Thursday, November 5, 2015

Phuong Nguyen



Lục trong file các bài viết cũ ,đọc lại bài này.Nhớ ngày ấy viết xong gọi cho chị Loan,chị bảo gửi qua mail chị biên tập cho,gọi anh Chính anh bảo gửi cho anh qua mail để anh đọc xem thế hệ các cô nghĩ gì về thằng lính cầm súng thời bình.ngày 08-03 anh gọi cho 03 chị em ( Thảo,Loan,Phượng) bảo trưa chị Lan làm món bún riêu cua anh đãi 03 cô,chị em mình đùa thế là chị Lan đãi anh nhận vơ.Bữa trưa của gia đình anh với 03 chị em thật đầm ấm vui vẻ.Mới đấy đã bao năm rùi,mọi người đều bận lâu không có dịp tụ tập,anh chị gặp phải những chuyện buồn nhưng mừng vì anh chị đều mạnh khỏe Bài viết thì dúi vào tủ sách không đưa ai vì không tự tin,giờ đọc lại thấy vui vui,muốn gửi để anh chị Lan Chính và mọi người đọc 


TẢN MẠN ĐẦU XUÂN – NHÂN ĐỌC TẬP THƠ “ CHẸC CHẸC “ CỦA NHÀ VĂN NGUYỄN ĐÌNH CHÍNH

Đã rất nhiều tranh cãi,bình luận gay gắt quanh những bài thơ trong tập thơ ‘chẹc chẹc” của nhà văn NguyễnĐình Chính (năm 2008).Tôi đọc thơ anh lần đầu tiên trên trang web laxanh.vn.com.trang văn học Việt Nam, với tình yêu của một người sinh ra ở Hà Nội,yêu Hà nội,trong những ngày mùa xuân này .
Tôi sinh cách anh hơn 20 năm, một thế hệ sau .Khi lớn lên chiến tranh đã lùi vào quá khứ,nhưng đất nước còn ngổn ngang những thương đau mất mát.Những con người của ngày hôm qua cầm súng, để lại một phần thân thể của mình nơi chiến trường,ngày hôm nay cầm bút cầm cày xây dựng lại.Nguyễn Đình Chính hẳn là một trong những con người như thế.Tôi không dám tranh cãi hay bình luận thơ anh ,tôi chỉ xin mạn phép như một người bạn nhỏ tuổi ,yêu Văn học ,yêu thơ,một thế hệ kế tiếp được cảm nhận và thấm đẫm những hào hùng của “trường ca sông Lô” (cố nhạc sỹ Văn Cao) “trường ca người Hà Nội”(cố nhạc sỹ Nguyễn Đình Thi) nhân dịp mùa xuân chia sẻ với anh đôi điều cảm nghĩ.
Có thể anh là số “gấu sỹ” ít ỏi thay mặt cho hàng trăm ngàn hiền sỹ lên tiếng nói lên sự thật, là khuôn mẫu chật hẹp không thể sản sinh ra nhà văn lớn,hoặc nếu không tự điều chỉnh mình như một cái van an toàn ,hay nói một cách hóm hỉnh như anh “là nhà văn nên tốt nhất đứng ngoài lề xã hội,ngồi quay mặt vào tường mà viết thì mới là nhà văn lớn,mới là người khôn ngoan biết điều” (trích phỏng vấn năm 2007). Đấy là nền Văn Học Việt Nam nói riêng,còn hiện trạng đất nước Việt Nam ra sao,tổ quốc Việt Nam đứng ở đâu,vị trí nào trên thế giới? đâu chỉ riêng anh mà hàng ngàn hiền sỹ nói riêng và hàng triệu người Việt Vam yêu tổ quốc trăn trở với câu hỏi này.
Nguyễn Đình Chính là người nói thẳng nói thật,dám nói cả những điều không ai nói hoặc né tránh,không phải vì anh là con trai của cố nhà văn ,nhạc sỹ Nguyễn Đình Thi mà chính vì sự nghiệp Văn Học của anh còn là niềm ao ước của không ít người cầm bút. Với trên mười cuốn tiểu thuyết ,anh còn là nhà viết kịch bản cho các phim truyền hình dài tập.Tôi được xem một vài tác phẩm hội họa , điêu khắc của anh, được biết trong lĩnh vực này anh không qua một lớp chuyên nghành nào,anh cứ tự thể hiện như một thôi thúc tất yếu,một tài hoa thiên bẩm.Anh còn là một người yêu những nốt nhạc bên cây đàn Dương Cầm,chọn những bụi cúc thanh tao khi xuân về…
Tôi đã hoảng hồn khi đọc tập thơ “Chẹc Chẹc”của anh.Lần đầu tiên tôi tiếp xúc với những ngôn từ có thể nói là kinh dị trong thơ,rất nhiều dòng làm tôi giật mình đỏ mặt.Cá nhân tôi vốn là một người luôn thận trọng trong cách dùng từ ngữ,tôi vẫn tán thành quan điểm giữ gìn ngôn ngữ Tiếng Việt ,nhất là những ngôn ngữ ấy đại diện cho một điều cao quý là thơ.Nhưng rồi vượt qua tất cả những thành kiến ấy ,tôi đã ngồi thật lâu điềm tĩnh đọc lại thơ anh nhiều lần nữa.Tôi hiểu vì sao tôi có thể hiểu được,vì sao ư? Vì những dòng thơ thật tục thô ráp kia ngoài nghệ thuật cách tân thành công trong giai điệu và giải phóng ngôn từ là tính trào lộng hiện thực với thái độ đập thẳng quyết liệt( cục cứt thơ) là sự cay độc,bỡn cợt, nghê sợ về nhân cách con người(những bữa tiệc ăn thịt người), là khát vọng vươn tới cái đẹp cái thiện đến tuyệt vọng về tình yêu thanh cao đã mất (ngày chúa nhật buồn)là xót thương xương máu ngàn triệu liệt sỹ và cuộc sống đồng bào hậu chiến tranh( lạc quan buồn nghiêng mình).Sự chân thực không “giả nai” theo như ngôn ngữ thơ của anh là hiện thực đắng lòng. Và xuyên suốt trong tập thơ là tấm lòng một nhà văn Việt nam với tâm tư đau đáu về tổ quốc.
Nhưng tôi đã thật sự rất buồn vì những dòng thơ quá vô vọng của anh, tuyệt vọng, ảo giác,cô độc.. Anh quên mất hoặc không tin rằng sự phán xét cuối cùng thuộc về bạn đọc. Đấy nhất định không thể là “một đám đông cuồng nhiệt mắc bệnh lên đồng a dua”(trích phỏng vấn 2007) thuộc về mẹ nhân dân,người có tài và sáng suốt nhìn ra những người con tinh hoa của dân tộc đất nước mình.tuy nhiên còn phụ thuộc nhiều yếu tố và thời gian đôi khi vẫn mang đến câu trả lời chậm,ví dụ như cuốn tiểu thuyết “Đêm thánh nhân” của anh in năm 1999 bị cấm tái bản.Nhưng đã được xuất bản lại năm 2006 cả hai phần với tên sách mới là “Ngày hoàng đạo”.
Cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn đã luôn tâm niệm”Tôi ơi đừng tuyệt vọng” rất nhiều mọi nghành,mọi nghề đã được phát huy để duy trì và gìn giữ cuộc sống.văn hóa nước nhà dù bên cạnh cũng rất nhiều tệ nạn. Hãy nhìn nhận tất cả như một tất yếu để phát triển và hội nhập.Hãy nhìn thêm nữa anh sẽ thấy còn rất nhiều,có thể là nhỏ bé,giản dị. Hai con của tôi đang học ở trường cấp 1,2 trong thành phố,tôi đã nhiều năm làm công việc như mọi người vẫn gọi là “vác tù và hàng tổng” là trưởng ban phụ huynh lớp ,trong hội cha mẹ học sinh trường, ủy viên thường vụ nhà trường trẻ tuổi nhất. Không phải không có đôi lần gặp điều thất vọng, nhưng vẫn luôn cùng giáo viên nhà trường làm những điều tốt nhất cho học sinh.Tôi có người bạn hiện đang làm giám đốc một công ty, công ty anh được chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trao tặng huân chương lao động,nơi đã thực hiện những cuốn sách lịch sử giá trị về chiến tranh như ‘Huyền thoại Trường Sơn”,”Huyền thoại Điện Biên Phủ”,”Huyền thoại Phú Quốc”.Những cuốn sách được công ty anh chuyển tải phát hành ra nước ngoài bằng một niềm tự hào sâu sắc của những người con đất Việt hôm nay.Anh đã thường xuyên tổ chức các chuyến đi thăm lại chiến trường xưa bên những nghĩa trang liệt sỹ.Song song với các chuyến đi là những cuộc hội ngộ,thăm hỏi những bà mẹ anh hùng,những người vợ,con của các liệt sỹ, gói trọn niềm biết ơn bằng sẻ chia thiết thực cho cuộc sống hôm nay,và bao mảnh đời mồ côi cơ nhỡ cần những tấm lòng nhân ái.
Vừa qua đầu xuân tôi cũng có dịp đi thăm đền thờ các Đức Thánh Trần. Đền thờ 14 vị vua đời Trần. Một triều đại Việt xưa trải dài với những thịnh suy lịch sử,vẫn còn lại hôm nay chùa chiền, đền đài bên điệu Chầu Văn cổ kính thanh bình và một nền văn hóa không thể phủ nhận. 
Chúng tôi đi qua những con đường bụi mù giời,bùn nước lầy lội,những con đường đã thi công cả chục năm chưa được hoàn thiện,Ai là người chịu trách nhiệm?bao nhiêu người đã qua đây ít nhất cũng một lần tự hỏi và xót lòng.Nnhưng cũng không thể phủ nhận nhiều con đường đã được hoàn thành,nhiều cây cầu đã xây lên,nhiều ngôi trường mới mở.Bên thềm chào đón Thăng Long 1000 năm tuổi bao di tích Văn Hóa đã được trùng tu khôi phục lại,sau những tàn phá của chiến tranh của thời gian..Nếu tất cả chúng ta cùng đổ tại,cùng vô vọng,ngày mai sẽ còn lại gì? hẳn những liệt sỹ như Đặng Thùy Trâm,như Nguyễn Văn Thạc không chờ đợi ở chúng ta điều đó.
Tôi nhớ đến câu thơ của một người bạn,một sỹ quan trong quân đội,người cũng luôn trăn trở, khát vọng và anh có những gặt hái thành công nhất định trong sự nghiệp của mình:
“Bàn chân cha đã qua bao đất nước
Qua bao thành phố diệu kỳ
Bao cuộc sống đầy hoa
Nhiều lúc chợt nhói lòng cha ước
Bao giờ như thế Việt Nam ta

Luôn tin ngày mai phải thế
Khi con độ tuổi cha nay
Bởi dân tộc mình không thể
Nghèo đói trong thế giới này”
               (Trích bài Tin quyển 3- Lê Thanh Tùng thi tập)

Vậy thì mỗi chúng ta hãy trong khả năng của mình làm những gì có thể cho hôm nay,ngày mai các con của chúng ta được quyền hy vong vào một mùa xuân tương lai tốt đẹp an lành,một xã hội công bằng văn minh sánh cùng các nước trên thế giới,trên nền tảng giá trị duy trì và bảo tồn Văn Hóa truyền thống.
Và anh nữa nhà văn Nguyễn Đình Chính ạ,tôi hòan toàn tin rằng anh đang có một phác thảo tiểu thuyết ưu tú, một câu thơ hiện thực sắc bén đậm triết học Á Đông trong bức tranh Văn Học toàn cảnh của xã hội đương đại để dành lại cho nền Văn Học Việt Nam mai sau
Mùa xuân 2009



No comments: