòe tất cả bộ chân ra, cõng ngôi nhà đất xông ngay tới, thét lên:

      - Dừng lại. Bọn tiểu nhân chỉ quen đánh hôi. Trông ta đây.

      Mồm hét, bộ chân Lực sĩ nhanh như cắt đã túm gọn không còn sót một một thằng Muỗi nào. Rồi chẳng cần lấy đà, Lực sĩ ném vung chúng ra bốn hướng.

     Thật đúng là một thế võ khủng khiếp. Lũ Muỗi réo lên thất thanh và khi nhận ra miếng đòn ấy từ đâu tới thì cuống cuồng xô nhau chạy trốn.

     Tôi và Kiến Nâu vùng dậy, ôm lấy nhau, trố mắt ngạc nhiên. Nhà Lực sĩ cười hà hà, lăn đi lăn lại, ngửa bụng khoe bộ chân tua tủa, rồi cất giọng ồm ồm nói:
    
    - Thấy chưa, không có ta, các chú toi mạng nhé.

    Tôi và Kiến Nâu vội cúi chào vị ân nhân hào hiệp đó. Lực sĩ kỳ dị hất đầu lên, thò một chân vuốt đầu Kiến Nâu, rồi lại thò một chân khác vuốt đầu tôi và khen :

     - Chú Kiến Nâu đá lẹ đấy, nhưng còn hấp tấp. Còn cái chú mình đỏ như lửa này đánh chắc và nặng đòn hơn, nhưng cũng chưa thật tỉnh lắm. Được cái cả hai đều liều, và biết che đỡ cho nhau. Tốt. Thế bây giờ các chú định đi đâu? 

     - Chúng tôi là Kiến lạc tổ. Chúng tôi đang đi tìm chỗ ngủ. Loài Kiến không quen thức khuya.

     - Giá mà bác cho chúng tôi trọ nhờ một đêm trong cái nhà kia thì hay quá.

    Kiến Nâu trỏ râu vào ngôi nhà trên lưng vị Lực sĩ kỳ dị, buột mồm than thở như vậy. Chẳng dè, nhà Lực sĩ quăng ngay ngôi nhà xuống, vui vẻ mời.

    - Các chú muốn chui vào nhà của ta à? Thì đấy, vào mà ngủ, nhà ta rộng chán.

    Thật đúng là một vị hiệp sĩ hảo tâm vô cùng. Hai đứa tôi khoái quá leo tót ngay vào. Ngoài trời trăng soi, gió thổi mạnh. Trong nhà tối mờ, ấm áp. Bác Cuốn Chiếu, ( Bây giờ ta có thể gọi tên tục của nhà Lực sĩ được rồi ) - Bác Cuốn Chiếu chậm rãi bò lên một cái rễ cây, duỗi mình, ngáp một cái rõ to:

     - Chà, ta cũng buồn ngủ rồi…Hay quá, tiện đây nằm đánh giấc thôi, chẳng đi chơi nữa.

     Đêm đầu tiên đời phiêu bạt của chúng tôi được gửi trong ngôi nhà của Lực sĩ kỳ dị là như thế.



                   7.        Lời mách bảo của bác Cuốn Chiếu.



    Sáng hôm sau, nắng lên đỏ ối. Chúng tôi tỉnh dậy, thì thấy bác Cuốn Chiếu đã thức, và đang nằm phơi nắng, thỉnh thoảng bộ chân ở dưới bụng lại  thò ra, thụt vào nom đến buồn cười. Bác hỏi hai đứa chúng tôi:

     - Thế sớm nay các chú tính chuyện về tổ sao đây?

    Nhắc đến chuyện đó, tôi và Kiến Nâu ỉu xìu. Chúng tôi tranh nhau kể lể cảnh ngộ éo le của mình, và nhờ bác Cuốn Chiếu chỉ dùm cho một vài lời khuyên bảo. Nghe tỏ mọi lời, bác Cuốn Chiếu vểnh đôi râu bạc, trầm ngâm:
 
     - Con sông này sóng cả, gió to. Loài Cuốn Chiếu ta lại không biết bơi. Ta không thể nào đưa các chú sang bên kia sông được.

     Kiến Nâu lùi bước, chắp cẳng, vái bác Cuốn Chiếu một vái rõ dài. ( Họ nhà Kiến Nâu vốn dòng dõi nho gia nên thích lẽ bái )

     - Bác dón cẳng làm phúc cho, bác không đưa chúng tôi qua sông được, thì bác cũng biết có kẻ có thể cõng chúng tôi qua sông. Kiến Nâu tôi xin bác mách dùm. 

     Bác Cuốn Chiếu hóm hỉnh lấy râu cù Kiến Nâu, vui vẻ kêu lên:

     - Ôi! Cái chú này bé con mà khôn quá. Thôi được, để ta dẫn các chú gặp ông Chuồn Chuồn Ngô, nói khó nhờ ông ấy giúp cho.

     Rồi bác Cuốn Chiếu tốt bụng bảo hai đứa tôi leo lên lưng để bác chở đi tìm ông Chuồn Chuồn Ngô.

 

           8.       Chúng tôi được ông Chuồn Chuồn Ngô chở về tổ…

 
     Ông Chuồn Chuồn Ngô - bạn của bác Cuốn Chiếu trú ngụ ở hồ nước Bạc. Gọi là hồ nước Bạc vì hồ nước sáng loáng như dát bạc. Nơi đó ánh nắng chan hoà tưới xuống, làm muôn vàn bông hoa Súng thỉnh thoảng lại chòi lên như những đốm lửa, bồng bềnh trên mặt nước.

    Khi chúng tôi đến nơi, ông Chuồn Ngô đang đậu chống đuôi ngủ gà ngủ gật ở ven hồ. Trái với bác Cuốn Chiếu, ông Chuồn Ngô lại mắc bệnh ngủ kinh niên. Cho nên ngoài những giờ phải đi kiếm mồi, ông Chuồn Ngô thích chọn chỗ yên tĩnh, mát mẻ để ngủ cho yên giấc.

    Kể chuyện muôn loài trên đời cũng có nhiều cái buồn cười. Bác Cuốn Chiếu và ông Chuồn Ngô có hai cái tật khác nhau thế mà lại chơi với nhau tâm đắc.

    Bác Cuốn Chiếu lay ông Chuồn Ngô dậy, khẩn khoản nhờ chở dùm hai đứa tôi qua dòng sông xanh. Ông Chuồn Ngô nghe lơ đãng, rồi chớp chớp đôi mắt lồi, hỏi- giọng còn ngái ngủ:

    - Thế đi ngay bây giờ à?

    - Phiền ông bác cố giúp cho hai chú ấy một chuyến.

    - Nhưng tôi hỏi, đi ngay à?

    - Ờ, ờ…

    - Thế thì bảo các chú ấy leo lên lưng tôi, tôi chở đi.

    Ông Chuồn Ngô ngắt một túm hoa Lau, dắt vào đuôi. Rồi thong thả trèo lên mô đất cao, mở rộng đôi cánh quạt mạnh. Thế là gió cuốn lên, bác Cuốn Chiếu vội dắt chúng tôi chạy tới và giục trèo lên cho mau. Chả phải để bác Cuốn Chiếu giục lần thứ hai, tôi và Kiến Nâu đã túm ngay lấy lưng ông Chuồn Ngô, leo tót lên.

    Ấy chết! Hai chú xuống mạn đuôi ngồi kẻo bị cánh đập vỡ đầu bây giờ.

    Ông Chuồn Ngô đập cánh càng khoẻ. Gió réo lên. Sắp bay rồi. Tôi và Kiến Nâu cúi rạp xuống ôm rõ chặt lấy cái đuôi lực lưỡng ngăm ngăm đen của ông. Bác Cuốn Chiếu bò ra xa, múa râu gào to tiễn biệt :

    - Đi nhá, khoẻ nhá, cẩn thận nhá.

    - Vâng ạ.

    Vèo - Ông Chuồn Ngô đã bốc khỏi mặt đất. Và giờ đây đầu ông cất cao, đuôi chổng ngược. Hai đứa chúng tôi ngửa bụng, xấp lưng. Nguy hiểm quá.

    Nhưng rồi, gió bớt gào. Đã thấy mây trắng nhẹ trôi qua. Ông Chuồn Ngô đã vượt lên cao, bay ngang.

    Cho tới khi, tôi và Kiến Nâu nhổm dậy, thì hồ nước Bạc đã thu lại bé như cái ao con. Bác Cuốn Chiếu đã biến đâu mất.

     Sáng nay trời trong, ngồi trên lưng ông Chuồn Ngô nhìn xuống, chúng tôi thấy cảnh rừng Đen trải ra bát ngát, ở một phía xa xăm có dòng sông trắng loá chảy quanh giữa cánh đồng bằng trải rộng. Nơi đó, sương  sớm bay lên ngùn ngụt như khói toả. Chao ôi lẽ nào nơi đó là cánh đồng  gò Me thân yêu của tôi đó ư? Kiến Nâu cũng nhấp nhổm không yên. Chú bám lấy cổ tôi, mắt đăm đắm. Rồi chú hồi hộp nói với tôi:
   
-         Kiến Lửa ơi! Có lẽ chỉ một lúc nữa là về đến tổ thôi nhỉ.

Tôi ôm lấy Kiến Nâu an ủi:

     - Ừ, chỉ một lúc nữa là cậu sẽ được bò lên gò Trui thân yêu của cậu rồi. Thật là may mắn nhé, thích nhé.

     Nhưng hỡi ôi! Khi nói lời an ủi bạn đường, thì tôi có ngờ đâu một tai họa ghê gớm sắp trút xuống đầu chúng tôi, khiến cho hai thân Kiến bé bỏng lại phải dấn vào một cuộc hành trình xa lắc xa lơ không biết ngày trở về tổ cũ.


                 
                       9.            Tử chiến trên trời


      Khi ông Chuồn Ngô cõng chúng tôi bay đến bờ sông, thì đột nhiên bị một tên Chuồn Ớt đỏ tía ở đâu lao vụt tới đón đầu. Tên cướp đường vỗ đôi cánh rộng, khoái trá kêu lên:

      - Ha ha, thật là bõ công ta rình ở đây từ sớm đến giờ. Hỡi lão Chuồn Ngô, hãy đỗ xuống nộp mình cho ta.

    Trong họ Chuồn Chuồn, Chuồn Ngô yếu hơn Chuồn Ớt. Và lại đang cõng hai đứa chúng tôi, nên ông Chuồn Ngô chỉ còn biết bay trốn. Vừa bay, ông Chuồn Ngô hổn hển bảo chúng tôi:

    - Nguy rồi hai chú Kiến ạ. Chúng ta không gặp may trong cuộc hành trình rồi. Bây giờ hai chú mau lấy nắm Lau ta giắt ở kẽ đuôi rồi quấn chặt vào thân.

     Tôi và Kiến Nâu không hiểu quấn hoa Lau vào thân làm gì, nhưng chúng tôi cứ y lời dặn của ông Chuồn Ngô mà làm. Tên Chuồn Ớt đã đuổi tới gần, hắn nhe bộ răng đen xì, to tướng ra  cười khà khà đầy vẻ đắc chí:

    - Chạy đi đâu hả lão Chuồn Ngô ngu xuẩn kia. Ta sẽ xé xác mày ra làm trăm mảnh.

     Mặc cho tên cướp đường dọa nạt. Ông Chuồn Ngô dặn dò chúng tôi:

     - Hai chú có trông thấy đám mây đang trôi bồng bềnh kia không? Khi nào ta bay vào thì các chú cứ mạnh dạn tụt khỏi đuôi ta nhé.

     Và ông Chuồn Ngô bay tới đám mây. Ông sải cánh, liệng vào và hét lên:”Nhẩy ra, nhẩy”. Tôi và Kiến Nâu toan nhào khỏi đuôi ông, nhưng ngợp quá, sáu cẳng ríu lại, không nhấc lên nổi.

    Ông Chuồn Ngô lao ra khỏi đám mây, vừa lúc tên Chuồn Ớt xà tới, chộp lấy cổ ông.

    Ông Chuồn Ngô cũng chộp lấy cổ tên Chuồn Ớt. Hai bên nhe răng cào cấu nhau, đập cánh xè xè, rơi xuống.

    Tới gần mặt đất, cả hai lại buông nhau ra, vọt lên rình miếng.

    Ngồi trên, chúng tôi nhìn thấy cổ ông Chuồn Ngô bị rách một miếng thịt, máu chảy ròng ròng. Ông Chuồn Ngô vừa lượn đón miếng đánh của kẻ thù, vừa ôn tồn khích lệ:

    - Dũng cảm lên, cứ nhẩy đại ra, chưa quen nên ngại thế thôi. Ta sẽ cản tên Chuồn Ớt lại không để nó đớp các chú.

    Lòng hào hiệp của ông Chuồn Ngô khiến máu lì lợm của dòng họ loài Kiến sôi lên trong chúng tôi. Lúc đó tôi không sợ bộ răng của tên Chuồn Ớt. Cổ tôi nóng bỏng, râu vểnh ngược. Da tôi đỏ tía lên. Kiến Nâu cũng cong đuôi, quắp mắt nhìn tên Chuồn Ớt. Cả hai chúng tôi quyết ở lại sống chết với ông Chuồn Ngô.

    Ông Chuồn Ngô và tên Chuồn Ớt lại xông vào nhau. Loài Chuồn Chuồn mỗi khi đánh nhau ngoài cách cắn xé, còn dùng đuôi đè nhau. Khi cái đuôi tanh tưởi của tên Chuồn Ớt áp sát tới đuôi của ông Chuồn Ngô, tôi nhoài tới, túm lấy cánh đuôi, đu vót sang. Hành động cực kỳ mạo hiểm của tôi khiến Kiến Nâu trố mắt ngạc nhiên, khâm phục. Chú hét lên:

     - Bò lên đằng ấy ơi! Cắn vào nách nó kia.

    Thằng Chuồn Ớt vẫy đuôi rối rít định hất tôi xuống. Nhưng tôi cứ quặp chặt lấy. Ở đuôi bên kia, Kiến Nâu quên cả nguy hiểm, chú đứng hẳn lên, tung râu hò hét;

      - Tiến lên, Kiến Lửa ơi. Đốt vào nách nó kia, tiến lên…

      Còn ông Chuồn Ngô cố nhịn đau, túm chặt lấy cẳng tên Chuồn Ớt không cho nó cào tôi. Ông quát lên, mách nước:

      - Chớ bò tới nách nó, nó kẹp vỡ đầu. Cẩn thận. Chú đốt vào mắt nó cho ta.

     Tôi bèn bò thẳng lên phía đầu tên Chuồn Ớt. Đôi mắt Chuồn Ớt kinh hoàng trợn lên nhìn tôi. Tôi cũng trợn mắt nhìn nó. Rồi, tôi đứng hẳn lên. Giơ sáu cẳng cấu vào mắt nó. Tên Chuồn Ớt đau quá, gào lên. Nhưng nào đã xong, nhanh như cắt tôi cong đuôi châm luôn chóp đuôi vào mũi hắn, không quên phun theo rất nhiều nọc Kiến. Thằng cướp đường chu chéo lên, rồi lắc mạnh đầu hất tôi ngã nhào vào khoảng không. Tôi chỉ còn kịp nghe thoáng tiếng reo lanh lảnh của Kiến Nâu: “Hoan hô Kiến Lửa’’ thì gió đã cuốn tôi đi xa, ném vào một con sông mây bịt bùng.


                 
                  10.            Lạc giữa trời mây

   
    Nhờ có nắm hoa Lau quấn quanh mình, nên tôi bay lơ lửng như như một chiếc dù trắng. Thoạt đầu, gió thổi nhẹ nên tôi còn khào chân, gọi to xem ông Chuồn Ngô và Kiến Nâu có ở gần thì đến đón tôi. Nhưng chỉ lúc sau, trời nổi gió lớn. Con sông mây vật mình vật mẩy như dòng lũ cuốn tôi vè phía trời Tây. Tôi gần chết ngạt vì gió, sáu chân co quắp lại, không duỗi ra được. Rồi tôi lịm đi lúc nào không biết nữa.

    …Cho tới một lúc trời đổ mưa rào, đám hoa Lau quấn quanh mình tôi ướt sũng. Thế là tôi rơi xuống một cỗ xe rơm vô chủ bỏ trên cánh đồng. Lúc đó hình như vào quãng nửa đêm thì phải


    Tôi tỉnh dậy. Mưa đã tạnh. Sao sáng lấp lánh trên trời. Gió mát mẻ quá. Tôi bèn lăn ra ngủ luôn một giấc ly bì.

( CÒN TIẾP )