Monday, March 10, 2014

NGÀN DẶM XA ( 21 - 30 )




21.           Cố đô gió tạo.
            Đời tù trong Tháp Chết.


    Thế là tôi bị tống lên giam ở trong Tháp Chết.

    Tháp Chết là một loại cũi dùng để nhốt tù binh - những kẻ xấu số - những con mồi dự phòng của bọn Kiến Chủ Nô hung bạo. Tháp xây toàn bằng cát trắng, rắn chắc vô cùng. Đó chính là thứ cát trắng mà chú Kiến Vống lái buôn đang đi tìm kiếm.


    Đã bị nhốt vào Tháp Chết thì chỉ còn mỗi cách là nằm dài suốt ngày ngắm nhìn cảnh cố đô gió tạo qua những lỗ hổng chói nắng. Khu thành đá hoang dã này kiến trúc rất lạ mắt. Nhìn khắp nơi chỉ thấy những nấm đá hình thù quái dị xếp lô xô, chen chúc. Đó đây, những con đường ngoằn nghoèo chui vào các cổng thành rêu phủ, chẳng khác gì những con rắn trắng khổng lồ đang trườn mình vào hang ổ.

     Buổi sớm, mặt trời toả ánh nắng rọi vào các nấm đá, làm phản chiếu muôn vàn những tia sáng xanh óng ả, huyền diệu. Nhưng đến khi chiều tà dần buông, những vệt nắng chênh chếch yếu ớt từ phía trời Tây hắt lại, thì các tia sáng xanh kì lạ đó biến mất, khu cố đô đỏ rực lên ghê sợ.

    Và cũng chính lúc này, từ dưới các nấm đá, bọn Kiến Chủ Nô tứa ra đông nghịt. Chúng nằm vạ vật, tranh nhau há hốc mồm bắt các Kiến Nô Lệ mớm cho chúng. Bấy giờ khu cố đô gió tạo chẳng khác gì một cái chợ hỗn loạn họp giữa sào huyệt của bọn cướp.

    Cảnh ầm ĩ đó kéo dài mãi cho tới khi bóng đêm tràn về quét lớp sơn đen lên bức tranh thành đá hắc ám. Gió lại hú lên từng cơn rùng rợn. Khí lạnh ngùn ngụt bốc lên âm u.

    Bị nhốt trong tháp đá, tôi đã tưởng phải gửi xác ở đây, không còn ai biết đến. Nhưng rồi, vào đêm đầu của tuần trăng, bỗng nhiên xảy ra một chuyện vô vùng kỳ lạ.



                    22.       Nhân vật trong các chuyện cổ
                             Cụ Bác Khan hai sừng đã cứu tôi.

    …Một đêm trăng mờ ảo, tôi nằm dài trong tháp chết buồn rầu nhìn sa mạc mênh mông. Nghe những cơn gió tung hoành ở nơi xa xăm, lòng tôi càng nôn nao thèm khát trốn được ra khỏi cái nhà tù này để lại tha hồ dong duổi trên đường tìm về tổ cũ gò Me yêu dấu.

    Nằm chán, tôi nhổm dậy, bò quanh quẩn cho đỡ tù cẳng, rồi thò hai sợi râu ra ngoài hứng mấy giọt sương để uống. Chính lúc đó có một giọng trầm trầm cất lên hỏi:

    - Chú Kiến Lửa bé tí ti ơi ! Vì sao chú lại bị nhốt trong cái tháp ấy thế ?

    Tôi vội rụt ngay râu vào, dán mắt qua cái lỗ hổng, nhưng chẳng thấy có ai ở ngoài ấy cả, ngoài một doi cát nằm sừng sững. Ngạc nhiên, tôi hòi to:

    - Ai đấy, ai gọi tôi đấy?

    - Ta đây…Ta là Bác Khan hai sừng đây.

    Lạ lùng chưa, doi cát bỗng cựa mình, cát tuôn chảy xuống rào rào và cái giọng trầm hùng ấy lại vang lên:

    - Chú Kiến Lửa đã nhận ra ta chưa nào?

    - Chao ôi ! Kỳ lạ làm sao.

    Tôi kêu lên, vừa không quên múa râu chào.

    - Kiến Lửa tôi xin có lời chào cụ Bác Khan hai sừng.

    - Chú bé cũng biết lễ phép đấy.

    Cụ Bác Khan cựa mình, cát lại tuôn chảy rào rào. Ánh trăng soi cho tôi nhìn thấy dưới bụng cụ có hai lưỡi cát cong cong vểnh lên nom như hai cái sừng.

     - Thế vì sao chú lại bị nhốt trong cái tháp cát ấy?

    - Tôi đi buôn cát trắng, chẳng may bị bọn Kiến Chủ Nô bắt nhốt vào đây. Cụ làm ơn cứu tôi với.

    - Ta xô đổ cái tháp thì chú cũng bị bẹp ruột mất.

    - Trời ơi ! Cụ cứ đẩy đổ cái tháp này đi. Thà chết bẹp còn hơn nằm chịu chết khô ở đây. Cụ cứ đẩy tháp đổ xụp xuống đi.

    - Chà…chú Kiến Lửa bé tí ti mà liều gớm nhỉ.

    Cụ Bác Khan thở ì ì rõ dài, rổi khàn khàn bảo:

    - Thôi được, nếu chú muốn ta sẽ xô đổ tháp. Biết đâu trong ngàn cái rủi lại có một điều may. Nào, ta bò vào đây.

    Tôi nhắm nghiền mắt lại, và chỉ còn nghe thấy tiếng vỡ răng rắc. Cát rụng xuống mình tôi rào rào. Rồi rầm một tiếng, tiếp theo là những tiếng va ầm ầm không ngớt. Khi mở mắt ra, tôi thấy mình nằm chỏng gọng trên bãi cát. Cái tháp vỡ toạc, đổ lật nhào cách đấy không xa. Những cơn gió đã bỏ đi xa, chung quanh im ắng. Cụ Bác Khan đã biến đi đâu mất.

     - Cụ Bác Khan ơi, cụ Bác Khan !

    Tôi gào to, và bò cuống cuồng đó đây tìm kiếm. Rồi tôi bỗng nhận ra đôi sừng oai vệ của cụ Bác Khan khổng lồ đã đùn tất cả cát ở trong bụng ra quật đổ cái Tháp Chết kiên cố.

     Và thế là cụ Bác Khan không còn nữa.

    Tôi vội quỳ xuống, vái đôi râu của cụ hai vái, rồi nhỏm dậy, bò thật nhanh ra khỏi khu cố đô khủng khiếp.



                   23. Nhà du lịch Cồ Cộ Xanh.
                   Câu chuyện về cụ Bác Khan.


    Tôi bò cuống quýt, có ba cặp chân thì vắt cả sáu chiếc lên cổ.

    Khi chui qua cái vòm cổng đầy rêu của khu cố đô, bỗng nhiên tôi vấp ngay vào một bác Cồ Cộ rất to bị trói bó giò vứt ngay giữa cổng.

    Nom thấy tôi, bác Cồ Cộ kêu rối rít:

    - Ơ ! Chú Kiến Lửa, cứu ta với.

    Lại thêm một kẻ xấu số lọt vào chân cẳng bọn Kiến Chủ Nô hung ác đợi ngày đưa lên Tháp Chết. Tôi dừng lại thở, ngó quanh rồi hỏi:

    - Bác quê chốn nào, cớ sao lại để chúng bắt trói vứt ở đây?

    - Ta là một nhà du lịch nổi danh. Chiều qua ghé vào đây, vô ý nên bị bọn Kiến Chủ Nô trói được. Chúng lôi ta tới đây nặng quá nên vứt lại. Chú Kiến Lửa làm ơn cởi trói cho ta với, rồi ta sẽ hậu tạ.

    Tôi nhanh nhẹn chui qua đôi cánh rộng của bác Cồ Cộ, ghé răng cắn đứt sợi dây cỏ buộc thít đôi cánh lụa bên trong của bác. Bọn Kiến Chủ Nô sảo quyệt lắm. Chúng buộc chặt đôi cánh lụa thì bác Cồ Cộ cứ gọi là chịu một phép.

     - Cảm ơn chú Kiến Lửa tốt bụng.

    Bác Cồ Cộ nhổm dậy, rũ đôi cánh cho đỡ mỏi, vui vẻ hỏi tôi:

    - Chú là con cái nhà ai mà lạc lõng vào nơi man rợ thế này? Bây giờ chú định đi đâu?

    Tôi bèn kể cho bác Cồ Cộ nghe là tôi vừa được một cụ Bác Khan cứu thoát khỏi Tháp Chết, bây giờ đang chạy trốn. Rồi tôi hối hả giục bác Cồ Cộ cũng mau tìm đường cao chạy xa bay đi thôi.

     Bác Cồ Cộ há hốc mồm, ngạc nhiên:

     - Úi trời ! Sao mà số chú đỏ thế? Được hân hạnh tiếp kiến cụ Bác Khan hai sừng cơ à? Ta đây đã quá nửa đời du lịch, đi khắp chốn cùng nơi mà vẫn chưa có diễm phúc như chú.

     Tôi buồn rầu bảo:

    - Nhưng cụ Bác Khan đã chết rồi, chỉ còn lại có đôi sừng thôi.

    - Ồ, chú không lo. Cụ Bác Khan không bao giờ chết cả. Bao giờ có bão cát là cụ lại từ từ nổi lên thôi. Gớm, càng nghe chú kể, ta lại càng thèm được như chú.

    Và quên cả mọi nguy hiểm có thể xảy ra ngay lúc này, bác Cồ Cộ túm lấy râu tôi, say sưa kể lể:

     - Chú đã được trông thấy hàng nghìn cụ Bác Khan bò lổm ngổm trong cơn bão cát chưa? Ôi đó chính là sức mạnh bí hiểm của tự nhiên mà bao nhiêu đời nay muôn loài được chiêm ngưỡng và khao khát. Ta được nghe kể rằng các cụ Bác Khan có tuổi thọ hàng triệu năm là những kẻ duy nhất trên trái đất này được tận mắt chứng kiến bao biến đổi thăng trầm của núi sông cây cỏ. Chính vì vậy, biết bao nhà du lịch, nhà địa chất, nhà nghiên cứu lịch sử, vì muốn được tiếp chuyện với cụ Bác Khan mà đã liều thân bò vào vùng rốn của những cơn bão khủng khiếp. Nhưng cho tới nay, hầu hết nhưngc kẻ can đảm đó đều bỏ mình, không ai mang được những bí mật trở về.

    Câu chuyện của nhà du lịch Cồ Cộ hấp dẫn quá, khiến tôi cũng ngây ra nghe, quên cả sợ hãi.



                         24.      Bay khỏi sa mạc


    Có lẽ vì tiếng kể chuyện của bác Cồ Cộ vang to quá, nên đã đánh thức bọn Kiến Chủ Nô dậy. Nhìn thấy chúng tôi đương ngồi trên cát, lại không bị trói, bọn chúng kinh ngạc ùa tới kêu ầm ĩ:

    - Ối giờ ơi ! Thằng tù binh Kiến Lửa trốn khỏi Tháp Chết rồi.

    - Chúng nó đánh tháo cho nhau rồi.

    - Bắt lấy nó. Bắt lấy nó.

    Tôi cuống lên, toan phốc chạy. Nhưng bác Cồ Cộ đã nhanh nhẹn túm lấy đuôi tôi, quát to:

    - Việc gì phải chạy. Xem nhà du lịch đón tiếp chúng đây.

    Rồi bác giấu tôi vào dưới bụng, ung dung chống một cẳng xuống cát, mở tung cả hai bộ cánh, bất thần quạt như vũ bão.

    Chao ơi ! Cơn gió thổi ra mới ghê gớm chứ. Ú ú…ú ú ú. Bụi cát bay lên mù mịt. Ú ú…ú ú ú. Hai bộ cánh đập càng khoẻ thêm. Tôi nhắm tịt mắt lại, khi mở ra thì nhìn thấy vô cùng tức cười. Dưới ánh trăng ảm đạm, cát cuốn gió bay…Những tên Kiến Chủ Nô hung hăng nhất xô tới lại gần bị gió tung lên trời nom như hạt đậu đen. Bọn còn lại rú lên, tranh nhau chạy trốn vào các hốc đá.

    Sau khi đã quạt gió chán chê làm khu cố đô hoang dại náo động lên ầm ầm, bác Cồ Cộ cười vang, hả hê kéo một hồi còi đinh tai nhức óc. Rồi nhấc bổng tôi đặt lên lưng, và ù ù bay lên bầu trời đêm mát rượi, lấp lánh trăm ngàn ngôi sao bạc.



                          25.      Ngôi mộ cô đơn


     Bác Cồ Cộ cõng tôi bay một ngày một đêm thì vượt khỏi sa mạc khô cằn.

    Tạm biệt sa mạc.

    Tạm biệt chú chàng Kiến Vống lái buôn. Thế là tôi không cùng đi với chú tới kinh thành Nắng xa xôi để trả cho trọn món nợ lá cải cứu mạng. Giờ đây không biết chú có rủ được một chú Kiến nào làm bạn đồng hành, hay là lủi thủi một mình đẩy cỗ xe rơm trên vệt lộ trình vô định.

    Tới một bìa rừng Dẻ xanh tốt thì trời cũng sập tối. Bác Cồ Cộ cũng đã mệt phờ râu. Chúng tôi quyết định đỗ xuống nghỉ qua đêm.

    Tôi lăn ra cạnh một mô đất to ngủ luôn. Còn bác Cồ Cộ thì leo lên cành Dẻ, rúc vào một khóm lá rậm rạp. Loài Cồ Cộ vốn thích ngủ trên cành cao.

    Đêm đó cả hai chúng tôi ngủ như chết.

    Mờ sáng hôm sau, một giọt sương không biết từ trên cành cao nào rơi trúng vào cổ tôi, thế là tôi thức dậy.

    Bác Cồ Cộ vẫn ngáy ồ ồ trên cành Dẻ. Tôi nhỏm dậy, vươn râu, ruỗi cẳng, dụi mắt. Và bây giờ tôi mới hay đêm qua tôi ngủ cạnh một ngôi mộ to, cỏ mọc xanh rì.

    Mặt trời chưa lên.

    Sương sớm đọng ướt sũng trên lá cỏ. Tôi tò mò dạo gót quanh ngôi mộ, âu cũng là để đợi bác Cồ Cộ dậy. Ngôi mộ đắp gối đầu về hướng Đông, nơi có con đường trắng mờ ngoằn nghoèo chạy hút vào khu rừng Dẻ xanh tốt. Một lữ khách? Một nhà du lịch? Một kẻ say đời phiêu bạt? Sau bao ngày xông pha trên sa mạc, nhịn đói, nhịn khát, cố bò tới đây thì gục xuống, hồn lìa khỏi xác. Nghĩ vậy, tôi bâng khuâng, khua râu trên cỏ ướt, chợt đụng vào một tấm mộ chí đổ nghiêng, vùi một nửa trong cát. Tôi vội vạch cỏ, chùi tấm mộ và đọc những dòng chữ khắc nguệch ngoạc như sau:

                Nơi đây an nghỉ ông Chuồn Ngô đại nghĩa.
        Quê ở hồ nước Bạc, chốn rừng Đen. Mùa nước cả.
                       Kiến Nâu lạc tổ khắc mộ chí

    Tôi bàng hoàng, tý nữa ngã lăn quay ra đất.

    Tại sao lại có chuyện tình cờ, run rủi thế này.

    Tôi lặng lẽ vái ngôi mộ, lòng chạnh nhớ về một buổi sáng đầy nắng trong mùa nước lũ xa xưa, tôi và Kiến Nâu chiễm chệ trên lưng ông Chuồn Ngô hào hiệp. Rồi trận tử chiến trên trời với tên Chuồn Chuồn Ớt tàn ác. Thế mà lâu nay, mỗi khi nhớ tới những người bạn đường đó, tôi cứ chắc mẩm Kiến Nâu đã về tổ cũ, vui đời lao động cần cù sớm trưa. Còn ông Chuồn Ngô thì cũng đã về hồ nước Bạc trong chốn rừng Đen. Và ông lại chống đuôi đậu trên bông hoa Súng vàng, ngủ gà ngủ gật.

    Tôi đứng lặng, rũ râu thẫn thờ.

    Trời đã sáng bảnh.

    Bác Cồ Cộ thức dậy, kêu váng tai, rồi bay xuống vui vẻ hỏi tôi:

    - Đói hay sao mà chú Kiến Lửa ngây râu ra thế? Sửa soạn rồi ta lên đường chứ?

    Tôi buồn bã kể cho bác Cồ Cộ nghe câu chuyên cũ, rồi chỉ cho bác tấm mộ chí. Nghe xong, bác Cồ Cộ vuốt ria, nghĩ ngợi hồi lâu, rồi hỏi tôi :

    - Thế bây giờ chú tính sao, đi tìm chú Kiến Nâu hay trở về tổ cũ ?

    Tôi bùi ngùi bảo bác :

    - Tôi lạc tổ đã lâu, lòng lúc nào cũng chỉ ước ao tìm đường trở về tổ cũ. Nay được bác có lòng hào hiệp hứa trở tôi về tận tổ cũ gò Me yêu dấu. Cái duyên ấy cũng gặp một lần mà thôi. Nhưng giờ đây đọc tấm mộ chí kia thì tôi không đành lòng. Ông Chuồn Ngô tuy mất rồi, nhưng chú Kiến Nâu đắp ngôi mộ kia, khắc tấm mộ chí kia, có lẽ chú chàng vẫn còn lạc lõng quanh đây, không biết chừng lớ ngớ lại gặp tai họa gì chăng. Vì vậy tôi xin tạm biệt bác để dạo một vòng quanh đây, cố tìm chú Kiến Nâu, rồi cả hai cùng dảo bước trở về tổ cũ.

    Bác Cồ Cộ phình bụng nghĩ ngợi hồi lâu, gật gù :

    - Chú Kiến Lửa  nghĩ như vậy là chí phải. Sống ở đời, đối với anh em bè bạn phải như bát nước đầy chú ơi. Thôi, chú đã quyết vậy, ta chúc chú mau mau tìm thấy Kiến Nâu để ca khúc khải hoàn trở về quê hương.

    Rồi bác dặn tôi:

    - Tôi và chú gặp nhau trong cảnh tình cờ. Ơn chú cứu mạng tôi chưa trả được, lòng vẫn áy náy. Vì vội bay khỏi sa mạc khô cằn nên cũng chưa kịp xưng danh. Tên tôi là Cồ Cộ Xanh, tổ ở rừng Dừa ngọt ngào. Vạn nhất sau này chú có cần gì thì cứ tìm tới đó, hỏi thăm bác Cồ Cộ goá vợ, thích đi du lịch thì ai cũng biết.

    Nói tới đây, bác Cồ Cộ lùi lại, chạm râu vào râu tôi, chào tạm biệt, rồi ù ù bay lên trời.



                     26.         Trong rừng Dẻ tốt tươi
                                                Thày bói Giun đất.

   
    Từ biệt nhà du lịch góa vợ nổi danh, tôi lại bắt đầu một chuyến chu du mới.

    Trời nắng lên, đường trong rừng đẹp như tranh vẽ. Hai bên đường, bóng cây đổ xuống mát mẻ. Trong khu rừng Dẻ tốt tươi, hoa lá đua chen khoe sắc. Hỡi chú chàng Kiến Nâu, bây giờ chú đang ở đâu?

    Tôi bò thơ thẩn, vừa ngắm cây cỏ cảnh vật, vừa để ý xem Kiến Nâu có leo trèo trên một cành Dẻ nào không.

    Tôi cứ bò mãi, bò mãi…Đến một ngã ba thì thấy thày bói Giun Đất không có mắt, nhưng không hiểu tại sao thày lại nhận ra tôi ngay. Có lẽ thày ngửi chăng? Thày nghoe nguẩy đầu, dụt dè hỏi:

    - Ai như chú Kiến có phải không?

    Tôi lễ phép chào:

    - Vâng ạ. Kiễn Lửa tôi xin có lời chào thày.

    - Chào chú. Không dám…Chú đừng có đốt tôi đấy nhé. Sớm nay tôi chưa mở hàng đâu đấy.

    - Tôi không đốt thày đâu. Tôi chỉ muốn hỏi thày có biết chú Kiến Nâu ở đâu thì mách dùm cho.

    Nghe tôi nói vậy, thày bói Giun Đất sốt sắng:

    - Thế ra chú đang đi tìm bạn bè à?

    - Vâng.

    - Thế thì chú mở hàng cho tôi một quẻ.

    Nói rồi, chẳng chậm chễ, thày bói Giun Đất mời tôi ngồi xuống một chiếc lá Dẻ vàng. Thày bắt tôi xưng danh, quê quán ngày sinh, tháng đẻ. Sau đó thày cất cái đầu không mắt lên cao, lầm rầm khấn vái. Thày kêu lên:

    - Trời ơi ! Hiện nay chú Kiến Nâu đang rất mong chú.

    - Thế à ?

    Tôi vội nhỏm ngay dậy, hồi hộp:

    - Thế chú chàng Kiến Nâu đang ở đâu?

    - Ồ…ờ ờ…Chú ấy…

    - Nhờ thày chỉ dùm cho, xin đội ơn thày.

    - Ồ…ề hèm…Chú Kiến Nâu đang rất mong chú…ề hèm…

    Thày bói Giun Đất hắng giọng. Thấy tôi hỏi dồn dập, thày càng hắng giọng khoẻ. Rồi thày lúng túng đánh trống lảng:

    - Để tôi xem cho chú về cái đằng hậu vận nhé?

    - Không, thày hãy bói xem hiện nay chú Kiến Nâu ở đâu để tôi còn đi tìm chú ấy.

    - Ô, đi xem bói là phải xem tiền vận, hậu vận. Chú Kiến Nâu đang lạc trong rừng Dẻ rất mong gặp chú. Chú cứ tìm khắc gặp. Tôi có nói đúng không nào? Còn bây giờ để tôi xem cho chú cái đằng hậu vận.

    Và chẳng đợi tôi có ưng nghe hay không, thày bói Giun Đất thao thao:

- Ở đời có số cả đấy chú Kiến Lửa ạ. Giàu nghèo, sang hèn có số cả đấy. Tí, Sửu, Dần, Mão, è hèm..chuyện ma chay cưới xin, cất nhà xây tổ…tất tất, tôi bói được tất. Để tôi xem cho chú cái đằng hậu vận có phát không…

    Rồi thày bói Giun Đất lại cất cao cái đầu không có mắt, làm nhàm khấn vái. Ngán quá, tôi chào thày một tiếng rõ to rồi cun cút bò đi.



                                27. Ve Sầu làm nghề dạy hát


    Kẻ thứ hai tôi hỏi thăm trong khu rừng Dẻ tốt tươi là ca sĩ Ve Sầu danh tiếng.

    Ca sĩ cất nhà dưới một cành Dẻ nở hoa. Nhà thoáng mát, trước cổng có treo tấm biển kẻ hàng chữ bay bướm:

Ca sĩ Ve Sầu - tốt nghiệp bằng đỏ Học viện Lá mùa thu vàng.
Nhận dạy cách son phe các bản tình ca ”Mùa hè”. Có tín nhiệm.

     Ca sĩ Ve Sầu mặc áo xanh đỏ, bụng thoa phấn, mặt mũi hốc hác, đang ỉu xìu đậu trên một cành Dẻ nổi gân. Thấy tôi đẩy cổng bò vào, ca sĩ vội vã sà ngay xuống niềm nở:

    - A! Bạn Kiến Lửa yêu ca hát. Xin mời, xin mời.

    Tôi vui vẻ ngồi xuống một hòn cuội nhỏ. Trong khi đó ca sĩ cứ ve ve bò quanh tôi, rối rít hỏi tôi đã làm quen với âm thanh từ bao giờ, có thực sự yêu ca hát không? Thuộc bao nhiêu bài tình ca rồi?  Đã biết nhạc chưa? Đã học qua một lớp xướng âm nào chưa? Và có biết gam mi giáng trưởng là gì không?

    Tôi chẳng thể ngắt lời ca sĩ. Đợi lúc lâu, tôi hỏi:

    - Tôi vào đây chỉ muồn hỏi ngài có biết chú chàng Kiến Nâu quê ở gò Trui hiện giờ ở đâu, nhờ ngài mách dùm.

    Ca sĩ Ve Sầu ngớ ra, lắc đầu thất vọng:

    - Thế bạn vào đây không còn mục đích nào khác nữa à?

    - Nếu ngài đãi tôi một bữa chén thì may quá. Thú thực là tôi đang đói ngấu ruột.

    - Ối giời ! Hôm nay đẹp trời mà số tôi đen đủi.

    Ca sĩ giơ cẳng, than:

    - Tôi cứ ngỡ bạn vào đây học hát, và đem theo một ít thức ăn để đóng học phí cơ đấy. Chao ôi !

    Than rồi, ca sĩ lom khom chui vào trong nhà bê ra vài ngọn Dẻ non, buồn rầu mời tôi:

    - Bạn đã có chút lòng ghé vào chơi. Cảnh nhà thanh bạch, không còn món gì ngon hơn, bạn dùng tạm.

    Tôi vâng to, rồi xoa cẳng ngồi vào mâm đánh chén luôn. Búp Dẻ nhạt lắm. Ca sĩ cũng ngồi xuống cạnh tôi, bốc lấy bốc để. Tôi thật thà hỏi:

    - Ngài cũng đói lắm ạ?

    - Đói. Tôi đói. Bây giờ chớm thu rồi, chẳng có mấy ai đến học những bài tình ca mùa hè. Thật tình với bạn: Cái nghề của tôi chỉ kiếm được vào mùa hè thôi. Chà ! Nếu bạn đến đây vào tháng sáu tháng bẩy, tôi có thể đãi bạn một bữa chén ra trò.

    - Thế mùa đông ngài sinh sống ra sao?

    - Trời rèt mướt còn ai thiết gì ca hát. Lớp học của tôi đành phải đóng cửa. Còn tôi thì ôm cái bụng đói chui xuống đất ngủ khoèo. À, ban nãy anh hỏi chú Kiến Nâu nào nhỉ?

    - Chú Kiến Nâu bạn tôi, quê ở gò Trui, ngài có thấy chú ấy ở đâu không ạ?

    - Tôi không có hân hạnh được nhìn thấy bạn Kiến Nâu. Tiếc quá, không thể giúp bạn được…

    - Vậy phiền ngài chỉ giúp đường đất trong khu rừng này quanh co rộng hẹp ra sao?

    - Khu rừng Dẻ này rộng lắm, bạn hỏi có bao nhiêu con đưòng thì tôi chịu. Bạn hỏi con đường nó quanh co thế nào thì tôi cũng chỉ biết trả lời là nó chạy quanh co như những con rắn bò quanh co trong rừng mà thôi.

    Mặt trời đã lên tới đỉnh đầu.

    Ca sĩ Ve Sầu đột nhiên bay vù lên cành Dẻ cao, cong đuôi ré lên đinh tai nhức óc.

    Tôi ngạc nhiên gào to hỏi ca sĩ ca kiểu gì mà lạ lùng vậy. Nhưng tiếng gào của tôi chẳng mũi mẽ gì so với cái còi inh ỏi đó. Thì ra hàng ngày, cứ vào đúng giờ ngọ là cái còi giấu trong khoang bụng của ca sĩ lại tự dưng reo lên không thể nào kìm lại được. Hết sức ngạc nhiên, tôi đành một mình chén thêm ít búp Dẻ rồi lặng lẽ từ biệt vị ca sĩ kỳ dị đó, và lên đường.



                28.        Am nhỏ bên dòng suối róc rách.
                             Sư bác Bổ Củi định bổ tôi.

    Sau khi từ giã ca sĩ Ve Sầu, con đường đưa tôi đến một dòng suối chảy róc rách, róc rách. Dưới lòng suối, cuội rải trắng tinh đẹp như ngọc.

    Bên này bờ suối có một cái am nhỏ, cửa đóng im ỉm, nằm nép vào một cây Si thả rễ lòng thòng. Bên trong am có một lão Bổ Củi béo đen, đầu trọc lốc đang nằm phủ phục, lầu bầu tụng kinh.

    - Niệm nam mô A di đà phật…A di đà phật…Xuỵt, xuỵt…Tôi đói bụng quá rồi chư vị bồ tát ơi, Phật tổ ơi…Các vị có linh thiêng thì cũng phải trả công đèn lửa hương khói cho tôi một chút gì chén được chứ. Lòng tôi thành kính chân tu lắm…Xuỵt…xuỵt…A di đà phật…

    Lão sư Bổ Củi xuýt xoa, thỉnh thoảng lại vươn cái cổ gân guốc bám đầy ghét bổ vào cái mõ gỗ đánh cốc một cái rõ kêu.

    Tôi gõ cửa cộc cộ làm lão giật mình, cất giọng vang như tiếng chuông quát hỏi:

    - Ai ? Thằng súc sinh nào dám dòm ngó am của ta…

    Tôi đẩy cửa bò vào, xưng danh và chào lão. Lão Bổ Củi giương cặp mắt trắng dã nhìn tôi:

        - A di đà phật, chào chú Kiến Lửa. Bần tăng đây là kẻ tu hành, tính nết bần tăng dút dát lắm, chẳng biết bổ củi đâu.

    Nói đoạn lão vươn cái cổ to tướng, nổi gân cuồn cuộn ra, bảo tôi:

    - Chú xem cổ tôi gầy còm chưa. Khổ, chỉ toàn ăn chay niệm phật nên cơ hàn thế đấy.

    Tôi hỏi thăm Kiến Nâu có đi qua đây không. Lão Bổ Củi gật gù:

    - Có biết, có biết, mỗ gia đây có hân hạnh tiếp kiến vị cao tăng đó.

    Nghe thấy vậy, tôi kêu om lên, khua râu múa cẳng rối rít. Nếu không chợt nhìn thấy cái cổ ghê gớm của lão đang lén vươn ra như nhằm nhằm cái gì, thì tôi đã chạy tới ôm lấy lão.

    Thấy tôi vui sướng, lão Bổ Củi lim dim mắt, gọng ngọt sớt:

    - Lại đây, lại đây, có gì mà ngại. Lại gần đây rồi mỗ gia sẽ mách cho chú biết Kiến Nâu đang ở đâu.

    Thật bụng thì tôi cũng muốn lại gần lão để hỏi tin Kiến Nâu. Nhưng tôi ngại cái cổ kia ngộ nhỡ bất thần đổ xuống đầu tôi thì sao. Đầu tôi có cứng được như cái mõ gỗ đâu.

    Thấy tôi đắn đo, lão Bổ Củi e hèm, cau có:

    - Chú còn nghi kị cái cổ của bần tăng à? Thế thì bước ngay ra khỏi đây để ta còn tụng kinh gõ mõ. Bước. Cút ngay.

    Cực chẳng đã, tôi đành thận trọng mon men tới gần lão. Quả là tôi lo chẳng thừa. Rất bất ngờ, rất nhanh lão Bổ Củi cứng cổ giáng xuống tôi một bổ như trời giáng. Nhưng số tôi chưa chết, hay là tại lão háu ăn quá, nên lão bổ trượt ngay xuống trước mặt tôi, trúng một viên sỏi và mạnh đến nỗi hình như toé lửa. Hú hồn.

    Thấy đòn bất ngờ bị hụt, vị sư bác gầm lên, hiện nguyên hình là một lão sư hổ mang hung tợn. Lão đóng sập cửa am, lăn sả vào tôi bổ liên tiếp. Rơi vào cảnh hiểm nghèo đó, tôi nhanh trí bò tít quanh lão như cây đèn cù.

    Trận hỗn chiến ác liệt, không cân sức xẩy ra trong cái am nhỏ ven dòng suối róc rách.

    Các độc giả tí hon ạ. Bất cứ kẻ hung tợn đến đâu cũng có chỗ yếu của nó. Ví như Bọ Hung, Rùa Đen, Rùa Vàng…là những loài rất khoẻ mạnh nhưng xoay mình rất chậm. Và khi bị lật ngửa tênh hênh thì chỉ còn biết rẫy rụa, van lạy. Lão Bổ Củi cũng rất sợ bị lật ngửa. Vừa hỗn chiến với lão, tôi vừa tìm cách quật lại lão.

    Lợi dụng lúc lão xoay mình nặng nề, bất ngờ tôi liều mạng chui phắt qua cái cổ kinh khủng của lão, xông sát tới hích rõ mạnh vào cái đít béo tròn trùng trục của lão. Thế là lão sư hổ mang mất đà, loạng choạng rồi đổ kềnh ra, ngửa bụng, phơi rốn lên trời.

    Tôi hổn hển leo lên cái mõ gỗ ngồi vuốt râu. Còn lão Bổ Củi thì cuống cuồng khều khào bộ chân, cố sức lật xấp lại nhưng không được. Lão van nỉ:

    - Ối ối, chú Kiến Lửa ơi ! Sao chú lại lật ngửa bần tăng ra thế này?

    Tôi bảo lão:

    - Không thế thì lão Bổ Củi bổ vỡ đầu tôi à?

    Rồi tôi đứng dậy toan bỏ đi:

    - Thôi lão Bổ Củi nằm đây nhé. Tôi đi đây.

    Lão Bổ Củi sợ lắm, khóc thút thít:

    - Đâu nào. Bần tăng định đùa chú Kiến Lửa một chút đấy chứ. Lạy chú đừng có bỏ bần tăng mà đi, bần tăng quý chú lắm.

    Tôi hỏi lão:

    - Thế chú chàng Kiến Nâu bây giờ ở đâu?

    - Chú Kiến Nâu nào á?

    - Lại còn vờ nữa. Sao ban nãy lão bảo…

    - Ối ối ! - Lão Bổ Củi cuống lên phân trần. Ban nãy bần tăng nói bậy đấy. Bần tăng tu ở đây đã lâu, cũng đã đón khách tứ xứ, nhưng chưa được gặp một chú Kiến Nâu nào cả .

    - Lão chỉ điêu toa, đã thế cứ nằm đó.

    Tôi lại vờ bỏ đi. Lão bổ Củi khóc tu lên, kể lể:

    - Ối giời ơi ! Tội nghiệp bần tăng quá. Lạy chú Kiến Lửa, quả thật bần tăng không gặp chú Kiến Nâu nào cả. Khổ thân tôi, hu hu hu…Thật thà mà chẳng được tin. Hu hu hu…Bây giờ gặp nạn nằm ngửa mãi thế này thì chết đói mất thôi. Khổ thân tôi hu hu hu…

    Lão Bổ Củi mếu máo thảm thiết quá. Tôi mủi lòng, thầm nghĩ: Có khi lão không biết Kiến Nâu ở đâu thật. Thôi, tha cho lão.

    - Đừng khóc nữa, rồi tôi lật sấp lại cho.

    Nhưng cũng vừa lúc đó, một chú Dế bé tí ti, hé cửa am nhảy vào can:

    - Ấy chết, Kiến Lửa đừng nhẹ dạ thế. Lão mà lật sấp được thì lão bổ củi cho chết tươi bây giờ.

    Tôi nói với chú Dế:

    - Nhưng lão khóc to quá.

    - Mặc kệ lão - Chú Dế thầm thì - Lão Bổ Củi ác lắm. Lão lập am vờ tụng kinh gõ mõ, nhưng chỉ chuyên rình mò sát hại khách qua đường. Lão cũng đã vồ hụt tôi mấy lần rồi đấy. Kiến Lửa bé vậy sao lật ngửa lão được thế?

    Tôi bèn kể đầu đuôi câu chuyện cho chú Dế con nghe. Chú Dế vui sướng, múa râu reo:

    - Hay ghê, trí khôn còn mạnh hơn bắp thịt rắn chắc. Cứ mặc kệ lão nằm đấy, ta ra ngoài suối uống nước Kiến Lửa ạ.

    Tôi theo cậu Dế chui ra ngoài am. Lão Bổ Củi cuống lên, lạy với theo rối rít:

    - Trời ơi ! Chú Kiến Lửa ơi ! Bần tăng trăm lạy chú. Chú đừng bỏ rơi kẻ tu hành tội nghiệp này. Ối ối, lạy chú dón tay làm phúc…chú đừng nghe lời thằng Dế lõi con ấy, nó bịa đấy. Bần tăng cắn rơm cắn cỏ lạy chú trăm lạy…

    Sau thấy xin xỏ không ăn thua gì, lão nổi khùng réo chửi nghe mới khiếp:

    - Cha tiên nhân cả lò thằng Kiến Lửa nhé. Tiên nhân cả họ nhà thằng Dế lõi con  nữa nhé. Ông mà lật xấp lại được thì ông bổ vỡ toác đầu chúng mày ra. Hai thằng ranh con. Được rồi. Sẽ còn gặp nhau các con ạ. Ông thề sẽ…

    Mặc lão Bổ Củi chửi rủa ngoa ngoắt, cậu Dế tí ti rủ tôi ra suối uống nước, chải râu rồi hỏi tôi đi đâu mà qua đây. Tôi hỏi thăm Kiến Nâu, thì được cậu Dế mách:

    - Ở hồ Móng Ngựa có thầy đồ Gọng Vó chuyên nghề dạy học và viết văn tế. Thày uyên bác lắm, Kiến Lửa tới đó hỏi may ra thày biết.

    Tôi hỏi thăm đường đến hồ Móng Ngựa , rồi vui vẻ từ biệt cậu Dế tí ti lên đường. Bò khá xa rồi mà tôi vẫn còn nghe thấy tiếng chửi cay cú của lão Bổ Củi cứ réo lên tức tối. Và tiếng dòng suối róc rách, róc rách như đang chế giễu lão.




             29.         Hồ Móng Ngựa có từ khi nào?
                         Thày đồ Gọng Vó thông thái.


    Tôi lại dong duổi trên đường

    Qua vài ngày thì bò tới một cái hồ méo mó, nước trong veo. Quanh hồ, cây cối mọc xum xuê, nghiêng mình soi bóng xuống mặt nước.

    Đó chính  là hồ Móng Ngựa.

    Thày đồ Gọng Vó thông thái đang khều khào bộ chân gầy còm, giảng bài cho lũ trò Niềng Niễng con. Thày ngồi xổm trên một đĩa lá sen, dõng dạc hỏi:

    - Vì sao trong khu rừng Dẻ tốt tươi lại có hồ Móng Ngựa sâu thẳm, đầy ắp nước. Trò nào biết.

    Bọn Niềng Niễng con im thít nhìn nhau. Thày đồ Gọng Vó buồn bã lắc cái cổ còm, than:

    - Ôi, lũ học trò dốt nát, chỉ ham bơi lượn này, sao chúng mày lười học thế, sao chúng mày ngu thế. Hỏi có thế mà chẳng đứa nào biết. Thôi, nghe ta giảng giải đây.

    Và thày hắng giọng kể về nguồn gốc  hồ Móng Ngựa như sau:

    - Cách đây hàng triệu năm, nơi đây còn là một rừng Dương Xỉ um tùm có rất nhiều chim mỏ nhọn đeo cánh da đánh nhau với những ác thú khổng lồ có sừng mọc ở mũi. Thế rồi một buổi chiều mưa gió, sấm chớp nổi lên dữ dội. Cây cối bị sét đánh cháy rừng rực trong cơn mưa như trút nước. Muôn loài ác thú xô nhau chạy trốn. Đột nhiên, có tiếng nổ ầm ầm vọng lên từ lòng đất. Tiếng nổ mỗi lúc một mạnh. Cả cánh rừng nguyên thuỷ rung chuyển dữ dội, rồi từ từ lật nghiêng đổ xụp xuống. Đất rừng vỡ toác ra như miếng vực đen ngòm. Tới khi mưa gió tan đi, thì hỡi ôi cả khu rừng rậm đã biến mắt. Và chỉ còn lại một cái hố méo mó này thôi.

    Giờ đây khi các trò ngồi xúm xít nghe ta kể câu chuyện này, thì mọi dĩ vãng xa xăm đã bị lãng quên, mục nát dưới đáy hồ. Và trước mặt thày trò ta chỉ còn mặt nước lăn tăn gợn sóng như lời thủ thỉ nhắc chuyện xưa.

    Bài giảng đã hết.  Lớp học tan, các chú Niềng Niễng con ríu rít bơi đi. Đợi thày đồ Gọng Vó ghé thuyền sát vào bờ, tôi khoan thai bước tới, kính cẩn:

     - Kính thày ạ.

    Thày đồ Gọng Vó cũng lễ phép đáp lễ:

     - Vô phép…xin tiên sinh cho biết quý danh.

    Tôi xưng họ tên, rồi hỏi thăm chú Kiến Nâu. Thày đồ Gọng Vó vỗ vỗ vào cái đùi còm, kêu lên:

    - Có, có. Tôi có gặp tiên sinh Kiến Nâu quê ở gò Trui. Chả là tiên sinh Kiến Nâu có nhờ tôi viết một bài văn tế cụ…cụ…

    Tôi nín thở nối lời thày:

    - Cụ Chuồn Chuồn Ngô, ngụ cư ở hồ nước Bạc.

    - Đúng, đúng, chí phải.

    Mừng run cả râu, tôi túm ngay lấy thày đồ, làm thày cuống lên.

    - Ấy chết! Tiên sinh làm lật thuyền lá sen của tôi bây giờ.

    - Xin thày tha lỗi. Tôi chỉ muốn hỏi Kiến Nâu bạn tôi hiện giờ ở đâu thôi ạ.

    - Cái đó thì tôi không được biết. Tiên sinh Kiến Nâu chỉ tới đây nhờ tôi việc đó rồi tiên sinh lại ra đi…

     Nghe thày đồ Gọng Vó nói vậy, tôi buồn quá, cụp râu, thở dài.

     Thày đồ Gọng Vó bèn khuyên tôi:

    - Tôi là kiếp Gọng Vó, chỉ quanh quẩn ở cái hồ này nên chỉ biết những chuyện quẩn quanh cái hồ méo này thôi. Để tôi chở tiên sinh sang bên kia hồ tìm đến yết kiến sư cụ Cánh Cam tu ở am lá đa mà hỏi thì may ra biết chăng…

    Nói rồi thày đồ Gọng Vó mời tôi ngồi lên thuyền, và thày nhanh nhẩu nhảy ùm xuống nước, ra sức đẩy con thuyền lá sen trôi sang bên kia hồ.



                            30.              Chị Nhện Vàng.
                               Tung tích của chú chàng Kiến Nâu.

    Thói thường, các vị chân tu thích tụng kinh gõ mõ ở chỗ nào cô tịnh, xa lánh bụi đời. Có lẽ vì thế mà sư cụ Cánh Cam dệt am ở trên một cành Đa cao. Phần tôi, tuy đã được thày đồ Gọng Vó dặn dò, mách bảo chu đáo, nhưng thú thực tôi vẫn cứ rờn rợn khi bò tới gần cái am nhỏ của sư cụ.

    Nhưng lần này tôi lại không gặp ai cả. Cửa am đóng kín, bụi phủ đầy trên sàn lá, chứng tỏ am đã bỏ vắng lâu ngày. Thế này là thế nào nhỉ. Hay là sư cụ đã bỏ đi kiếm mồi ở đâu xa rồi?

    Loài kiến chúng tôi mỗi khi có điều gì đắn đo thường bò quanh quẩn. Lúc đó tôi cũng theo thói quen của dòng họ. Thế là tự nhiên, từ trên một cành Đa xanh tốt bay xuống giọng ca lảnh lót, vui vẻ mà giễu cợt:

           Con Kiến mà leo cành Đa
           Leo phải cành cụt, leo ra leo vào
           Con Kiến mà leo cành Đào
           Leo phải cành cụt, leo vào leo ra
           Con Kiến mà leo cành Đa…
                                                                                             
    Tôi ngẩng lên, chợt thấy một chị Nhện vàng thướt tha, ôm bọc trứng to, nằm trên võng tơ đang đu bổng tít theo gió. Chị Nhện Vàng vui vẻ chõ xuống trêu tôi:

    - Chú Kiến Lửa đen xì xì kia ơi! Am của sư cụ Cánh Cam toàn lá rách và bụi đời thôi, có gì đâu mà chú mất công dòm ngó. Hay là chú có điều gì bực bội, chán ngán cõi trần, định tìm cửa phật gửi mình đấy?

    Tôi lúng túng, hỏi vọng lên:

    - Chị Nhện ơi, cho tôi hỏi sư cụ chùa lá Đa đi đâu mà vắng thế?

    - Dưng mà chú muốn hỏi làm gì cơ chứ?

    - Tôi muốn hỏi thăm sư cụ đi đâu vắng chùa?

    - Chú muốn gặp sư cụ để xin làm tiểu có phải không? Thôi chú đừng có dấu chị nữa…Chú cứ thực đi…

    Chị Nhện Vàng vẵn cứ léo nhéo trêu tôi. Tôi phật ý, đã muốn đốp cho chị vài câu, rồi bỏ đi. Thì bỗng nhiên có một lão Rệp cây náu trong hốc cây tối om, xông tới, nhe bộ răng đen xì, đớp chị Nhện Vàng một miếng, rồi giằng ngay lấy bọc trứng chạy biến.

    - Ối làng nước ơi! Thằng đểu. Nó cướp bọc trứng của tôi.

    Chị Nhện vàng chu chéo, cuống cuồng đuổi theo lão Rệp cây. Ai dè lão Rệp quay phắt lại, đớp lia lịa vào cẳng chị Nhện. Chị Nhện rú lên, rẫy rụa, nhưng vẫn lăn xả vào giành lại bọc trứng.

    - Quân ăn cuớp. Trả tao bọc trứng đây. Ới chú Kiến Lửa ơi! Giúp  chị với.

   Tôi vội thoăn thoắt bò lên cành Đa cao, xông vào lôi lão Rệp ra. Thừa cơ, chị Nhện giành lại bọc trứng, truyền lên một cành Đa khác. Mất mồi, lão Rệp nổi điên, ngoái sang cắn vào cẳng tôi:

    - Cút mày đi. Việc gì mà rúng râu vào.

    - Sao ông ăn cướp bọc trứng của chị Nhện.

    - Ranh con, ông thích thì ông cướp. Ai cho mày lí sự.

    Mắt lão Rệp long lên vì tức, vì tiếc. Lão xông tới tóm lấy râu tôi xoắn ngược lại. Đau quá, tôi bỗng nổi cáu, mình mẩy đỏ rực lên. Tôi co cẳng đạp lão. Lão Rệp hét một tiếng, ngã lộn khỏi cành Đa. Vẫn chưa hết tức, tôi vuốt lại bộ râu, toan nhẩy xuống đánh nữa, chị Nhện đã xà xuống, treo mình dưới một sợi tơ óng ánh, can tôi:

    - Thôi chú Kiến Lửa ạ. Đánh lão thế đủ rồi. Cảm ơn chú đã cứu đàn con sắp ra đời của tôi. Thế ra ban nãy tôi trêu chú, chú không để bụng nhỉ. Vậy chú tìm sư cụ Cánh Cam để làm gì?

    - Sư cụ đi đâu rồi hả chị?

    - Sư cụ đi lên cõi niết bàn rồi. Thật không may cho chú.

    - Ối chết! Thế tôi biết hỏi thăm ai để tìm chú Kiến Nâu bây giờ.

    - Chú Kiến Nâu nào? Có phải chú Kiến Nâu ở gò Trui không?

    Nghe chị Nhện hỏi vậy, tôi giật mình, kêu lên:

    - Trời ơi! Đúng rồi. Sao chị lại biết Kiến Nâu ở gò Trui?

    - Rõ hay chửa. Thế mà chú không hỏi ngay từ ban nãy.Có phải việc gì chú cũng hỏi cụ sư suốt ngày chỉ biết gõ mõ cốc cốc đến khô cả cánh là biết đâu. Tôi là tôi biết rất rõ chú chàng Kiến Nâu bạn chú bây giờ ở đâu nhé.

    Và chị Nhện Vàng rành rọt kể rằng vào một buổi sớm nắng vàng óng như tơ, chị Nhện có gặp chú Kiến Nâu khăn gói cùng với lão Rệp cây đi ngang qua đây. Chị hỏi chú Kiến Nâu đi đâu, thì chú bảo đi làm thuê cùng với lão Rệp cây ở dưới tổ Mối để lấy tiền mua đò xuôi về dòng sông xanh quê hương. Thấy vậy chị Nhện đã định can ngăn, nhưng lão Rệp cây trừng mắt doạ chị rồi kéo Kiến Nâu đi luôn. Thế rồi vài hôm sau, chị Nhện nhìn thấy lão Rệp cây hí hửng ngồi đánh chén một bọc trứng Mối ung, mà không thấy Kiến Nâu đâu. Chị đoán là Kiến Nâu đã bị lão Rệp cây lừa bán cho bọn Mối để lấy trứng ung ăn rồi.

     Nghe đến đây, tôi cuống lên hỏi chị Nhện có biết tổ Mối ở đâu không. Chị Nhện can:

    - Chao ôi! Muốn cứu Kiến Nâu chỉ có cách xuống tận tổ Mối. Nhưng xuống thì dễ, lên thì khó lắm đấy.

    Và chị Nhện khuyên tôi nên nghĩ cho kỹ, kẻo cực chẳng đã, vạ vào thân. Đã chẳng cứu được Kiến Nâu, lại bị nhốt dưới tổ Mối suốt đời thì khốn.

    Tôi bùi ngùi nói với chị Nhện:

    - Tôi cũng sợ bị nhốt dưới tổ Mối lắm, nhưng để Kiến Nâu bị tù tội suốt đời thì tôi không đành lòng. Đã gọi là bạn bè thì vui buồn hoạn nạn phải có nhau. Tôi quyết đi tìm chú Kiến Nâu.

    Thấy vậy chị Nhện bèn cho tôi một hạt Đậu, rồi ân cần dặn:

    - Thôi được, ăn ở với nhau có nghĩa thế là quý. Chú quyết mò xuống tổ Mối thì tôi cho chú hạt Đậu này hộ thân.

    Rồi chị Nhện lấy tơ buộc hạt Đậu vào dưới bụng tôi. Tôi cứ mặc cho chị buộc, trong bụng bán tín bán nghi. Tôi bảo:

    - Hạt Đậu con tí này thì ích gì, chị cứ để tôi vác theo mộ cây đại côn còn hơn.

    Chị Nhện cười lanh lảnh, bảo tôi:

    - Chú Kiến Lửa còn ngốc lắm. Hạt Đậu này tuy chỉ là hạt Đậu bình thường, nhưng rồi có lúc nó lại có phép lạ cửa trời phật đấy. Chú muốn sống thì đừng có vứt nó đi. Nặng mấy cũng cố đeo lấy nhé…khôn hồn thì nhớ lấy lời tôi.

    Chị Nhện đã buộc xong. Tôi vuốt hai sợi râu chào chị rồi hối hả bò xuống khỏi cây Đa. Thú thực, nghe chị Nhện dặn như vậy, nhưng lòng tôi vẫn không hiểu ra làm sao cả.