Thursday, November 12, 2015

Bakhtin tên tuổi ấy thuộc về ai?

PBVH: Tạp chí Critique (Phê bình) do Georges Bataille thành lập năm 1946, mới đầu do Éditions du Chêne xuất bản. Theo ý tưởng của Georges Bataille , tạp chí có mục đích “giới thiệu tinh hoa tư tưởng nhân loại trong những cuốn sách hay nhất” (« l’essentiel de la pensée humaine prise dans les meilleurs livres”). Tạp chí nhanh chóng được giới trí thức đánh giá rất cao về chất lượng, nhưng do những khó khăn về kinh tế, Éditions du Chêne chuyển giao nó cho nhà xuất bản Éditions Calmann-Lévy cho đến số 40 (năm 1949). Từ năm 1950, tạp chí được chuyển giao choÉditions de Minuit.

Éditions de Minuit thành lập năm 1941 và là một trong những nhà xuất bản nổi tiếng nhất của Pháp về chất lượng tác phẩm. Trong số các tác giả được Éditions de Minuit ấn hành, có 2 người đoạt giải Nobel (Samuel Beckett and Claude Simon), ba người đoạt giải Goncourt (Marguerite Duras, Jean Echenoz và Jean Rouaud), bảy giải Médicis, một giải Renaudot và ba giải Femina. Ngoài ra là rất nhiều tác giả kiệt xuất: Vercors, Paul Éluard, François Mauriac, Louis Aragon, Jacques Maritain, Jean Paulhan, André Chamson, André Gide, Monique Wittig… Các tác giả của Tiểu thuyết mới như Alain Robbe-Grillet, Claude Simon, Marguerite Duras, Robert Pinget cũng thành danh nhờ bệ phóng là Éditions de Minuit.Từ thập niên 1970 đến nay, Éditions de Minuit tiếp tục là nơi cổ vũ cho các tài năng trẻ xuất sắc như Jean Echenoz, Jean-Philippe Toussaint, Jean Rouaud, Marie NDiaye, Patrick Deville, Éric Chevillard, Laurent Mauvignier và Julia Deck, những người tạo nên một “Style Minuit” đầy cách tân và sáng tạo.

Chính Éditions de Minuit năm 1977 đã xuất bản cuốn “Chủ nghĩa Marx và triết học ngôn ngữ” với tên tác giả là Mikhaïl Bakhtine (N. V.Voloshinov).

Phê bình văn học xin giới thiệu bài viết đáng chú ý sau đây về Bakhtin đã được đăng trên tạp chí Phê bình (Critique ) năm 2012 do Éditions de Minuit xuất bản.

*

Bakhtin tên tuổi ấy thuộc về ai?



Laurent Jenny

Trước tác và tư tưởng của Bakhtin, bất ngờ được “phát hiện” ở phương Tây vào cuối những năm 60, có một nét đặc thù là không chỉ làm thành một chương trong lịch sử phê bình văn học và khoa học nhân văn Xô Viết, mà còn là giai đoạn trong đời sống tri thức Pháp. Với cả một thế hệ, Bakhtin là tên tuổi gắn liền với sự thoát khỏi cấu trúc luận. Năm 1970, Julia Kristeva giới thiệu Thi pháp Dostoïevski (bản in năm 1963) như là dự cảm về những chuyển đổi tri thức luận đang diễn ra. Về mặt ngôn ngữ học, những lý thuyết của Bakhtin dự báo về việc chuyển di từ ngôn ngữ học phát ngôn sang ngôn ngữ học về sự phát ngôn, quan tâm tới quá trình sản xuất, tới bối cảnh lịch sử và những tiền giả định diễn ngôn. Hơn thế, đối thoại luận gần như đã bao hàm, mặc dù ông không muốn (bởi vì Bakhtin được cho là, dưới cái tên Voloshinov, trong cuốn Học thuyết Freud của ông, đã phê phán nặng nề tư tưởng của Freud), ý tưởng về một chủ thể chia rẽ, bị phân chia thành nhiều trạng huống, không thể tổng quát hóa và tương đồng với chủ thể kiểu Freud. Cuối cùng, tính phức điệu Bakhtin đã phê bình sự biểu hiện, thách thức mọi ý thức hệ và được xem như “kẻ khác của diễn ngôn thần học” (cho dù Kristeva phải công nhận rằng ngôn từ của Bakhtin vẫn “bị ảnh hưởng nặng nề bởi thần học”). Ở tư cách đó, tính phức điệu cho phép chúng ta hiểu không chỉ Dostoïevski mà, thông qua tính carnaval (lễ hội dân gian), cả chủ nghĩa tiền phong văn học, từ Joyce đến Bataille và thậm chí ngay cả Sollers. Sự tôn thờ Bakhtin ở Pháp lên đến đỉnh điểm vào năm 1981 với cuốn sách của Tzvetan Todorov, Mikhaïl Bakhtine, nguyên lý đối thoại. Dựa vào việc lắp ghép kiểu hợp tuyển các văn bản của Bakhtin từ năm 1919 đến khi ông mất, Todorov muốn chứng minh tính nhất quán, dù rất khó thiết lập, trong tư tưởng của Bakhtin. Nhưng Todorov cũng đọc Bakhtin theo một hướng mới: chắc chắn Bakhtin là thủy tổ của “liên văn bản” hiện đại, nhưng ý nghĩa sâu xa của đối thoại luận Bakhtin là tạo lập ngành “nhân học về cái khác”. Như vậy, ông mở đầu cho bước ngoặt đạo đức mà bản thân Todorov sau này hẳn có vay mượn, khi đoạn tuyệt (cũng giống như Bakhtin, nhưng vì những lý do khác) với thi pháp hình thức luận vốn là đối tượng quan tâm đầu tiên của mình.

Vào thời đó, người ta chẳng thắc mắc gì về bối cảnh xuất hiện của Bakhtin trên sân khấu Xô Viết, và sau đó là ở phương Tây. Và người ta có thể biện hộ hoàn toàn hợp pháp rằng chẳng có lý do nào để làm việc đó, cũng chẳng có điều kiện để làm, nhất là ở phương Tây. Mặc dầu vậy, trước tác của Bakhtin rõ ràng gây ra một số khó khăn trong việc tiếp nhận. Những khó khăn đầu tiên dễ thấy là các công trình của Bakhtin rất tối nghĩa, và thậm chí có những mâu thuẫn nội tại. Những khó khăn thứ hai, quan trọng hơn, liên quan đến quy mô thực sự của trước tác của Bakhtin. Tin vào tuyên bố của nhà ký hiệu học Xô Viết V. V. Ivanov, đưa ra từ năm 1973 đến năm 1975, người ta chấp nhận rằng Bakhtin là tác giả bí mật của những công trình quan trọng xuất bản dưới tên của V.N. Voloshinov và P.N. Medvedev, đặc biệt, cuốn Chủ nghĩa Marx và triết học ngôn ngữ (1929) của V.V. Voloshinov, và Phương pháp hình thức trong nghiên cứu văn học (1928) của P.N. Medvedev. Theo Ivanov, những tác giả này, hai “môn đệ” của Bakhtin, hình như đã yêu cầu Bakhtin xuất bản các công trình của ông và dưới tên của họ, và Bakhtin có lẽ đã sẵn sàng chấp thuận đề nghị ấy. Lý giải, đã sớm được đưa ra, cho sự chiều ý đáng ngạc nhiên đó, là Bakhtin, vốn là một người chống giáo điều và chống duy xã hội luận Marxist, không thể tự xuất bản những cuốn sách đó, nếu không giao phó cho các môn đệ của mình một nhiệm vụ chẳng mấy vinh quang, đó là hóa trang những bài viết của mình bằng những câu từ Marxist, để làm cho chúng thích hợp. Mặc dù vậy, phải công nhận rằng, mặc dù luôn luôn có những phát biểu mập mờ, thậm chí mâu thuẫn, bản thân Bakhtin chưa bao giờ chính thức xác nhận mình là tác giả của những văn bản này. Mặt khác, ngay cả những nhà Bakhtin học thành tâm như Todorov cũng phải nêu lên sự khác nhau về văn phong rất lớn giữa những công trình ký tên Bakhtin (“đặc trưng bởi bố cục rối rắm, bởi sự trùng lặp đến nhàm chán, bởi xu hướng trừu tượng hoá) và những công trình ký tên Medvedev (“một văn phong rõ ràng, giản dị, những câu ngắn, […] một sự kết nối mạch lạc giữa các chương) hoặc Voloshinov (“cực kỳ giáo điều”). Nhưng không vì thế mà ông không coi “Bakhtin” là “nhà tư tưởng Xô Viết vĩ đại nhất trong lĩnh vực khoa học nhân văn, cũng như nhà lý luận văn học lớn nhất thế kỷ 20”. Trong niềm say mê Bakhtin, người ta đã thấy cuốn Chủ nghĩa Marx và triết học ngôn ngữ được NXB Minuit xuất bản tại Pháp vào năm 1977 dưới cái tên “Mikhaïl Bakhtine (V.N. Voloshinov)”, với bức ảnh Bakhtin trên bìa, như để khẳng định tác quyền. Dĩ nhiên, vấn đề này không phải là không quan trọng, bởi lẽ, đó là phân tích đầu tiên mang tính phương pháp luân, ngay từ năm 1928, theo quan điểm Marxist và xã hội luận, những hình thức đối thoại luận với sự hiện diện của kẻ khác trong diễn ngôn.

Ở bên kia Đại Tây Dương, người ta cũng đã chứng kiến sự sùng bái Bakhtin tương tự sau đó vài năm, nhất là qua chuyên luận của Katerina Clark và Michael Holquist, Mikhail Bakhtin (1984). Cuốn sách này, phù hợp với tuyên bố của những người đầu tiên phát hiện ra Bakhtin ở Liên Xô, đưa ra giả thuyết kép về tác quyền toàn bộ và thiên tài của Bakhtin. Mặc dầu vậy, ít lâu sau, hai nhà nghiên cứu người Mỹ khác, Gary Saul Morson và Caryl Emerson, trong cuốnThe Baxtin Industry(1986), đã tỏ ra có thái độ phê phán hơn đối với sự tiếp nhận Bakhtin cả ở Châu Âu lẫn Hoa Kỳ. Trái với Todorov, họ đã làm sáng tỏ những mâu thuẫn sâu sắc giữa những luận điểm của Bakhtin trong những bài viết đầu tiên vào đầu những năm 1920 – trong đó ông thiết lập kết cấu một thế giới chú tâm vào cái tôi tác giả, và quan điểm của ông trong cuốn Dostoïevski xuất bản năm 1929 – trong đó nhấn mạnh tính đối thoại của ngôn từ và mối quan hệ tất yếu của nó với kẻ khác. Từ đó, họ rút ra kết luận là sự chuyển biến của Bakhtin chỉ có thể diễn ra dưới ảnh hưởng của các công trình trước đó của Voloshinov (chứ không phải ngược lại). Khái quát hơn, họ nhấn mạnh tính không tương thích giữa “chủ nghĩa Marx sáng tạo” trong những bài viết ký tên Medvedev và Voloshinov, và những tuyên bố công khai chống Marxist được Bakhtine đưa ra nhiều lần và cho đến cuối đời. Vì thế cần phải loại các công trình này ra khỏi trước tác của Bakhtin. Thêm nữa, họ xem cuốnRabelais như sự phát triển lệch lạc trong trước tác của Bakhtin, về cả văn phong – vì tính trùng lặp và kém thanh thoát, lẫn về lý thuyết – vì cổ xúy cho carnaval hóa, cự tuyệt mọi trách nhiệm cá nhân, gần như đi đến chủ nghĩa hư vô, sự phủ nhận mọi đối thoại, tạo thuận lợi cho những cách độc giải kiến tạo. May là trong những bài viết cuối cùng trong những năm 70, có lẽ Bakhtine đã trở lại với quan niệm về tiếng cười có trách nhiệm hơn và cởi mở hơn. Kể từ đây, có sự đối lập giữa một Bakhtin ly khai cánh hữu, như đã được Morson và Emersin đã tái dựng, và một Bakhtin khác phức tạp hơn, nhìn chung tương thích hơn với những lý tưởng tiến bộ, thậm chí Marxist, trong cách nhìn của các tác giả khác.

Nhìn lại khoảng mười năm tường giải Bakhtin, người ta thấy băn khoăn. Sự thiếu minh bạch, sự hoài nghi về tác quyền của các công trình, và sự thiếu nhất quán giữa các chúng đã tác động như là những động lực diễn giải mạnh mẽ, thêu dệt xung quanh Bakhtin một tấm áo Arlequin chú giải đầy mâu thuẫn. Thật nghịch lý, từ một người có quan điểm vô thần, nhờ mở rộng khái niệm phức điệu, theo Kristeva, Bakhtin đã trở thành một nhà nhân văn chủ nghĩa, một triết gia về cái Khác, cô đơn một cách bi kịch (và mỉa mai thay, lại không được người khác công nhận), theo Todorov. Người ta cũng đã thấy nở rộ những diễn giải tự suy diễn. Thế nên, Todorov mới đề xuất xem xét tên của các tác giả Medvedev và Voloshinov như là tên của những đối tượng hướng đến của các công trình do Bakhtine viết dưới góc độ đối thoại, qua đó giải thích sự thay đổi văn phong rất lớn ta thấy từ bài này sang bài khác: hẳn là Bakhtine khi nói với ai thì bằng ngôn ngữ của người ấy – rõ ràng và chính xác khi nói với Medvedev, giáo điều khi nói với Voloshinov, và tối nghĩa, tự trùng lặp khi viết cho chính mình… Về phần mình, Clark và Holquist thấy trong tính dị chất của diễn ngôn Bakhtin sự báo hiệu một cơ chế tư duy mới, vượt qua những định kiến duy lý chủ nghĩa trong văn hóa Châu Âu hiện đại và nguyên tắc phi mâu thuẫn hẹp hòi: “Bakhtin đã thực hiện một cú nhảy rất xa từ tư duy biện chứng, phiến diện, vẫn còn được xem như chuẩn mực chung, đến tư duy đối thoại hay còn gọi là tư duy quan hệ” (Lột mặt nạ Bakhtin[1],tr. 141). Dù vậy, cành nguyệt quế của những cách đọc tự suy diễn thuộc về A. J. Wehrle, trong lời giới thiệu bản dịch sang tiếng Mỹ cuốn Phương pháp hình thức trong nghiên cứu văn học(1978): tiếp tục những gợi ý từ cuốn tiểu sử do Kojinov và Konkine viết (1973), theo đó Bakhtin dường như rất “ưa thích những hình tượng ‘carnaval’”, Wehrle đưa ra giả thuyết rằng chính Nhóm Bakhtin có lẽ đã cố ý tráo đổi danh tính trong một “không khí carnaval”, và bằng cách đó biện minh cái vũ điệu tên giữa Bakhtine, Voloshinov và Medvedev.

Đáng lưu ý là Châu Âu, đặc biệt là Pháp, đã tỏ ra gần như làm ngơ trước những cuộc tranh luận về ai là tác giả đích thực của những văn bản được gán cho Bakhtin và những diễn giải chính trị rất mâu thuẫn về các công trình của ông. Chỉ mới đây (2010), cuốn Chủ nghĩa Marx và triết học ngôn ngữ mới được trả lại cho Voloshinov trong bản dịch mới của Patrick Sériot và Inna Ageeva do NXB Lambert-Lucas ấn hành. Nhưng không vì thế mà người ta rút ra những hậu quả để xét lại vụ Bakhtin. Đó là việc mà Jean-Paul Bronckart và Cristian Bota đã làm được trong cuốn Lột mặt nạ Bakhtin. Cuốn sách của họ là một cáo trạng nghiêm khắc, được chứng minh bằng một bản khảo sát dày hơn 600 trang cả những dữ liệu sẵn có nhằm tái tạo tiểu sử của Bakhtin lẫn sự tiếp nhận Bakhtine đầy sóng gió trong lịch sử. Giọng điệu cay nghiệt, tuy phân tích vẫn cực kỳ nghiêm túc, theo tôi, được chủ yếu lý giải bởi bối cảnh phủ nhận, đặc biệt trong phạm vi nước Pháp. Cuốn sách của Bronckart và Bota theo đuổi ba mục tiêu riêng biệt dù giữa chúng có mối liên hệ với nhau: sửa lại những mặt gian dối trong tiểu sử và trước tác của Bakhtin; kiến tạo lịch sử phê bình sự tiếp nhận nó kể từ khi nó được tạo ra; và cuối cùng, hẳn là việc quan trọng nhất với họ, trả lại cho Voloshinov và Medvedev những tư tưởng mà họ rất ngưỡng mộ về sự sâu sắc và tầm quan trọng trong lĩnh vực khoa học xã hội, những tư tưởng mà theo họ Voloshinov và Medvedev đã bị tước đoạt một cách bất công.

Vậy chúng ta thử nhìn rõ hơn trong hành trình của Bakhtin, đã bị làm mờ tối đi đồng thời bởi những dối trá chủ ý, những vùng tối hẳn không bao giờ tan, và bởi những mâu thuẫn có thể được quy cho chính Bakhtine cũng như những người diễn giải và viết tiểu sử của ông ở Nga và phương Tây. Tiếp nhận từ kho lưu trữ những nghiên cứu được thực hiện trong những năm 1990 bởi các nhà nghiên cứu người Nga vốn rất ủng hộ Bakhtin, Bronckart và Bota trước hết đã có thể nhắc lại một sự thật đáng kinh ngạc nhưng có thể bị bỏ qua: trái với khẳng định của Bakhtin vào năm 1973 trong cuộc trả lời phỏng vấn nhà phê bình văn học Duvakin, ông chưa bao giờ học ở trường Đại học Odessa và Đại học Saint-Péterbourg, cũng như chưa bao giờ học bốn học kỳ, từ năm 1910 đến năm 1912 ở Đại học Marbourg, như ông đã từng tuyên bố nơi khác. Trên thực tế, vì chưa bao giờ học trung học nên ông chưa bao giờ đăng ký học ở bất kỳ trường đại học nào. Quả vậy, ông đã tiếm quá trình học đại học của Nikolaï, anh trai, và Kagan, một người bạn. Như vậy, chính việc không có bằng cấp lý giải cho những vất vả trong cuộc sống của Bakhtin trong những năm 1920 khi phải làm rất nhiều công việc lặt vặt (thường được Medvedev giao cho), chứ không phải do kém may mắn, bệnh tật hay bị truy hại về mặt chính trị. Từ năm 1918 đến năm 1920, ông sống ở Nevel, thường xuyên tham gia câu lạc bộ triết học đầu tiên do M.I. Kagan chủ trì, đồng thời ông bộc lộ là rất quan tâm đến giới thần học cấp tiến. Trong thời gian từ 1920-1921, nhiều thành viên câu lạc bộ đầu tiên này, nhất là Bakhtin, Voloshinov và Medvedev, chuyển đến thành phố Vitebsk, rồi đến Leningrad vào năm 1924. Theo Clark và Holquist, những người phát triển giả thuyết của nhà phê bình Xô-viết Leontiev vào năm 1972, có lẽ khi chuyển chỗ cùng những thành viên chủ chốt, câu lạc bộ triết học này dần dần trở thành “Nhóm Bakhtin”. Có lẽ trong nhóm Bakhtin đã đóng vai trò sư phụ với những hai “môn đệ” và cũng là hai “người bạn” là Voloshinov và Medvedev. Chúng ta nên nhớ, giả thiết về sự tồn tại của một nhóm Bakhtin mang tính quyết định để lý giải tính dị chất trong trước tác của Bakhtin. Những tư tưởng, được Bakhtin truyền cảm hứng, có lẽ đã được truyền đi giữa tất cả mọi người “một cách đối thoại”. Có lẽ những tư tưởng này, có pha trộn chủ nghĩa Marx, hẳn đã được thể hiện dưới ngòi bút của Voloshinov và Medvedev. Tuy nhiên, không có tài liệu nào chứng minh là nhóm đó đã tồn tại, ngay cả trong những tuyên bố sau này của Bakhtin, người tỏ ra cực kỳ mập mờ về điểm này và có xu hướng chấp nhận sự tồn tại của nhóm Medvedev ở Leningrad hơn. Vả lại, theo Bronckart và Bota, vị thế cá nhân của ba thành viên có liên quan khiến cho sự tồn tại một câu lạc bộ do Bakhtin làm thủ lĩnh là khó tin: Bakhtin chưa xuất bản gì và hầu như chưa được công nhận, còn Medvedev và Voloshinov đang có một sự nghiệp nghiên cứu xuất sắc ở Viện lịch sử so sánh ngôn ngữ và văn học Đông Tây ở Leningrad. Cả hai cùng phối hợp với nhau trong một chương trình nghiên cứu của Viện này. Từ 1921, Voloshinov đã xuất bản nhiều bài báo quan trọng và vào năm 1927 đã xuất bản cuốn Học thuyết Freud. Ông được thầy là Jakubinski cho làm quen với đối thoại luận và từ năm 1926, ông đã phát triển phương pháp tiếp cận này, nhất là trong khuôn khổ công trình nghiên cứu về Dostoïevski. Còn Medvedev, ông đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ văn hóa, đã xuất bản một cuốn sách về tác phẩm của nhà thơ Blok từ năm 1923 và đã tham gia vào những cuộc tranh luận ồn ào với trường phái hình thức luận, bằng chứng là cuốn Phương pháp hình thức trong nghiên cứu văn học, xuất bản năm 1928, trong số nhiều công trình khác. Ngoài ra, cả hai là những nhà Marxist kiên định, khác xa với những ý tưởng mà Bakhtin phát triển trong những bản thảo viết trong cùng thời gian đó, những tư tưởng liên quan đến phong trào Slavophiles (Sùng bái văn hóa Xlavơ) và những phong trào tôn giáo ông tham gia.

Vào tháng Mười Hai năm 1928, chế độ cứng rắn hơn đối với những phần tử “chống chủ nghĩa xã hội”, và, trong bối cảnh đó, hàng trăm thành viên của các hội tôn giáo bị bắt giữ, trong đó có Bakhtin, cũng như người bạn của ông là linh mục theo dòng thánh Joseph Andreev và các thành viên thuộc nhóm Phục sinh. Ông bị tố cáo tham gia Hội thánh Séraphin và có tên trong danh sách những người tham gia chính phủ chống Cộng sản được xuất bản ở Paris. Vì sức khỏe yếu (ông bị viêm xương tủy), ông phải nằm viện cho đến mùa thu năm 1929. Một nhóm bạn bè và người quen, đứng đầu là Yudina và vợ chồng Kagan, tổ chức một chiến dịch đòi trả tự do cho ông. Cuối cùng, vì lý do sức khỏe, ông được cải giảm tội danh, từ chỗ bị kết án lưu đày ở đảo Solovetsky sang chỗ chỉ bị biệt xứ trong thời gian 6 năm ở thành phố Koustanaï, Kazakhstan. Vậy mà, trong bối cảnh cực kỳ rắc rối đó, thật đáng ngạc nhiên, phiên bản đầu tiên của cuốn Những vấn đề sáng tác của Dostoïevski được xuất bản. Cho đến thời điểm đó Bakhtin không thể in được tác phẩm, vậy mà bỗng dưng ông được nhận in đúng vào lúc bị bắt giữ. Những chi tiết khác, liên quan đến dị tính trong tác phẩm này, mà nhiều nhà phê bình đã nêu ra, cũng khiến chúng ta phải ngạc nhiên. Trong khi phần đầu của cuốn sách được cắm chặt vào xã hội học theo cảm hứng Marxist và đặt ra nguyên lý phức điệu trong tác phẩm Dostoïevski, thì ba chương, rời rạc hơn nhiều, triển khai một luận điểm xem ra trái ngược, bởi, giống như trong những văn bản đầu tiên của Bakhtine, luận điểm này gán cho Dostoïevski cái tính độc thoại dựa trên niềm tin về giá trị của tác giả, bản thân nó lấy “công truyền” thần thánh làm nòng cốt: theo thỉnh cầu của tác giả, tiếng nói của Chúa sẽ tổ chức các giọng nói của các nhân vật và đưa ra giải pháp cho những cuộc tranh luận của các nhân vật đó. Phần thứ hai của cuốn sách thì trở lại phân tích văn phong nghiêm nhặt về sự phân phối các giọng điệu, trong một viễn cảnh rất gần với những phân tích sự truyền đạt lời kẻ khác mà Voloshinov đã triển khai trong phần cuối của cuốn Chủ nghĩa Marx và triết học ngôn ngữ.Thêm vào đó, Bakhtin luôn bộc lộ thái độ nước đôi về cuốn này – phê phán những diễn giải theo tương đối luận mà cuốn sách này có thể phải hứng chịu, và khẳng định, đặc biệt vào năm 1970, rằng “lẽ ra ông ấy có thể viết nó theo một cách khác hơn nhiều”. Khi, đầu những năm 60, những người “phát hiện” và hâm mộ trẻ tuổi, Koshinov và Bocharov, đề xuất với ông việc tái bản cuốn Dostoïevski, Bakhtin để cho họ toàn quyền, chỉ có một ghi chú mào đầu: “Để hoàn thành cuốn sách về Dostoïevski”. Thực ra, họ sẽ soạn lại một cách căn bản cuốn sách. Việc so sánh hai văn bản cho thấy họ đã xóa bỏ tất cả những đoạn dành cho ngôn từ một chiều kích xã hội; họ đã cố gắng giảm thiểu các chủ đề về tính đối thoại, tính phức điệu và sự thiếu vắng chức năng kết luận trong tiểu thuyết; cuối cùng, họ đã dựa vào những công trình trước đó của Bakhtin liên quan đến carnaval hóa.

Đến đây, cần phải dừng lại một chút để nói về những kết luận khốc hại mà Bronckart và Bota rút ra từ tất cả những sự kiện và phân tích đó. Theo họ, rõ ràng cuốn Dostoïevski xuất bản lần đầu là một sáng tạo đa giọng điệu. Bakhtin, trong tình trạng bị giam giữ, có lẽ không thể viết cuốn sách này, và nó có lẽ đã được soạn từ một số trong những bài viết của ông. Việc xuất bản cuốn sách này sẽ chỉ được lý giải bằng nỗ lực của Voloshinov và Medvedev để kéo Bakhtin ra khỏi tình cảnh khốn đốn bằng cách gán cho ông một diễn ngôn theo thiên hướng Marxist để đỡ cho những luận điểm tôn giáo quá khích của ông. Vì vậy, chính họ là những người đã đứng ra lo cái vụ xuất bản sách ấy. Cho nên, không phải lẽ ra Bakhtin phải là tác giả của cuốn Chủ nghĩa Marx và triết học ngôn ngữ, mà điều ngược lại có lẽ mới đúng: cuốnDostoïevski có lẽ phần lớn là của Voloshinov! Từ việc nghiên cứu các bài viết và thái độ ngập ngừng sau này của Bakhtin, có thể rút ra rằng những khái niệm chủ yếu mà chúng ta gán cho Bakhtin (đối thoại luận và tính phức điệu) có lẽ trên thực tế là do Voloshinov sáng tạo nên, và rằng Bakhtin có lẽ đã luôn luôn tìm cách giảm bớt, làm biến dạng, hay không thừa nhận khi ông được cho là tác giả của chúng.

Nhưng chúng ta hãy trở lại những năm 1930 và giai đoạn tiếp theo trong hành trình của Bakhtin. Bakhtin đến Koustanaï đầu năm 1930, với nghĩa vụ phải trình diện cơ quan an ninh mỗi tuần một lần. Từ năm 1931, ông đã có thể làm việc ở đó, nhất là ở Hội đồng quận. Sau cuộc lưu đày đó, nhờ Medvedev can thiệp mà ông được mời giảng dạy tại trường Đại học sư phạm Mordovie tại Saransk vào năm 1936. Cùng năm đó, Voloshinov chết vì bệnh lao. Medvedev bị xử bắn trong một cuộc thanh trừng hai năm sau đó. Chỉ đến năm 1945 Bakhtin mới có việc làm ổn định với tư cách là giảng viên tại Đại học viện sư phạm Saransk và thậm chí được bổ nhiệm Trưởng Khoa văn học đại cương. Khi đó, ông mới tiến hành các thủ tục để bảo vệ luận án về Rabelais. Luận án được bảo vệ năm 1946 trong bối cảnh người ta đang nghi kỵ do Zhdanov chỉ đạo đối với những tác phẩm văn học “không phù hợp”. Nếu như một số thành viên hội đồng chào đón công trình của Bakhtin, một số người khác lại lên án nó là có tư tưởng “chống chính phủ”. Cuối cùng, Bakhtin chỉ được nhận học vị thấp là “phó tiến sĩ” chứ không phải là “tiến sĩ”. Dù vậy, Bakhtin, trong những năm tháng đó, hoàn toàn không phải là một kẻ ly khai. Xô-viết tối cao Mordovie, vào năm 1947, tặng bằng khen cho ông và nhờ đó tiền trợ cấp của ông được tính lại. Trong mười sáu năm ở Saransk, ông xuất bản rất ít. Một trong những dự định viết bài hiếm hoi của ông, về “Các thể loại lời nói”, năm 1953, có lời nói đầu gồm một loạt trích dẫn “người cha nhỏ bé của các dân tộc” (tức Stalin – N.D) và trong phần chính của bài báo, ông theo quan điểm của Stalin trong cuộc tranh luận về ngôn ngữ với Marr. Bài báo, dù vậy vẫn bị từ chối, chỉ được in vào năm 1979 trong một phiên bản mà mọi yếu tố liên quan đến Stalin đã bị xóa bỏ. Tháng Sáu năm 1961, nhà nghiên cứu trẻ người Nga Koshinov, vốn đã biết cuốnDostoïevski xuất bản lần đầu và đã nghe nói đến luận án về Rabelais, cùng với hai người bạn là Bocharov và Gachev đến thăm Bakhtin. Họ trở thành những nhân vật chủ chốt trong việc “khám phá lại” Bakhtin. Từ đó, họ chính là những người đứng ra xuất bản và khai thác kho tư liệu của Bakhtin, không những cuốnDostoïevski (phiên bản 2) mà cả cuốnRabelais. Koshinov loại bỏ khỏi bản thảo không những mọi điều có thể đụng chạm đến những nguyên tắc của Liên Xô, mà còn tất cả những chỗ theo quan điểm của Stalin. Cuốn sách được soạn lại theo cách đó được xuất bản năm 1965. Vào thời đó, tình trạng sức khỏe của Bakhtin xấu đi, Koshinov và bạn bè nhờ cậy Andropov, Giám đốc KGB, để ông được chữa bệnh tại bệnh viện Kremlin nổi tiếng ở Moskva, vốn chỉ dành cho quan chức cấp cao của chế độ. Những năm tháng cuối cùng, ông sống trong khu nhà của Hội nhà văn ở Moskva và qua đời vào tháng Ba năm 1975.

Từ những dữ liệu tiểu sử cuối cùng này, chúng ta có thể rút ra hai nhận xét. Nhận xét thứ nhất liên quan đến huyền thoại về sự dũng cảm ly khai của Bakhtin. Mặc dù đúng là trong bối cảnh chính trị sóng gió của những năm 1930, Bakhtin đã trả giá bằng hình phạt lưu đày hành chính vì niềm tin tôn giáo cực đoan, nhưng cuộc lưu đày này, không giống những cuộc lưu đày khác, không hề khổ cực như trong mộtgoulag, và Bakhtin đã nhanh chóng tìm được vị trí trong chính quyền địa phương. Cũng vậy, ông dường như đã thích nghi tốt với chủ nghĩa Stalin trong thập niên 1950, đến mức nhập tâm sự tôn vinh bắt buộc đối với tư tưởng của “người cha nhỏ bé của các dân tộc”. Phẫn nộ, Bronckart và Bota hẳn là đã đi quá xa trong việc kết tội Bakhtin, khi họ đưa ra giả thiết (Lột mặt nạ Bakhtin, tr. 560) rằng Bakhtin đã thành thực quy theo Stalin, rằng ông tìm thấy ở Stalin một kẻ thay thế cho hình mẫu lý tưởng thần thánh. Có vẻ đúng hơn nếu nhìn nhận đó là một sự xum xoe (quá mức) bình thường trong chế độ độc tài. Và, vì muốn biến Bakhtin thành tội đồ một cách thái quá, Bronckart và Bota có nguy cơ, đến lượt họ, bị kết tội là đưa ra những giả thiết vô căn cứ mà họ tố cáo ở những người khác. Điểm thứ hai, liên quan đến ngữ văn học, khiến chúng ta phải suy nghĩ: bây giờ, trong số trước tác của Bakhtin, gần như không có công trình lớn nào mà người ta có thể nói chắc chắn Bakhtin là tác giả duy nhất, hơn nữa, phần lớn các bài viết được xuất bản sau khi Koshinov và Bocharov “phát hiện” ra Bakhtin, và nhờ hai tác giả này, việc tiếp cận tư liệu gốc của Bakhtin được bảo vệ một cách cẩn thận để không rơi vào tay những kẻ hiếu kỳ. Người ta đã thấy cuốn Dostoïevski xuất bản lần đầu đáng ngờ ra sao và Koshinov đã sửa chữa phiên bản hai của cuốn Dostoïevski trong điều kiện như thế nào. Nhưng có thể ông ta đã làm nhiều là chỉ “biên tập” trong trường hợp cuốnRabelais. Không lao vào sự phân tích nội tại cuốn sách này, Bronckart và Bota còn tố cáo rất nhiều chỗ đạo văn từ cuốn sách của Spitzer về Rabelais, cuốn Die Wortbildung als stilistisches Mittel exemplifiziertan Rabelais (1910) và cuốn sách của Cassirer, Individu et cosmos dans la philosophie de la Renaissance (1927). Nói chung, việc tố cáo sự đạo văn tràn lan này được tăng cường bởi thực tế là trong các bài của mình, Bakhtin gần như không bao giờ nêu nguồn, không tham gia bất cứ cuộc tranh luận khoa học nào, và không chú thích. Những nhà phê bình như Brian Pool, ngay từ năm 2001, đã lưu ý là ngay cả những công trình trước đây của Bakhtin, với cảm hứng thần học và độc thoại, như cuốn Tiến tới một triết học hành vi và Tác giả và nhân vật (1922-1924?) cũng đều đầy rẫy những đoạn vay mượn Scheler, Hartmann, cũng như những nhà Kant mới Emile Lask và Hermann Cohen mà không dẫn nguồn. Viễn cảnh về sự phân biệt giữa những văn bản “đích thực” của Bakhtin và những công trình đạo văn, hay thậm chí là những công trình do những người khác viết, như vậy vẫn xa vời trong sương mù.

Trong cuộc điều tra của Bronckart và Bota, cần phải phân biệt giữa việc nhắc lại những sự việc đã được xác nhận (thường là bởi những người thành thực tin tưởng Bakhtin), những phân tích nội tại và những giả thuyết lý giải. Nhưng không nên lấy giọng điệu mạnh mẽ, đối khi giận dữ, làm cái cớ để tránh đối diện với những vấn đề được đặt ra. Các sự kiện phải được công nhận và phải dùng để tương đối hóa việc sung bái Bakhtin trong quá khứ, đồng thời trả lại cho các tác giả thật những công trình và những tư tưởng mà họ đã bị tước đoạt. Không nghi ngờ gì nữa, những phân tích nội tại đã làm lung lay nghiêm trọng sự nhất quán tri thức trong học thuyết Bakhtin. Bronckart và Bota là những người đầu tiên đã đọc kỹ những công trình trước đây của Bakhtin vốn có cảm hứng thần học và độc thoại. Họ chỉ ra dấu vết của chúng khắp nơi trong các công trình của Bakhtin. Vấn đề là chúng ta phải xem có thể cứu vớt được gì từ học thuyết Bakhtin. Tính “carnaval” thoát khỏi cuộc điều tra của họ, nhưng đến lượt nó, phải bị chất vấn, một công việc rất khó vì không có một bản in thực sự mang tính phê bình của cuốn Rabelais. Còn về những giả thuyết lý giải, tất nhiên, chúng có thể còn phải được tranh luận, nhưng trên một cơ sở lập luận chắc chắn. Không dễ dàng, cũng không dễ chịu, khi phải từ bỏ sự ngưỡng mộ (dành cho Bakhtin – N.D.) từng được chia sẻ bởi cả một thế hệ, nhất là khi rất nhiều tên tuổi lớn đã tham gia vào việc xây dựng nên sự ngưỡng mộ ấy, và khi sự ngưỡng mộ đó đã tạo cảm hứng cho biết bao nhiêu công trình. Tuy nhiên, các thông tin tích lũy được mà ngày nay chúng ta có đang buộc chúng ta phải từ bỏ, vì sự trung thực của trí thức và vì sự thật.

Nguyễn Duy Bình dịch từ tiếng Pháp

Nguyên văn: “De qui Bakhtine est-il le nom?” Critique, Editions de Minuit 2012/3- No 778, tr. 196-207

[1] Nguyên văn, tên sách là “Bakhtin bị lột mặt nạ, câu chuyện về một kẻ lừa dối, một trò bịp bơm và một cơn mê sảng tập thể”.

No comments: